TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-06-2018

    Thất thoát quản lý rượu thủ công: 2.000 tỉ đồng/năm?

    Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) đề nghị Bộ Y tế làm rõ có hay không khoản thất thoát 2.000 tỉ đồng/năm trong việc quản lý rượu thủ công để xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý, kinh doanh rượu.

    quy dinh ve khoang cach diem ban trong du thao luat phong, chong tac hai cua ruou, bia va do uong co con khac hien van dang co nhieu y kien trai chieu - anh: t.v.n

    Quy định về khoảng cách điểm bán trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác hiện vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh: T.V.N

    Không chỉ có kiến nghị gởi tới Hội đồng thẩm định dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác, VBA còn cho rằng "có những quy định vẫn chưa được Bộ Y tế tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, dù đã là dự thảo lần thứ ba", cũng như "vì sao những bất cập đó chưa được ban soạn thảo điều chỉnh".

    Theo VBA, trong dự thảo Luật chưa thể hiện được nội dung cần quan tâm nhất là quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, trong khi đây là nội dung cần phải quy định cụ thể nhất vì sản phẩm này là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và thất thu cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng/năm.

    Mức thất thu này được Bộ Y tế ước tính nếu quản lý tốt rượu thủ công thì Nhà nước có thể thu thêm 2.000 tỉ đồng/năm.

    Trong khi đó, VBA cho rằng theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, tổng thiệt hại tài chính từ thị trường bia, rượu trái phép (bao gồm cả rượu thủ công) tại Việt Nam ước khoảng khoảng 441 triệu USD/năm (hơn 10.000 tỉ đồng)

    Do đó, việc cần phải xác định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, "nhất là chính quyền cấp cơ sở trong việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công là vô cùng cần thiết", VBA nhấn mạnh.

    Cũng liên quan đến dự thảo Luật nói trên, các hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh sau khi được mời góp ý cho dự thảo hai lần trước, nhiều quy định bất cập, phi thực tế vẫn không được Bộ Y tế  tiếp thu, chỉnh sửa.

    Đơn cử là quy định về đảm bảo khoảng cách bán kính giữa các địa điểm kinh doanh rượu, bia và giữa địa điểm kinh doanh rượu bia với các địa điểm không được bán rượu bia không nhỏ hơn 200m (trừ các tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực du lịch).

    Các doanh nghiệp thắc mắc việc dự thảo quy định quy định khoảng cách bán kính 200m giữa các địa điểm kinh doanh rượu, bia được xây dựng trên cơ sở khoa học nào và quy định này sẽ phục vụ mục tiêu kiểm soát lạm dụng hay tiêu thụ bia, rượu như thế nào?

    Trong khi trên thực tế, VBA khẳng định "người tiêu dùng sẵn sàng di chuyển thêm 200m để mua rượu hay bia".

    Mặt khác, tại các thành phố lớn đang có xu hướng các cửa hàng bán lẻ tập trung vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại. Nếu dự thảo thông qua quy định nói trên, điều khoản này sẽ áp dụng như thế nào trong trường hợp các siêu thị hoặc trung tâm thương mại 'mọc' san sát như hiện nay?

    Theo ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch VBA, quy định nói trên không những không phù hợp với xu hướng phát triển của đô thị với việc thay thế các cửa hàng bán lẻ bằng các trung tâm thương mại, siêu thị, mà còn có thể tạo nên một cơ chế độc quyền khi mỗi trung tâm thương mại hay siêu thị chỉ được có một cửa hàng bán lẻ rượu, bia.(Tuoitre)
    ------------------------

    Nhiều doanh nhân Việt kiều nằm trong danh sách tỉ phú thế giới

    Hiện có khoảng 3.000 doanh nhân Việt kiều đang đầu tư, kinh doanh tại VN với tổng số vốn khoảng 4 tỉ USD. Trong số doanh nhân đó, nhiều người đã có tên trong danh sách tỉ phú của thế giới.

    Nhiều doanh nhân Việt kiều nằm trong danh sách tỉ phú thế giới - Ảnh 1.

    Doanh nhân Việt kiều từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ về VN dự hội nghị - Ảnh: N.BÌNH

    Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã cho biết như vậy tại Đại hội đại biểu Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài (BAOOV), được tổ chức ngày 29-6 tại TP.HCM.

    Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), lượng kiều hối của VN năm 2017 đạt gần 14 tỉ USD, đưa VN xếp hàng thứ 10 trong danh sách những quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, trong đó có đóng góp của doanh nhân VN ở nước ngoài. 

    Các dự án vận động và kết nối này không chỉ tạo việc làm, mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hiện đại mở rộng thị trường.

    Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng kiều bào, lực lượng doanh nhân VN ở nước ngoài đã phát triển và tham gia hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, tiếp cận trình độ khoa học, quản lý công nghệ tiên tiến, có mặt ở hầu hết vùng, quốc gia lãnh thổ, xây dựng được doanh nghiệp có thương hiệu lớn. Một số doanh nhân được xếp hạng trong danh sách tỉ phú thế giới.

    "Tuy vậy, nguồn lực 4,5 triệu kiều bào VN vẫn chưa được phát huy hiệu quả đúng mức. Hiện VN vẫn đang cố gắng rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật, tạo thuận lợi để người VN ở nước ngoài an tâm kinh doanh, sản xuất cũng như về nước đầu tư, tham gia hoạt động kinh doanh" - Phó thủ tướng khẳng định.

    Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ - tổng giám đốc Rynan Argiculture, một số doanh nhân VN ở nước ngoài đầu tư kinh doanh sản phẩm trong nước và đang phát triển rất tốt. 

    Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chưa nhiều người VN tự tin vào bản thân mình cũng như các sản phẩm truyền thống trong nước, nên việc đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh ra thị trường thế giới còn hạn chế. 

    Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng thương mại & công nghiệp VN (VCCI), các doanh nhân VN ở nước ngoài có lợi thế làm kinh doanh và trải nghiệm trong những môi trường kinh tế phát triển, tiến bộ, đây có thể xem là một bộ phận tinh túy của cộng đồng doanh nhân VN. 

    Dù có thể quy mô nhiều doanh nghiệp Việt kiều chưa lớn, nhưng hầu hết đáp ứng chuẩn mực quốc tế.

    Trong nỗ lực trở thành 1 trong 4 nền kinh tế có sức cạnh tranh nhất của khu vực ASEAN đến năm 2020, VN đang cố gắng đáp ứng các chuẩn mực về môi trường hoạt động kinh doanh. 

    "Quá trình này cần rất nhiều đóng góp của đội ngũ doanh nhân VN ở nước ngoài, thông qua việc góp ý cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cũng như trao đổi những kinh nghiệm phát triển kinh tế từ các nước" - ông Lộc nói.

    Do đó, ông Lộc đề nghị các doanh nhân Việt kiều không chỉ kết nối với doanh nhân, đưa các nhà đầu tư đến VN hay đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu mà có thể những chia sẻ hơn về kinh nghiệm quản trị, chuyển giao khoa học, công nghiệp, trách nhiệm xã hội với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ VN để họ có thể vươn tới những chuẩn mực quốc tế.

    Theo ông Hồ Văn Lâm - Việt kiều tại Thái Lan, kiều bào dù ở đâu vẫn luôn cố gắng đóng góp vào sự phát triển của nước nhà, sẵn sàng trở thành những đại sứ kinh tế của VN, chỉ cần môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi.

    Chương trình Kết nối doanh nhân kiều bào với doanh nghiệp Việt, Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 3 (2018 - 2023) thu hút khoảng 300 kiều bào, doanh nghiệp VN ở nước ngoài tham dự. Đại hội đã bầu ra được 33 đại biểu vào ban chấp hành hội, ông Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Rynan Argiculture, tiếp tục được bầu làm chủ tịch BAOOV.(Tuoitre)
    -------------------------

    FTA Việt Nam - EU: Doanh nghiệp cần chuẩn bị đón cơ hội

    Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU chuẩn bị ký kết mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này. Các doanh nghiệp đón nhận điều này như thế nào?

    FTA Việt Nam - EU: Doanh nghiệp cần chuẩn bị đón cơ hội - Ảnh 1.

    Công nhân trong một xưởng may tại Việt Nam - Ảnh: TL

    Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nói rằng mỗi một FTA ra đời chắc chắn xuất hiện nhiều điều kiện kèm theo buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng như quy định về chất lượng sản phẩm, nhà máy chế biến...

    FTA Việt Nam - EU cũng vậy, nếu hiệp định này được ký kết và thực thi sẽ giúp doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu ở những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... với thuế suất về 0%.

    Theo ông Vượng, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu tuy nhiên để tận dụng cần phải chuẩn bị, tính toán và nắm rõ các quy định mà FTA này yêu cầu như tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường.

    "EU là thị trường rất khó tính, điều kiện ngày càng chặt chẽ, muốn nắm bắt doanh nghiệp phải tập trung đầu tư nếu không chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh ngay cả khi có FTA", ông Vượng nói.

    Theo ông Vượng, các nghiệp mong muốn cơ quan quản lý tiếp tục rà soát cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, giấy phép con không cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. 

    Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng ngành dệt may kỳ vọng xuất khẩu sang EU tăng trưởng 15%/năm với hiệp định này.

    Ông Hồng nói rằng EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành dệt may Việt Nam, nếu FTA Việt Nam - EU được ký kết và triển khai sẽ là một thuận lợi khá lớn cho ngành dệt may và "rõ ràng là cơ hội cho các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường".

    Ông Hồng cho biết hiện nay, hàng dệt may Việt Nam đang phải chịu mức thuế từ 7-17%, FTA này được ký kết mức thuế suất giảm xuống còn 0%, tốc độ tăng trưởng ở thị trường này chắc chắn sẽ tăng trung bình 15% mỗi năm (hiện tăng trưởng khoảng 10%).

    "Việc thuế suất giảm xuống 0% là cơ hội để dệt may Việt có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ cùng xuất khẩu sang EU như Banglades, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc...", ông Hồng nói.

    Tuy nhiên doanh nghiệp có khai thác được 100% cơ hội này hay không lại là vấn đề. 

    Hiện nay thách thức của ngành dệt may là xuất xứ nguyên phụ liệu, dù FTA Việt Nam - EU chỉ yêu cầu đảm bảo nguồn gốc xuất xứ từ vải chứ không phải từ sợi như hiệp định CPTPP. 

    Đến nay ngành dệt may Việt Nam mới chỉ cung cấp được khoảng 30% nguyên liệu vải nội địa, vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nhiều thị trường ngoài EU.

    Vì vậy, để khai thác và chiếm lĩnh thị trường tốt hơn, Nhà nước cần có chính sách thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu. 

    Doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, mẫu mã, bao bì như quy định mà FTA này đưa ra.

    "Chúng ta phải làm triệt để, triển khai nhiều giải pháp chứ không trôi qua cơ hội sẽ rất uổng, mình được cắt thuế mà thua các nước khác thì rất buồn", ông Hồng nói.(Tuoitre)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn