TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-07-2018

    Giao dịch ở Việt Nam, tiền chảy về Trung Quốc: Xử nghiêm để bịt lỗ hổng

    Nhiều ý kiến đang bày tỏ lo ngại nếu như Alipay hay WeChat Pay tự động được sử dụng rộng rãi ở VN thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

    Một quầy hàng ở chợ Hàn, TP.Đà Nẵng có dán biểu tượng Alipay và chấp nhận thanh toán theo hình thức này - ẢNH: VĂN TIẾN

    Nhà nước thất thu thuế, hệ thống ngân hàng, các công ty thanh toán trong nước bị mất hết thị phần và có nguy cơ phá sản. Thậm chí ngay cả các dịch vụ thương mại, bán hàng điện tử… cũng đều lọt vào tay nước ngoài.

    Bởi đứng sau Alipay và WeChat Pay là tập đoàn Alibaba và Tencent đều đang đẩy mạnh việc cung cấp cho người dùng các dịch vụ khép kín gồm thương mại điện tử, thanh toán di động và cả mạng xã hội không chỉ ở Trung Quốc mà vươn ra cả Đông Nam Á, trong đó có VN.

    Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, cho rằng không những chuyển ngân lậu mà hình thức này còn trốn thuế tại VN. Khi chưa được pháp luật cho phép mà những điểm bán hàng sử dụng những mã QR của nước ngoài trong thanh toán là đã vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cần lập đoàn kiểm tra để thực hiện rút giấy phép kinh doanh. Do đây là hình thức sử dụng công nghệ trong thanh toán nên khá phức tạp nhưng cơ quan chức năng có thể phối hợp để giám sát được những hình thức chuyển ngân lậu này. Cơ quan chức năng có thể tra soát những giao dịch này ở những khu vực mà người nước ngoài thường xuất hiện như Quảng Ninh, Đà Nẵng…

    TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, nhận xét dường như hành lang pháp lý của VN chưa đủ quản lý hoạt động thanh toán điện tử đang bùng nổ. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo xu hướng di động sẽ ngày càng tăng cao trong nền kinh tế. Nhưng không bịt các lỗ hổng này sẽ khiến nguy cơ chảy ngân lậu gia tăng. Không chỉ nhà nước thất thu thuế từ các giao dịch chi tiêu trong nội địa mà chính sách tiền tệ cũng bị ảnh hưởng nặng. Do đó vấn đề đặt ra là kiểm tra và kiểm soát các hoạt động giao dịch thanh toán như thế nào để vẫn phát triển nhưng hạn chế được các thanh toán lậu. Cần phải có sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa ngân hàng nhà nước và cả các cơ quan liên quan để chặn các giao dịch “chui” tương tự cũng như các thanh toán sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ VN. Trước hết là cần phải vào cuộc điều tra những địa điểm có chấp nhận thanh toán ví điện tử “chui” và xử phạt nặng. Sau đó cần bổ sung chính sách phù hợp vì VN không thể cấm đoán xu hướng này mà phải tích cực phối hợp để phát huy điểm tích cực của nó.

    Còn theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, làn sóng thanh toán bằng mã QR trên điện thoại đã lan rộng khi ngày càng có nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ này. Quan trọng nhất là vấn đề kiểm tra giám sát hoạt động thanh toán của ngân hàng nhà nước. Từ đó mới có thể hạn chế được các điểm bán hàng thanh toán “chui”. Hơn nữa, việc thanh toán di động này sẽ ngày càng lan rộng không chỉ ở VN mà khắp thế giới nên cần các dịch vụ để cung cấp cho người dùng trong và ngoài nước. Vì vậy bản thân hệ thống tài chính ngân hàng hay các công ty thanh toán trung gian cũng cần phải đầy mạnh hợp tác với nhau lẫn hợp tác quốc tế để cung cấp dịch vụ chính thống. Đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn giao dịch, tạo niềm tin và thu hút người sử dụng nhiều hơn.(Thanhnien)
    ---------------------------

    Trái phiếu Trung Quốc hưởng lợi nhờ chiến tranh thương mại

    Trong bối cảnh thị trường vốn lao đao vì nỗi lo chiến tranh thương mại, trái phiếu chính phủ của Trung Quốc và Hàn Quốc tăng mạnh nhờ nhà đầu tư đổ tiền vào nhóm tài sản an toàn.

    Lợi suất 10 năm đạt mức thấp nhất 14 tháng - 3,47% - vào ngày 2/7. Giá trái phiếu sẽ tiếp tục tăng nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để đảm bảo tăng trưởng. Nhân dân tệ yếu sẽ là một rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng PBOC cam kết giữ đồng tiền ổn định hôm 3/7.

    Trái phiếu Trung Quốc tốt nhất trong các thị trường mới nổi châu Á quý II. (Nguồn: Bloomberg)

    “Bất kỳ diễn biến xấu đi nào trong xung đột thương mại Trung - Mỹ cũng là tin tốt cho trái phiếu chính phủ" vì sẽ tạo áp lực cho nền kinh tế và làm giảm sức hấp dẫn của tài sản rủi ro, nhà phân tích Meng Xiangjuan tại công ty nghiên cứu SWS ở Thượng Hải, nhận định.

    Tình hình ở Indonesia, Ấn Độ và Philippines lại ngược lại. Đây là những nước tránh được tác động của căng thẳng thương mại nhưng đang chịu thâm hụt tài khoản vãng lai.

    Tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng là điểm khác biệt lớn giữa các thị trường. Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với Thái Lan và Ấn Độ, hưởng lợi từ việc nắm giữ của nước ngoài thấp trong khi Indonesia chịu nhiều rủi ro. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Indonesia đạt 7,9%, cao nhất 18 tháng trong tuần trước. (NDH)

    Mức nắm giữ của nước ngoài cao khiến nợ Indonesia dễ tổn thương trước biến động. (Nguồn: ADB)

    --------------------------

    Ngân hàng dồn dập mua cổ phiếu để ‘cứu giá’

    Nhiều ngân hàng và lãnh đạo ngân hàng đang đẩy mạnh mua cổ phiếu giữa lúc thị trường chứng khoán giảm mạnh, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng lao dốc.

    Ngân hàng dồn dập mua cổ phiếu để ‘cứu giá’ - Ảnh 1.4

    Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh mua cổ phiếu quỹ. Trong ảnh là giao dịch tại Ngân hàng Eximbank. Ảnh: T.L.

    Bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - vừa đăng ký mua 14 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,139% vốn của ngân hàng này với mục đích đầu tư.

    Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 5-7 đến 3-8 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Trước giao dịch, bà Tú chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của Eximbank.

    Bà Lương Thị Cẩm Tú là ứng viên duy nhất được bầu vào Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong phiên họp thường niên mới tổ chức ngày 27-4. Trước đó, bà Tú là tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á trong thời gian từ 4-4-2015 đến tháng 3-2018.

    Đóng cửa ngày 3-7, giá cổ phiếu EIB ở mức 14.100 đồng/cổ phiếu. Với mức giá hiện nay, bà Tú sẽ phải chi hơn 197 tỉ đồng để mua 14 triệu cổ phiếu EIB đã đăng ký.

    Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã chứng khoán VPB) cũng vừa thông báo sẽ mua lại hơn 73,2 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ trong thời gian từ ngày 9-7 đến ngày 20-7 với giá mua hơn 33.996 đồng/cổ phiếu. Như vậy ước tính ngân hàng sẽ phải bỏ ra gần 2.500 tỉ đồng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển.

    Trước đó trong tháng 6, bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Ngô Chí Dũng - chủ tịch VPB - cũng đã mua vào 5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 0,318% vốn điều lệ của ngân hàng.

    Sau giao dịch, bà Hoàng Anh Minh nắm tổng cộng gần 73 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 4,642% vốn của ngân hàng này.

    Riêng ông Ngô Chí Dũng cũng đang sở hữu hơn 70,2 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 4,47% vốn VPB.

    Trước đây trong những giai đoạn thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh, nhiều ngân hàng cũng đua nhau mua cổ phiếu quỹ để cứu giá, để đầu tư hoặc giảm chi phí cổ tức… Sau đó khi thị trường chứng khoán khởi sắc nhiều ngân hàng đã bán cổ phiếu quỹ để thu lãi lớn. (Tuoitre)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn