TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-02-2016

    Sập mỏ vàng ở Nam Phi, hơn 100 người bị chôn vùi

    hien truong vu sap mo vang tai nam phi. (anh: rt)

    Hiện trường vụ sập mỏ vàng tại Nam Phi. (Ảnh: RT)


    Hơn 115 công nhân bị chôn vùi dưới lòng đất sau khi xảy ra vụ sập mỏ vàng ở tỉnh miền Đông của Nam Phi.

    Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ lực lượng cứu hộ, gần 80 người đã được đưa lên khỏi mặt đất. Người phát ngôn Hiệp hội Thợ mỏ và Liên đoàn Xây dựng (AMCU) Nam Phi Manzini Zungu cho biết, vụ sập hầm xảy ra tại mỏ than Lily thuộc tỉnh Mpumalanga, cách thủ đô Johannesburg 360 km về phía Đông.

    Tai nạn xảy ra ngay tại lối chính vào hầm mỏ. Đến nay, mới có 76 công nhân được đưa lên mặt đất trong khi 42 người khác vẫn đang mất tích. Được biết, mỏ khai thác bị sập thuộc Công ty chuyên khai thác vàng Vantage Gold Field. Được biết, cổ phiếu của công ty này đã bị loại bỏ khỏi sàn chứng khoán Nam Phi từ đầu năm ngoái. Hiện nhà chức trách đang điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn hầm mỏ.

    Các vụ sập hầm mỏ xảy ra khá thường xuyên tại Nam Phi. Năm ngoái, có tới 80 công nhân đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan đến hầm mỏ./.


    Ngân hàng Quân đội mở room cho khối ngoại lên 20%

    ngan hang quan doi mo room cho khoi ngoai len 20%

    Ngân hàng Quân đội mở room cho khối ngoại lên 20%


    Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đồng ý cho MB điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở giao dịch TP.HCM từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của MB.

    Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank – mã: MBB) vừa công bố thông tin về việc mở room nhà đầu tư nước ngoài.

    Cụ thể, MB cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đồng ý cho MB điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở giao dịch TP.HCM từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của MB.

    Hiện tổng số cổ phiếu đang lưu hành của MB là 1,6 tỷ cổ phiếu. Như vậy, số lượng chứng khoán nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tối đa theo quy định là 320 triệu cổ phiếu MBB.

    Mới đây MB cũng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015. Cụ thể, cả năm ngân hàng ghi nhận 3.220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 2.512 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 1,4% và 0,4% so với năm ngoái. Trong đó, riêng lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 2.495 tỷ đồng.


    Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt các ngân hàng nhà nước Zimbabwe

    Mỹ đã đưa hai ngân hàng nhà nước của Zimbabwe ra khỏi danh sách Những quốc gia đặc biệt và cá nhân bị ngăn chặn, mở đường cho các cá nhân và công ty Mỹ tiến hành các hoạt động kinh doanh với những ngân hàng này.

    Ngày 5/2, Phó Văn phòng Các vấn đề Xã hội tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Harare của Zimbabwe, Nicole Finnemann cho biết việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng của Zimbabwe khỏi danh sách là phù hợp với nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế toàn diện và giúp đỡ người dân Zimbabwe.​​

    Bà Finnemann nêu rõ: "Những ngân hàng này cung cấp các dịch vụ cho người dân chịu thiệt thòi và không đủ điều kiện ở Zimbabwe, phục vụ các nhiệm vụ phát triển duy nhất, đồng thời có vai trò kinh tế quan trọng trong lĩnh vực tài chính nông nghiệp và cơ sở hạ tầng."​

    Ngoài ra, Mỹ cũng đưa công ty Ndlovu Motorways và 5 người Zimbabwe ra khỏi danh sách trừng phạt. Như vậy, hiện vẫn còn 98 cá nhân và 66 thực thể liên quan đến Zimbabwe trong danh sách này.

    Năm 2003, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại những cá nhân và công ty có liên hệ với Tổng thống Robert Mugabe cùng chính phủ của ông với cáo buộc làm xói mòn những tiến trình và thể chế dân chủ ở Zimbabwe./.


    Ngân hàng AIIB chính thức bổ nhiệm nhóm lãnh đạo cấp cao

    ngan hang aiib chinh thuc bo nhiem nhom lanh dao cap cao

    Ngân hàng AIIB chính thức bổ nhiệm nhóm lãnh đạo cấp cao


    Ngày 5/2, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bổ nhiệm 5 Phó Chủ tịch có kinh nghiệm làm việc ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi cũng như các thể chế đa phương.

    Trong một thông cáo báo chí của AIIB, ngân hàng này đã bổ nhiệm ông Danny Alexander, người từng là Bộ trưởng Tài chính Anh giai đoạn 2010-2015, làm Phó Chủ tịch kiêm Thư ký Tổng hợp.

    Theo thông cáo, ông Kyttack Hong, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quản lý Rủi ro AIIB, trong khi 3 Phó Chủ tịch còn lại của AIIB là các ông D.J.Pandian, Joachim von Amsberg và Luky Eko Wuryanton, lần lượt phụ trách về đầu tư, chính sách-chiến lược và hành chính.

    Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần, cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc, cho biết ban lãnh đạo này sẽ đem kinh nghiệm và sự hiểu biết của họ để giúp AIIB phát triển hiệu quả.

    AIIB chính thức thành lập ngày 25/12/2015 và đi vào bắt đầu đi vào hoạt động 16/1/2016. Ngân hàng này hiện có 57 thành viên, với số vốn cơ bản 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất.

    Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết. Ấn Độ và Nga góp lần lượt 8,52% và 6,66% số vốn, nắm giữ quyền biểu quyết lần lượt 7,5% và 5,92%.

    Dự kiến, AIIB sẽ cung cấp các khoản cho vay đối với các dự án đầu tư đầu tiên vào giữa năm 2016./.


    Sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, công nghiệp sao đạt tăng trưởng 10%?

    san pham thieu suc canh tranh, cong nghiep sao dat tang truong 10%?

    Sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, công nghiệp sao đạt tăng trưởng 10%?


    Năm 2016, xu thế hội nhập sẽ tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt đặc biệt đối với các ngành công nghiệp cơ bản.

    Trong năm 2015, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng khá ấn tượng (với mức tăng 9,64%) góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP ở mức 6,68% so với năm trước, xác lập vị trí đi đầu trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế. Vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 là tăng 6,7% so với năm 2015, tương ứng khu vực công nghiệp - xây dựng phải tăng khoảng 10%.

    Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với cùng thời điểm năm 2015.

    Bộ Công Thương nhận định, sản xuất công nghiệp tháng đầu năm duy trì ổn định và có tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

    Cùng với đó, năm 2016, khi hợp tác thuế quan ưu đãi trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực, cùng với đó là rất nhiều các cam kết thương mại tự do (FTA) được thực thi, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được miễn giảm thuế đến 0%, sẽ tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn, rất cần những chính sách mạnh mẽ hơn để các ngành công nghiệp cơ bản phát triển bền vững.

    Đã có rất nhiều giải pháp được các doanh nghiệp thực hiện, trong đó, quản trị doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất cho hiệu quả rõ rệt. Ông Vũ Ngọc Quý - PGD Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai (Vimico) cho biết, trước tình hình biến động rất xấu của giá cả thị trường, công ty đã phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc trao đổi, đối thoại đối với người lao động để chia sẻ với lãnh đạo công ty trong quá trình hoạt động sản xuất. Song song với đó, công ty cũng đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp điều hành và quản trị chi phí để giảm giá thành sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất.

    Trong khi đó, thời gian qua sản xuất công nghiệp mới tăng cao ở một số nhóm ngành có vốn đầu tư nước ngoài; Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển.

    Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thừa nhận, trình độ công nghệ của ngành công nghiệp nước ta còn lạc hậu, kể cả so với các nước trong khu vực, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn thấp.

    “Có những sản phẩm công nghiệp trên thực tế vượt quá trình độ phát triển của chúng ta hiện nay. Điều này tạo áp lực cho ngành công nghiệp trong nước khi vừa phải lựa chọn sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nhưng cũng phải tính đến khả năng có thể làm được. Đặc biệt, những sản phẩm công nghệ rất cao trên thế giới cũng chỉ có một số ít hãng như của G7, hay EU, Hoa Kỳ mới có điều kiện để sản xuất, ví dụ như Tua bin máy phát nếu muốn chế tạo trong giai đoạn hiện nay sẽ là quá xa tầm với của ngành công nghiệp chế tạo.

    “Để làm được những sản phẩm như vậy, nền tảng hạ tầng của công nghiệp Việt Nam phải đủ vững chắc, ví dụ như công nghệ vật liệu, về thiết kế, chế tạo cơ bản, đặc biệt là ngành công nghệ vật liệu của chúng ta hiện nay còn rất nhiều hạn chế”, ông Hoài cho biết.

    Trong một cuộc họp gần đây, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nêu rõ thực tế: Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp vẫn còn chậm và chưa bền vững. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành công nghiệp vẫn chậm, khả năng cạnh tranh hạn chế. Sản xuất công nghiệp chưa tham gia sâu, rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

    “Đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong đó có các sản phẩm điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử… mặc dù có sự tăng trưởng và tăng trưởng liên tục trong thời gian vừa qua, nhưng chúng ta chưa hàm nghĩa đến sự phát triển bền vững. Phát triển bền vững còn chứa đựng rất nhiều yếu tố của kết cấu sản xuất cũng như các khía cạnh của giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ và năng suất lao động…

    Chưa kể đến chúng ta còn phải khẳng định yếu tố bền vững trong việc tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu mà chúng ta còn yếu và chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có được sản phẩm có được thị phần và có được vai trò bền vững trong ngành công nghiệp ở Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

    Ngành công nghiệp bước vào năm 2016 với rất nhiều khó khăn tồn tại đó cộng với những thách thức của hội nhập rộng và sâu bởi các cam kết quốc tế. Để đạt được tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 13%, trong năm 2016 này, cơ quan quản lý nhà nước đang đặt mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ.

    Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩm và thực hiện các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp./.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn