TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-05-2016

    Trung Quốc thu giữ hơn 10 tấn sứa giả làm từ chất đông đặc

    anh minh hoa. (nguon: photoshelter.com)

    Ảnh minh họa. (Nguồn: photoshelter.com)

    Theo Tân Hoa xã, hơn 10 tấn sứa làm giả đã bị cơ quan chức năng thu giữ ở tỉnh Chiết Giang và tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc.

    Trong một thông báo ngày 6/5, cảnh sát thành phố Hồ Châu cho biết đã bắt giữ 3 đối tượng hồi tháng trước vì bán sứa nhân tạo tại một chợ ở khu vực nông thôn, thu giữ 150kg sản phẩm này.

    Một trong số các đối tượng trên đã khai nhận làm loại sứa trên bằng chất đông đặc (sodium alginate), canxi clorua (CaCl2) và nhôm sunphát (Al2(SO4)3) từ tháng 6/2015 và đã thu lãi trên 70.000 nhân dân tệ (10.700 USD).

    Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ thêm 3 đối tượng khác ở thành phố Thường Châu và thu giữ hơn 10 tấn sứa giả.

    Kết quả kiểm tra loại sứa nhân tạo này cho thấy chứa hàm lượng nhôm cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc.

    Nhà chức trách đang mở rộng điều tra


    Bán tháo cây thuốc quý cho Trung Quốc

    Nhiều cây thuốc quý đang bị người dân các tỉnh Tây Nguyên vào rừng khai thác để bán lại cho thương lái xuất sang Trung Quốc với giá rẻ mạt

    Từ nhiều ngày qua, người dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum kéo nhau vào rừng săn lùng cây lông cu ly để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Trên tuyến đường NT18, nối từ Quốc lộ 14 vào khu vực cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), cây lông cu ly được chất thành đống, trải phơi khô kéo dài hàng trăm mét.

    5 kg dược liệu = ổ bánh mì

    Theo một thương lái tên Hoàng, trung bình mỗi ngày ông mua được khoảng 10 tấn lông cu ly. Sau khi phơi khô, thái lát, ông Hoàng cho xe chở qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc để bán lại cho thương lái Trung Quốc. “Giá mua là 2.000 đồng/kg. Tính ra, 5 kg chỉ bằng… một ổ bánh mì. Sau khi thái lát, phơi khô, tôi cho xe đưa lên cửa khẩu phía Bắc bán cho thương lái Trung Quốc với giá 14.000 đồng/kg” - ông Hoàng nói. Chị Lê Thị Tâm, một người được thương lái thuê phơi cây lông cu ly, cho biết: “Bà con ở đây chỉ biết cây lông cu ly là loại dược liệu để cầm máu thôi, chứ không biết họ mua để làm gì. Thấy dễ kiếm tiền nên nhiều người vào rừng chặt về bán”.

    Ngoài cây lông cu ly, nhiều cây thuốc khác cũng bị người dân tận diệt để bán cho thương lái với giá rẻ mạt. Tại huyện Kon Rẫy và Đắk Glei (tỉnh Kon Tum), người dân vào rừng săn lùng cây huyết đằng (cây máu chó). Sau khi thu gom với giá 3.000 đồng/kg, các đầu nậu bán lại cho thương lái Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần.

    Tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), thương lái lùng mua đinh lăng rừng (chữa đau lưng, mỏi gối, tê thấp), giá mua khô khoảng 800.000 đồng/kg. Riêng tại địa bàn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, người dân vào rừng tìm chặt một loài cây dây leo, thường gọi là cây “rươi”, để bán cho thương lái với giá 3.500 đồng/kg.

    Tự do tận diệt!

    Dù dược liệu được mua với giá rất thấp nhưng do không có công ăn việc làm nên người dân đổ xô vào rừng khai thác cây thuốc. Đáng lưu tâm là vì dễ dàng kiếm tiền nên thời gian qua, nhiều học sinh ở các tỉnh Tây Nguyên bỏ học để vào rừng chặt phá các loại dược liệu. Em Ksor Tuyn (học lớp 9; ngụ xã Ia Rmọk, huyện Krông Pa) bỏ học từ nhiều ngày nay để vào rừng chặt cây “rươi” về bán. Mỗi ngày em “thu hoạch” khoảng 60 kg, bán được 200.000 đồng. “Đó là số tiền lớn với gia đình em. Số tiền kiếm được, em đưa cho mẹ mua gạo, chỉ lấy một ít mua bánh kẹo” - em Tuyn bộc bạch.

    Vấn đề là trong khi các loài dược liệu đang bị tận diệt, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chức năng chưa ngó ngàng tới. Ông Ksor Run, Chủ tịch UBND xã Ia Rmọk, cho rằng việc người dân vào rừng chặt cây dược liệu về bán, chính quyền vẫn chưa nắm được. Còn theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glei, cây máu chó được người dân khai thác trên địa bàn không thuộc danh mục cấm. Những hộ dân nhận khoán rừng có thể khai thác để kiếm thêm thu nhập.

    Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, thừa nhận việc người dân vào rừng khai thác cây dược liệu là rất khó kiểm soát. “Ngành kiểm lâm không quản lý con người. Trong khi đó, việc khai thác cây dược liệu phần lớn do người dân ở địa phương khác đến khai thác, chặt phá” - bà Hương phân trần.


    Vì sao ngân hàng kém mặn mà với dự án nông nghiệp?

    Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh cho  biết, vốn ngân hàng thực tế không thiếu, nhưng ngân hàng chưa mặn mà với nông nghiệp.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Tại hội nghị Tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp Quảng Ninhngày 7/5, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro.
    Dẫn số liệu Tổng cục Thống kê, ông Tuấn cho biết, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 1%, và đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 5 - 6% tổng đầu tư toàn xã hội.
    Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng muốn thu hút doanh nghiệp vào mảng nông nghiệp cần giải quyết được bài toàn về vốn.
    “Điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư và vay vốn của ngân hàng, là cần đơn giản hóa các thủ tục vay vốn. Thay vì ưu đãi lãi suất thấp, cần khuyến khích ngân hàng tạo điều kiện thông thoáng hơn trong thủ tục cho vay và cho vay tín chấp”, ôngTuấn nói.
    Nhiều chuyên gia cũng đồng tình ý kiến cần khuyến khích ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nông nghiệp.
    Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh: Vấn đề này khó từ xưa, rủi ro cao nên các nhà đầu tư rất ngại. Hiện nay, vốn của ngân hàng thực tế không thiếu, nhưng ngân hàng chưa mặn mà. 
    “Làm thế nào để ngân hàng mặn mà với nông nghiệp là việc cần giải quyết. Thực lòng ngân hàng chưa có niềm tin vào dự án nông nghiệp”, ông Thạch thẳng thắn nói.
    Ông Thạch cũng nói thêm, các nhà khoa học nên giúp doanh nghiệp nêu được dự án để thuyết phục ngân hàng. Ngân hàng cảm thấy sợ mất vốn đầu tư thì nên yêu cầu thế chấp, có thể là đầm, hoặc đê. 
    “Nếu không, quanh đi quẩn lại, ngân hàng không tin doanh nghiệp, doanh nghiệp không chứng minh được hiệu quả”, ông nói.
    Theo ý kiến của ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, ngân hàng chưa tin doanh nghiệp vì độ rủi ro chưa giải toả, phần bảo lãnh hiện là điểm nghẽn chung. 
    TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược cho rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Đây là câu chuyện vai trò của chính quyền, cần có chính sách hình thành tư vấn kỹ thuật giúp ngân hàng và doanh nghiệp xây dựng chính sách. 
    Tất cả câu chuyện, cần chuyển về dài hạn, ngoài vay vốn theo cung cầu, cần hình thành nhóm tác chiến xây dựng và kiểm soát dự án, cần xây dựng quỹ đầu tư là chính sách, không phải thương mại hỗ trợ ngành áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp có giá trị.
    Ông Sơn cho rằng, để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp không chỉ cần các quỹ phát triển mà cần các quỹ khởi nghiệp nữa. “Tôi nghĩ là chúng ta cần vào cuộc, ngồi với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để gắn với ngân hàng, điều hành như thế nào để tổ chức có hiệu quả hơn”, vị chuyên gia gợi ý.

    Siêu dự án trên sông Hồng: Làm lợi cho Trung Quốc?

    Siêu dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng không nằm trong quy hoạch, hoàn toàn trái luật và không được phép.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Trái luật

    Trong khi các bộ ngành đang tranh cãi, các nhà khoa học phản đối, nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng nhưng lợi cho Trung Quốc lại rất rõ.

    GS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định Sông Hồng không có quy hoạch phát triển thủy điện. Việc xây 6 đập này, nếu được thực hiện là hoàn toàn trái luật.

    "Sông Hồng là tài sản quốc gia, phải do quốc gia định đoạt. Một doanh nghiệp tư nhân có quyền đề nghị nhưng đụng đến con sông chi phối đời sống của hơn 40 triệu người dân đồng bằng Bắc Bộ, thì phải được Quốc hội phê chuẩn. Bộ Kế hoạch – đầu tư đã làm sai trình tự xây dựng cơ bản. Khi xem xét một dự án nào đó phải căn cứ vào nhu cầu thực sự.

    Với dự án này, phải xem xét có nhu cầu về giao thông và thủy điện ở khu vực đó không. Tôi nghe là Bộ Giao thông vận tải có đề nghị, nhưng ngành Điện không đồng ý. Vậy tại sao lại trình 6 cái thủy điện?

    Sau khi xem xét nhu cầu lại phải xem đến quy hoạch. Sông Hồng không có quy hoạch thủy điện, chỉ có quy hoạch thủy lợi.

    Quy hoạch chưa có đã trình Chính phủ là sai rồi. Đánh giá khả thi cũng chưa chắc chắn. Nếu như dự án này được thông qua sẽ gây hậu quả khôn lường.

    Đây không phải dự án bình thường, mà phía sau đó là rất nhiều hệ lụy mà hàng trăm năm sau cũng không giải quyết được", ông Hồng nói.

    Đó là về mặt quy hoạch, về tính khả thi nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thẳng thắn cho biết dự án không có tính khả thi về mọi mặt.

    Về kinh tế, ông cho biết, không có chủ đầu tư nào vốn chỉ có 1.200 tỉ, mà làm dự án trên 24.000 tỉ. Họ không kiếm đâu ra vốn đối ứng để hoàn thành công trình. Nếu họ làm dang dở rồi bị phá sản, thì hậu quả của sông Hồng để lại cho ai?

    Về môi trường, nếu dự án này được thực hiện, vựa lúa sông Hồng sẽ mất, ai lo vấn đề an ninh lương thực quốc gia?

    Đồng bằng sông Hồng có mỏ than rất lớn, nhưng Chính phủ không dám cho khai thác vì sợ làm cho đồng bằng sông Hồng tụt xuống. Bao đời nay, người dân Bắc Bộ chỉ biết trồng lúa, nếu đồng bằng sông Hồng sụt lún sâu, không còn đất sản xuất thì biết làm gì?

    Về an ninh, nếu dự án hoàn thành, biên giới 2 nước Việt Nam – Trung Quốc sẽ trở thành xuyên suốt, kiểm soát sẽ khó khăn hơn. Trong trường hợp công ty Xuân Thiện thua lỗ rồi bán dự án cho doanh nghiệp nước ngoài, liệu rằng Chính phủ có thể điều hành được không?

    Về xã hội, việc Tập đoàn tư nhân nắm con sông huyết mạch sẽ xảy ra tranh chấp nước giữa các địa phương dưới hạ du. Tại sao Bộ Kế hoạch - Đầu tư lại tham mưu, đệ trình Chính phủ phê duyệt dự án? Tôi nghĩ rằng bản thân họ cũng không hiểu rằng dự án sẽ đi về đâu.

    "Dự án chỉ là cái cớ nhân thể để kiếm lợi. Mục đích của dự án là tận thu cát và sa khoáng từ việc nạo vét 288km lòng sông. Nếu lỗ vốn, doanh nghiệp sẽ bán dự án, khi đó chắc chắn doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mua.

    Trung Quốc đã có 8 đập lớn trên thượng nguồn, nếu có thêm các đập phía hạ nguồn sẽ kiểm soát toàn bộ sông Hồng, khiến Việt Nam bị phụ thuộc nguồn nước. Khi Trung Quốc kiểm soát nguồn nước thì hạ du còn gì? Mùa kiệt chúng ta cần nước thì thủy điện sẽ tích lại. Muốn có nước, Nhà nước phải đánh đổi, cho họ đất vàng và các cơ chế ưu đãi đặc thù.

    Chúng ta ở hạ nguồn, bị phụ thuộc vào thượng nguồn mà lại tự trói mình là sai lầm. Tôi tin là dự án này sẽ không được Quốc hội phê chuẩn", vị chuyên gia bày tỏ.

    Lợi cho Trung Quốc rất rõ

    TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, cần thận trọng với dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng vì dự án quá tham vọng và có rất nhiều rủi ro đối với nền kinh tế, với môi trường và đời sống người dân.

    Đặc biệt, cần làm rõ việc ngăn lại thành các đập trên sông Hồng sẽ ảnh hưởng đến sinh thái và nguồn nước trồng lúa cho đồng bằng Bắc Bộ.

    Theo đó, phải lập Hội đồng độc lập nhà nước và lấy ý kiến của cơ quan tư vấn quốc tế về tác động của dự án chứ không thể đưa ra đánh giá tác động sơ sài rồi để dự án thực hiện. (BĐV)


    Đại gia Thái đổ bộ: Món hời mang tên giấy phép

    Big C bán và doanh nghiệp (DN) Thái Lan đã trả giá cao hơn để mua Big C. Tại sao họ chấp nhận trả giá cao? Tại sao DN Việt không trả giá cao hơn?
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Những DN tham gia thương vụ mua Big C Việt Nam đều có thể tính ra hết con số. Cửa hàng 1 này nằm ở đâu, cửa hàng 2 nằm ở đâu, giá cả thế nào, lợi thế đất thế nào, tài sản gồm những gì, bao nhiêu máy móc, bao nhiêu quầy kệ, bao nhiêu xe đẩy, sức mua, doanh số, lợi nhuận... đều tính ra con số cụ thể hết.
    Tài sản hữu hình hay vô hình đều định giá được. Đã định giá được thì chẳng ai lại trả giá quá cao để mua hớ một món hàng cả. Đã định được giá thì không ai muốn bán rẻ cả.
    Vậy thì tại sao DN Việt trả giá thấp hơn, còn đại gia Thái lại trả cao hơn?
    Đương nhiên là một thương vụ mua bán có rất nhiều nội dung để bàn, để định giá.
    Trong câu chuyện bán Big C, bí ẩn về giá còn nằm ở tờ giấy phép.
    Đó là giấy phép mở cửa hàng mà chính Big C đang cầm trong tay. Với khoảng 40 giấy phép cho các siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.
    DN Thái Lan nếu bắt đầu vào Việt Nam để mở siêu thị thì đương nhiên là phải xin giấy phép thành lập. Từ cửa hàng/siêu thị thứ hai trở đi, DN nước ngoài sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Tiêu chuẩn này hiện chưa được ban hành cụ thể nhưng các nhà đầu tư ngoại đều e ngại rằng nó sẽ có bất cứ lúc nào. Khi đó việc mở siêu thị thứ 2, 3, 4... là vô cùng đáng ngại.
    Nếu họ mua lại một hệ thống bán lẻ có sẵn, như Big C với khoảng 40 siêu thị/cửa hàng, họ chẳng phải lo nghĩ đến việc đi xin 40 cái giấy phép.
    Các DN Việt Nam có cần trả giá cao cho giấy phép này không? Hoàn toàn không cần. Thứ nhất, theo quy định thì DN trong nước không bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn ENT. Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho DN nước ngoài. Việc xin phép mở siêu thị, cửa hàng với DN Việt không khó khăn như các DN Thái.
    Cho nên phía Thái Lan đã trả thêm tiền để mua cái mà họ cần.
    Trên trang web của mình, http://www.groupe-casino.fr/, Casino chính thức thông cáo bán Big C Vietnam cho Central Group Thái Lan với giá 1 tỉ euro, tương đương 1,1 tỷ USD.
    Vấn đề là tại sao Casino bán hệ thống Big C đi? Chả nhẽ họ không cần các giấy phép này sao? Không riêng Casino (Pháp) bán Big C mà trước đó, Metro (Đức) cũng đã bán hệ thống siêu thị của mình. Tại sao các thương vụ mua bán siêu thị, cửa hàng đều được DN Thái mua giá cao?
    Các DN Pháp, Đức nói riêng và khối châu Âu nói chung không còn đặt nặng vấn đề giấy phép bán lẻ nữa.
    Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-châu Âu, vấn đề hàng rào kỹ thuật ENT đã không xuất hiện. Điều đó có nghĩa là các DN châu Âu không còn bị cản trở bởi điều kiện này nữa.
    Giấy phép này dần mất giá với Casino nhưng lại vô cùng có giá đối với DN Thái. Đó là lý do Casino bán khi còn đang có giá.
    Đương nhiên, DN Việt chẳng thể bỏ ra thêm nhiều tiền để mua thứ giấy phép mà họ không khó khăn để có được. Ngay cả các DN bán lẻ châu Âu khác cũng sẽ chẳng trả thêm giá cho giấy phép hay ENT, bởi họ cũng sẽ thuận lợi về pháp lý như Casino hay Metro.
    Có vẻ như DN Thái đã chọn con đường mua lại để tiến vào thị trường Việt Nam, để tránh đi những bất lợi pháp lý mà họ đang thua thiệt hơn DN chủ nhà lẫn DN một số nước khác.
    Và chắc chắn rằng các ông lớn đầy kinh nghiệm pháp lý ở châu Âu hay Mỹ không ngây thơ để vuột một món hời mang tên giấy phép.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn