Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-11-2015
Tạm đình chỉ ba công ty đưa lao động sang Ả-rập Xê-út
Cụ thể, Công ty Cổ phẩn Xuất khẩu lao động và thương mại Bảo Việt (Taylo), Công ty Cổ phần quốc tế Nhật Minh (Namico) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa (Leesco), thời hạn ba tháng kể từ 16-11-2015.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian qua hoạt động đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út của ba công ty Taylo, Namico và Leesco phát sinh nhiều vụ việc, trong đó có những vụ việc các công ty chậm xử lý gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trong thời gian tạm dừng Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu ba công ty không được ký kết và đăng ký hợp đồng cung ứng lao động giúp việc gia đình, không được tuyển chọn và đào tạo lao động giúp việc gia đình để đưa sang Ả-rập Xê-út.
Chấn chỉnh công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và bộ máy quản lý lao động tại Ả-rập Xê-út. Phối hợp với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, tồn đọng liên quan đến người lao động do ba công ty đưa đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út.
Cùng ngày, Bộ LĐ-TB&XH cho biết vừa có văn bản chấn chỉnh các công ty đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út.
Theo đó, các công ty phải thực hiện nghiêm túc vấn đề đào tạo, có đủ cán bộ quản lý thường trực ở Ả-rập Xê-út để phối hợi với các đối tác tiếp nhận, quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh tại nước sở tại. Doanh nghiệp có 300 lao động làm việc ở Ả-rập Xê-út thì phải có tối thiểu một cán bộ để quản lý lao động.
Doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người có tuổi đời 21-47 với mức lương tối thiểu 1.300 SR/tháng, người lao động được nghỉ tối thiểu chín giờ liên tục/ngày và một ngày/tuần...
Hàng Nhật chờ thuế giảm để vào VN
Hiện nay thuế suất nhập khẩu nhóm hàng này vào VN khoảng 15%, nên giá các sản phẩm Nhật Bản vào VN vẫn khá cao, khó cạnh tranh so với hàng cùng loại từ thị trường Trung Quốc...
Ngày 13-11, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi kết nối doanh nghiệp lĩnh vực hàng gia dụng chất lượng cao Nhật Bản với các doanh nghiệp VN tại TP.HCM, đại diện Công ty Miyazaki Seisakusho, chuyên sản xuất mặt hàng dụng cụ làm bếp, cho biết đang chờ biểu thuế cam kết trong TPP, với thuế suất nhập khẩu mặt hàng này vào VN sẽ giảm sâu để đẩy mạnh việc khai thác thị trường VN.
Theo vị này, hiện nay thuế suất nhập khẩu nhóm hàng này vào VN khoảng 15%, nên giá các sản phẩm Nhật Bản vào VN vẫn khá cao, khó cạnh tranh so với hàng cùng loại từ thị trường Trung Quốc, Thái Lan...
Nhiều công ty khác trong lĩnh vực hàng gia dụng Nhật Bản cũng cho biết đang chờ TPP có hiệu lực, bởi sản phẩm xuất qua VN rất khó cạnh tranh khi đang chịu thuế từ 15 - 20%.
Theo văn phòng Jetro tại TP.HCM, chương trình kết nối doanh nghiệp lần này có sự tham gia của 37 công ty Nhật Bản ưu tú trong lĩnh vực hàng gia dụng, hầu hết doanh nghiệp lần đầu có mặt tại VN.
Hoàng tử Anh hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp Việt Nam
Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao kết quả thảo luận của hoàng tử Andrew với Bộ KH&ĐT về ý tưởng hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp (DN) và phát triển DN vừa và nhỏ tại Việt Nam. Đồng thời bày tỏ tin tưởng ý tưởng của hoàng tử Andrew sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.
Theo VOV, Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn hợp tác thiết thực, hiệu quả với Anh trên tất cả lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Hoàng tử Andrew cho biết với kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ khởi sự DN và phát triển DN vừa và nhỏ, ông đã và sẽ có các cuộc thảo luận với các cơ quan chức năng Việt Nam và cộng đồng DN hai nước về kế hoạch hành động để triển khai ý tưởng này trong năm tới. Theo đó sẽ giúp Việt Nam xây dựng mô hình kết nối và hỗ trợ khởi sự DN và đưa các DN này phát triển thành công trong môi trường kinh doanh toàn cầu.
Nhiều ‘ông lớn’ điện tử đầu tư tỉ đô vào Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2013 đến nay tỉ trọng xuất khẩu ngành điện tử luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu hằng năm đã vượt ngưỡng 30 tỉ USD.
Trong thời gian gần đây, các tập đoàn điện tử lớn có xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Một trong những lý do là sản xuất điện tử với chi phí cận biên thấp thường tập trung ở những quốc gia có lợi thế về chi phí lao động thấp như Việt Nam.
Cụ thể, thời gian gần đây Samsung Electronics chuyển nhà máy sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam. LG Electronics chuyển bộ phận sản xuất TV từ Thái Lan sang Việt Nam. Trước đó, năm 2014, Microsoft dời dây chuyền Nokia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số hãng điện thoại Archos (Pháp) và Compal (Đài Loan) cũng muốn xúc tiến mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Thương mại hóa sản phẩm công nghệ nano 'made in VN'