TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-05-2016

    Xuất khẩu thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định

    Xuất khẩu thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định

    XK thủy sản của cả nước trong tháng 4/2016 đạt gần 561 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. So với những tháng trước, doanh số XK và mức tăng trưởng duy trì ổn định.

    Đây là tín hiệu lạc quan để có thể hy vọng XK của cả năm 2016 tăng trưởng tốt. Tổng XK thủy sản tính đến hết tháng 4/2016 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

    XK tôm trong tháng 4 đạt 240 triệu USD, tương đương với giá trị của tháng 3 và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tỷ trọng của tôm sú đang tăng dần lên: từ 32,5% với 78 triệu USD trong tháng 3 lên 33,5% với 80 triệu USD trong tháng 4. Trong khi đó, tôm chân trắng từ 58,8% với 142 triệu USD giảm xuống 57,8% với 139 triệu USD.

    Tổng giá trị XK tôm 4 tháng đầu năm đạt 859 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm sú 294 triệu USD, tăng gần 12%, tôm chân trắng đạt 493 triệu USD, tăng 7,2%.

    Nắng nóng và xâm ngập mặn ảnh hưởng mạnh đến sản xuất tôm nguyên liệu, trong đó, diện tích và sản lượng tôm chân trắng bị ảnh hưởng mạnh, trong khi tôm sú có cơ hội tăng vị thế vì sản lượng tăng. Ngoài ra, XK tôm sú tươi sang Trung Quốc được khôi phục cũng là nguyên nhân đẩy giá trị XK sang thị trường này tăng mạnh. Trung Quốc chiếm 12% tỷ trọng XK tôm của Việt Nam, riêng tôm sú chiếm 31% tỷ trọng. Thị trường tiêu thụ tôm sú lớn thứ 2 là Mỹ, chiếm 18% tỷ trọng. XK tôm sú Việt Nam sang thị trường Mỹ đang thuận lợi, nhất là tôm sú vỏ, vì có lợi thế hơn về nguồn cung so với các nước đối thủ.

    Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, diện tích thả nuôi tôm sú của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 520.342 ha, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm 2015, sản lượng ước đạt 53.776 tấn tăng 4,3%. Diện tích thả nuôi tôm chân trắng ước đạt 19.800 ha (-7,69%), sản lượng ước đạt 30.604 tấn (-4,67%).

    XK cá tra có dấu hiệu tích cực với mức tăng trưởng 13% trong tháng 4, đạt 142 triệu USD, sau khi giảm gần 3% trong tháng 3 với 128 triệu USD. XK sang các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Mexico tăng mạnh (tăng lần lượt 17%, 94%, 57% và 86%), trong khi XK sang EU và ASEAN giảm 9% và 12%.

    Tổng XK cá tra 4 tháng đầu năm đạt 507,5 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK sang Brazil tăng mạnh nhất (+274%), Trung Quốc tăng 61% và Mỹ tăng 7%. XK cá tra sang Brazil bị đình trệ từ quý IV/2014 đến hết quý I/2015 do việc tạm ngừng cấp phép của chính phủ nước này. Tuy nhiên, từ quý II/2015 đến nay đã trở lại bình thường, do vậy XK sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm nay tăng mạnh so với năm 2015.

    XK cá tra sang Mỹ tăng có thể do giá trung bình XK tăng trước tác động của quyết định cuối cùng của USDA về thanh tra cá tra, cá da trơn. Quy định mới của USDA gây ra một số bất ổn cho nhà XK và NK cá tra. Thời hạn quá ngắn để thực hiện tất cả các thủ tục. Nếu thực hiện như dự kiến, có thể sẽ làm giảm nguồn cung do số công ty tham gia XK giảm đi và người mua phải chịu giá tăng do chi phí phát sinh thêm.

    Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, sản lượng thu hoạch cá tra 4 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 281.500 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ. Trong đó các tỉnh có diện tích và sản lượng lớn lại có xu hướng giảm nhiều hơn cả, cụ thể: Vĩnh Long 25.785 tấn (-14%), Đồng Tháp 90.000 tấn (-5%), An Giang 65.485 tấn (-16%). Nguy cơ thiếu cung có thể sẽ tác động đẩy giá cá tra XK tăng trong những tháng tới và gây lo ngại cho các nhà NK tại các thị trường.

    XK cá ngừ trong tháng 4 cũng có tín hiệu tốt vì đã có tăng trưởng dương 2,5% và đáng chú ý là sản phẩm cá ngừ đông lạnh nguyên liệu (mã HS 03) đang phục hồi tốt (tăng 14%). Trong khi XK cá ngừ chế biến, mã HS16 có xu hướng giảm (-11%). XK cá ngừ sang hầu hết các thị trường chính tăng mạnh: ASEAN tăng 79%, Trung Quốc tăng 72%, Mexico tăng 132%, EU gần 3%. Trong khi XK sang Mỹ giảm 1,5% và Nhật Bản giảm gần 20%.

    Tổng XK cá ngừ 4 tháng đầu năm đạt 141 triệu USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó cá ngừ chế biến và đóng hộp giảm 21% đạt 55,5 triệu USD, cá ngừ đông lạnh đạt 85 triệu USD, tăng 13,7%.

    Mỹ - thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam năm nay tăng NK cá ngừ đông lạnh mã HS03 (chiếm 70% giá trị NK các sản phâm cá ngừ Việt Nam). Trung Quốc năm nay cũng nổi lên là thị trường NK cá ngừ tiềm năng với 95% là cá ngừ đông lạnh. Vừa dẫn đầu về NK cá ngừ đông lạnh, Mỹ cũng dẫn đầu về NK cá ngừ hộp và chế biến khác (mã HS16), tiếp đến là Thái Lan với giá trị cá ngừ hộp chiếm tới 95%.

    Đối với các mặt hàng hải sản khác, trừ cua ghẹ đạt tăng trưởng 10,4%, XK mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm lần lượt 15% và 4% trong tháng 4. Tổng XK mực, bạch tuộc 4 tháng đầu năm giảm gần 9% đạt 112 triệu USD, trong khi nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 26,6 triệu USD, tăng gần 5%. Nhật Bản là thị trường NK nhiều nhất sản phẩm mực của Việt Nam, trong khi Hàn Quốc là thị trường lớn nhất tiêu thụ sản phẩm bạch tuộc. Tuy nhiên, XK sang 2 thị trường chính này đều giảm trong tháng 4 (giảm lần lượt 16,3% và 0,1% so với cùng kỳ); XK trong 4 tháng cũng giảm lần lượt 13,5% và 1,6%.

    Dự báo, trong quý II, XK thủy sản của cả nước sẽ đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chủ yếu nhờ XK tôm dự kiến đạt 788 triệu USD, tăng 10%. Trong quý II, dư âm từ các hội chợ thủy sản quốc tế và giá XK tăng sẽ giữ cho giá trị XK tăng nhẹ so với năm ngoái. Dự báo, quý II/2016, giá trị XK cá tra đạt 401 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá ngừ có thể tương đương hoặc tăng nhẹ, trong khi mực, bạch tuộc chưa có dấu hiệu hồi phục.


    Xuất khẩu vải thiều: Hướng tới thị trường cao cấp

    Xuất khẩu vải thiều: Hướng tới thị trường cao cấp

    Dự báo, sản lượng vải thiều năm 2016 của tỉnh Bắc Giang giảm do yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, những người trồng vải không hề lo lắng bởi một lượng lớn vải thiều đã được một số thị trường lớn như: Mỹ, Úc, EU… đặt mua với giá cao.
     
    Đơn đặt hàng tăng

    Tại Hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2016 vừa diễn ra tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang – cho biết, năm 2016, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm 2015 (do chuyển đổi cơ cấu cây trồng), cộng với thời tiết không thuận lợi nên tổng sản lượng vải thiều của Bắc Giang chỉ đạt 130.000 tấn.

    So với năm 2015, sản lượng vải thiều năm 2016 sẽ giảm 65.000 tấn – tương đương hơn 30%. Tuy nhiên, ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - tự tin khẳng định: Sản lượng vải thiều giảm nhưng giá trị sẽ không giảm bởi năm nay, riêng huyện Lục Ngạn đã được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn Globalgap – sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn, đảm bảo điều kiện xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, Úc, EU…

    Bên cạnh đó, chất lượng vải thiều năm nay cao hơn hẳn những năm trước, nhiều người trồng cũng đã có ý thức chuẩn bị kỹ lưỡng cho các công đoạn thu hoạch, tiêu thụ, bảo quản.

    Ông Phạm Văn Dũng – Giám đốc HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân – chia sẻ, vụ vải thiều năm 2015, có lô hàng xuất sang Úc không đạt yêu cầu do trái vải còn để cả cành. Trong khi vải thiều xuất cho thị trường này rất được giá (45.000đ/kg). Năm nay, với số vải xuất đi Úc, chúng tôi sẽ chủ động cắt cành theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

    Mở rộng thị trường

    Theo ông Dương Văn Thái, năm nay, Bắc Giang xác định thị trường nội địa tiếp tục là thị trường tiêu thụ trọng điểm. Ngoài ra, duy trì thị trường XK truyền thống, mở rộng thị trường mới...

    Với định hướng này, Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm vải thiều – đặc biệt là vải thiều an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap, VietGap; tổ chức các chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả, đưa vải tươi vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại tại các siêu thị lớn như: Metro, Co.opmart, Hapro, Big C, Aeon…và các chợ đầu mối. Cùng với đó, tạo dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác gắn bó với đối tác khách hàng Trung Quốc, Lào, Campuchia nhằm tạo tính ổn định, bền vững trong XK vải thiều. Đặc biệt, Bắc Giang cũng nỗ lực để tiếp tục XK vải thiều vào các thị trường cao cấp Mỹ, Úc, EU với số lượng nhiều hơn.

    Bên cạnh hành trình tìm đầu ra cho quả vải, việc nâng cao chất lượng, giá trị quả vải thiều trong giai đoạn hội nhập là mục tiêu hàng đầu của tỉnh Bắc Giang. Đánh giá cao quyết tâm này của Bắc Giang, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước- đề nghị: Sở Công Thương Bắc Giang cần tích cực phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các vụ ngoài nước (Bộ Công Thương) trong các hoạt động xúc tiến thương mại, thăm dò, đánh giá nhu cầu, yêu cầu của một số nước về vải thiều, từng bước XK vải thiều vào những thị trường cao cấp.

    Vụ vải thiều năm 2016, tổng sản lượng vải Bắc Giang tiêu thụ trong nước dự kiến khoảng 78.000 tấn, chiếm khoảng 60%, xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%...


    Xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục giảm

    Xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục giảm

    Sau một năm ảm đạm, XK mực, bạch tuộc Việt Nam bước sang 4 tháng đầu năm 2016 cũng vẫn chưa khởi sắc. Tổng kim ngạch XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 112,09 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2015.

    Riêng tháng 4/2016, giá trị XK đạt 30,51 triệu USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 4 tháng đầu năm 2016 chỉ có duy nhất tháng 1 tăng trưởng dương, các tháng còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2015.

    Giá NK mực, bạch tuộc tại một số thị trường chính như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc... vẫn tiếp tục giảm. Giá NK mực nang đông lạnh của Tây Ban Nha trong những tháng đầu năm nay cũng giảm so với cùng kỳ năm 2015.

    Giá NK bạch tuộc, mực ống và mực nang đông lạnh của Nhật Bản lại có xu hướng sụt giảm do nhu cầu trong nước yếu. Nguồn mực, bạch tuộc nguyên liệu trong nước vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

    Hàn Quốc vẫn duy trì là thị trường NK mực, bạch tuộc số 1 của Việt Nam, chiếm 38,7% tỷ trọng mặc dù XK sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm nay tiếp tục giảm mạnh. Đây cũng là thị trường giảm mạnh nhất trong 3 thị trường NK hàng đầu mực, bạch tuộc từ Việt Nam. Kim ngạch XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2016 đạt 43,35 triệu USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK trong tháng 4/2016 đạt giá trị 11,95 triệu USD, giảm 16,3% so với tháng 4/2015.

    EU là thị trường đáng chú ý nhất trong 3 thị trường NK chính trong những tháng đầu năm nay vì EU đã vượt qua thị trường Asean, vươn lên ngôi vị thứ 3. Nguyên nhân là do nhu cầu mực, bạch tuộc tại Châu Âu có xu hướng tăng dù mức tăng này chưa ổn định, do hàng dự trữ của các nhà NK không còn nhiều, trong khi các nhà NK từ Asean lại giảm NK từ Việt Nam.

    Trong 4 tháng đầu năm 2016, tỷ trọng mực, bạch tuộc XK vẫn ở mức không chênh nhau nhiều, trong đó mực chiếm tỷ trọng hơn 52% trong khi bạch tuộc chiếm 48%. Kim ngạch XK mực trong 4 tháng đầu năm 2016 đạt 58,32 triệu USD, trong khi kim ngạch XK bạch tuộc đạt 53,77 triệu USD.

    Mực sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) là mặt hàng có giá trị XK cao nhất trong nhóm hàng mực, tiếp đến là Mực khô, nướng, (thuộc mã HS03). Mực chế biến khác (thuộc mã HS16) là mặt hàng có giá trị đạt thấp nhất nhưng lại có giá trị gia tăng cao nhất.

    Cũng giống như nhóm hàng mực, trong nhóm hàng bạch tuộc thì Bạch tuộc chế biến (thuộc mã HS16) là mặt hàng có kim ngạch đạt thấp 11,67 triệu USD nhưng lại cho giá trị gia tăng cao. Bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) là mặt hàng có kim ngạch đạt cao nhất trong nhóm hàng bạch tuộc với 42,108 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2016 này.


    Ai Cập: Thị trường nhập khẩu chè nhiều tiềm năng

    Ai Cập: Thị trường nhập khẩu chè nhiều tiềm năng

    Chè là một trong các loại đồ uống phổ biến nhất, được tiêu dùng bởi tất cả các tầng lớp xã hội ở khắp các vùng miền của đất nước Kim tự tháp.

    Người Ai Cập chủ yếu ưa chuộng chè đen với hai loại chè phổ biến là Koshary (được dùng nhiều tại phía Bắc Ai Cập) và Saiidi (được ưa chuộng nhiều tại phía Nam Ai Cập). Ngoài ra, người dân Ai Cập cũng thích uống chè dược thảo (herbal tea) vì loại chè này có lợi cho sức khỏe. Chè xanh đã xuất hiện tại thị trường Ai Cập nhưng chưa được ưa chuộng nhiều.

    Ai Cập không trồng chè và nguồn cung phải dựa hoàn toàn vào nhập khẩu. Với số dân 90 triệu người, Ai Cập hàng năm nhập khẩu khoảng 115.000 tấn chè với kim ngạch nhập khẩu là 350 triệu USD trong năm 2015. Nhu cầu tiêu dung chè tại hàng năm ước tính tăng khoảng 2-3% xuất phát từ việc dân số gia tăng.

    Hiện nay lượng chè đen nhập khẩu của Ai Cập chiếm tới  99% tổng kim ngạch nhập khẩu chè và một phần nhỏ còn lại là chè xanh. Các thị trường nhập khẩu chè chính của Ai Cập là Kenya (chiếm 90%), Ấn Độ (3,6%) và Srilanka (2,7%). Mức thuế nhập khẩu chè hiện nay từ các nước của Ai Cập là 2%. Tuy nhiên, Ai Cập và Kenya đều là thành viên của khối thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) nên chè nhập khẩu từ Kenya được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. Đây là một lợi thế rất lớn cho chè của Kenya bên cạnh một yếu tố gia tăng sức cạnh tranh khác đó là khoảng cách địa ‎ lý khá thuận lợi.

    Mặt hàng chè của Việt Nam đã vào thị trường Ai Cập tuy nhiên với số lượng vẫn còn khiêm tốn với kim ngạch năm 2015 đạt 1,69 triệu USD, tăng 122,3% so với năm 2014. Theo đánh giá sơ bộ của các nhà nhập khẩu Ai Cập, chất lượng chè Việt Nam chỉ ở mức trung bình, giá cả chưa có sự cạnh tranh cao. Để có thể thâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường tiêu thụ chè lớn này, Hiệp hội và các doanh nghiệp chè cần có các định hướng rõ ràng hơn, quan tâm tới việc xác lập phân khúc thị trường cũng như các chủng loại mặt hàng phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân Ai Cập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên doanh với các doanh nghiệp Ai Cập trong khâu chế biến và đóng gói nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng lượng tiêu thụ.     


    Kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý tăng trưởng

     

    Kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý tăng trưởng

    Theo số liệu của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm trong 4 tháng đầu năm 2016 đạt 250,21 triệu USD, tăng 28,66% so với cùng kỳ năm trước.

    Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu xuất khẩu trong bảng xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm của Việt Nam, đạt trị giá 116,69 triệu USD, giảm 1,81% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 46% tổng trị giá xuất khẩu.

    Đáng chú ý Thụy Sỹ- thị trường xuất khẩu đứng thứ hai tăng trưởng rất mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 26 lần so với cùng kỳ năm trước. Với việc tăng mạnh sang thị trường Thụy Sỹ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng chung của mặt hàng này.

    Đứng thứ ba là thị trường Nhật Bản, trị giá 14,93 triệu USD, tăng 6,21%.

    Một số thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng: xuất sang Hàn Quốc tăng 26,35%; xuất sang Đức tăng 7,31%; xuất sang Thái Lan tăng 13,32%; xuất sang Anh tăng 11,52%.

    Trong những thị trường sụt giảm xuất khẩu, Bỉ là thị trường sụt giảm nhiều nhất, giảm 28,45% so với cùng kỳ năm trước.

    Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ về xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm 4 tháng năm 2016

    Thị trường

    4Tháng/2016

    4Tháng/2015

    +/-(%)

     

    Trị giá (USD)

    Trị giá (USD)

    Trị giá

    Tổng

    250.210.565

    194.478.865

    +28,66

    Hoa Kỳ

    116.698.073

    118.850.615

    -1,81

    Thụy Sỹ

    65.573.392

    2.353.671

    +2686,01

    Nhật Bản

    14.930.193

    14.057.093

    +6,21

    UAE

    13.513.421

    13.540.330

    -0,2

    Bỉ

    10.221.203

    16.322.864

    -37,38

    Pháp

    8.779.200

    11.169.843

    -21,4

    Hàn Quốc

    4.434.427

    3.509.750

    +26,35

    Ôxtraylia

    4.133.049

    5.106.110

    -19,06

    Hồng Kông

    3.627.017

    3.348.932

    +8,3

    Đức

    1.162.413

    1.083.261

    +7,31

    Thái Lan

    665.852

    587.595

    +13,32

    Tây Ban Nha

    634.956

    804.379

    -21,06

    Anh

    503.269

    451.301

    +11,52

    Đài Loan

    145.275

    203.043

    -28,45


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn