TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-05-2016

    Tài sản 10 người giàu nhất Hồng Kông tương đương 1/3 GDP

    Tính đến ngày 24/5, tổng tài sản ròng của 10 người giàu nhất Hồng Kông đạt xấp xỉ 110 tỷ USD...
    ty phu ly gia thanh, nguoi giau nhat hong kong.

    Tỷ phú Lý Gia Thành, người giàu nhất Hồng Kông.

    Tổng giá trị tài sản ròng của 10 tỷ phú giàu nhất Hồng Kông tương đương với 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng lãnh thổ, Bloomberg cho biết.

    Theo hãng tin này, tỷ lệ trên của Hồng Kông cao hơn nhiều so với mức 5,2% ở Ấn Độ và 1,4% ở Trung Quốc đại lục.

    Khoảng cách giàu nghèo gia tăng và ảnh hưởng lớn của các tỷ phú được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự bất mãn của người dân Hồng Kông trong thời gian gần đây.

    Tại châu Âu, Thụy Điển là nước có tổng tài sản của 10 người giàu nhất chiếm tỷ lệ lớn nhất so với GDP, ở mức 25%. Tiếp đó là Thụy Sỹ với 9,2% và Nga với 8,8%. 

    Theo xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, người giàu nhất Hồng Kông hiện nay là ông Li Ka-shing, người có 27 tỷ USD tài sản ròng. Tiếp đó là ông Lee Shau Kee với 16,5 tỷ USD, và ông Cheng Yu Tung với 9,9 tỷ USD.

    Tính đến ngày 24/5, tổng tài sản ròng của 10 người giàu nhất Hồng Kông đạt xấp xỉ 110 tỷ USD.

    Huawei kiện Samsung vì bằng sáng chế

    Huawei Technologies kiện Samsung Electronics ra tòa án tại Mỹ và Trung Quốc vì sử dụng trái phép công nghệ 4G, hệ điều hành và giao diện người dùng trong các điện thoại của mình.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    "Chúng tôi hy vọng Samsung sẽ ngừng vi phạm các bằng sáng chế của Huawei và xin phép chúng tôi khi sử dụng, đồng thời làm việc với Huawei để cùng đưa ngành công nghiệp phát triển", Ding Jianxing - người phụ trách các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ tại Huawei cho biết.
    Trong khi đó, Samsung khẳng định "sẽ có các động thái cần thiết để bảo vệ quyền lợi kinh doanh của mình".
    Vụ kiện này thu hút sự chú ý khá lớn. Do các công ty Trung Quốc mới thường bị kiện vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các hãng sản xuất smartphone những năm gần đây đã phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, khả năng mở rộng ra thị trường nước ngoài của các công ty Trung Quốc đang bị hạn chế do vấn đề bản quyền.
    Năm ngoái, Xiaomi đã phải ngừng bán sản phẩm ở Ấn Độ một thời gian, do bị hãng sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson kiện vi phạm bản quyền. Các vụ kiện thời gian gần đây cũng tăng mạnh, đặc biệt giữa hai đối thủ lớn là Samsung và Apple.
    Năm 2011, Apple kiện Samsung tại Mỹ, khẳng định đại gia Hàn Quốc sử dụng trái phép công nghệ và bắt chước thiết kế của iPhone. Hai công ty này sau đó liên tục nộp đơn chống lại nhau tại nhiều tòa án. Nhưng đến tháng 8/2014, cả hai thống nhất hủy toàn bộ các vụ kiện ngoài Mỹ.
    Tại Trung Quốc, từ vị trí hãng smartphone lớn nhất nước này, Samsung đã dần bị Apple và các đối thủ địa phương vượt mặt. Họ hiện chỉ xếp thứ 6, sau Huawei, OPPO, Vivo, Apple và Xiaomi.
    Năm ngoái, Huawei đã đầu tư 59,6 tỷ NDT (9,2 tỷ USD) tương đương 15% doanh thu hằng năm, vào nghiên cứu - phát triển sản phẩm, công nghệ và chuẩn kết nối không dây, công ty cho biết. Đến tháng 12 năm ngoái, họ đã được cấp hơn 50.000 bằng sáng chế trên toàn cầu.
    Trong khi đó, Samsung hiện là hãng sản xuất chip nhớ và TV lớn nhất thế giới. Ngày 16/5, hãng cho biết đang sở hữu hơn 110.000 bằng sáng chế trên toàn cầu. Năm ngoái, họ cũng đầu tư 14.800 tỷ won (12,45 tỷ USD) vào nghiên cứu - phát triển cũng như quyền sở hữu trí tuệ.

    Hệ thống ngân hàng Trung Quốc cần gói cứu trợ nghìn tỷ USD

    Nhà phân tích ngân hàng từng gây chú ý khi cảnh báo về rủi ro tín dụng Trung Quốc mới đây cho rằng Đại lục cần gói cứu trợ nghìn tỉ USD để giải quyết gánh nặng nợ xấu.
    he thong tai chinh trung quoc can goi cuu tro nghin ty usd de giai quyet ganh nang no xau. anh: reuters.

    Hệ thống tài chính Trung Quốc cần gói cứu trợ nghìn tỷ USD để giải quyết gánh nặng nợ xấu. Ảnh: Reuters.

    Theo Bloomberg, bà Charlene Chu, nhà phân tích từng làm việc tại hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho hay Trung Quốc cần gói cứu trợ nghìn tỷ USD để giải quyết gánh nặng nợ đang đè lên nền kinh tế. Bà Chu phát biểu ý kiến trên tám ngày sau khi một tờ báo Trung Quốc nhấn mạnh tính nguy hiểm của việc tích lũy nợ trong nước.
    Bà Chu, hiện là đối tác tại viện nghiên cứu Autonomous Research, cho hay mình vẫn chưa bị thuyết phục rằng chính phủ Đại lục đang nghiêm túc trong quá trình giảm nợ và loại bỏ sản lượng công nghiệp dư thừa. Hiện tại, mối đe dọa lớn nhất với hệ thống tài chính Trung Quốc là danh mục đầu tư thiếu cân bằng của các nhà băng, tương tự như những gì một loạt ngân hàng phương Tây từng vướng phải hồi năm 2008 và là nguyên nhân kích hoạt cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
    Cựu chuyên gia của Fitch Ratings sử dụng phương thức tiếp cận từ trên xuống để tính toán mức nợ xấu ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới khi tỷ lệ tín dụng so với GDP đã tệ hơn, hay nước này đòi hỏi phải có nhiều tín dụng hơn để tạo ra mỗi đơn vị tổng sản phẩm quốc nội.
    Bà Chu không phải là chuyên gia duy nhất có cái nhìn ảm đạm về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Hôm 24.5, ngân hàng Societe Generale cho hay các nhà băng quốc gia đông Á cuối cùng có thể phải đối mặt với khoản lỗ 8.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1.200 tỷ USD, và một gói cứu trợ từ chính phủ vì quy mô tín dụng xấu đang tăng lên giữa các doanh nghiệp quốc doanh.
    Trả lời phỏng vấn ở Hồng Kông hồi tuần trước, bà Chu cho hay nợ là mối nguy lớn nhất với nền kinh tế Trung Quốc: “Vấn đề nợ nần của Trung Quốc là rất lớn và nghiêm trọng, song xét một số khía cạnh thì nó bùng nổ chậm. Trong ngắn hạn, chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ lớn nhất nằm ở danh mục đầu tư WMP (công cụ tài chính phái sinh tương tự như một chứng chỉ tiền gửi ngân hàng nhưng lại có lợi suất cao hơn cho người mua) của các nhà băng”.
    Tuy nhiên, bà Chu cho biết một cuộc khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế hiện chưa là nguy cơ rõ ràng.
    So sánh quá trình tích lũy nợ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, bà Chu nhận định: “Việc mở rộng tín dụng của Nhật Bản không có kích thước đến mức như Trung Quốc và Trung Quốc đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh. Điểm tích cực đối với Đại lục là họ có đội ngũ lãnh đạo không lo sợ nhiều về các thay đổi triệt để như Nhật Bản. Vì thế, nếu giới chức Trung Quốc xác định nợ là trung tâm của các vấn đề họ gặp phải, chúng ta sẽ không phải mất nhiều thập kỷ để thấy vấn đề dường như chẳng được giải quyết bao nhiêu. Song xét khía cạnh tiêu cực, Trung Quốc có mạng lưới an toàn xã hội yếu hơn và dân số nghèo nhiều hơn so với Nhật Bản”.

    Nokia có thể cắt giảm tới 15.000 việc làm trên toàn thế giới

    Nokia bắt đầu chương trình cắt giảm chi phí này từ tháng 4/2016, với mục tiêu đến năm 2018 sẽ tiết kiệm được 1 tỷ USD chi phí hoạt động.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Hãng sản xuất thiết bị viễn thông Nokia sắp tới đây có thể sẽ cắt giảm từ 10.000 đến 15.000 việc làm trên toàn thế giới, trong một nỗ lực nhằm giảm chi phí hoạt động sau khi thâu tóm công ty đối thủ đến từ Pháp Alcatel-Lucent. Thông tin này được tiết lộ từ một đại biểu công đoàn (union representative) của Nokia tại Phần Lan.

    Nokia bắt đầu chương trình cắt giảm chi phí này từ tháng 4/2016, với mục tiêu đến năm 2018 sẽ tiết kiệm được 1 tỷ USD chi phí hoạt động. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, số việc làm bị ảnh hưởng bởi chương trình này không được tiết lộ.

    "Các con số chính thức vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, dựa vào các thông tin từ công đoàn, tôi dự đoán sẽ có 10.000 đến 15.000 việc làm bị cắt giảm" - Risto Lehtilahti, một đại biểu công đoàn của Nokia tiết lộ.

    Người đại diện của Nokia từ chối bình luận về thông tin trên.

    Nokia có khoảng 104.000 nhân viên trên toàn thế giới. Tuần trước, công ty tiết lộ các kế hoạch chi tiết cho việc phát triển hoạt động tại quê nhà Phần Lan. Theo đó, hãng sẽ cắt giảm 1.000 việc làm tại đây, ít hơn một chút so với con số đề ra ban đầu (1.300 việc làm).

    Nokia nói rằng, hãng muốn giảm thêm 1.400 việc làm tại Đức và 400 tại Pháp, tuy nhiên, riêng ở Pháp sẽ có 500 việc làm mới liên quan đến nghiên cứu và phát triển được tạo ra. Đây cũng là lời hứa của Nokia với chính phủ Pháp trong quá trình đàm phán mua lại Alcatel. Công ty Phần Lan hiện đang tiến hành đàm phán với đại diện người lao động ở 30 quốc gia về các kế hoạch cắt giảm nhân viên nói trên.

    Việc công ty viễn thông Phần Lan phải sa thải bớt nhân viên một phần là do nhu cầu về thiết bị mạng đang có xu hướng giảm. Hồi đầu tháng 5 này, Nokia dự đoán doanh số thiết bị mạng của hãng sẽ tụt giảm trong năm nay.

    "Một số vị trí công việc sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, còn một số khác bị bỏ là do trồng chéo với bên Alcatel. Cũng có những vị trí sẽ được chuyển qua một quốc gia khác để giảm chi phí" - Tuula Aaltola, một đại diện công đoàn khác tiết lộ.

    Risto Lehtilahti lo ngại rằng, Nokia sẽ còn thực hiện các đợt cắt giảm lao động tiếp theo trong tương lai. Ở Phần Lan, công ty trước đây cũng đã từng sa thải hàng ngàn nhân viên sau khi mảng sản xuất kinh doanh điện thoại đi vào ngõ cụt do không cạnh tranh được với các đối thủ. Nokia cuối cùng đã phải bán bộ phận điện thoại này cho Microsoft, tuy nhiên, đến lượt công ty phần mềm Mỹ tiến hành các cắt giảm việc làm do không thể cứu vãn tình hình.


    Đồ hiệu ế ẩm ở Trung Đông vì giá dầu sa sút

    Thoạt nhìn, trung tâm mua sắm Centria Mall ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vẫn đông đúc và không có vẻ gì là người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng.
    gia dau giam sau da keo theo suc mua hang hieu cua nguoi tieu dung o trung dong.

    Giá dầu giảm sâu đã kéo theo sức mua hàng hiệu của người tiêu dùng ở Trung Đông.

    Vào một buổi chiều nọ, những người phụ nữ vùng Trung Đông trong trang phục truyền thống vẫn nhộn nhịp rảo bước ra vào các cửa hiệu Dior hay Burberry ở Centria. Nhưng trao đổi với hãng tin Bloomberg, ông Mohammed Fahmawi, người quản lý một cửa hiệu Gucci ở đây, tiết lộ rằng hàng hóa không còn bán tốt như năm ngoái.

    Theo Fahmawi, nếu như cách đây một năm, mỗi ngày cửa hiệu của ông đón 100 khách, thì nay, ngày nào tốt lắm cũng chỉ đón 20 khách. Số khách ghé thăm cửa hiệu Cartier gần đó cũng giảm mạnh.

    “Mọi người đều lo ngại”, Fahmawi nói, nhấn mạnh sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế do giá dầu giảm sâu gây ra. “Người ta không muốn tiêu tiền”.

    Giá dầu giảm sâu đã kéo theo sức mua hàng hiệu của người tiêu dùng ở Trung Đông. Cùng với đó, đồng Rúp Nga mất giá đồng nghĩa với việc lượng du khách Nga tới Trung Đông sắm hàng hiệu cũng giảm mạnh. Các hãng đồ hiệu nổi tiếng như Burberry hay Prada đều cho biết doanh thu của họ ở vùng Vịnh suy giảm vì vắng du khách.

    “Chúng tôi đang chứng kiến lượng khách giảm khá mạnh ở khu vực Trung Đông”, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng Hermes, ông Alex Dumas, nói.

    Năm 2015, doanh thu thị trường đồ hiệu Trung Đông chỉ tăng 1%, đạt mức 8,1 tỷ Euro, tương đương 9,2 tỷ USD, so với mức tăng 4% của năm 2014 - theo ước tính của hãng tư vấn Bain.

    Trong một cuộc khảo sát được công bố kết quả hồi tháng trước, 1/5 số người được hỏi ở các nước vùng Vịnh nói đã cắt giảm chi tiêu hàng xa xỉ trong năm ngoái, so với tỷ lên 13% trước đó 1 năm.

    Sự sa sút của thị trường đồ hiệu ở vùng Vịnh càng làm gia tăng thách thức với các nhà sản xuất hàng xa xỉ vốn đã đối mặt khó khăn tại nhiều thị trường ở châu Á, đồng USD mạnh, và các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu.

    Theo Fondazione Altagamma, hiệp hội hàng xa xỉ Italy, thị trường hàng hiệu toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm 2016, mức tăng thấp thứ nhì kể từ năm 2009.

    Việc giá dầu hiện nay thấp hơn 55% so với hồi tháng 6/2014 cũng ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu sắm đồ hiệu của người Trung Đông khi đi du lịch nước ngoài. Hãng LVMH cho biết du khách Trung Đông khi tới châu Âu không còn sắm đồ hiệu mạnh như trước đây, dù đồng Euro giảm giá.

    Tuy vậy, Trung Đông vẫn còn là một thị trường hấp dẫn đối với các công ty đồ hiệu. Tại Qatar, quốc gia giàu nhất thế giới tính theo GDP bình quân đầu người, trong năm 2015, người dân chi trung bình mỗi tháng 4.000 USD cho các hàng hóa và dịch vụ xa xỉ, từ mức 2.500 USD của năm 2014 - theo một nghiên cứu của American Express và Mawarid Group.

    Anh Mauricio Manrique, một người bán hàng của thương hiệu Montblanc tại trung tâm thương mại Dubai Mall, vẫn tin rằng sự ảm đạm của thị trường đồ hiệu Trung Đông hiện nay chỉ là nhất thời.

    Manrique nói, trong 6 năm anh làm việc ở đây, mỗi khi hàng có vẻ ế, thì du khách Nga lại xuất hiện và nhanh chóng mua những chiếc bút hay ví giá 460 USD/chiếc. “Tôi không cho rằng tình trạng hiện nay là một xu hướng”, Manrique nói.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn