TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-05-2016

    Doanh nghiệp siêu nhỏ “hấp dẫn” ngân hàng

    Theo số liệu được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra cuối năm 2015, Việt Nam có 96-97% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa đầy 2% là doanh nghiệp lớn và gần 2% là doanh nghiệp cỡ vừa.

    Bà Emmy Simmons, Trợ lý điều hành tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chia sẻ, một phần quan trọng trong chiến lược xóa đói nghèo của USAID là hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ. “Với tư cách là một nguồn tạo thu nhập và công ăn việc làm chủ yếu cho hàng trăm triệu người trên thế giới, ảnh hưởng của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ đối với các cá nhân, các hộ gia đình và các nềnkinh tế quốc dân là rất rõ ràng và sâu sắc”, bà Emmy Simmons nói.

    Trong khi đó, lợi ích các doanh nghiệp siêu nhỏ mang lại không hề nhỏ. Ví dụ tại Thái Lan, nhóm doanh nghiệp này chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong ngành chế tạo, thương mại/dịch vụ và doanh nghiệp siêu nhỏ tạo ra 71% tổng số việc làm trong ngành thương mại/dịch vụ… Nhưng, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam gặp rất nhiều hạn chế về nhân lực chất lượng cao, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài và khả năng tham gia mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước...

    dai dien vpbank tu van ngay tai xuong san xuat cua doanh nghiep.

    Đại diện VPBank tư vấn ngay tại xưởng sản xuất của doanh nghiệp.

    Lãnh đạo VPBank bổ sung thêm, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp siêu nhỏ là thiếu năng lực quản trị dòng tiền. “Có lắng nghe chủ doanh nghiệp chia sẻ mới thấy, nếu chỉ quản lý doanh thu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi tháng thì mọi chuyện vẫn rất nhịp nhàng, nhưng khi doanh thu tăng lên 4-6 tỷ đồng thì chủ doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng rối bời bởi không kiểm soát nổi dòng tiền ra - vào công ty”, lãnh đạo VPBank cho biết.

    Theo đó, để quản lý được dòng tiền, chủ doanh nghiệp cần nắm vững các kỹ năng về quản lý tài chính, có nguồn lực phù hợp (nhân sự phụ trách, phần mềm máy tính, người theo dõi sổ sách và vận hành phần mềm). Trong khi thực tế ở Việt Nam hiện nay, chủ doanh nghiệp hiếm khi được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý dòng tiền trước khi bước vào con đường kinh doanh.

    Thêm vào đó, vấn đề lớn nhất của những doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chính là sự nan giải về vốn. Những khó khăn này vô tình làm họ không có cơ hội thuê lao động chất lượng cao hoặc mua những phần mềm được viết theo đơn đặt hàng, đồng nghĩa với việc họ sẽ khó có điều kiện để chuyên nghiệp hóa và chuẩn hóa công tác quản lý.

    Đại diện VPBank chia sẻ: “Trong bối cảnh đó, điều mà khách hàng doanh nghiệp nhỏ cần ở ngân hàng không chỉ là được vay vốn mà hơn thế, họ cần được ngân hàng tư vấn để quản trị tốt hơn dòng tiền. Đây cũng chính là ưu thế của VPBank trên thị trường, bên cạnh việc nhận thức và triển khai đồng bộ từ rất sớm gói sản phẩm dành cho phân khúc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”.

    Thay vì chỉ dừng lại ở việc đưa ra khẩu hiệu cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, VPBank đã mạnh dạn đầu tư vào mảng này với việc xây dựng bộ máy chuyên biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại 66 điểm trên cả nước. Bên cạnh đó, với việc đầu tư mạnh mẽ và bài bản cho hệ thống quản trị rủi ro, VPBank đã tỏ rõ quyết tâm chiếm lĩnh thị trường đầy tài năng trong thời điểm các ngân hàng khác chưa thực sự dành nhiều sự quan tâm.

    Tất nhiên, để đánh giá được hiệu quả của việc làm đột phá này, chắc chắn cần nhiều thời gian và ý kiến chính xác nhất sẽ đến từ chính những doanh nghiệp trong cuộc. Nhưng việc một tổ chức tài chính đưa ra chiến lược đồng hành với lực lượng dễ bị ảnh hưởng nhất trong nền kinh tế cũng là một bước đi rất đáng được lưu tâm.


    G7 nhất trí thúc đẩy kinh tế

    Lãnh đạo nhóm các nền kinh tế phát triển G7 ngày 26-5 bắt đầu chương trình hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Nhật Bản với trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế.

    (tu trai sang) thu tuong duc angela merkel, tong thong my barack obama, thu tuong nhat shinzo abe va tong thong phap francois hollande trong cay o tinh mie, nhat ban - anh: reuters

    (Từ trái sang) Thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Pháp Francois Hollande trồng cây ở tỉnh Mie, Nhật Bản - Ảnh: Reuters

    Phó chánh văn phòng nội các Nhật Hiroshige Seko cho biết trong ngày đầu hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thống nhất triển khai các chính sách tài chính uyển chuyển nhằm vực dậy nền kinh tế toàn cầu.

    Thời gian và mức độ sẽ tùy thuộc mỗi quốc gia. Tuy nhiên một số quốc gia như Anh và Đức bác bỏ kêu gọi áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế.

    “Các lãnh đạo G7 quan ngại các nền kinh tế đang phát triển đang trong tình trạng ngặt nghèo dù có một số ý kiến cho rằng tình hình hiện tại không phải là khủng hoảng” - Reuters dẫn lời ông Seko nói.

    Trong phần trình bày tại hội nghị, Thủ tướng chủ nhà Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra số liệu cho thấy giá các mặt hàng toàn cầu giảm 55% trong giai đoạn 6-2014 đến 1-2016, bằng với đợt suy giảm từ 7-2008 đến 2-2009 sau khi ngân hàng Lehman sụp đổ và khơi dậy cuộc khủng hoảng toàn cầu.

    Ngoài ra, các lãnh đạo dự kiến khẳng định các cam kết giữ cho thị trường ngoại tệ ổn định.

    Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng kỳ vọng hội nghị lần này sẽ đẩy mạnh nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu. “Nếu chúng ta không nắm vị trí dẫn đầu để xử lý cuộc khủng hoảng này, sẽ không có ai đứng ra nhận” - ông Tusk nói.

    Trước đó, theo Kyodo News, ông Abe đón tiếp tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo khác của nhóm tại ngôi đền Ise Grand tại tỉnh Mie, nơi diễn ra hội nghị.

    Ngoài trọng tâm kinh tế, họ cũng sẽ thảo luận vấn đề khủng bố và an ninh hàng hải, nhiều khả năng sẽ ra tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.


    Microsoft sa thải 1.850 nhân viên, ngừng sản xuất điện thoại thông minh

     Tập đoàn công nghệ Microsoft vừa công bố quyết định sẽ sa thải 1.850 nhân viên và dừng việc sản xuất các dòng điện thoại thông minh tại Phần Lan.

    microsoft se ngung san xuat dien thoai thong minh - anh: rappler

    Microsoft sẽ ngừng sản xuất điện thoại thông minh - Ảnh: Rappler

    Theo AFP, trong thông báo chính thức ngày 25-5, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ tuyên bố kế hoạch tinh gọn lại hoạt động sản xuất, kinh doanh các dòng điện thoại thông minh của hãng.

    Quyết định này sẽ dẫn tới việc cắt giảm 1.850 việc làm tại Microsoft. Trong đó khoảng 1.350 việc làm bị cắt giảm ở Phần Lan là nơi có tập đoàn sản xuất điện thoại Nokia đã được Microsoft mua lại và khoảng 500 việc làm tại các khu vực khác trên toàn cầu.

    Đại diện nghiệp đoàn công nhân Microsoft tại Phần Lan, ông Kalle Kiili, cho biết quyết định này đồng nghĩa với việc Microsoft sẽ không còn thiết kế hay sản xuất điện thoại nữa.

    Ông Kalle Kiili nói: “Microsoft sẽ không sản xuất điện thoại nữa, ít nhất là lúc này. Tuy nhiên tập đoàn vẫn sẽ sản xuất các phần mềm”.

    Cũng theo ông Kalle Kiili, việc tinh giản hoạt động sản xuất kinh doanh này sẽ dẫn tới khoản thất thu cộng với chi phí tái cấu trúc doanh nghiệp lên tới gần 950 triệu USD.

    Nokia từng là nhà sản xuất điện thoại di động tại Phần Lan chiếm vị trí hàng đầu thế giới. Năm 2014, Microsoft mua lại doanh nghiệp này với giá khoảng 7,2 tỉ USD.

    Một phát ngôn viên của Microsoft tại Mỹ nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các dòng thiết bị mới và tích hợp hệ điều hành Windows 10 vào các thiết bị điện tử màn hình nhỏ, hỗ trợ các điện thoại Lumia như Lumia 650, Lumia 950 và Lumia 950XL, cùng các loại điện thoại do những đối tác phần cứng OEM của chúng tôi sản xuất như Acer, Alcatel, HP, Trinity và Vaio”. 


    Foxconn thay 60.000 công nhân nhà máy bằng robot

    Tập đoàn Foxconn, đối tác chuyên gia công sản xuất linh kiện điện tử cho Apple và Samsung, vừa công bố đã thay thế 60.000 công nhân bằng công nghệ robot.

    cac cong nhan lam viec tai nha may cua foxconn - anh: getty image

    Các công nhân làm việc tại nhà máy của Foxconn - Ảnh: Getty Image

    Theo BBC thông báo thính thức từ một quan chức chính phủ cho biết nhờ ứng dụng robot trong sản xuất, tập đoàn này đã giảm số lượng công nhân từ 110.000 xuống còn 50.000. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đi theo hướng tiết giảm nhân lực bằng cách này.

    Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực ứng dụng robot trong sản xuất.

    Trong thông báo gửi tới BBC, Tập đoàn Công nghệ Foxconn khẳng định họ đang tự động hóa “nhiều công đoạn sản xuất trong các hoạt động của chúng tôi”, tuy nhiên phủ nhận việc này sẽ làm mất đi nhiều công ăn việc làm lâu dài của người lao động.

    Thông báo của Foxconn viết: “Chúng tôi đang áp dụng công nghệ robot và các công nghệ sản xuất tân tiến khác để thay thế những công việc lặp lại trước đây do công nhân đảm nhiệm. Đồng thời thông qua đào tạo cũng giúp các công nhân của chúng tôi tập trung hơn vào những yếu tố giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất như nghiên cứu và phát triển, quản lý chu trình và quản lý chất lượng”.

    Từ tháng 9-2014, 505 nhà máy trên toàn Dongguan, tỉnh Quảng Đông đã đầu tư hơn 63 triệu USD cho công nghệ robot nhằm thay thế hàng ngàn công nhân.

    Các nhà kinh tế học đã đưa ra những cảnh báo ghê gớm về tác động của công nghệ tự động hóa với thị trường lao động. Trong đó một báo cáo của công ty tư vấn Deloitte hợp tác với Đại học Oxford cho rằng, trong khoảng 20 năm tới, 35% việc làm của người lao động có nguy cơ không còn vì sẽ thuộc về “tay” robot.


    Hy Lạp được cấp 10,3 tỷ USD cứu trợ

    Hy Lạp đã đồng ý một thỏa thuận để được cấp thêm 10,3 tỷ euro (11,5 tỷ USD) vốn vay từ các chủ nợ quốc tế, sau các cuộc đàm phán tại Brussels (Bỉ).

    Bộ trưởng Tài chính các nước eurozone cũng chấp thuận có thể xóa nợ cho Hy Lạp. Đây là sự nhượng bộ cần thiết để giữ chân Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). 19 bộ trưởng cho biết thỏa thuận được thông qua nhờ các cải tổ kinh tế của Hy Lạp và gọi đây là một bước đột phá.Hy Lạp cần số tiền này để trả các khoản nợ đáo hạn vào tháng 7. Trong đó, 7,5 tỷ euro sẽ được giải ngân vào tháng 6. Số còn lại sẽ được cấp sau mùa hè này.

    bo truong tai chinh hy lap - euclid tsakalotos. anh: afp

    Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp - Euclid Tsakalotos. Ảnh: AFP

    Xóa nợ cho Hy Lạp cũng là yêu cầu chủ chốt của IMF. Đây là chủ đề tranh cãi của họ với Eurogroup (nhóm bộ trưởng tài chính eurozone) nhiều tháng qua. Đặc biệt trong bối cảnh Đức phản đối quan điểm này.

    "Chúng ta đã đạt bước đột phá về vấn đề Hy Lạp, cho phép tất cả tiến vào giai đoạn mới trong chương trình hỗ trợ tài chính cho nước này", Chủ tịch Eurogroup - Jeroen Dijsselbloem cho biết.

    Đây là đợt đánh giá đầu tiên về gói cứu trợ thứ 3 của eurozone dành cho Hy Lạp. Gói này được thông qua tháng 8 năm ngoái, sau khi Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras kêu gọi bầu cử trước thời hạn.

    Quyết định của eurozone cũng được công bố chỉ 2 ngày sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua vòng cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mới, theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.

    Năm ngoái, Chính phủ Hy Lạp - dẫn đầu bởi liên minh cánh tả Syriza đã được thông qua nhận gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro (96 tỷ USD). Dù vậy, IMF vẫn cần có sự chấp thuận của ban điều hành để có thể tiếp tục tham gia cứu trợ Hy Lạp. Tổ chức này cho rằng nợ công của Hy Lạp ở mức không bền vững, khi tương đương tới 180% GDP.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn