TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-05-2016

    IMF: Venezuela bán hơn 40 tấn vàng dự trữ trong 2 tháng

    Ngày 24-5, dữ liệu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cho thấy, chính quyền Venezuela đã bán hơn 40 tấn vàng trong vòng 2 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, dự trữ vàng của Trung Quốc và Nga, 2 bạn hàng lớn của nước này lại tăng lên chóng mặt.
    du lieu thong ke ban vang du tru quoc gia cua venezuela qua tung nam

    Dữ liệu thống kê bán vàng dự trữ quốc gia của Venezuela qua từng năm

    Theo đó, trong tháng 2-2016, Caracas đã bán 34,2 tấn vàng và 8,5 tấn khác hồi tháng 3 vừa qua. Venezuela ồ ạt bán vàng trong kho dự trữ quốc gia do đất nước Nam Mỹ này lâm vào tình trạng khan hiếm ngoại tệ khi giá dầu thô (nguồn tài nguyên mang về cho Venezuela tới 95% ngoại tệ) trên thị trường thế giới tụt dốc không phanh.

    Phó Tổng thống phụ trách kinh tế, ông Miguel Perez cho biết, tháng 5-2016 này, Venezuela sẽ tiếp tục sử dụng nguồn dự trữ quốc gia để đảm bảo cho các thanh khoản và cũng cắt giảm nhập khẩu trong thời gian tới.

    Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Venezuela hồi đầu tháng này cũng đã thông báo rằng giá trị dự trữ vàng của cơ quan này trong tháng 2-2016 đã giảm từ 62,445 tỷ USD xuống còn 55,110 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong 8 năm qua đất nước Nam Mỹ này phải bán số lượng vàng dự trữ lớn đến như vậy.


    Có thể sớm dỡ bỏ giá trần sữa

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ xem xét dỡ bỏ chính sách giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ đầu tháng 7-2016, tức sớm hơn nửa năm so với thời hạn mà quyết định của Bộ Tài chính ban hành.

    Trang thông tin của Bộ Tài chính cho biết, tại buổi tiếp và làm việc với đại sứ Michael Froman - đại diện Thương mại Mỹ (một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động kinh tế - ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Việt Nam) - diễn ra ngày 24-5, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khẳng định sẽ xem xét dỡ bỏ chính sách giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ đầu tháng 7-2016.

    Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng việc bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi cần đảm bảo cạnh tranh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo sự minh bạch và doanh nghiệp cần chứng minh điều đó.

    Trong khi đó, theo Quyết định 857/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vốn bắt đầu từ 1-6-2014 sẽ hết thời hạn vào ngày 31-12-2016 tới, tức vẫn còn nửa năm so với thời điểm mà ông Đinh Tiến Dũng nhắc đến.

    Trao đổi vớiTBKTSG Online, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, khó có khả năng quyết định áp giá trần sẽ được dỡ bỏ trước thời hạn. Tuy nhiên, nhiều khả năng, việc áp giá trần sẽ không tiếp tục khi quyết định cũ hết hiệu lực. Và điều họ quan tâm hơn là sau quyết định áp giá trần thì sẽ có biện pháp quản lý như thế nào.

    Ở thời điểm hiện tại, khi bị quyết định áp giá trần, các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải thực hiện kê khai và đăng ký giá với cơ quan quản lý về giá. Khi được cơ quan này đồng ý thì mới được bán ra thị trường và ngược lại.

    Trước khi bị áp giá trần, doanh nghiệp sữa chỉ phải kê khai giá và được quyền tự quyết định về giá bán.

    Tính đến thời điểm này, đã có hàng trăm sản phẩm sữa bột được áp giá trần ở khâu bán buôn (không phải ở khâu bán lẻ như nhiều người lầm tưởng) và giá bán lẻ thì được quy định là không cao hơn 10% giá bán buôn.

    Tuy nhiên, quyết định áp giá trần của Bộ Tài chính đã bị các doanh nghiệp sữa phản ứng khá quyết liệt. Hàng loạt doanh nghiệp từng cho biết, doanh số và lợi nhuận của họ đã sụt giảm nghiêm trọng vì quyết định này.

    Cũng cần nhắc thêm rằng, việc áp giá trần được bắt đầu thực hiện từ 1-6-2014 và có hiệu lực đến 1-6-2015, theo quyết định đầu tiên. Sau đó, được tiếp tục gia hạn kéo dài đến 31-12-2016 theo quyết định thứ hai. Trong suốt thời gian này, giá trần các sản phẩm không điều chỉnh và các nhà sản xuất cũng không giảm giá bán.

    Dù vậy, trong thời gian này, giá sữa nguyên liệu lại biến động khá nhiều. Theo đó, trong năm 2015, giá sữa nguyên liệu giảm mạnh, giúp lãi gộp của một số công ty tăng khá.


    Hội nghị thượng đỉnh G7 chính thức khai mạc tại Nhật Bản

    Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các thách thức toàn cầu khác trong đó có chủ nghĩa khủng bố, an ninh hàng hải, khủng hoảng nhập cư và trốn thuế.
    cac nha lanh dao g7 tham mot den tho o mie, nhat ban. (nguon: epa/ttxvn)

    Các nhà lãnh đạo G7 thăm một đền thờ ở Mie, Nhật Bản. (Nguồn: EPA/TTXVN)

    Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Ise Shima, ngày 26/5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc tại khách sạn Shima Kanko, trên đảo Kashikojima thuộc tỉnh Mie của Nhật Bản.

    Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker.

    Đây là hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên được tổ chức tại châu Á trong vòng tám năm qua.

    Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/5 với bảy phiên họp gồm các chủ đề: Giá trị và sự đoàn kết của G7, Kinh tế toàn cầu, Thương mại, Chính sách đối ngoại, Ổn định và Thịnh vượng châu Á, châu Phi và Phát triển.

    Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến tiêu cực, các nền kinh tế đang nổi gặp khó khăn, giá dầu lao dốc, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, dự kiến các biện pháp để khôi phục đà tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ là chủ đề ưu tiên hàng đầu, được đưa ra bàn thảo ngay trong phiên họp đầu tiên của hội nghị.

    Với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm G7, Nhật Bản hy vọng sẽ thuyết phục được các nước thành viên G7 nhất trí về các biện pháp tài chính phối hợp. Dự kiến, tại hội nghị, Mỹ và Nhật Bản sẽ kêu gọi thúc đẩy biện pháp kích thích để thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu của thế giới, trong khi Anh và Đức thiên về các biện pháp cải cách cơ cấu.

    Với quan điểm thương mại và đầu tư là động lực thúc đẩy tăng trưởng, dự kiến các nhà lãnh đạo G7 sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khẳng định việc ký kết TPP là bước đi quan trọng để thực thi các quy định thương mại chung trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

    Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các thách thức toàn cầu khác trong đó có chủ nghĩa khủng bố, an ninh hàng hải, khủng hoảng nhập cư và trốn thuế.

    Trong ngày hội nghị thứ hai, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia gồm Indonesia, Việt Nam, Bangladesh, Papua New Guinea, Lào, Sri Lanka, Chad, cùng các lãnh đạo các thể chế toàn cầu gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... sẽ tham dự hội nghị G7 mở rộng.

    Dự kiến, vấn đề an ninh hàng hải sẽ là chủ đề thảo luận quan trọng tại hội nghị G7 mở rộng với chủ đề Ổn định và Thịnh vượng châu Á.

    Hội nghị G7 mở rộng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi “quy định của pháp luật,” ban hành các nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

    Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến phát triển sẽ là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị G7 mở rộng với chủ đề Phát triển, châu Phi. Đây là một trong những mục tiêu đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản, liên quan đến Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi tổ chức tại Kenya vào tháng 8/2016.

    Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ ra Tuyên bố lãnh đạo và 6 tuyên bố khác trong phiên bế mạc.

    Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này được xem là dịp quan trọng để thử nghiệm năng lực lãnh đạo của Thủ tướng Abe trong nỗ lực đạt được mục tiêu đoàn kết G7 để thúc đẩy việc thực thi các bước đi cụ thể trong tương lai.

    Theo đánh giá của giới quan sát Nhật Bản, nếu Thủ tướng Abe, với tư cách Chủ tịch đương nhiệm G7, thành công trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận của G7 đối với các vấn đề quan trọng, đây sẽ là một cú hích lớn giúp Thủ tướng giành lợi thế trong đợt bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2016.

    Trước phiên khai mạc hội nghị, trong sáng 26/5, các nhà lãnh đạo G7 đã có chuyến thăm đền Ise Jingu, ngôi đền lớn nhất và thiêng liêng nhất Nhật Bản.


    Thép cuộn cán nguội Việt Nam bị Malaysia áp thuế chống bán phá giá 5 năm

    Sản phẩm thép cuộn cán nguội (cold rolled coil) Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá với thời hạn 5 năm (2016-2021) tại Malaysia.

    Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa phát đi thông báo, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã ban hành quyết định cuối cùng về vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

    Các sản phẩm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá bao gồm: Thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim có độ dày từ 0.2 mm - 2.6 mm và rộng từ 700 mm - 1300 mm.

    Mã HS: 7209.15 000, 7209.16 000, 7209.17 000, 7209.18 290, 7209.18 900 và 7225.50 000
    Mã AHTN: 7209.15.00, 7209.16.00, 7209.17.00, 7209.18.99, 7225.50.10 và 7225.50.90)

    lenh ap thue chong ban pha gia voi thep cuon can nguoi cua viet nam co hieu luc trong 5 nam ke tu  24/5/2016 -23/5/2021.

    Lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nguội của Việt Nam có hiệu lực trong 5 năm kể từ  24/5/2016 -23/5/2021.

    Theo đó, mức thuế chống bán phá giá sơ bộ dành cho các sản phẩm thép cuộn cán nguội của Việt Nam có biên độ từ 4,58 – 10,55% và Mức thuế cuối cùng từ 3.06% - 13.68%

    Lệnh áp thuế chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 24 tháng 5 năm 2016 đến ngày 23 tháng 5 năm 2021.

    Cũng theo thông báo về quyết định áp thuế này, các sản phẩm sau sẽ được loại ra khỏi danh sách sản phẩm bị áp thuế, gồm có Thép tấm đen (hoặc tôn đen) – (Tin Mill Black Plate) và các sản phẩm thép cuộn cán nguội sử dụng cho ngành cơ khí tự động.

    Trước đó, ngày 27/8/2015, Malaysia đã khởi xướng điều tra vụ việc trên và ngày 22 tháng 01 năm 2016, MITI đã ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc.

    Cùng bị áp thuế còn có các sản phẩm của Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng với mức thuế đều cao hơn Việt Nam.


    Nên điều chỉnh lãi suất huy động USD

    Những hệ lụy ban đầu của chính sách lãi suất huy động USD 0%/năm đã bắt đầu bộc lộ sau gần nửa năm triển khai: huy động vốn ngoại tệ giảm, buộc ngân hàng trong nước phải nghĩ kế lách trần huy động và vay ngoại tệ từ nước ngoài, còn các doanh nghiệp xuất khẩu thì đồng loạt kêu cứu vì không được vay ngoại tệ.

    Ngân hàng, doanh nghiệp ngấm đòn 

    Trong nỗ lực chống đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng trần lãi suất huy động USD bằng 0%/năm với tổ chức từ tháng 9/2015 và với cá nhân từ tháng 12/2015. Đến nay, sau gần nửa năm triển khai, liều thuốc chống đô la hóa này đã bắt đầu nảy sinh những tác dụng phụ. Cụ thể, trên thị trường ngân hàng, từ cuối năm 2015 đến nay, hàng loạt ngân hàng đua nhau lách trần huy động USD khiến NHNN liên tục tuýt còi. Lãi suất huy động USD trên thực tế được nhiều ngân hàng chi trả đến mức 0,5-1%/năm.

    nhieu chuyen gia kinh te cho rang, nhnn nen “gian” lo trinh chong do la hoa de chia se kho khan voi doanh nghiep.

    Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên “giãn” lộ trình chống đô la hóa để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

    Theo các ngân hàng, từ khi lãi suất huy động USD về mức 0%, huy động vốn ngoại tệ có dấu hiệu giảm và hầu hết khoản tiền gửi được chuyển về hình thức không kỳ hạn hoặc tài khoản thanh toán. Có nghĩa, hàng tỷ USD tiết kiệm nằm trong ngân hàng có thể rút ra bất kỳ lúc nào, khiến ngân hàng gặp nhiều rủi ro về kỳ hạn, về cân đối thanh khoản ngoại tệ.

    Một hệ lụy khác của chính sách lãi suất USD 0%/năm, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) là triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ và gây ra hiện tượng chảy máu ngoại tệ, cụ thể là tiền gửi nước ngoài gia tăng đột biến (7,3 tỷ USD). Điều này vô cùng bất cập trong bối cảnh nhiều ngân hàng trong nước phải vay ngoại tệ từ nước ngoài với lãi suất cao.

    Cũng với mục tiêu chống đô la hóa, ngoài việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm, từ tháng 4/2016, NHNN cũng chính thức thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ. Tuy nhiên, suốt một tháng qua, liên tiếp những lời cầu cứu đã được các hiệp hội đưa ra.

    Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, những năm qua, chính sách cho vay ngoại tệ của NHNN đã giúp doanh nghiệp có thể tồn tại, bởi lãi suất cho vay chỉ bằng một nửa lãi suất tiền đồng. Nếu NHNN dừng cho vay ngoại tệ, thì từ quý II/2016, doanh nghiệp xuất khẩu không thể cạnh tranh được vì chi phí tài chính tăng, dẫn tới giá thành xuất khẩu cao, mất thị trường, nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa. “NHNN nên kiểm tra chặt việc cho vay, đừng vì một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trục lợi mà bỏ đi một chính sách tốt”, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng kiến nghị.

    Nên “giãn” lộ trình chống đô la hóa

    Có thể nói, những biện pháp quyết liệt thời gian qua của NHNN đã giúp tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối quốc gia cải thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp phục hồi chật vật, thì tín dụng ngoại tệ với lãi suất thấp vẫn là phao cứu sinh của nhiều doanh nghiệp. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên “giãn” lộ trình chống đô la hóa để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

    TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nhận định, lộ trình chống đô la hóa vừa qua của NHNN là “hơi nhanh” và nên cân nhắc lại một số giải pháp, trong đó có giải pháp đưa lãi suất tiết kiệm về 0%/năm với USD.

    Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, NHNN còn có trong tay khá nhiều công cụ để chống đô la hóa, chứ không chỉ bằng các giải pháp hành chính như giảm lãi suất, siết tín dụng ngoại tệ. Chưa kể, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế mở, dựa nhiều vào xuất nhập khẩu và nhu cầu ngoại tệ là rất thiết yếu. Nói cách khác, nền kinh tế vẫn cần ngoại tệ để phục vụ sản xuất - kinh doanh, do đó các chính sách cần hướng tới huy động hiệu quả nguồn vốn này. 

    Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, NHNN nên xem xét nâng lãi suất huy động lên mức 0,2-0,25%/năm, thay vì mức 0%/năm hiện nay.

    Đề xuất tăng lãi suất huy động với USD là có cơ sở, bởi vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN xem xét mở lại tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp. Nếu khả năng này xảy ra, nguồn cung ngoại tệ sẽ càng thiếu. Do đó, tăng lãi suất huy động USD, trước mắt ưu tiên cho các khoản tiền gửi trung, dài hạn, là cần thiết.

    Trước kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp và cả các ngân hàng, chưa rõ NHNN có “lung lay” quan điểm về việc áp trần lãi suất USD 0%/năm hay không. Trong chỉ thị ban hành cách đây hơn 2 tuần, NHNN vẫn thể hiện sự cứng rắn và yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm quy định về lãi suất huy động USD.

    Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, chính sách lãi suất 0%/năm là nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ chống đô la hóa, góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn