TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-08-2017

    Một chai bia tại Việt Nam chịu thuế ra sao?

    Thuế TTĐB và thuế VAT chiếm tới 35% giá bán và sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới theo lộ trình tăng thuế TTĐB của Chính phủ.

    Về sức tiêu thụ, trong các năm gần đây, thị trường bia Việt Nam luôn lọt vào danh sách các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Kirin Holdings, Việt Nam đã tiêu thụ hơn 3,8 tỷ lít bia trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới về tổng lượng tiêu thụ. Trong giai đoạn 2009-2015, tổng lượng tiêu thụ và mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam đều tăng.

    Trong năm 2015, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ vào khoảng 41,1 lít bia/năm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới (27 lít/người) và của châu Á (18 lít/người). Trong khu vực châu Á, nếu xét về mức tiêu thụ bình quân đầu người, Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia lớn thứ ba, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

    Về cơ cấu giá thành một nghiên cứu của Euromonitor cho biết tại Việt Nam, khoảng 51% giá bán bia cuối cùng sẽ về tay nhà sản xuất, 4,6% giá bán thuộc về nhà phân phối và 9,7% là của nhà bán lẻ. Thuế TTĐB và thuế VAT chiếm tới 35% giá bán và sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới theo lộ trình tăng thuế TTĐB của Chính phủ.

    Về kiểm soát giá, có hai cách để nhà sản xuất có thể kiểm soát được mức giá bán ra của nhà phân phối: là ràng buộc bằng các hợp đồng pháp lý và ràng buộc thông qua các điều khoản không mang tính pháp lý.

    Tuy nhiên theo công ty chứng khoán FPT, hiện nay tại Việt Nam chưa có nhà sản xuất nào sử dụng được phương pháp kiểm soát hợp pháp thông qua các hợp đồng đối với các nhà phân phối và chỉ có thể kiểm soát giá bán bằng cách còn lại.

    Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành, tất cả các nhà phân phối bia trong nước đều có mức độ và chất lượng dịch vụ gần như nhau. Điều này có nghĩa là họ bắt buộc phải cạnh tranh bằng giá và từ đó giá bán bia của các nhà phân phối sẽ tự động được điều chỉnh về cùng một mức giá chung. Trong trường hợp thị trường không tự cân bằng, các nhà phân phối sẽ phải tác động bằng một số cách như hạn chế phạm vi phân phối sản phẩm đối với từng đại lý (Heineken Việt Nam) để giảm cạnh tranh giữa các địa lý phân phối hay đưa ra các chính sách thưởng cuối tháng với điều kiện các đại lý phải bán đúng giá mà nhà sản xuất yêu cầu.

    Tình trạng loạn giá bia hiện nay đang là một vấn đề đau đầu của các nhà sản xuất. Lý do gây ra tình trạng này một phần đến từ các chính sách kiểm soát giá không hiệu quả của các hãng bia, và đồng thời cũng là hệ quả của hiện tượng bia giả tràn lan trên thị trường. Hiện nay bia Sài Gòn, Hà Nội và Heineken, Tiger – các loại bia được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam cũng là các loại bia bị làm giả nhiều nhất. Tình trạng này cũng khiến cho các hãng bia gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá bán do giá bán bia giả rất thấp, gây ra tình trạng phá giá bia tại các điểm phân phối.

    Xuống đến các kênh bán lẻ, cũng giống như các kênh phân phối, hiện chưa có nhà sản xuất bia nào tại Việt Nam sử dụng phương pháp kiểm soát giá thông qua các hợp đồng pháp lý. Giá bán bia tại kênh bán lẻ on-trade biến động phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ và sự khác biệt của loại hình đó tại địa điểm on-trade cũng như mức độ phổ biến của kênh này. Ví dụ, giá bán bia tại các quán bia bình dân thường thấp hơn giá bia tại beer garden hay các bar/pub do số lượng các quán bia sệt nhiều hơn và chất lượng dịch vụ cũng như trải nghiệm của khách hàng thấp hơn.

    Như vậy, càng các loại bia phổ biến và kênh bán phổ biến thì mức giá mà các nhà bán lẻ đưa ra sẽ không có sự khác biệt quá lớn và lợi nhuận về tay nhà bán lẻ cũng thấp hơn so với các kênh bán lẻ có sự khác biệt về dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Để tác động khiến cho các kênh bán lẻ cao cấp này đặt giá bán thấp hơn, các nhà sản xuất thường tài trợ cho các chương trình khuyến mại tại quán hay các chương trình quà tặng, tổ chức các sự kiện đặc biệt… vừa để kích thích tiêu thụ, tăng doanh số và vừa để tìm ra mức giá bán phù hợp nhất cho các bên đối với từng sản phẩm và từng kênh bán hàng.

    Tại thị trường Việt Nam, sức mạnh của các nhà bán lẻ đối với nhà sản xuất bia là tương đối thấp, đặc biệt là trong bối cảnh thị phần của các hãng bia lớn chiếm đến hơn 80% thị phần tiêu thụ toàn ngành.

    Mặt khác, việc nhà sản xuất ép giá bán của các nhà phân phối, bán lẻ quá thấp sẽ tạo cơ hội cho các hãng bia khác thâm nhập vào kênh dễ hơn. Do vậy, việc phân phối lợi nhuận giữa các bên trong ngành bia khá công bằng và nỗ lực trong việc quản lý, kiểm soát giá bán và chất lượng thành phẩm bia của các nhà sản xuất sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của toàn ngành phân phối và bán lẻ tại Việt Nam.(Nhipsongkinhte)
    ------------------------

    Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục trong tháng 8

    Tổng cục Thống kê cho biết tháng 8/2017 là tháng đón số lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8 ước tính đạt 1,229 triệu người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016.

    Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 tăng mạnh do ngành du lịch và các công ty lữ hành đã có nhiều biện pháp và tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách gia hạn miễn thị thực cho công dân các nước: Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hoà liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha và Cộng hòa Italia góp phần thu hút số lượng lớn khách đến từ các nước Tây Âu.

    luong khach quoc te den viet nam dat ky luc trong thang 8. anh minh hoa

    Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục trong tháng 8. Ảnh minh họa

    Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 8.472,4 nghìn lượt người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 7.182,5 nghìn lượt người, tăng 32,1%. Khách đến bằng đường bộ đạt 1.110 nghìn lượt người, tăng 21,4%; đến bằng đường biển đạt 179,9 nghìn lượt người, tương đương cùng kỳ năm 2016.

    Trong 8 tháng, khách đến từ châu Á đạt 6.325 nghìn lượt người, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng. Cụ thể, khách đến từ Trung Quốc đạt 2.653 nghìn lượt người, tăng 51,4%; Hàn Quốc 1.500,8 nghìn lượt người, tăng 49,3%; Nhật Bản 518 nghìn lượt người, tăng 7,4%; Đài Loan 411,8 nghìn lượt người, tăng 20,7%; Malaysia 295,5 nghìn lượt người, tăng 17,1%; Thái Lan 191,7 nghìn lượt người, tăng 11,8%; Singapore 170,9 nghìn lượt người, tăng 7,2%.

    Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.279 nghìn lượt người, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ Liên bang Nga 384,4 nghìn lượt người, tăng 44,8%; Vương quốc Anh 194,4 nghìn lượt người, tăng 12,5%; Pháp 180 nghìn lượt người, tăng 8,4%; Đức 131,4 nghìn lượt người, tăng 15,9%; Hà Lan 50,6 nghìn lượt người, tăng 14,6%; Tây Ban Nha 43,3 nghìn lượt người, tăng 21,5%; Italia 39,6 nghìn lượt người, tăng 13,2%.

    Khách đến từ châu Mỹ đạt 565,2 nghìn lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 424,6 nghìn lượt người, tăng 9,8%. Khách đến từ châu Úc đạt 280 nghìn lượt người, tăng 12%, trong đó khách đến từ Australia đạt 246,4 nghìn lượt người, tăng 12,5%. Khách đến từ châu Phi đạt 23,2 nghìn lượt người, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2016.(NDH)
    ----------------------

    8 tháng, xuất khẩu rau củ quả tăng 46,5%

    Báo cáo của Bộ NN-PTNT vừa công bố cho thấy từ đầu năm đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu khối ngành nông sản của cả nước đạt 23,66 tỉ USD, tăng 13,5% so cùng kỳ.

    Trong đó, nhóm hàng rau củ quả tăng trưởng mạnh, đạt 2,32 tỉ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước, trở thành mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực hàng nông sản.

    Báo cáo cho thấy, có 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 1,97 tỉ USD, chiếm hơn 85% tổng giá trị xuất khẩu rau củ quả là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Nếu so sánh giá trị xuất khẩu 10 mặt hàng nông sản chủ lực trong 8 tháng qua, xuất khẩu rau quả đứng vị trí thứ 4, sau các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ (kim ngạch xuất khẩu đạt 4,84 tỉ USD), thủy sản (13 tỉ USD) và cà phê (2,33 tỉ USD).

    3/10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu dưới 1 tỉ USD gồm: mặt hàng sắn và các mặt hàng liên quan sắn đạt 641 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 7,6% về giá trị; mặt hàng chè đạt 142 triệu USD, tăng 12% về lượng và gần 12% về giá trị; hồ tiêu đạt 889 triệu USD, tăng gần 22% về lượng nhưng giảm 19,5% về giá trị so với cùng kỳ.(Thanhnien)
    ------------------------------

    Bơm 700 nghìn tỷ đồng: Lo tiền vào chứng khoán, bất động sản?

    Trước cảnh báo tín dụng tăng 21-22% dễ dẫn đến lạm phát và nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước tỏ ra rất thận trọng trong các bước điều hành chính sách tiền tệ.

    Ngoài tạo điều kiện nới dư địa vốn cho các ngân hàng, nhà điều hành đã “nắn”, buộc dòng vốn phải chảy vào sản xuất. Dẫu vậy, vẫn có quan ngại, ít nhiều tiền sẽ chảy vào chứng khoán, bất động sản.

    Nới dư địa cho vốn ra

    Tuần qua, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36 đã thu hút sự chú ý của thị trường. Tại dự thảo sửa đổi lần này, NHNN dự kiến tiếp tục điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo tỷ lệ ở mức 45% vào năm 2018 và xuống 40% vào năm 2019 đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Đánh giá của các chuyên gia của Công ty Chứng khoán HSC, mặc dù sự chênh lệch này đặt ra rủi ro hệ thống đáng kể cho ngành ngân hàng, nhưng có lẽ NHNN đã nhận ra mục tiêu điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 50% xuống 40% vào cuối năm nay là khó khả thi. Thực tế, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện vốn trung dài hạn chỉ chiếm 13%-15% tổng huy động trong khi cho vay trung dài hạn lại chiếm tới 53%-55% tổng cho vay.

    “Việc nới thời gian áp dụng tỷ lệ trần vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ lập tức giảm bớt áp lực huy động vốn trung dài hạn và tránh đẩy chi phí huy động tăng cao hơn. Đây là yếu tố quan trọng để các ngân hàng thương mại có thể tăng cường cho vay trong nửa cuối năm 2017 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới là 21%”, HSC khẳng định.

    Tín dụng hiện tăng 9,3% so với đầu năm, do đó dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Bơm lượng vốn lớn cấp tập có quan ngại đến rủi ro lạm phát và nợ xấu? Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN) cho rằng không nên quá lo lắng bởi hiện Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát rất chặt dư nợ tín dụng các lĩnh vực thông qua việc liên tục yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) báo cáo số liệu. Ngay cả với lĩnh vực ưu tiên là gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, cũng không có chuyện ồ ạt cho vay bằng mọi giá.

    Ông Hùng đơn cử: Hiện có nhiều hồ sơ, đơn thư xin vay vốn nông nghiệp công nghệ cao gửi đến ngân hàng thậm chí cả tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đủ các mức vay có khi lên tới 500 tỷ đồng- đến cả 3.000 tỷ đồng. “Tuy nhiên, khi chúng tôi cho ngân hàng thương mại thẩm định kiểm tra, có doanh nghiệp rơi vào nợ nhóm 4 (tức là tiệm cận nợ xấu) hiện đang khoanh lại, nay lại đòi mở ra dự án mới và xin vay mới. Có doanh nghiệp đang nuôi cá nay lại muốn chuyển sang nuôi bò thịt mà không chứng minh được thị trường, đầu ra sản phẩm. Về cơ bản, chúng tôi ưu tiên những doanh nghiệp có quá trình đầu tư, làm thật và có sản phẩm được thị trường công nhận, chứ không thể là doanh nghiệp đầu tư theo phong trào hoặc tay không bắt giặc”, ông Hùng khẳng định.

    Lo tiền vào chứng khoán, bất động sản

    TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) bày tỏ điều lo nhất đó là tín dụng tăng nhanh quá, sẽ dẫn đến nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn. “Nếu tín dụng tăng lên 22%, sợ tiền khó vào sản xuất hết được mà có thể chảy sang lĩnh vực đầu cơ khác, bởi lượng vốn lớn thế làm sao nền kinh tế đủ sức hấp thụ trong thời gian ngắn được. Sợ nữa là nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách vay đảo nợ”, TS Độ nói.

    Còn TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright lại lưu ý tín dụng tăng ồ ạt, hấp thụ nhiều nhất có thể không phải là các ngành sản xuất kinh doanh, mà là khu vực bất động sản, do đó ông khuyến cáo: “NHNN phải đảm bảo kiểm soát tín dụng phân bổ tín dụng cho dòng vốn đi đúng hướng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng chứ không phải đầu cơ”.

    Một nhà đầu tư lão luyện trên thị trường chứng khoán từng có kinh nghiệm về những lần tín dụng vọt tăng trên thị trường cũng chia sẻ suy nghĩ: Đổ tiền ra cũng giống như đổ “ào” một xô nước đầy lên mặt đất, kiểu gì cũng thấm sang chỗ này, chỗ khác. “Tiền ngân hàng từ nay đến cuối năm đưa ra, dù không muốn nhưng rất có thể vẫn chạy một phần vào chứng khoán hay bất động sản”, ông nói. Vậy có cách nào để hạn chế? Theo ông, NHNN có thể kiểm soát chặt bằng nhiều ràng buộc với các ngân hàng với nhiều “chốt chặn”. Tuy nhiên, có khả năng ít nhiều thị trường vẫn tìm ra cách… lách.

    Được biết, hiện NHNN đã chỉ đạo các vụ ngành chức năng kiểm soát chặt dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, BOT và chứng khoán.(Tienphong)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn