TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-08-2017

    Bloomberg: Thương mại điện tử Đông Nam Á còn nhiều tiềm năng phát triển

    Một báo cáo mới đây của Maybank nói rằng dù tăng trưởng mạnh, thương mại điện tử ở Đông Nam Á mới chỉ chiếm dưới 4% tổng doanh thu bán lẻ.

    thuong mai dien tu dong nam a con nhieu tiem nang phat trien

    Thương mại điện tử Đông Nam Á còn nhiều tiềm năng phát triển

    Với đủ loại mặt hàng từ máy giặt, ti vi đến nước mắm, doanh số bán lẻ trực tuyến tại Thái Lan tăng hơn 100%, vượt xa con số tại các cửa hàng truyền thống (10%). Đây là kết quả của đường truyền internet được cải thiện và sự thành công của các trang bán hàng trực tuyến, ví dụ như Lazada.

    Công ty điện thoại di động lớn thứ 3 của Thái, Total Access Communication, ước tính rằng người dân nước này dành 6 giờ mỗi ngày trên các trang mạng xã hội như Facebook và Youtube. Đây là nước duy nhất ở Đông Nam Á thu thập dữ liệu doanh số bán lẻ trực tuyến riêng, cung cấp một hướng dẫn hữu ích về tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực, theo Maybank Kim Eng.

    Dù đang tăng mạnh, doanh số bán hàng trực tuyến tại Đông Nam Á vẫn chiếm chưa tới 4% doanh số bán lẻ, các nhà kinh tế của Maybank Chua Hak Bin và Lee Ju Ye cho biết trong một báo cáo.

    Các thị trường lớn hơn như Trung Quốc và Hàn Quốc có tỷ lệ thâm nhập thương mại trực tuyến cao hơn, lần lượt là 16% và 18%. Điều này cho thấy tiềm năng của Đông Nam Á và Maybank dự đoán doanh số bán hàng thương mại điện tử có thể tăng lên 5% đến 10% tổng lượng bán lẻ trong 5 năm tới.

    Mới đây, tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã trở thành thành viên một ủy ban của Indonesia về thúc đẩy thương mại điện tử ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Macquarie Research dự báo bán lẻ trực tuyến ở Indonesia có thể đạt mức 65 tỷ USD vào năm 2020.

    Maybank nhận định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và tình trạng thiếu vắng số liệu chính thức về lĩnh vực này đồng nghĩa với việc tiềm năng của thị trường Đông Nam Á có thể bị đánh giá không đầy đủ so với thực tế. Bởi vậy, theo Maybank, việc theo dõi các xu hướng tiêu dùng sẽ hữu ích hơn việc chỉ nhìn vào các con số bán lẻ chính thức.(NDH)
    -----------------------------

    Nhập khẩu than từ Trung Quốc 7 tháng đầu năm giảm gần 1 nửa

    Trong 7 tháng đầu năm, lượng than nhập khẩu của Việt Nam giảm nhưng giá trị nhập khẩu tăng. Đáng chú ý, nhập khẩu than đá của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2017 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 1,16 triệu tấn 7 tháng đầu năm 2016 xuống còn 614.125.

    Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 7,9 triệu tấn than đá, trị giá 801 triệu USD, giảm 5,1% về lượng nhưng tăng 49,2% về giá trị.

    Lượng than nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2017 (Số liệu: Tổng cục thống kê)

    Kim ngạch nhập khẩu than 7 tháng đầu năm 2017(Số liệu: Tổng cục thống kê)

    Đứng đầu thị trường nhập khẩu than đá của Việt Nam là Indonesia với 2,9 triệu tấn, kim ngạch đạt 192,7 triệu USD tăng 48,2% về lượng và tăng 65,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

    Xếp thứ 2 là thị trường Australia với 2,3 triệu tấn trị giá 282,96 triệu USD giảm 12,4% về lượng nhưng tăng 40,2% về giá trị.

    Việt Nam nhập khẩu ít than đá từ Nhật Bản nhất, chỉ 29 tấn, kim ngạch đạt 38.428 USD, giảm 44% về lượng và giảm 3,08% về giá trị.

    Đáng chú ý, nhập khẩu than đá của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2017 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 1,16 triệu tấn 7 tháng đầu năm 2016 xuống còn 614.125 tấn. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu lại tăng 93,8 triệu USD lên 110,4 triệu USD.

    Nguyên nhân của việc lượng than giảm nhưng kim ngạch nhập khẩu than vẫn tăng là do giá than liên tục tăng trong thời gian gần đây.

    Giá than trung bình khu vực đến tuần 4 tháng 7 (2017)
    (Nguồn: Platts Coal Trader International)

    Theo bản báo cáo phân tích thị trường than của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cho hay Tại Ấn Độ, 1 công ty cho biết giá than biến động đã khiến khách hàng nhạy cảm với giá dù là những thay đổi nhỏ nhất. Công ty này cho biết :”Chỉ cần chúng tôi tăng giá 1 USD/tấn, khách hàng sẽ ngừng giao dịch. Họ sẽ nói rằng họ không cần mua hàng vào thời điểm này. Hiện tại các khách hàng Ấn Độ không hoạt động tích cực trên thị trường.".

    Nguồn tin này cũng nghi ngờ khả năng nhu cầu tại thị trường Ấn Độ sẽ tăng cao trở lại sau mùa mưa. Hiện tại thị trường Ấn Độ đang có nhu cầu nhập khẩu than 5.000 kcal/kg GAR tuy nhiên rất khó để khớp giá thầu và giá cung cấp. Giá chào cho than FOB Indonesia 5.000 kcal/kg GAR giao trong tháng 8 trên tàu Supramax là 60 USD/tấn trong khi giá mời thầu là 58 - 58,5 USD/tấn.

    Trong khi đó giá than FOB Nam Phi 6.000 kcal/kg NAR được giữ ở mức 83 USD/tấn. Khách hàng Ấn Độ cho biết giá than Nam Phi 6.000 kcal/kg NAR đã biến động mạnh trong những tháng vừa qua, do đó nhiều khách hàng tiêu dùng cuối đang đấu thầu trên cơ sở giá cố định.

    Giá than nhiệt Indonesia đã trở lại ổn định trong tuần này nhờ cân bằng nguồn cung và nhu cầu từ Trung Quốc cũng như giá than Newcastle tăng mạnh. Tuy nhiên các công ty trên thị trường than không kỳ vọng về khả năng ổn định lâu dài với việc Trung Quốc nâng sản lượng vào nửa sau năm nay. Theo nguồn tin từ 1 công ty khai thác than lớn của Indonesia :"Thị trường đang trở nên sôi động hơn. Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn hàng cho than 3.800 kcal/kg và 3.400 kcal/kg NAR”.

    Công ty này dự đoán thị trường trong quý III sẽ không có nhiều biến động, điều kiện thời tiết tốt lên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các tín hiệu từ phía Trung Quốc không rõ ràng khiến các công ty Indonesia không hoàn toàn lạc quan về thị trường.(NDH)
    ------------------------

    Thị trường phân bón 'té nước theo mưa' khi áp thuế tự vệ

    Sau khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ cho phân DAP và MAP với thuế suất trên 1,8 triệu/tấn kể từ ngày 19-8, nhưng trước và sau ngày có hiệu lực, không chỉ 2 loại phân trên tăng giá mà còn có phân Kali, Urê cũng "té nước theo mưa".

    Theo ghi nhận chúng tôi tại chợ phân bón Trần Xuân Soạn (quận 7, TP HCM), phân Urê (còn gọi phân đạm) sản xuất trong nước gồm đạm Cà Mau (hạt đục), đạm Phú Mỹ (hạt trong); ngoài ra còn có Urê hạt đục nhập khẩu của Ả Rập, Trung Quốc, Mã Lai và Indonesia với mức giá nội và ngoại tương đương nhau, bình quân cách đây 1 tuần có 5.950 đồng/kg, nay các nhà phân phối tăng lên 6.150 đồng/kg, tức tăng 150-200 đồng/kg.

    Đáng nói, Urê Trung Quốc trên bao bì in hình "trái táo" (hạt đục) được các doanh nghiệp sản xuất NPK trộn ưa chuộng nhờ hạt to giống Urê Cà Mau do ưu điểm chậm tan lại tăng mạnh đến 300 đồng/kg.

    Không chỉ Urê mà phân Kali cũng tăng theo. Mặt hàng Kali trên thị trường có hai loại bột và hạt (miểng), nhập khẩu hoàn toàn của nước ngoài do trong nước chưa sản xuất được từ nguồn gốc Ukraine, Belarus (miểng); Israel, Lào (miểng và bột), Chi Lê (bột)...

    Chênh lệch giá giữa Kali bột và miểng vào khoảng 1 triệu đồng. Cách đây 10 ngày, giá Kali miểng được ghi nhận 6.800 đồng/kg, nay tăng lên 7.100 đồng (tức tăng 300 đồng/kg).

    Thị trường phân bón té nước theo mưa khi áp thuế tự vệ - Ảnh 1.

    Kali miếng và Kali bột

     

    Trong sản xuất phân NPK trộn, các doanh nghiệp chỉ sử dụng kali miểng; trái lại trong sản xuất NPK một hạt bằng công nghệ hơi nước, urê hóa lỏng hoặc công nghệ ép viên thì sử dụng nguyên liệu Kali bột.

    Theo ông Trần Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Phân bón Hà Lan (KCN Tân Kim, Long An), trong SX phân NPK trộn, sở dĩ người ta không sử dụng Urê hạt trong của Đạm Phú Mỹ là do hạt mịn nhanh tan. Thông thường, mức giá chênh lệch giữa hạt trong và hạt đục vào khoảng 100 - 200 đồng/kg. Hơn nữa, trong khi khu vực ĐBSCL bà con nông dân đang có tập quán sử dụng cả hạt đục và hạt trong (Trung Quốc, Đạm Cà Mau) làm phân đơn khá nhiều thì vùng Tây Nguyên lại ưa sử dụng Urê hạt trong hơn do đặc tính tan nhanh.

    "Hiện nay, giá phân đơn mà nông dân thường sử dụng gần như tăng đồng loạt, ban đầu là phân DAP, MAP nhập khẩu tăng đến 1,9 - 2 triệu đồng/tấn, sau đó là Urê, Kali. Đây cũng là nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón NPK nên dẫn tới giá thành các loại sản phẩm NPK bắt buộc phải tăng giá theo. Chẳng hạn, trên thị trường phân NPK 20-20-15 là loại sản phẩm được bà con nông dân sử dụng phổ biến đã tăng từ 30 - 40 ngàn đồng/bao (50 kg), tức tăng khoảng 600 - 800 ngàn đồng/tấn. Việc tăng này buộc doanh nghiệp phải đưa vào giá thành sản xuất nên cuối cùng người nông dân lãnh đủ", ông Dũng nói.

    Thị trường phân bón té nước theo mưa khi áp thuế tự vệ - Ảnh 2.

    Phân Urê Mã Lai nhập khẩu hạt đục

     

    Hiện nay, vùng ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu, trong khi vụ 3 do lũ lên sớm nên chưa thể sản xuất được. Mặt khác, vùng Tây Nguyên cũng đã dứt điểm xuống đợt phân cuối cho cây cà phê đến tháng 12 các doanh nghiệp mới cung cấp phân bón trở lại. Vì thế, bà con nông dân nói chung chưa có nhu cầu sử dụng phân bón nhiều, trong khi giá phân bón được cho đã tăng cao thì không hiểu 1 - 2 tháng tới khi vào vụ sản xuất, thị trường phân bón sẽ biến động như thế nào?

    "Thuế suất chỉ áp dụng tự vệ cho 2 mặt hàng DAP và MAP nhập khẩu, thay vì DAP sản xuất trong nước của Đình Vũ và Lào Cai giá cả phải ổn định nhưng hiện nay cũng tăng bình quân từ 8.300 đồng/kg lên 9.300 đồng, tức 1 tấn tăng 1 triệu đồng, thậm chí không có hàng. Trong khi đó, DAP hầu hết là được nông dân sử dụng như một loại phân đơn rất quan trọng bón hầu hết cho các loại cây trồng", ông Trần Văn Châu, TGĐ Cty TNHH XNK Phân bón Châu Âu nói. (NNVN)
    -----------------------

    Có thể cho phá sản Nhà máy Đóng tàu Dung Quất

    Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị cho phép bán Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản, đấu giá tài sản và chịu mất 5.000 tỉ đồng không thu hồi được

    PVN vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án thuộc ngành này.

    Đối với dự án Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ, PVN cho biết ngày 25-7 vừa qua, tập đoàn này đã có công văn báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án hợp tác với đối tác nước ngoài để cùng sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, các cổ đông của PVTex (chủ đầu tư Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ) đang chờ quyết định của Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương để triển khai phương án.

    Trong thời gian chờ quyết định phê duyệt, tập đoàn đã có công văn đề nghị đối tác Fortrec (Singapore) gia hạn thời gian có hiệu lực cho các đề xuất hợp tác cùng sản xuất kinh doanh (hạn cũ là ngày 31-7). Ngày 8-8, đối tác Fortrec đã có công văn trả lời và nêu rõ do thời gian đợi các cấp có thẩm quyền của PVTex phê duyệt phương án quá lâu nên để triển khai hợp tác tiếp, Fortrec cần xin lại thủ tục phê duyệt phương án trước khi có trả lời chính thức.

    Đề cập dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, PVN cho biết ngày 25-7 vừa qua, tập đoàn đã có báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý các khó khăn đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS, chủ quản Nhà máy Đóng tàu Dung Quất). Trong đó, PVN kiến nghị cho phép tập đoàn bán doanh nghiệp này theo Nghị định 128 ngày 31-12-2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trường hợp bán không thành công, sẽ triển khai ngay phương án phá sản, đấu giá tài sản. Đồng thời, ủy quyền cho HĐTV PVN quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.

    Theo PVN, nếu thực hiện phương án phá sản, tập đoàn này có thể sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỉ đồng đã đầu tư vào DQS.

    Với dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất, PVN đã thực hiện phương án khởi động vận hành lại nhà máy trong năm 2017 để có sản phẩm từ ngày 1-1-2018. Đồng thời, khắc phục hoàn thiện hạng mục xử lý nước thải và các vướng mắc của hợp đồng EPC, thanh quyết toán dự án.

    Tương tự, với dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước, PVOil đã phối hợp với chủ đầu tư rà soát, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy với mục tiêu khởi động, vận hành nhà máy từ ngày 1-1-2018, đồng thời tìm giải pháp tiết giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

    Tại dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, nhóm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với đầu mối là Công ty CP Đầu tư Thái Sơn tiếp tục nghiên cứu phương án hợp tác theo hướng tái cấu trúc và tiếp tục đầu tư để đưa vào vận hành. PVOil đang triển khai công tác định giá tài sản để làm cơ sở xây dựng phương án chuyển nhượng/thoái vốn.(NLĐ)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn