TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-12-2015

    Thương mại tự do ASEAN sẽ tạo ra 500.000 việc làm

    cong nhan lam viec trong mot nha may o to o thai lan - anh: afp

    Công nhân làm việc trong một nhà máy ô tô ở Thái Lan - Ảnh: AFP


    Trang Paultan của Malaysia ngày 29.12 dẫn nghiên cứu kinh tế mới cho thấy việc dỡ bỏ những biện pháp phi thuế quan (NTM) thương mại tự do nội khối ASEAN sẽ tạo ra đến 500.000 việc làm mới cho ngành công nghiệp ô tô.
    Theo nghiên cứu của tổ chức Oxford Economics, trong khi thuế suất nhập khẩu có xu hướng giảm dần, gần 190 NTM đã được thực thi tại khắp các nước thành viên ASEAN trong giai đoạn 2009 - 2013 và là trở ngại đáng kể cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
    Oxford Economics nhận định ngành ô tô chậm hơn các ngành khác trong việc dỡ bỏ NTM, với hơn 70% ô tô và phụ tùng nhập khẩu phải gánh chịu rào cản phi thuế quan nhất định ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
    Phổ biến nhất là rào cản kỹ thuật đối với thương mại và kiểm soát chất lượng “vô lối”, ảnh hưởng đến 25% tăng trưởng của ngành xe hơi trong khối.

    Kế hoạch bầu trời chung ASEAN gặp khó

    Theo tờ The Jakarta Post, ASEAN đặt mục tiêu từ cuối năm 2015, tất cả các hãng hàng không của 10 nước thành viên sẽ được phép bay tự do đến bất kỳ thành phố nào trong khu vực. Tuy nhiên, Indonesia hiện mới chỉ mở cửa bầu trời Jakarta còn Philippines vẫn “đóng” thủ đô Manila.
    Về lâu dài, kế hoạch tự do hóa thị trường hàng không ASEAN còn bao gồm việc cho phép hãng hàng không của nước này cung cấp chuyến bay nội địa tại một nước khác cũng như gỡ bỏ quy định đòi hỏi đơn vị sở hữu một hãng hàng không phải gồm đa số công dân của nước đó.
    Theo giới phân tích, một vùng trời chung sẽ tạo ra cạnh tranh mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều lựa chọn và giá cả tốt hơn cho hành khách. Kế hoạch cũng sẽ giúp quản lý hiệu quả số lượng chuyến bay và tránh tình trạng quá tải trên không đồng thời tạo ra cú hích lớn cho du lịch và đầu tư.
    “Tôi hy vọng Indonesia và Philippines sẽ nhanh chóng chấp nhận mảnh ghép cuối cùng này để có thể khởi động thị trường chung ASEAN. Nếu không sẽ tồn tại khoảng cách rất lớn”, chuyên gia Alan Tan thuộc Đại học quốc gia Singapore nói với The Jakarta Post.

    Quy mô TTCK Việt Nam hiện lên tới 57% GDP

    Đó là phát biểu của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và địa phương diễn ra sáng 29/12

    Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và địa phương diễn ra sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính- ông Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo tổng kết về thị trường tài chính trong năm 2015.

    Theo Bộ trưởng, dù tình hình thế giới có nhiều tác động lớn tới TTCK, tuy nhiên TTCK Việt Nam vẫn phát triển ổn định, tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực.

    Tính tới hết năm 2015, chỉ số VnIndex đã tăng 5%, vốn hóa toàn thị trường tăng 15% so với cuối năm 2014, tương đương khoảng 34% GDP. Nếu tính cả trái phiếu thì quy mô toàn TTCK hiện lên tới 57% GDP, cao hơn so với Trung Quốc (45%) và Nga (40%).

    chi so vnindex tiep tuc tang truong trong nam 2015

    Chỉ số VnIndex tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015

    Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, giá trị danh mục đầu tư tại Việt Nam hiện đạt quy mô trên 15 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước và đây là mức cao nhất từ trước tới nay. Tính chung cả năm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng lượng cổ phiếu với giá trị lên tới 3.390 tỷ đồng. So với các nước trong khu vực, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam vẫn có tín hiệu tích cực hơn rất nhiều.

    Về huy động vốn, Bộ trưởng cũng cho biết tổng giá trị huy động trong năm qua đạt 283.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ 2014 và đóng góp 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, giá trị phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa doanh nghiệp tăng 46%, huy động trái phiếu chính phủ đạt kế hoạch đã đề ra.

    Trong điều kiện kiện quy mô nền kinh tế còn thấp, thị trường chứng khoán chưa phát triển được lâu nhưng đã có sự tăng trưởng ổn định và điều này góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kết luận.


    10 năm nữa Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt trên cao

    Hiện nay Hà Nội có 3 dự án đang triển khai. Với tốc độ này, trong vòng 10 năm tới, Hà Nội sẽ có 5 tuyến hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

    Chiều qua (29/12), trong cuộc họp báo Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã nhận được khá nhiều câu hỏi của báo chí. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, ông Trần Ngọc Nam (Phó Giám đốc Sở KH-ĐT) đã “nhường” câu trả lời cho những người khác.

    Trước câu hỏi được nhiều người quan tâm về những tuyến đường sắttrên cao có thu được hiệu quả khi đi vào hoạt động động không? Ông Lê Sinh Tiến (Phó Phòng ODA Sở KH-ĐT) cho biết: Nếu chỉ đơn thuần một tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông thì sẽ rất khó có hiệu quả bởi vốn thì rất lớn trong khi quãng đường thì ngắn, tuy nhiên, sắp tới khi các tuyến đường sắt trên cao cùng đi vào hoạt động thì sẽ thấy hiệu quả kinh tế cao.

    Tuyến Đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Bộ GTVT là chủ đầu tư còn Hà Nội sẽ tiếp nhận và vận hành bắt đầu từ 2016. Về tính hiệu quả, theo quyết định của Chính phủ thì Hà Nội có tất cả 8 tuyến đường sắt trong đó có 2 tuyến Hà Đông – Cát Linh và Nhổn – Ga Hà Nội đang thi công và sắp đưa vào khai thác. Tiếp đó là tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) đang chuẩn bị triển khai.

    Ông Tiến cho biết thêm: Khi muốn hệ thống đường sắt hoạt động hiệu quả thì chúng ta phải đồng bộ đầy đủ hạ tầng, hệ thống. Đúng là nếu chỉ một tuyến Cát Linh – Hà Đông thì sẽ cảm thấy không hiểu quả. Nhưng nếu kết hợp 3-4 tuyến và tương lai sẽ là tuyến số 5, các tuyến này sẽ kết nối với nhau thì sẽ thấy được hiệu quả của đường sắt. “Khi nào các tuyến đường sắt trên cùng đi vào hoạt động thì việc đi lại của người dân sẽ rất thuận tiện” – ông Tiến khẳng định.

    Sau 3 tuyến đường trên, tiếp đến Hà Nội cũng đang chuẩn bị một tuyến từ Trần Hưng Đạo đến vành đai 3 (Thanh Trì), và một tuyến tiếp theo có thể từ Thanh Trì lên Hồ Gươm. Như vậy chúng ta phải có một cái nhìn tổng thể trên các tuyến. “Hiện nay có 3 dự án đang triển khai. Với tốc độ này, trong vòng 10 năm tới, Hà Nội sẽ có 5 tuyến hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Khi đó chúng ta mới thấy được hết hiệu quả của nó” – ông Sinh Tiến chia sẻ.

    Ông Tiến cũng cho biết thêm: Trong cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân, và nếu hạn chế được thì chúng ta sẽ thấy rất rõ hiệu quả của các tuyến đường sắt.


    TP.HCM sẽ có thêm 21.000 căn nhà ở xã hội

    Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) và Sở Xây dựng TP.HCM đang tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên địa bàn TPHCM.

    Từ cơ sở khảo sát này, HIDS sẽ trình Thành phố lập kế hoạch xây dựng quỹ nhà ở xã hội trong 5 năm tới cho các đối tượng này.

    Tại cuộc họp về việc Tổ chức thực hiện việc điều tra, khảo sát, thống kê và tổng hợp nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội tại TP.HCM, do HIDS tổ chức vào chiều qua (29/12), ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong 5 năm tới, để giải quyết nhu cầu cho nhiều đối tượng, dự kiến đến năm 2020, TP.HCM sẽ đầu tư thêm 21.000 căn hộ nhà ở xã hội.

    Ông Sơn cho biết thêm, hiện tại, số lượng căn hộ nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM còn hạn chế. Trong khi đó, TP.HCM còn có 22 dự án nhà ở xã hội bằng vốn ngoài ngân sách với quy mô khoảng 29.000 căn hộ. Tuy nhiên, số lượng dự án này mới đang ở giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư và bước đầu giải phóng mặt bằng, phải mất vài năm sau đó mới có thể bắt tay xây dựng.

    Về giá nhà ở xã hội, ông Sơn nhấn mạnh, cơ quan Nhà nước không duyệt giá bán nhà ở xã hội có vốn ngoài ngân sách, chỉ kiểm tra các đối tượng thụ hưởng có đúng quy định không mà thôi.

    "Gá bán nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư, đồng thời doanh nghiệp không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán. Riêng giá thuê mua nhà ở xã hội, tỷ lệ này là không quá 15%. Chính vì thế, giá nhà ở xã hội sẽ không có một mức giá chung mà tuỳ thuộc vào vị trí dự án, chi phí giải phóng mặt bằng, thiết kế xây dựng, trang thiết bị nội thất…", ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị thuộc HIDS, cho hay nói.

    Tuy nhiên, giá nhà ở xã hội sẽ rẻ hơn nhà ở thương mại ở cùng một vị trí vì các dự án nhà ở xã hội được Nhà nước miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các cơ chế hỗ trợ khác.

    Trong 10 đối tượng được hưởng chính sách nhà ở theo Luật Nhà ở 2014, có 7 đối tượng được thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội (gồm người có công với cách mạng, người có thu nhập thấp ở đô thị, cán bộ viên chức, sĩ quan và hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp…); có 1 đối tượng chỉ được thuê nhà ở xã hội là học sinh, sinh viên, học sinh các trường nội trú công lập. Ngoài ra, hai đối tượng được hỗ trợ cải tạo nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất là hộ gia đình nghèo và cận nghèo ở nông thôn, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn