TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-01-2016

    Báo nước ngoài ‘mổ xẻ’ công thức thành công của kinh tế Việt Nam

    cong nhan lam viec tai mot cong trinh xay dung o ha noi - anh: reuters

    Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng ở Hà Nội - Ảnh: Reuters


    Chính sự tăng trưởng vũ bão từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là 2 trong số những lý do giúp Việt Nam đi ngược với xu hướng suy thoái kinh tế trong khu vực, theo bài phân tích của kênh Channel News Asia (Singapore).
    Trong bài viết nhan đề “Vì sao kinh tế Việt Nam tăng mạnh hơn các nước Đông Nam Á khác”, Channel News Asia bình luận tăng trưởng kinh tế của gần như toàn bộ vùng Đông Nam Á trong năm 2015 bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng kinh tế Trung Quốc.
    “Duy nhất chỉ có một quốc gia có vẻ như đi ngược được xu hướng chung”, đó là Việt Nam, theo kênh tin tức Singapore.
    Tốc đột tăng trưởng GDP ba tháng cuối năm của Việt Nam đạt 7,01%, cao hơn so với tỉ lệ 6,9% cùng kỳ năm ngoài và là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 5 năm qua. Điều này giúp Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng về tăng trưởng GDP tại Đông Nam Á, theo Channel News Asia.
    Quốc gia xếp nhì Philippines có tốc độ tăng trưởng GDP 6% trong quý 3, nhưng các chuyên gia kinh tế dự đoán đảo quốc này sẽ không đạt được mục tiêu tăng 6% trong 3 tháng cuối năm. Số liệu này dự kiến sẽ được Philippines công bố vào tháng 1 này.
    Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore chững lại, với lý do chính là vì khủng hoảng kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt là trường hợp Malaysia, quốc gia có GDP tăng ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
     
    Thế mạnh
    “Lĩnh vực của Việt Nam có tốc độ phát triển tốt hơn các quốc gia lân cận chính là xuất khẩu”, theo Channel News Asia.
    Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế nghiên cứu vùng châu Á - Thái Bình Dương của hãng IHS Global Insight, nhận định sức mạnh của thương mại Việt Nam đến từ thành công trong việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu theo hướng tập trung vào hàng điện tử và may mặc.
    Ngoài các đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam còn đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu, theo ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn tài chính ANZ (New Zealand).
    “Tình hình suy thoái kinh tế và thương mại trong khu vực xuất phát từ tình trạng tái cơ cấu của Trung Quốc và sự phục hồi kinh tế tại Mỹ và các nước giàu có, theo hướng đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ thay vì hàng hóa”, ông Maguire nhận định.
    “Điều này đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu một loại hàng hóa cố định sẽ phải chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế và thương mại từ các nước trong khu vực, chẳng hạn như Indonesia và Malaysia”, vị này cho hay.
    Giới quan sát còn đánh giá rằng Việt Nam, với dân số khoảng 90 triệu người, cũng đang tăng trưởng tốt nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng kỷ lục.
    Channel News Asia bình luận rằng sự hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài xuất phát từ vị trí địa lý thuận lợi, nhân công và chi phí hoạt động giá rẻ, cũng như việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
    Theo thống kê của chuyên gia Biswas thuộc IHS, nguồn vốn FDI tính đến cuối năm 2015 đạt mức kỷ lục 14,5 tỉ USD, tăng đến 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
    Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế còn ca ngợi về sự phục hồi trong tăng trưởng tín dụng của Việt Nam. Chính phủ đạt được tiến triển khả quan trong việc xóa bỏ nợ xấu, vốn từng là chướng ngại vật lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong nước.
    Một đợt “phá giá tiền đồng có lộ trình” trong năm 2015 cũng đã góp phần vào sự hồi phục kể trên, theo ông Vishnu Varathan, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Mizuho (Singapore). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần hạ giá tiền đồng so với đồng USD trong năm 2015.
    “Thay vì vội vã phá giá tiền đồng, Việt Nam đã hạ từ từ và có tuyên truyền tốt. Điều này đã giúp làm giảm áp lực lên nền kinh tế”, ông Varathan bình luận.

    Đề xuất thuế nhập khẩu 5% với chất béo khan của sữa

    Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức thuế nhập khẩu chất béo khan của sữa (AMF). 

    tu truoc den nay co quan hai quan van xac dinh chat beo khan cua sua amf co thue nhap khau 5% - anh: tuoi tre

    Từ trước đến nay cơ quan hải quan vẫn xác định chất béo khan của sữa AMF có thuế nhập khẩu 5% - Ảnh: Tuổi Trẻ

    Trong văn bản này, Bộ Tài chính đề xuất chấp nhận mã số thuế và mức thuế 5% theo khai báo của các doanh nghiệp sữa đã được hải quan chấp nhận để thông quan.

    Theo các doanh nghiệp, từ trước đến nay cơ quan hải quan vẫn xác định mặt hàng AMF có thuế nhập khẩu 5%. Tuy nhiên mới đây trên cơ sở kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan địa phương áp mã số thuế 040590.90 với mức thuế 15% và thực hiện truy thu thuế doanh nghiệp với các lô hàng nhập từ năm 2010.

    Trước đó, cuối tháng 11-2015, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Đại Tân Việt… đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị khẩn cấp phản đối việc áp dụng mã số không có căn cứ với mặt hàng AMF. Bản chất hai mặt hàng trên là một và đề nghị cơ quan hải quan sử dụng chung một mã số HS 0405.90.10, thuế nhập khẩu là 5%.

    Ước tính tổng số thuế bị truy thu đối với các doanh nghiệp ngành sữa lên đến gần 1.000 tỉ đồng.

    Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết việc xác định bản chất hàng hóa, thành phần cấu tạo, quy trình sản xuất của cả hai mặt hàng ABF và AMF qua công tác giám định là khó khăn. Bởi đây là hai mặt hàng dễ lẫn do thành phần cơ bản tương tự nhau, cùng là nguyên liệu sản xuất sữa chua, sữa hoàn nguyên các loại… và chỉ khác nhau ở chỉ số peroxide, nguyên liệu đầu vào, sử dụng phụ gia trong quá trình sản xuất.

    Bộ Tài chính thừa nhận vướng mắc trên xuất phát từ chính sách, quy định về mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng AMF chưa hợp lý, thiếu tính minh bạch, các sản phẩm có cùng thành phần cấu tạo, cùng công dụng, được sử dụng thay thế cho nhau nhưng lại có mức thuế nhập khẩu khác nhau.

    Mặt khác, xét thấy mặt hàng AMF là nguyên liệu cho sản xuất sữa trong nước chưa sản xuất được nên bộ đề nghị chấp nhận mã số thuế và mức thuế nhập khẩu 5% đối với mặt hàng AMF như khai báo của doanh nghiệp đã được hải quan thông quan.  

    Đồng thời, bộ này cho biết đã sửa đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi 5% đối với cả hai mặt hàng AMF và ABF trong thông tư 186, áp dụng trong biểu thuế nhập ưu đãi năm 2016.


    Sẽ ngừng xuất khẩu cát nhiễm mặn

    Do giá trị thu về từ cát khai thác được cũng không đáng bao nhiêu nên tới đây sẽ dừng không cho xuất khẩu cát nhiễm mặn

    nguoi dan cho rang viec hut cat duoi long bien la nguyen nhan khien luong cat o bai bien dai lanh bi mat nhieu, gay sat lo nha dan - anh: duy thanh

    Người dân cho rằng việc hút cát dưới lòng biển là nguyên nhân khiến lượng cát ở bãi biển Đại Lãnh bị mất nhiều, gây sạt lở nhà dân - Ảnh: Duy Thanh

    Sáng 5-1, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Thủ tướng đã quyết định dừng cấp phép các dự án khai thác cát sỏi lòng sông mới và tới đây sẽ không cho xuất khẩu cát nhiễm mặn khai thác từ sông, từ biển.

    Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2015, triển khai nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên - môi trường năm 2016, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định các kiến nghị của một số địa phương về chủ trương xã hội hóa khai thác cát nhiễm mặn ở sông, biển nhưng không kiểm soát được việc nhà đầu tư khai thác quá mức, gây xói lở vùng bờ là rất đúng. 

    Ngoài ra, theo Phó thủ tướng, do giá trị thu về từ cát khai thác được cũng không đáng bao nhiêu nên tới đây sẽ dừng không cho xuất khẩu cát nhiễm mặn.


    Ấn Độ đẩy mạnh bán hóa chất, mỹ phẩm sang VN

    VN là thị trường tiềm năng về thuốc nhuộm, hợp chất nhuộm trung gian và hóa chất cơ bản của các doanh nghiệp Ấn Độ. 

    Ngày 5-1, nhân dịp đến VN chuẩn bị buổi giao lưu thương mại, triển lãm hóa chất, mỹ phẩm Ấn Độ tại TP.HCM dự kiến tổ chức ngày 7 và 8-1, ông S. G. Bharadi, giám đốc điều hành Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu hóa chất cơ bản, dược phẩm và mỹ phẩm Ấn Độ (CHEMEXCIL), cho biết VN là thị trường tiềm năng về thuốc nhuộm, hợp chất nhuộm trung gian và hóa chất cơ bản của các doanh nghiệp Ấn Độ. 

    Chỉ riêng trong hai năm 2014 và 2015, theo thống kê của CHEMEXCIL, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm này sang VN đạt đến 114,02 triệu USD, tăng 5,85% so với cùng kỳ giai đoạn trước.

    Theo ông S. G. Bharadi, chuyến đi lần này có khoảng 50 doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực thuốc nhuộm và hợp chất nhuộm trung gian, hóa chất cơ bản vô cơ và hữu cơ, bao gồm hóa chất nông nghiệp, xà phòng, chất tẩy, mỹ phẩm... Ngoài chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ, chính phủ nước này cũng mong muốn thu hút các công ty đa quốc gia lập trung tâm sản xuất toàn cầu tại Ấn Độ, trong đó có nhà đầu tư VN.


    Prudential đổ tiền vào trái phiếu chính phủ

    Prudential đã tham gia đầu tư 500 tỉ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên của Bộ Tài chính và cam kết đầu tư 5.500 tỉ đồng trong năm 2016...

    Ngày 5-1, đại diện Công ty bảo hiểm Prudential cho biết trong đợt phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên của Bộ Tài chính, doanh nghiệp này đã tham gia đầu tư 500 tỉ đồng và cam kết đầu tư 5.500 tỉ đồng trong năm 2016, nâng tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm của đơn vị này lên đến 6.000 tỉ đồng. 

    Trước đó năm 2015, khoảng 5.200 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm đã được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đăng ký, trong đó Prudential cũng có mức đầu tư kỷ lục 3.200 tỉ đồng.

    Theo ông Trần Du Lịch - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc phát triển các định chế tín dụng phi ngân hàng để thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn là rất cần thiết khi nhu cầu phát hành thêm trái phiếu chính phủ đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ngày càng lớn mà nguồn ngân sách không còn dồi dào.

    “Phải xây dựng hành lang pháp lý, chính sách để các tổ chức có lượng vốn lớn có thể tham gia thị trường trái phiếu chính phủ như các loại quỹ bảo hiểm...”, ông Lịch nói thêm.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn