TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 09-05-2016

    Việt Nam: mới chỉ có 17% wbesite chấp nhận thanh toán trực tuyến

     Thanh toán tiền mặt vẫn chiếm phần lớn ở các website thương mại điện tử, chỉ có 53%  website có đặt hàng trực tuyến và 17% wbesite chấp nhận thanh toán trực tuyến.
    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Theo kết quả  khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, năm 2015 doanh số thương mại điện tử theo hình thức B2C đạt khoảng 40,7 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ  hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước.

    Tuy nhiên, thực tế thanh toán điện tử chưa xứng với tiềm năng. Thanh toán tiền mặt vẫn chiếm phần lớn ở các website thương mại điện tử.

    Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, tổng số lượng thẻ lưu hành trên thị trường đạt xấp xỉ 69 triệu thẻ, trong đó thẻ quốc tế là 6,25 triệu thẻ, việc sử dụng các hình thức chi trả trực tuyến như thẻ tín dụng, ví điện tử sẽ ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhu cầu mua sắm, du lịch ngày càng phát triển, việc thanh toán sẽ ngày càng đòi hỏi tiện lợi, nhanh chóng và an toàn.

    Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc công ty Ví FPT, công ty vừa tham gia cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho biết, trong năm 2015, số người khảo sát thanh toán bằng chuyển khoản khi mua hàng qua mạng tăng từ 14% lên 48%.

    Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào lĩnh vực này nhưng tỷ lệ thanh toán thương mại điện tử vẫn thấp tại Việt Nam. Dự án thương mại điện tử Sen Đỏ đang kỳ vọng mức tăng trưởng 30-40% trong thời gian tới thông qua việc xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử theo mô hình B2B2C (business-to-business-to-consumer).

    Được biết, tháng 7/2014, Sen Đỏ đã hoàn thành thương vụ mua lại sàn thương mại điện tử 123mua.vn của công ty cổ phần VNG và đang xây dựng trung tâm mua sắm với mục tiêu trở thành số 1 tại Việt Nam.


    Cảnh giác lạm phát nhảy số

    Việc giá bán lẻ xăng dầu lần thứ 3 tăng giá kể từ đầu năm tới nay tuy giảm bớt phần nào nỗi lo hụt thu ngân sách, nhưng rất có thể là yếu tố cộng hưởng quan trọng, khiến “bóng ma lạm phát” quay trở lại.

    Xăng dầu tăng giá, tất yếu ngân sách thêm nguồn thu. Minh chứng là qua 2 lần tăng giá bán lẻ xăng dầu gần đây nhất (ngày 21/3/2016 và 5/4/2016), chỉ riêng dầu thô (chưa tính xăng dầu thành phẩm) đã đem về cho ngân sách nhà nước 3.700 tỷ đồng trong tháng 4, bằng 154% số thu từ dầu thô bình quân 3 tháng đầu năm, cho dù sản lượng dầu thô khai thác tháng 4 giảm mạnh.

    Song đằng sau sự tăng giá xăng dầu là mối lo “bóng ma lạm phát” sẽ quay trở lại một khi có thêm nhiều yếu tố cộng hưởng khác. Số liệu thống kê hàng tháng, hàng quý cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam tăng hay giảm thường song hành với diễn biến giá xăng dầu. Đơn cử, năm 2015, CPI chỉ tăng 0,6% so với năm 2014 có nguyên nhân quan trọng do giá xăng dầu giảm liên tục, với tổng mức giảm lên tới 24,77% so với năm 2014.

    Ảnh minh hoạ. Nguồn: InternetNhiều tín hiệu cho thấy khả năng CPI sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

    Giá xăng dầu giảm tất yếu kéo theo giá chất đốt (gas) cùng chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng và giao thông giảm... góp phần đáng kể khiến CPI năm 2015 tăng thấp.

    Ở chiều ngược lại, diễn biến giá xăng dầu từ nửa cuối tháng 3/2016 gia tăng đã tác động làm CPI trong tháng tăng 0,16%, kéo theo chỉ số giá giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng, cùng nhiều hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến CPI trong tháng 4/2016 tăng 0,33% so với tháng trước đó và tăng 1,33% so với tháng 12/2015.

    Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, lạm phát hàng năm dao động quanh mức 4-5% sẽ khuyến khích đầu tư, khuyến khích tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trên lý thuyết, nếu tốc độ tăng CPI từ nay đến cuối năm bình quân như 4 tháng vừa qua thì năm 2016, CPI sẽ ở mức 4-5%. Mức tăng này không chỉ bảo đảm mục tiêu đã được Quốc hội thông qua, mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo GDP tăng trưởng bền vững.

    Tuy vậy, nhiều tín hiệu cho thấy khả năng CPI sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

    Thứ nhất, lương cơ sở của khu vực hành chính, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng được điều chỉnh tăng từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/5/2016, đồng nghĩa với việc có thêm một lượng tiền lớn đổ vào thị trường.

    Thứ hai, hạn hán ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và khu vực miền Trung, cộng với việc giá gạo xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian gần đây đã và đang khiến nhóm hàng lương thực có xu hướng tăng giá.

    Thứ ba, tình trạng hải sản chết chưa rõ nguyên nhân ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý sử dụng hải sản hàng ngày của người tiêu dùng, khiến các mặt hàng thực phẩm khác tăng giá.

    Thứ tư, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đang có xu hướng tăng trở lại, khiến chi phí đầu vào sản xuất tăng, làm tăng giá thành sản phẩm, đẩy giá bán nhiều loại hàng hoá, dịch vụ tăng theo.

    Thứ năm, theo quy luật, vào những tháng hè, nhu cầu nghỉ mát, du lịch của người dân tăng mạnh, cộng thêm với kỳ thi đại học, cao đẳng diễn ra vào tháng 6, tháng 7 và khai giảng năm học mới vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, sẽ đẩy giá dịch vụ ăn uống, lưu trú, đi lại, đồ dùng học tập, may mặc, giày dép… tăng mạnh.

    Cuối cùng, giá điện, nước sinh hoạt cũng “nhấp nhổm” tăng do nhu cầu sử dụng điện, nước vào mùa hè của người dân tăng cao.

    Như vậy, nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng như 4 tháng đầu năm, cộng với 6 lý do trên, thì nhiều khả năng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% như Quốc hội đã đặt ra sẽ khó thực hiện. Khi đó, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô bị phá vỡ, GDP khó có thể đạt mức tăng 6,7% như kế hoạch đề ra.

    Có lẽ đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tham gia nhiều hơn vào việc kiểm soát tốc độ CPI. Trước mắt có thể tạm thời chưa tăng giá điện, nước, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục ở mức hợp lý, kiểm soát chặt lãi suất ngân hàng, tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý tăng giá hàng hoá, dịch vụ… Đặc biệt, phải thực hiện ngay 10 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016.


    SDN đầu tư 1.260 tỷ đồng vào bất động sản xanh

    UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng chấp thuận Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) - thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư 2 dự án khu đô thị xanh Dragon City Park và khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside.

    Theo chủ đầu tư, dự án khu đô thị xanh Dragon City Park, quy mô diện tích 78ha tại xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang và phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng); phía Tây Bắc giáp khu dân cư phía Nam đường Nguyễn Tất Thành nối dài, phía Tây Nam giáp khu di tích lịch sử Đồi Trung Sơn, phía Đông Bắc giáp khu tái định cư Hoà Hiệp 3 và phía Đông Nam giáp mương thoát nước và vệt cây xanh cách ly 65m.

    Dragon City Park được thiết kế nhiều hạng mục nhà phố, biệt thự và chung cư; diện tích cây xanh tạo cảnh quan và dịch vụ tiện ích. Khu đô thị có 2.455 lô đất ở chia lô liên kế và căn biệt thự, được quy hoạch đầy đủ hệ thống hạ tầng chất lượng, không gian xanh, tiện ích công và dịch vụ khép kín đảm bảo tiêu chuẩn sống đô thị châu Âu. Diện tích trung bình của các lô đất nền liền kế 130m2/lô và biệt thư cao cấp 400m2/lô, với quy hoạch tiêu chuẩn, đường giao thông tối thiểu rộng 7,5m, vỉa hè 4m thuận tiện cho việc xây nhà và các công trình sinh hoạt phục vụ hộ gia đình.

    phoi canh du an dragon city park

    Phối cảnh Dự án Dragon City Park

    Đối với Dự án khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside có quy mô diện tích 46ha, tại phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng); phía Tây Bắc giáp mương thoát nước và vệt cây xanh cách ly rộng 65m, phía Tây Nam giáp Khu tái định cư Hoà Hiệp 4, phía Đông Bắc giáp tuyến mương thoát nước, và phía Đông Nam giáp đường số 5 khu công nghiệp Hoà Khánh.

    Với vị trí thuận lợi, tiềm năng kinh tế và nhiều công trình hạ tầng xã hội, sự ra đời khu đô thị Bàu Tràm có thể đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân trong ngắn hạn. Đồng thời, đem lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng trong dài hạn. Đặc biệt, đối với đội ngũ cán bộ công nhân viên đông đảo đang làm việc tại Liên Chiểu và trường học lân cận.

    Dự án gồm nhiều hạng mục như nhà phố, diện tích cây xanh tạo cảnh quan và dịch vụ tiện ích. Dự án có 1.710 lô đất chia lô và 96 nhà vườn quy hoạch trong một khu vực có đầy đủ hệ thống hạ tầng chất lượng, không gian xanh, tiện ích công và dịch vụ khép kín đảm bảo tiêu chuẩn sống đô thị hiện đại. Trung bình các lô đất có diện tích khoảng 110m2 và lô nhà vườn 300m2 thuận tiện cho việc xây nhà và công trình sinh hoạt phục vụ hộ gia đình…

    Theo chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến của cả 2 dự án khoảng 1.260 tỷ đồng, trong đó, hơn 655 tỷ đồng đầu tư vào dự án Dragon City Park và hơn 605 tỷ đồng cho dự án Bàu Tràm Lakeside. Nguồn vốn đầu tư được huy động từ nguồn vốn của chủ đầu tư, vốn vay và từ nguồn khác. SDN đề nghị được khởi công xây dựng 2 dự án trên vào Quý 2/2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

    Với mục tiêu đem lại giá trị gia tăng cho cộng đồng, SDN cam kết đầu tư và phát triển các khu dân cư đảm bảo chất lượng hạ tầng, không gian sống, môi trường đô thị đúng tiêu chuẩn đô thị hiện đại và phù hợp với khả năng tài chính của phần lớn người dân.


    BIDV cam kết dành nguồn vốn 20.000 tỷ đồng tài trợ các dự án tại Lào Cai

    Đó là một trong những thông tin được ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư - Phát triển du lịch Lào Cai 2016 vừa tổ chức ngày 8/5/2016.


    Cụ thể, phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Bắc Hà cho biết: “Lào Cai  có môi trường đầu tư tốt nhất cùng nhiều lợi thế, tiềm năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. BIDV mong muốn các giải pháp mang tính khả thi cao sẽ tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư đối với Lào Cai, phát triển du lịch Lào Cai  trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống người dân. BIDV sẽ là người bạn đồng hành tin cậy cùng với các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong suốt thời gian đầu tư tại Lào Cai”.

    "Để hỗ trợ tỉnh Lào Cai trong phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2016 – 2020, BIDV cung ứng 02 gói hỗ trợ không hoàn lại, mỗi gói 10 tỷ đồng để triển khai xây dựng các quy hoạc tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trẻ, học bổng phát triển cán bộ nông nghiệp trình độ cao của tỉnh", ông Trần Bắc Hà cho biết thêm.

    Bên cạnh đó, BIDV cam kết dành nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn khoảng 20.000 tỷ đồng tài trợ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó tập trung ưu tiên cho các dự án đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp khai khoáng chế biến sâu, nông nghiệp công nghệ cao và hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu.

    Đồng thời, BIDV cũng cam kết dành gói hỗ trợ tín dụng khoảng 150 tỷ đồng với chính sách lãi suất hợp lý để làm đường giao thông nông thôn trong Chương trình nông thôn mới của tỉnh theo nguyên tắc có hoàn trả.

    Ngoài ra, BIDV tiếp tục cam kết tài trợ 80 tỷ đồng cho an sinh xã hội ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở cho người nghèo và xay dựng nông thôn mới.


    Đột phá vào tư duy dịch vụ

    Muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới quy trình giao dịch và tối đa hóa tiện ích cho người dùng sản phẩm dịch vụ tài chính, từng ngân hàng phải tự nâng cao chất lượng cạnh tranh của chính mình

    Trong 7 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 có 3 điểm nhấn quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng. Đó là: Nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng; Nguồn nhân lực chất lượng cao; Và cải cách thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng giao dịch với ngân hàng. Điều đáng quan tâm nhất đối với các TCTD ở TP.HCM hiện nay là thủ tục giao dịch vốn, thanh toán, ngân quỹ… cho người dân.

    Làm sao để nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới quy trình giao dịch và tối đa tiện ích cho người sử dụng dịch vụ tài chính hiện nay là một đòi hỏi của cuộc sống và chính các ngân hàng.

    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Thực tế, trong mấy năm qua các ngân hàng đã tập trung nâng chất lượng dịch vụ cho khách hàng bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ.

    Thế nhưng, dịch vụ tài chính tiện ích không đơn thuần chỉ là công nghệ, mà mỗi ngân hàng phải có những sản phẩm sáng tạo mang phong cách và thế mạnh của riêng mình. Không nên chạy theo các dịch vụ giảm lãi suất, gói tín dụng, mà bỏ qua các chương trình hậu mãi sau khi đã mua gói dịch vụ.

    Đổi mới dịch vụ ngân hàng cũng đồng thời thay đổi thu nhập của ngân hàng hiện đại trong quá trình hội nhập. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu thu nhập từ tín dụng sang dịch vụ, các ngân hàng cần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình.

    Chưa kể, thói quen dùng tiền mặt hiện nay còn phổ biến, bản thân các hoạt động chi tiêu, đầu tư trong khu vực công hiện chủ yếu sử dụng tiền mặt. Một số dịch vụ y tế, giáo dục, vận tải rất khó để tạo đột phá, nếu không có cơ chế giải quyết bài toán chi phí cho những đơn vị công.

    Chẳng hạn, thu viện phí qua máy POS, nếu ngân hàng đặt máy cà thẻ thu phí thì sẽ thất bại ngay từ vòng ngoài, bởi các bệnh viện công không có cơ chế thanh toán chi phí cho ngân hàng đặt máy.

    Bên cạnh các tiện ích thanh toán, thì dịch vụ tiền gửi, tiền vay hiện nay nếu không sử dụng tốt công nghệ để tăng hiệu quả, thì chi phí sẽ đẩy giá thành vốn vay lên rất cao. Chẳng hạn như thẻ tín dụng, các ngân hàng phát hành thẻ rất nhiều, tuy nhiên, một số ngân hàng đầu tư chưa tốt vào đường truyền và khả năng tiếp thị đến người dân gần như không được quan tâm.

    Lại nữa, trong khi rất nhiều ngân hàng hiện theo đuổi mô hình ngân hàng bán lẻ, nhưng thủ tục làm thẻ đối với người thu nhập thấp hiện nay vẫn áp dụng theo một mẫu chung áp dụng cho doanh nhân, hoặc những người có tiền gửi thường xuyên.

    Muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới quy trình giao dịch và tối đa hóa tiện ích cho người dùng sản phẩm dịch vụ tài chính, từng ngân hàng phải tự nâng cao chất lượng cạnh tranh của chính mình; Các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán, ngoại hối… cần được quản lý trên nền tảng công nghệ hiện đại; Gắn việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với đổi mới mô hình giao dịch trong điều kiện đô thị phát triển. Làm được như thế, mới có thể kỳ vọng tạo ra đột phá về dịch vụ trong vòng 3-5 năm tới.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn