Tin kinh tế đọc nhanh tối 10-01-2018
Hãng thời trang H&M gây phẫn nộ vì quảng cáo phân biệt chủng tộc
Người tiêu dùng trên thế giới mới đây đã bày tỏ thái độ không hài lòng trước một quảng cáo mới của thương hiệu thời trang Thụy Điển.
Theo CNBC, quảng cáo mới của H&M đang vấp phải sự phản đối của người tiêu dùng khi hãng này đã cho một người mẫu nhí da màu mặc chiếc áo khoác thể thao có in dòng chữ “con khỉ tuyệt vời nhất trong rừng”.
Hình ảnh này xuất hiện lần đầu tiên trên trang web của nhà bán lẻ Thụy Điển hồi cuối tuần qua. Khi nhìn thấy bức ảnh quảng cáo, người dùng trên các phương tiện truyền thông đều tỏ ra phẫn nộ vì cho rằng đây là hành động phân biệt chủng tộc đối với người da màu.
Được biết, H&M đã gỡ bỏ quảng cáo này trên trang web của hãng. “Chúng tôi thành thật xin lỗi vì đã xúc phạm người dùng. Chúng tôi tin tưởng vào sự đa dạng và sẽ xem xét tất cả các chính sách nội bộ của mình để tránh vấn đề tương tự trong tương lai”, người phát ngôn của H&M nói.
Tuy nhiên, có lẽ làn sóng chỉ trích H&M vẫn sẽ kéo dài trong thời gian tới, đặc biệt khi ca sĩ nổi tiếng người Canada The Weeknd, người từng hợp tác với H&M trong các bộ sưu tập thời trang trước đây, đã viết trên Twitter rằng anh sẽ không bao giờ làm việc với H&M nữa và cảm thấy “bị xúc phạm sâu sắc”.
Vụ việc này đã nối dài thêm danh sách quảng cáo bị chỉ trích khi các nhà bán lẻ đi quá xa với các khẩu hiệu hoặc hình ảnh. Ví dụ, Zara đã từng bị phản đối vì bán một bộ đồ ngủ trẻ em màu xanh và trắng, với một ngôi sao màu vàng trên ngực trái trông giống như đồng phục của các tù nhân trong trại tập trung vào thời điểm khởi phát Holocaust, cuộc tàn sát chủng tộc 6 triệu người dân Do Thái ở châu Âu.
Làn sóng phản đối H&M xảy ra ngay sau khi công ty báo cáo doanh số hằng quý giảm mạnh nhất trong ít nhất một thập niên, đồng thời thông báo cắt giảm kế hoạch mở rộng và thậm chí xem xét đóng cửa một số địa điểm kinh doanh.(Thanhnien)
------------------------------
“Trên 1 tỷ USD kiều hối đổ vào bất động sản TP.HCM năm 2017“
Trong tổng số 5,2 tỷ USD kiều hối đổ về TP.HCM năm 2017 có đến 22% đổ vào bất động sản, khoảng 1,14 tỷ USD.
Theo báo cáo nhận định thị trường bất động sản năm 2017 và xu hướng năm 2018 của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng khoảng 19%, tăng nhẹ so với năm 2016 là 18,71%. Trong đó, tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực xây dựng, bất động sản giảm nhẹ, chỉ chiếm 15,8% tổng dư nợ tín dụng so với năm 2016 đạt 17,1%.
Tại TP.HCM, tín dụng tăng trưởng ước đạt khoảng 18,5%, cũng giảm so với năm 2016 là 19,3%. Trong đó, cho vay lĩnh vực bất động sản chiếm 10% tổng dư nợ.
Riêng dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở cho 10.260 cá nhân, hộ gia đình đạt khoảng 5.244 tỷ đồng, góp phần cải thiện nhà ở cho các đối tượng này.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với doanh nghiệp bất động sản trong khoảng 9-11%/năm.
Chính phủ đã có Nghị quyết 46/NQ-CP ngày 09/06/2017 chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước "xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở", tuy nhiên do đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nên doanh nghiệp bất động sản vẫn rất khó tiếp cận nguồn tín dụng mới.
Theo HoREA, lượng kiều hối về thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016, trong đó, có khoảng 22% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tương ứng với 1,14 tỷ USD (khoảng 26.000 tỷ đồng quy đổi).
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tỷ lệ giải ngân vốn FDI tăng cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, FDI vào thị trường bất động sản đứng thứ 3 trong toàn quốc và đứng thứ 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, vào thành phố Hồ Chí Minh, và vào thị trường bất động sản; Hàn Quốc đứng thứ 2 (chỉ thấp hơn Nhật Bản 1,7%).(Bizlive)
-------------------------
Samsung tiến vào thị trường xe tự lái và giải trí thông minh
Samsung vừa công bố yếu tố đầu tiên để phát triển xe tự hành và giải trí thông minh cùng với hãng Harman International, công ty mà Samsung mua lại cách nay khoảng một năm trong nỗ lực bước vào thị trường điện tử tự động.
Theo Reuters, ô tô là một trong các ngành phát triển nhanh nhất trong thị trường công nghệ. Các hãng sản xuất ô tô đang chạy đua để thêm nhiều tính năng tự động hóa, giúp các phương tiện giao thông tự lái sớm xuất hiện trên đường phố.
Tại triển lãm điện tử tiêu dùng thường niên ở Las Vegas (Mỹ) trong tuần này, Samsung Electronics công bố hệ thống camera ô tô có tích hợp chế độ cảnh báo va chạm, cảnh báo đỗ xe và bộ điều khiển hành trình thích hợp được phát triển cùng hãng Harman.
Samsung mua lại công ty Harman với giá 8 tỉ USD vào tháng 3.2017. Đây là thương vụ thâu tóm, sáp nhập lớn nhất mà giới doanh nghiệp Hàn Quốc từng thực hiện. Samsung lên kế hoạch giao hệ thống camera này trong năm nay.
Ngoài ra, chaebol xứ Hàn còn giới thiệu “buồng lái kỹ thuật số” cho phép các tài xế cá nhân hóa phương tiện ngay cả khi họ không sở hữu chúng. Samsung đang tích cực đa dạng hóa phạm vi người dùng, không chỉ gói gọn trong mảng thiết bị di động và công nghệ điện toán đám mây.
Harman và Samsung cũng phác thảo kế hoạch cung cấp công nghệ 5G cho ô tô, cho biết thêm hiện Harman đã có khách hàng là một nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu.
Hồi tháng 9, Samsung tuyên bố thành lập đơn vị kinh doanh chiến lược về dịch vụ hỗ trợ tài xế tân tiến, cùng một quỹ đầu tư 300 triệu USD để rót vốn cho công nghệ và các startup ngành công nghiệp ô tô.(Thanhnien)
-------------------------------
Nhà nhập khẩu BMW chuyển lợi bất chính ra nước ngoài
Theo Tổng cục trưởng Hải Quan, người Việt chỉ là đơn vị làm thuê và không hưởng lợi trong vụ việc buôn lậu của nhà nhập khẩu BMW.
Tổng cục trưởng Hải Quan cho biết số lợi bất chính trong vụ buôn lậu của nhà nhập khẩu BMW được chuyển ra nước ngoài.
Trường hợp buôn lậu của nhà nhập khẩu thương hiệu xe sang là ví dụ được Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đưa ra khi nói tới công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, tại Hội nghị tổng kết ngành mới đây.
Theo vị này, một hãng ôtô có tiếng, đầu tư tại Việt Nam nhưng lại gian lận, làm giả hồ sơ để trốn thuế, cấu thành hành vi buôn lậu là một trong những trường hợp nghiêm trọng mà hải quan phát hiện trong năm vừa qua. Tuy nhiên, nguồn lợi bất chính lại không thuộc về đơn vị trong nước.
"Cơ quan hải quan đã kết hợp với cơ quan Công an điều tra nghiên cứu, làm rõ toàn bộ hành vi phạm pháp của doanh nghiệp. Đáng chú ý, toàn bộ tiền được thu lợi bất chính đã được doanh nghiệp chuyển cho nước ngoài. Có nghĩa là người Việt Nam chỉ làm thuê", ông Cẩn giải thích.
Trong hội nghị về cải cách thủ tục hành chính mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết Việt Nam đã nhập hai lô xe BMW từ Đức, một lô 700 và một lô 470 chiếc. Nhưng thực tế, đây là xe cũ được hoán cải, tân trang, Việt Nam gọi là "mông má" từ "người già thành cô gái 18 tuổi" để lừa khách hàng.
Trước đó, cuối tháng 4, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam ông Nguyễn Đăng Thảo (Tổng giám đốc Công ty Euro Auto - đơn vị nhập khẩu, phân phối chính hãng xe BMW) để điều tra hành vi Buôn lậu.
Bước đầu, nhà chức trách xác định ông Thảo đã dùng giấy tờ giả để nhập xe BMW về Việt Nam. Cơ quan quản lý cũng nhận định, công ty này tự ý tiêu thụ hàng hóa (ôtô nhập khẩu BMW) khi chưa được hải quan cho thông quan. Bên cạnh đó, Ôtô Âu Châu cũng được cho là cố ý không cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ôtô BMW do công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng.
Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan sau đó ra quyết định khởi tố vụ án Buôn lậu xảy ra tại công ty này - căn cứ vào kết quả điều tra và sau khi trao đổi, xin ý kiến thống nhất với VKSND Tối cao. (Vnexpress)