TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 11-07-2016

    London rớt hạng Top 10 thành phố hấp dẫn đầu tư sau Brexit

    Theo kết quả cuộc khảo sát do OpinionWay thực hiện, NewYork đã vượt London trở thành thành phố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất vào năm 2016. 

    London vốn đứng đầu danh sách 10 thành phố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất vào năm ngoái, nhưng việc Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự kiện được gọi là Brexit và hệ lụy là sự mất ổn định đã khiến thành phố này tụt xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay.
    Vị trí thứ ba trong danh sách của năm 2016 thuộc về Thượng Hải. Paris xếp thứ tư trong danh sách, đứng trên Hong Kong (Trung Quốc) và Tokyo. Bắc Kinh chỉ xếp ở vị trí thứ 10. 
    Về các tiêu chí đánh giá, 90% các nhà đầu tư chọn sự ổn định chính trị và an toàn về pháp lý làm tiêu chí xếp hạng các thành phố, 88% chọn cơ sở hạ tầng và 85% chọn tăng trưởng kinh tế. 
    Tiếp theo là các tiêu chí về quy mô và sức mở của thị trường, nguồn nhân lực, các phí tổn, lương và chính sách thuế. 
    Các tiêu chí khác như giá bất động sản, nghiên cứu và chất lượng cuộc sống đều giảm tầm quan trọng. 
    Liên quan đến việc London bị tụt hạng, hậu Brexit, vị thế “thiên đường tài chính” của thành phố này có thể bị lung lay. 
    Việc EU lên kế hoạch chuyển trụ sở Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu ra khỏi London sau khi đa số các cử tri ủng hộ nước Anh rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 đã làm dấy lên những quan ngại về việc thủ đô của nước Anh có thể bị tách dần khỏi quy chế tài chính của châu Âu hay thậm chí là các thị trường vốn của “lục địa Già.”
    Trong khi đó, chuyên gia Greg Clark đến từ viện nghiên cứu Brookings Institution nhận định một vài doanh nghiệp trước đây đặt trụ sở chính tại London sẽ rút một số hoạt động chính sang những thành phố khác của châu Âu. 
    Tại London, cứ ba việc làm được kiến tạo thì có một việc làm trong lĩnh vực tài chính, tương đương khoảng 1,25 triệu đầu việc. 

    Do đó, việc các doanh nghiệp đồng loạt bày tỏ ý định rời khỏi thủ đô nước Anh sẽ là mối đe dọa đến vị thế “thiên đường tài chính” của thành phố này(VN+)


    Công nghiệp sẽ mang lại cú hích mới cho quan hệ Trung Quốc-ASEAN

    Theo Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) Xu Bu, Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường hợp tác về công suất trong lĩnh vực công nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của cả đôi bên.

    Ông Xu Bu cho biết hợp tác về công suất trong lĩnh vực công nghiệp nên là một vấn đề ưu tiên trong hợp tác song phương Trung Quốc-ASEAN và sẽ mang lại cú hích mới cho sự phát triển của đôi bên.
     
    Theo ông, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được những kết quả tích cực trong giai đoạn ban đầu của quá trình hợp tác này.
     
    Các doanh nghiệp Trung Quốc thành lập khoảng 23 khu hợp tác kinh tế-thương mại ở các nước ASEAN, thu hút 421 doanh nghiệp Trung Quốc.
     
    Kể từ khi Cộng đồng ASEAN ra đời vào tháng 12/2015, ASEAN không chỉ tạo ra một thị trường chung với khoảng 600 triệu người tiêu dùng mà còn thiết lập một nền tảng sản xuất chung với dòng chảy tự do của hàng hóa, đầu tư, dịch vụ và lao động có tay nghề.
     
    Trong khi đó, Trung Quốc đang hướng tới hai mục tiêu thế kỷ - theo đó sẽ phấn đấu tăng gấp đôi GDP (từ mức của năm 2010) và thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn/thành thị, và hoàn tất tiến trình xây dựng một xã hội thịnh vượng vào năm 2020; và đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, giàu mạnh, dân chủ và văn hóa phát triển vào giữa thế kỷ này.
     
    Để đạt được những mục tiêu phát triển, cả Trung Quốc và ASEAN cần kiến tạo các kênh hợp tác mới và có những bước đột phá mới.
     
    Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác song phương về công nghiệp, ông Xu Bu cho rằng hai bên cần tăng cường trao đổi các chiến lược và sáng kiến tương ứng.
     
    Cũng theo ông Xu Bu, Trung Quốc và ASEAN cũng cần ưu tiên các lĩnh vực chủ chốt, bao gồm sắt, thép, xi măng, kỹ thuật công nghệ, năng lượng và vật liệu xây dựng, để nâng cao hiệu quả hợp tác. Ngoài ra, sự hỗ trợ về mặt chính sách và tài chính cũng cần thiết để có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên.
    Trong khi đó, vai trò chủ chốt của doanh nghiệp trong mối quan hệ hợp tác này cần phải được chú trọng và các cơ quan chức năng cần có sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật để khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp.(VN+)

    Phiên đấu giá cổ phần của COMA: Chỉ bán được 80.000 cổ phần

    Sở GDCK Hà Nội vừa có thông báo về kết quả đấu giá bán cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí Xây (COMA) dựng được tổ chức vào hôm nay (11/07/2016).

    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Cụ thể, chỉ có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá với tổng số khối lượng đăng ký mua là 80.000 cổ phần với tổng giá trị cổ phần bán được là 816.000.000 đồng.

    Trong đó, giá đấu thành công cao nhất là 10.200 đồng/cổ phần; Giá đấu thành công thấp nhất là 10.200 đồng/cổ phần và giá đấu thành công bình quân là 10.200 đồng/cổ phần.  

    Trước đó, COMA đã đăng ký bán đấu giá 5.340.100 cổ phần lần đầu ra công chúng tại HNX với giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần.

    Theo kế hoạch, thời gian nộp tiền mua cổ phần sẽ từ ngày 12/07/2016 đến 16 giờ ngày 21/07/2016. 


    Thaco đạt doanh số bán hàng trên 53.000 xe

    Tại Quảng Nam, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Khu phức hợp (KPH) Chu Lai - Trường Hải. 

    Tại Hội nghị, Thaco đã công bố doanh số bán hàng 6 tháng đầu năm đạt trên 53.000 xe, tăng 54% so với cùng kỳ 2015; tổng doanh thu đạt trên 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, sản xuất và lắp ráp trên 51.000 xe (gồm 25.000 xe du lịch, 26.000 xe thương mại), tăng 58% so với cùng kỳ năm 2015; Nâng cấp và phát triển được 11 mẫu sản phẩm mới (bao gồm: 2 mẫu xe du lịch, 2 mẫu xe bus và 7 mẫu xe tải)…

    san xuat, lap rap o to tai khu phuc hop chu lai - truong hai

    Sản xuất, lắp ráp ô tô tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải

    Trong 6 tháng đầu năm, KPH cũng đã đã khánh thành và đưa vào hoạt động một số nhà máy như: Nhà máy sản xuất xe chuyên dụng hạng nặng và sơ mi rơ mooc; Nhà máy sản xuất linh kiện Composite mới công suất 24.000 bộ sản phẩm/năm; khởi công mở rộng KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải và 2 tuyến đường nối từ cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc và KCN; đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất khuôn; mở rộng và nâng cấp Nhà máy Gia công thép và Nhà máy Cơ khí; xây dựng mới và đưa vào sử dụng nhà kho 2A (7.200 m2) tại Cảng Chu Lai - Trường Hải; đưa vào hoạt động Xưởng chế biến thức ăn công nghiệp công suất 8.000 suất ăn/ca...

    Từ đầu năm đến nay, KPH đã nộp ngân sách 7.091 tỷ đồng. Trong đó, nộp tại Quảng Nam 6.580 tỷ đồng (bao gồm: thuế nội địa là 3.858 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu là 2.722 tỷ đồng), tăng 49% so với cùng kỳ năm 2015.

    Từ nay đến cuối năm 2016, KPH đặt mục tiêu sản xuất và lắp ráp 61.123 xe, tăng 20% so với 6 tháng đầu năm, ước cả năm sản xuất hơn 112.168 xe; dự kiến nộp ngân sách 9.150 tỷ đồng, ước cả năm nộp trên 16.230 tỷ đồng, trong đó tại tỉnh Quảng Nam trên 15.200 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2015.

    Dự kiến, trong thời gian tới tại khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải, Thaco sẽ mở rộng KCN cơ khí ô tô 210 ha, thi công hạ tầng giai đoạn 1 (80ha); Đầu tư Nhà máy xe bus mới công suất 6.000 xe bus lớn/năm và 10.000 xe mini bus/năm; Nhà máy xe tải mới công suất 100.000 xe/năm, giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm; Tiếp tục cải tiến nâng công suất nhà máy Thaco Kia từ 28.000 lên 30.000 xe/năm;

    Nâng công suất nhà máy Vina Mazda lên 30.000 xe/năm, hoàn thiện thiết kế layout, triển khai dự án nhà máy mới công suất 100.000 xe/năm, giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm; Đầu tư Nhà máy sản xuất máy lạnh ô tô 50.000 sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất ống xả 100.000 sản phẩm/năm; Dự án mở rộng cầu cảng Chu Lai - Trường Hải; Triển khai dự án Khu đô thị Tam Hiệp...


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn