TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-03-2016

    Hàng không Việt Nam liệu có tiếp tục lỗ trong trung hạn

    Trung tâm Hàng không Châu Á Thái Bình Dương (CAPA) – tổ chức chuyên phân tích, báo cáo dữ liệu hàng không đánh giá thị trường hàng không nội địa Việt Nam sẽ lỗ trong trung hạn, khi giá vé bình quân giảm bởi cạnh tranh. 

    Việt Nam được coi là một trong bảy thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới,  năm 2015 tăng trưởng 21%, được dự báo tiếp tục tăng trưởng hai con số hàng năm. 

    Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không, gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet và Vasco đang khai thác khoảng 48 đường bay nội địa. Năm 2015, chứng kiến sự tăng trưởng mạnh cả về lượng khách và số lượng tàu bay, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực hàng không chi phí thấp.  

    Từ những ngày đầu, khi Jetstar Pacific chuyển sang mô hình giá rẻ vào năm 2008, thị trường hàng không từng chứng kiến “cơn sốt” vé máy bay giá chỉ bằng một tô phở. Đến cuối năm 2011, Hàng không tư nhân Vietjet gia nhập thị trường, cuộc đua giành giật thị phần bắt đầu và ngày càng trở nên gay gắt. Sau hơn 4 năm hoạt động, tháng 3/2016 VietJet Air công bố tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 1.450 tỷ đồng. Trước đó, hãng hàng không này liên tục ký kết các hợp đồng thuê mua 100 máy bay với trị giá 9,1 tỷ USD (tương đương 191.000 tỷ đồng), hợp đồng đặt mua động cơ 3,04 tỷ USD (tương đương 71.000 tỷ).  Hãng này liên tục tăng đội bay, lên đến 35 chiếc đến tháng 3/2016, thị phần 28,8%. 

    canh tranh ve gia giua cac hang hang khong ngay cang quyet liet.

    Cạnh tranh về giá giữa các hãng hàng không ngày càng quyết liệt.

    Năm 2015, thị trường cũng chứng kiến sự nổi lên trở lại của Jetstar Pacific, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam. Sau khi trở thành cổ đông chính thức vào năm 2012, Vietnam Airlines bắt tay cùng cổ đông chiến lược Qantas Airways của Australia thực hiện tái cơ cấu lại Jetstar Pacific. Bắt đầu bằng việc chuyển trả máy bay Boeing 737 cũ, Jetstar Pacific nhanh chóng đưa đội bay Airbus A320 mới vào hoạt động, tận dụng các nguồn lực để nâng cao dịch vụ. Năm 2015, hãng mở thêm 14 đường bay nội địa, tăng đội bay lên 12 Airbus A320/321 đến 2015 và 15 A320/321 dịp Tết Nguyên Đán 2016. Tổng số chuyến bay tăng 56% và lượng khách vận chuyển tăng 53% với gần 4 triệu khách.  

    Mặc dù “chậm chân” tăng máy bay so với Vietjet, thị phần của Jetstar Pacific cũng tăng từ 13% lên 14,9%. Trong khi đó, Vietnam Airlines với  mô hình hàng không truyền thống có  47,6% thị phần, mới đây cùng Tập đoàn Qantas (Qantas Airways – Australia), hai cổ đông chính của Jetstar Pacific cũng đã công bố kế hoạch phát triển lâu dài cho hãng hàng không giá rẻ này. Trong đó, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific  xác định mục tiêu duy trì thị phần ở mức 70%.

    Theo kế hoạch đã từng công bố, Vietjet sẽ tăng từ 8 đến 10 máy bay mỗi năm trong khi Jetstar Pacific tiếp tục duy trì mức tăng ổn định ở 18 máy bay trong năm 2016. Điều này cho thấy cuộc đua giành giật thị phần tiếp tục diễn ra ở cường độ cao, đặc biệt là giá rẻ.

    CAPA – Trung tâm hàng không châu Á Thái Bình Dương chuyên phân tích các báo cáo dữ liệu hàng không  mới đây nhận định, mặc dù thị trường hàng không có đủ tiềm lực hỗ trợ để tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, việc tăng nhanh đội bay và tăng thị phần thông qua bán vé rẻ chưa phản ánh hết bản chất thị trường. Một thách thức có khả năng lớn xảy ra, cạnh tranh bất hợp lý trong thị trường nội địa sẽ làm cho các hãng đối diện nguy cơ lỗ trong ngắn hạn và trung hạn, khi cạnh tranh giá vé dẫn đến doanh thu bình quân theo đầu ghế thấp, không bù đắp được chi phí.

    Năm 2014 Vietjet đạt doanh thu 8.100 tỷ đồng bao gồm hành khách, hàng hóa và doanh thu khác, vận chuyển 5,6 triệu lượt khách, tương ứng với doanh thu bình quân theo  khách 1,446 triệu đồng.  Trình bày tại Vietnam Access Day 2015, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet Air cho biết mục tiêu năm 2015 đạt 666,67 triệu USD, tương đương khoảng 14.000 tỷ đồng. 

    Tuy nhiên, trong hội nghị triển khai kế hoạch 2016, VietJet cho biết kết, quả doanh thu năm 2015 đạt trên 10.991 tỷ đồng, vận chuyển 9,3 triệu lượt khách, tương đương doanh thu bình quân theo khách giảm chỉ còn 1,182 triệu đồng. Mặc dù lượng khách tăng trưởng, tuy nhiên giá vé bình quân giảm đáng kể.

    Có đội bay ít hơn, tuy nhiên Jetstar Pacific có bước đột phá khi tăng trưởng lượng khách từ 2,6 triệu năm 2014 lên gần 4 triệu khách trong năm 2015. Không công bố doanh thu, tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm 2015, Jetstar Pacific bước đầu công bố có lợi nhuận và cân đối  được thu chi. Trung tâm hàng không châu Á Thái Bình Dương – CAPA đánh giá, khoản lợi nhuận của Jetstar Pacific có được chủ yếu dựa vào các chuyến bay quốc tế đến Macao và Trung Quốc, riêng thị trường nội địa vẫn bị ảnh hưởng sụt giảm doanh thu do áp lực cạnh tranh giá vé máy bay.  

    Tại Hội nghị đội bay và tài trợ của CAPA (CAPA’s Fleet and Finance Forum” ngày 3/3 vừa qua, Ông Leslie Stephen – Phó tổng giám đốc Jetstar Pacific cho biết, Hãng này đang có kế hoạch tăng trưởng đội bay lên 18 chiếc vào năm 2016, tăng 50% và tiếp tục tăng 30 máy bay đến 2020. Mục tiêu của Jetstar Pacific vẫn chú trọng thị trường nội địa trong khi vẫn tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế.


    Thương hiệu Sheraton có thể về tay Trung Quốc

    Starwood Hotels & Resort - hãng sở hữu thương hiệu Sheraton cho biết sẽ rút khỏi thương vụ bán cho Marriott International, sau khi đánh giá đề xuất từ nhóm nhà đầu tư Trung Quốc hấp dẫn hơn.

    Như vậy, thương vụ sáp nhập để tạo nên chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới vẫn chưa thành hiện thực. Tháng 11 năm ngoái, Starwood đã đồng ý giá chào mua 12 tỷ USD (bằng cả tiền mặt và cổ phiếu) từ Marriott. Thương vụ sẽ hoàn tất cuối tháng này.

    Tuy nhiên, đầu tuần, Anbang Insurance Group dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc lại ra giá 12,8 tỷ USD, trả toàn tiền mặt, cho Starwood. Và đề xuất này hôm qua được Starwood đánh giá là chất lượng hơn.Marriott sẽ có 5 ngày để quyết định có ra lời chào mua khác hấp dẫn hơn không. Và chuỗi khách sạn này cũng cho biết sẽ cân nhắc.

    sheraton la mot trong cac thuong hieu khach san cua starwood. anh: trip advisor

    Sheraton là một trong các thương hiệu khách sạn của Starwood. Ảnh: Trip Advisor

    Cổ phiếu Starwood đã tăng 5% hôm qua, vượt giá 76 USD mà Anbang đề nghị. Việc này khiến nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có cuộc chiến giá giành Starwood. Cổ phiếu Marriott cũng tăng 2% vì thông báo trên. Nếu Marriott không mua Starwood, họ sẽ được nhận 400 triệu USD tiền phá vỡ hợp đồng.

    Starwood hiện sở hữu 1.300 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại khoảng 100 quốc gia. Một số thương hiệu họ sở hữu là Sheraton, Westin, St. Regis và W.

    Trong khi đó, Marriott có 4.400 cơ sở tại 87 nước. Các thương hiệu nổi tiếng của họ là Marriott, Ritz-Carlton, Carlton và Residence Inn.

    Còn Anbang chính là công ty sở hữu khách sạn Waldorf Astoria ở New York. Họ cũng đang hoàn tất thương vụ mua Strategic Hotels & Resorts từ Blackstone Group.

    Thời gian gần đây, nhà đầu tư Trung Quốc liên tục vung tiền thâu tóm tài sản nước ngoài. Tháng trước, một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đã chấp thuận mua Sàn chứng khoán Chicago. Hai công ty Internet Trung Quốc - Kunlun và Qihoo cũng chi 1,2 tỷ USD cho hãng sở hữu trình duyệt Opera.

    Theo hãng nghiên cứu Dealogic, năm nay, các công ty Trung Quốc đã thông báo kế hoạch mua 144 công ty ngoại, trị giá 88 tỷ USD. Còn số này cả năm 2015 mới là 106 tỷ USD và vẫn là kỷ lục cho đến nay.


    Thử nghiệm khai thác bể than sông Hồng sau 2021

    Thủ tướng vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

    Theo đó, mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch là xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than, đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

    be than song hong se duoc dua vao khai thac thu nghiem tu nam 2021. anh: vneconomy

    Bể than sông Hồng sẽ được đưa vào khai thác thử nghiệm từ năm 2021. Ảnh: VnEconomy

    Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng trữ lượng và tài nguyên than tại Việt Nam đến cuối năm 2015 dự tính gần 49 tỷ tấn, gồm khoảng 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,34 tỷ tấn than bùn.

    Quy hoạch cũng xác định, giai đoạn đến năm 2020 đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 9 dự án mỏ (Cẩm Phả 4 dự án, Hòn Gai 4 dự án, Uông Bí một dự án); đầu tư xây mới 41 dự án mỏ (Cẩm Phả 17 dự án, Hòn Gai 7 dự án, Uông Bí 17 dự án).

    Đầu tư cải tạo mở rộng các dự án mỏ lộ thiên hiện có theo hướng đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng bộ để gia tăng sản lượng khai thác; đầu tư dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương.

    Với bể than sông Hồng, giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ khí hóa than ngầm tại các khu vực đã được thăm dò, làm căn cứ đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp hoặc triển khai thêm một số dự án thử nghiệm để lựa chọn phương pháp, công nghệ khai thác hợp lý.

    Giai đoạn đến năm 2020, đầu tư xây dựng mới các nhà máy tuyển than: Vàng Danh 2 công suất khoảng 2 triệu tấn một năm, Khe Thần 2,5 triệu tấn, Hòn Gai công suất 5 triệu tấn, Khe Chàm công suất 7 triệu tấn, Lép Mỹ công suất khoảng 4 triệu tấn.

    Giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất nhà máy sàng-tuyển Khe Thần từ 2,5 triệu tấn lên khoảng 5 triệu tấn một năm.


    Hạt điều tăng giá gấp đôi

    Sau nhiều năm luôn trong tình trạng mất mùa, mất giá, khiến nhiều chủ vườn chán ngán chặt bỏ, hiện giá điều bất ngờ tăng cao kỷ lục trong khi diện tích đã giảm mạnh.

    Mới đầu vụ thu hoạch, tiểu thương ở tỉnh Đắk Lắk vào tận vườn điều thu mua với giá 30.000-32.000 đồng một kg khiến nông dân phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn 10 xã Ea Lê, huyện Ea Súp cho biết, năm 2006, gia đình chị trồng 1,2 ha điều. Ba năm sau, cây ra trái rất sai, năng suất đạt khoảng 1,5 tấn hạt một ha. Nhưng rồi điều nhiễm bệnh, sâu mọt đục khoét, cây chết dần, giá cả bấp bênh nên gia đình chị đã chặt bỏ hơn nửa vườn, chuyển sang trồng hoa màu. “Giờ thấy giá điều cao lại tiếc”, chị Hòa nói.

    Mấy năm nay giá điều quá thấp, chỉ từ 15.000 đến 18.000 đồng một kg, đợt cao nhất cũng không quá 20.000 đồng một kg. Vì thế, gia đình chị H’ Trum Byắ ở Buôn Ky, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột đã chặt bớt vườn điều đã 10 năm tuổi để trồng xen cà phê. Chị bảo, cây điều dễ trồng, không tốn nhiều tiền đầu tư, ít công chăm sóc, tới vụ thu hoạch chỉ cần phát cỏ, cào lá sạch là được. 

    Nhưng cây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, lúc ra hoa gặp mưa lạnh là hoa rụng, mất mùa. Trồng điều “năm ăn năm thua” nên chị đốn bỏ bớt, trồng xen cà phê phòng khi mất mùa điều còn có cà phê cứu vãn. Cây điều hưởng nước, phân bón “ké” từ cây cà phê, ngược lại, nó tạo bóng mát giúp cà phê phát triển tốt. Năm nay hạt điều có giá nhưng chưa chắc được mùa. Hiện tại nhiều cây mới ra hoa, tỷ lệ đậu trái rất thấp vì đang khô hạn. Nguyên nhân là vì nông dân thiếu chọn lọc giống, ít đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp, gặp lúc giá điều quá rẻ đã quay lưng phá bỏ chuyển sang trồng cao su, hồ tiêu, cà phê… Hiện nay, cao su liên tục rớt giá, cây điều lại bắt đầu “lên ngôi”.

    Ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, chủ trương của tỉnh là không mở rộng diện tích, tập trung đầu tư chăm sóc tăng năng suất diện tích điều đã trồng. 


    Nhà đầu tư ngoại ngấp nghé đất vàng Thủ Thiêm

    Các quỹ đầu tư quốc tế đang chuẩn bị nguồn vốn hàng trăm triệu đến cả tỷ USD để xếp hàng săn đất sạch tại Thủ Thiêm với mục tiêu phát triển bất động sản dài hạn.

    Giữa tháng 3/2015, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đã có buổi tiếp xúc nhà đầu tư và chia sẻ nhiều thông tin về dự án bất động sản của doanh nghiệp tại Thủ Thiêm. CII sẽ rót vốn xây dựng hạ tầng vào khu 3, 4 tại đô thị mới này, đổi lại, doanh nghiệp được làm chủ đầu tư quỹ đất dự án Maria Bay và Thủ Thiêm Lake View khoảng 84.255 m2.

    Tổng giám đốc Lê Quốc Bình tiết lộ, làn sóng các quỹ đầu tư bất động sản quốc tế săn lùng mua đất Thủ Thiêm đang diễn ra rầm rộ. Các lô đất tại đây của CII vì vậy cũng đón nhận sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, danh sách đề nghị đặt mua quỹ đất này xếp hàng khá dài. Lý do các đối tác quốc tế tìm đến Thủ Thiêm là dịch chuyển dòng vốn từ thị trường Trung Quốc sang.

    "Chúng tôi đã thí điểm chào hàng một lô với giá khủng để thăm dò phản ứng của các nhà đầu tư ngoại và kết quả cho thấy họ không ngại giá cao. Chỉ cần đất sạch, vị trí đẹp, họ sẵn sàng tiếp cận", ông cho hay. 

    Ông Bình chia sẻ thêm, trong quá trình xúc tiến đầu tư với khối ngoại, qua tiếp cận báo cáo tài chính và dòng vốn của đối tác có thể rút ra điểm chung là các nhà đầu tư này có lượng tiền mặt từ hàng trăm triệu USD đến bạc tỷ USD, sẵn sàng chi trả bất cứ lúc nào. "Hiện nay cơ hội để Thủ Thiêm đón vốn ngoại cực lớn", ông nói. Nếu các nhà đầu tư quốc tế săn lùng đất Thủ Thiêm của CII vẫn chưa chính thức lộ diện thì những đại gia bất động sản khác trong khu vực đã nhập cuộc mạnh mẽ để tìm cơ hội tại khu đô thị mới này. Hôm 2/3, Công ty TNHH Keppel Land (Singapore) đã ký kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City (chủ đầu tư một dự án cao tầng tại Thủ Thiêm). Giá trị giao dịch được Keppel tiết lộ là 93,9 triệu USD. 

    phoi canh mot sieu du an tai thu thiem dang duoc nhieu nha dau tu ngoai tham gia gop von.

    Phối cảnh một siêu dự án tại Thủ Thiêm đang được nhiều nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn.

    Các đối tác khác trong Liên doanh Empire City là các công ty Việt Nam: Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước), Công ty TNHH bất động sản Trần Thái và Quỹ đầu tư Bất động sản tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hồng Kông. Keppel Land và các đối tác sẽ cùng phát triển một dự án có vị trí đắc địa ven sông với diện tích 14.6 ha tại khu Đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM. Dự án được quy hoạch sẽ bao gồm khu căn hộ cao cấp, văn phòng, khu bán lẻ và tòa tháp phức hợp cao 86 tầng. 

    Trước đó, một siêu dự án khác mang tên Thu Thiem Eco Smart City, trị giá tới 2 tỷ USD do liên danh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư cũng được công bố. Dự án được kỳ vọng sẽ biến khu vực này trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp, hiện đại nhất khu vực, trong đó có một khu cửa hàng bách hóa và khu phố thương mại tiêu chuẩn quốc tế. Được biết, Lotte ký quỹ 2.000 tỷ đồng để triển khai dự án, dự kiến khởi công đầu năm 2016. 

    Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa xác nhận: 'Từ tháng 10/2015 đến nay, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là châu Á đang âm thầm săn lùng đất vàng tại Thủ Thiêm".

    Gu của các nhà đầu tư này là chỉ quan tâm đến quỹ đất sạch có quy mô tối thiểu từ một hecta trở lên. Điều kiện quan trọng nhất là vị trí dự án có sự kết nối hạ tầng tốt về khu trung tâm hiện hữu. Hầu hết chiến lược của các nhà đầu tư ngoại này đều dài hơi và trường vốn, có thể thu xếp được trong 5-7 năm trở lên (tương đương với vòng đời của một dự án bất động sản).

    Ông Nghĩa cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến các quỹ đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Thủ Thiêm. Thứ nhất, dòng vốn đang dịch chuyển từ thị trường nhiều biến động là Trung Quốc sang Việt Nam và Thủ Thiêm là khu mới nổi đầy tiềm năng, còn nhiều quỹ đất sạch nên hút dòng vốn này như một hệ quả tất yếu.

    Thứ hai, hạ tầng của khu Đông TP HCM có sự đầu tư mạnh mẽ đã tiến bộ vượt bậc, trong đó quận 2, 9 và đặc biệt là Thủ Thiêm hưởng lợi nhiều nhất. Trung bình cứ một đồng đầu tư hạ tầng có thể kích bất động sản tăng giá 10-15%. 

    Thứ ba, các chính sách thu hút nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đang được cải thiện. Thứ tư, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng bằng cách tham gia nhiều hiệp định thương mại. 

    Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến cáo rằng, Thủ Thiêm nói riêng và khu Đông TP HCM nói chung mặc dù  được xem là khu mới, đầy tiềm năng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ngoại nhưng đây chưa phải là một thị trường hoàn hảo. Bên cạnh những lợi thế rất lớn, Thủ Thiêm không tránh khỏi nhược điểm chung của trục đô thị phía Đông Sài Gòn, đó là thuận lợi để ở nhưng chưa thể hiện được vai trò trung tâm thu hút, kết nối việc làm, các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí còn kém sôi động. Sự phát triển lệch pha này khiến cho cực Đông thành phố vẫn còn khoảng cách rất lớn so với khu trung tâm hiện hữu và trục đô thị phía Nam. 

    Quan điểm của ông Nghĩa, giá đất Thủ Thiêm đắt đỏ (trung bình hơn 3.000 USD/m2) nhưng đó chưa phải là vấn đề với các nhà đầu tư quốc tế. Cân nhắc đầu tư sản phẩm gì, chiến lược kinh doanh như thế nào để phù hợp với tiềm lực của Thủ Thiêm và chọn đúng điểm rơi của bất động sản để gia nhập thị trường mới chính là bài toán thách đố khối ngoại. Thêm nữa tính ổn định của Luật Đầu tư, sự cởi mở, cải cách hành chính là ẩn số không nhỏ đối với những nhà đầu tư nước ngoài. 


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn