TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-03-2016

    Thiền: Ngành kinh doanh tỷ đô

    Trong năm 2016, có tới 22% số doanh nghiệp tại Mỹ có các khóa học về thiền và tỉnh thức, và tỷ lệ này có thể tăng gấp đôi trong năm 2017.

    Từ quỹ đầu tư Bridgewater cho tới công ty phần mềm bán hàng Salesforce, từ ngân hàng Goldman Sachs cho tới tập đoàn công nghệ Google, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn tìm đến thiền để nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên.

    Theo ước tính từ IBISWorld, trong năm 2015 vừa qua thì thị trường các khóa học và dịch vụ liên quan tới thiền đã đạt tổng giá trị gần 1 tỷ USD. Và đó là còn chưa kể tới gần 1.000 ứng dụng di động liên quan tới thiền, trong đó ứng dụng Headspace đã có 6 triệu lượt tải về và vừa nhận được 30 triệu USD vốn đầu tư; cộng thêm một loạt các thiết bị điện tử mang trên người (wearable) phục vụ cho mục đích thiền, tiêu biểu là thiết bị Muse dùng để đo hoạt động của não trong lúc thiền đang được bán khá chạy với mức giá 299 USD.

    Theo khảo sát từ Fidelity Investments và National Business Group on Health thì trong năm 2016 này, có tới 22% số doanh nghiệp tại Mỹ sẽ có các khóa học về thiền và tỉnh thức (mindfulness), với mức chi phí dao động từ 500 đến 10.000 USD. Theo dự kiến, tỷ lệ này còn có thể tăng gấp đôi trong năm 2017.

    Tổ chức phi lợi nhuận Search Inside Yourself Leadership Institute (SIYLI), vốn là một chương trình đào tạo tỉnh thức bắt nguồn từ Google, đã có doanh thu tăng đến hơn 50% trong năm qua. Hiện tại, SIYLI đang tổ chức các khóa học kéo dài 2 ngày cho hàng chục doanh nghiệp trong nhóm Fortune 500 như Ford hay American Express, với mức giá có thể lên tới 35.000 USD cho một khóa học 50 người.

    ong ng kok song, cuu lanh dao bo phan dau tu cua quy gic - anh: bloomberg

    Ông Ng Kok Song, cựu lãnh đạo bộ phận đầu tư của quỹ GIC - Ảnh: Bloomberg

    Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cựu lãnh đạo Ng Kok Song của quỹ đầu tư GIC thuộc chính phủ Singapore và chuyên gia tài chính Jason Voss thuộc viện CFA đã có một cuộc trao đổi về lợi ích của thiền với giới kinh doanh. Theo ông Ng, “Thiền là đạt được sự tĩnh lặng sâu thẳm trong tâm hồn và cơ thể. Đây không phải là một trào lưu kiểu hippy, mà là một truyền thống đã tồn tại hàng ngàn năm… Bằng cách thiền, chúng ta sẽ vượt qua được bản ngã của chính mình, vượt qua thói quen tự đặt mình vào vị trí trung tâm”. Từ đó, những nhà đầu tư sẽ có tâm trí tỉnh táo hơn và hiểu được bản chất các tình huống.

    Ông Ng cũng khuyên rằng không bao giờ là quá sớm hay quá trễ để học thiền: “Đừng nghĩ rằng thiền là kỹ thuật gì đó quá phức tạp hay cao xa. Nó đơn giản tới mức một đứa trẻ 5 tuổi cũng học được, và ngay cả một người già trí nhớ kém cũng có thể tập thiền”.


    Samsung tìm cách thoát thế chật vật ở Nhật

    Trên toàn cầu, Samsung vẫn đang đứng đầu, nhưng tại Nhật thì thương hiệu này lại bị bỏ đằng sau bởi các nhãn hàng nội địa như Sharp, Fujitsu và Kyocera.

    Điều đầu tiên khách mua sắm nhìn thấy khi bước chân vào khu điện thoại di động của Bic Camera, một cửa hàng điện tử cao 7 tầng tại trung tâm Tokyo, là một mẫu quảng cáo chiếc iPhone 6S rất hoành tráng, dài từ quầy bán hàng đụng đến trần nhà. Gần đó là các bảng quảng cáo lớn không hề kém cạnh, phô trương thanh thế chiếc Aquos của Sharp và Xperia của Sony. Thế nhưng, thương hiệu mà ai cũng thấy vắng mặt trong cuộc chơi marketing này chính là Samsung. Chiếc Galaxy S6 khép nép thu mình trong một góc nhỏ, gần chiếc điện thoại nắp gập do Sharp sản xuất nhắm đến đối tượng khách hàng là những người nghỉ hưu.

    Đúng là 1/5 lượng điện thoại thông minh được bán ra trên khắp thế giới là của Samsung, nhưng tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, Samsung vẫn khó tìm được chỗ đứng. Doanh nghiệp này chỉ nắm giữ 6% thị trường 36 triệu chiếc tại Nhật, theo hãng nghiên cứu thị trường Mỹ IDC, trong khi Apple đã nắm giữ xấp xỉ 50% thị phần. Trên toàn cầu, tập đoàn điện tử Hàn Quốc này vẫn đứng đầu, nhưng tại Nhật, lại bị bỏ đằng sau bởi các nhãn hàng nội địa như Sharp, Fujitsu và Kyocera.

    Trong khi Samsung đang tăng trưởng rất nhanh tại các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ thì tập đoàn này có thể ung dung xem Nhật là một thị trường “để sau hãy nói”. Nhưng giờ Samsung có thể sẽ không nghĩ như vậy, bởi báo cáo lợi nhuận gần đây của tập đoàn này lại cho thấy những thông tin buồn, trong đó lợi nhuận hằng quý dưới mức kỳ vọng tới gần 40%.

    thi phan smartphone cua samsung o nhat

    Thị phần smartphone của Samsung ở Nhật

    Với nhu cầu đối với smartphone đang sa sút trên toàn cầu, lợi nhuận hoạt động hằng năm từ bộ phận điện thoại của Samsung đã giảm xuống thấp hơn bộ phận chip lần đầu tiên kể từ năm 2010 và dự báo có thể sẽ còn xuống thấp hơn. “Thị trường smartphone nói chung sẽ vẫn khó khăn cho đến hết năm nay”, Lee Kyeong Tae, Phó Chủ tịch bộ phận thông tin di động của Samsung, nói trong một cuộc họp sau buổi công bố kết quả kinh doanh.

    Samsung giờ suy nghĩ lại về thị trường Nhật một cách nghiêm túc. “Nhật là một thị trường rất quan trọng”, Hiroyuki Tsutsumi, đứng đầu bộ phận Nhật, cho biết. Kế hoạch của ông là thuyết phục mọi người rằng họ nên mua điện thoại thông minh Galaxy để sử dụng tốt các loại đồng hồ thông minh và các thiết bị thực tế ảo của Samsung, vốn yêu cầu phải có điện thoại hỗ trợ dù rằng ở nhiều cấp độ khác nhau. Chiếc đồng hồ Gear của Công ty, chẳng hạn, được kết nối không dây với những chiếc điện thoại thông minh của nó và gần như (không phải hoàn toàn) là các thiết bị độc lập. Trong khi đó, thiết bị thực tế ảo Gear VR thì yêu cầu phải có một chiếc điện thoại Galaxy mới có thể hoạt động.

    Samsung cũng cho biết tại Nhật, Công ty sẽ tăng hơn gấp đôi số đối tác kinh doanh trong năm nay, cung cấp thiết bị di động và các phụ tùng cho một nhóm có chọn lọc các công ty công nghệ sinh học, các hãng xe và các công ty khác.

    Mitsubishi Estate Home, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước Nhật, đang sử dụng thiết bị Gear VR như một công cụ bán hàng, cho phép những người mua nhà tiềm năng tham quan bất động sản họ muốn mua. Fuji Soft đã đồng ý kết hợp các ứng dụng xếp thời khóa biểu và ghi chú với những chiếc máy tính bảng và điện thoại thông minh Galaxy, hy vọng có thể tạo ra một Evernote (ứng dụng thu thập và lưu trữ thông tin dưới dạng các ghi chú) cho kinh doanh.

    Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Melissa Chau, thuộc hãng nghiên cứu IDC, cho rằng mặc dù các thương vụ bắt tay này không có gây tổn hại gì, nhưng tại Nhật, Samsung không có lượng bán hàng lớn, cũng không có tiềm năng tăng trưởng để có thể cải thiện một cách đáng kể kết quả kinh doanh của Tập đoàn trên toàn cầu.

    Lợi nhuận hằng quý của Samsung là 3,24 ngàn tỉ won (2,7 tỉ USD) và Công ty đã giành được thị phần smartphone toàn cầu vào năm 2015. Nhưng lượng bán ra chỉ tăng 0,8% năm ngoái, theo ước tính của nhà nghiên cứu Strategy Analytics. Vì thế Samsung sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nhằm tạo sự khác biệt cho mình. Tại Nhật, “chúng tôi đang đặt mục tiêu vào năm 2020 trở thành người chơi dẫn đầu trên nền tảng Android”, Tsutsumi nói.

    Điều đó sẽ không hề dễ dàng, theo Neil Shah, Giám đốc Nghiên cứu của Counterpoint Technology Market Research. Ngoài Apple, không có công ty nước ngoài nào giành chiến thắng ở Nhật. Tại cửa hàng Bic Camera, Yoshikazu Shinagawa, một nhân viên văn phòng 34 tuổi đang dạo quanh xem hàng, cho biết anh không hứng thú với Galaxy hay bất kỳ các thiết bị khác của Samsung. “Samsung ở khía cạnh thương hiệu không có nổi bật. Nó hoàn toàn bị những nhãn hàng khác làm lu mờ”, anh nói. Thay đổi cách nhìn này sẽ rất khó khăn cho Samsung.(NCĐT)


    Việt Nam: Quá nhiều DN nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao

    Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện nay 96% DN Việt Nam là các DNNVV. Trong đó, số DN rất nhỏ (hay siêu nhỏ) chiếm đến 70% tổng số DN (tính theo tiêu chí của Việt Nam về quy mô lao động và vốn). Với tỉ lệ này, thì sẽ cạnh tranh như thế nào trong vận hội mới đang mở ra?

    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đang có những cơ hội “vàng” để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai. Đó là hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký kết và đang lần lượt thực thi theo lộ trình.

    Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là vấn đề cạnh tranh. Rất nhiều DN tự tin rằng mình đã tái cơ cấu, đủ sức ứng phó với mở cửa thị trường của Việt Nam và có thể tận dụng tốt cơ hội mới. Nhưng trên thực tế, khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam vẫn ở mức thấp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành thâm dụng vốn và các dịch vụ cao cấp.

    Việt Nam hiện có khoảng 550.000 DN, nhưng chỉ có 25% trong số đó có khả năng xuất khẩu, song còn thiếu ổn định về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các DN còn gặp nhiều vấn đề khác như chi phí đầu vào cao, bất cập cơ sở hạ tầng và các liên kết lỏng lẻo trong các dây chuyền sản xuất.

    Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, số lượng DN Việt Nam tăng theo từng năm, nhưng bên cạnh, lượng DN giải thể cũng không ít và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lại nữa, nhìn cụ thể vào các DN thì thấy trình độ quản lý còn hạn chế, công nghệ lạc hậu, trình độ lao động tay nghề thấp, quy mô nhỏ... dẫn đến khả năng tham gia vào chuỗi toàn cầu rất yếu.

    Đó là chưa kể tư duy hội nhập của DN còn chưa bắt kịp khi đối mặt với thực tế cạnh tranh thương mại cả trong nước và quốc tế. Ví dụ cụ thể, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo đang bị cạnh tranh khốc liệt. Vốn là quốc gia đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu gạo trong thời gian dài, nhưng hai năm trở lại đây, gạo Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh, giảm giá so với đối thủ láng giềng như Thái Lan và mới đây nhất là Lào và Campuchia.

    Thậm chí, nhiều DN xuất khẩu gạo còn thừa nhận, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, chất lượng thấp, dẫn đến giá bán rẻ. Chưa hết, sắp tới đây khi Lào và Myanmar tham gia vào xuất khẩu gạo, thì thị phần của gạo Việt Nam sẽ còn thu hẹp tiếp.

    Ông Võ Trí Thành cho biết, khảo sát mới nhất về sự quan tâm của DN với các Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam mới ký kết cho thấy, chỉ có khoảng 30% DN Việt Nam hiểu biết đủ về Cộng đồng Kinh tế ASEAN để lên kế hoạch kinh doanh. Còn lại những Hiệp định khác gần như chỉ nghe nói mà chưa tìm hiểu. Đáng ngại nhất là các DNNVV hầu như không biết gì, hoặc chỉ biết qua truyền thông… Như vậy có thể thấy, hiện nay tâm lý của DN Việt là chưa sẵn sàng cho những thay đổi lớn.


    Gạo Việt Nam đã xuất hiện ở siêu thị Hồng Kông

    Đó là thông tin vừa được bà Tina Phan - Giám đốc Khu vực Đông Dương Cục Phát triển mậu dịch Hồng Kông (HKTDC) cho biết, tại buổi giới thiệu 8 hội chợ thương mại lớn sẽ được tổ chức trong tháng 4 và tháng 5/2016 tại Hồng Kông.

    Theo bà Tina Phan, gạo, hồ tiêu, gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ… là những mặt hàng đang được ưa chuộng tại thị trường Hồng Kông.

    Năm 2015, 30 triển lãm của HKTDC đã thu hút khoảng 35.000 đơn vị triển lãm và hơn 726.000 khách tham quan đến từ khắp nơi trên thế giới, tăng tương ứng 11,2% và 3,7%. Các thương nhân Việt Nam (bao gồm cả những nhà triển lãm và khách mua hàng) đã tăng gần 9% lên hơn 2.100.

    tham gia hoi cho quoc te la cach nhanh nhat dua san pham mang thuong hieu viet nam ra the gioi

    Tham gia hội chợ quốc tế là cách nhanh nhất đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới

    Cụ thể, các thương nhân này hứng thú tham gia Show trình diễn trang sức Quốc tế Hồng Kông, tiếp đó là Show trình diễn kim cương, đá quý và ngọc trai Quốc tế Hồng Kông; Hội chợ Hàng chất lượng cao và Quà tặng và Hội chợ Hàng gia dụng Hồng Kông.   

    Trong khoảng thời gian này, tổng giá trị thương mại giữa Hồng Kông và Việt Nam đạt 16,3 tỉ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó xuất khẩu Hồng Kông tới và nhập khẩu từ Việt Nam đạt lần lượt 9,8 tỷ USD và 6,5 tỷ USD.

    Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hồng Kông trong năm 2015.  

    “Hội chợ Hàng chất lượng cao và Quà tặng là hội chợ lớn nhất trên thế giới về lĩnh vực này, trong khi Hội chợ đồ điện tử Hồng Kông (Phiên bản mùa xuân) và Hội chợ đồ gia dụng Hồng Kông cũng là những hội chợ lớn nhất trong lĩnh vực này tại Châu Á. Với danh tiếng quốc tế về sự đa dạng sản phẩm, hội chợ HKTDC sẽ mở ra cho các thương nhân nhiều cơ hội kinh doanh”, bà Tina Phan nói.

    Với lợi thế nằm gần thị trường các đảo và đại lục Trung Quốc, HKTDC tổ chức hơn 30 hội chợ triển lãm mỗi năm giúp cung cấp đầu mối cho các thương nhân để trình bày các sản phẩm chất lượng của mình và tìm kiếm đối tác mới. 

    Theo đánh giá của HKTDC, Việt Nam có thế mạnh về hàng gia dụng và thực phẩm. Nhiều DN trong các lĩnh vực này đã tham gia hội chợ về thời trang, điện tử, thực phẩm tại Hồng Kông và đã bán được hàng cho không chỉ các đối tác Hồng Kông mà còn cho nhiều đối tác đến từ các nước trên thế giới.

    “Gần đây đã xuất hiện gạo có thương hiệu Việt Nam trên quầy kệ siêu thị ở Hồng Kông. Đây là tín hiệu đáng mừng và DN Việt Nam nên kiên trì đưa sản phẩm có thương hiệu sang thị trường Hồng Kông”, bà Tina Phan nhấn mạnh.


    Jesse Livermore – Kẻ đầu cơ vĩ đại và nhà đầu tư đại tài

    jesse livermore – ke dau co vi dai va nha dau tu dai tai

    Jesse Livermore – Kẻ đầu cơ vĩ đại và nhà đầu tư đại tài

    “Phố Wall vẫn vậy. Không thể có gì mới bởi vì sự đầu cơ cũng xưa như Trái đất. Bất kì điều gì xảy ra trên thị trường chứng khoán hôm nay đều đã xảy ra trước đó và nó sẽ tiếp tục xảy ra.”

    Ngày 24/10/1929 được biết đến với cái tên “ngày thứ Năm đen tối” khi toàn bộ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ rớt giá thẳng đứng kéo theo sự sụt giảm một cách tồi tệ của các chỉ số. Nhanh như cắt, thị trường mất 11% giá trị. Từ ngày 28/10 đến ngày 29/10, vốn hóa thị trường mất tới 30 tỷ USD.

    Thế nhưng, trong những ngày khủng khiếp ấy, một người đàn ông đã “đút túi” hơn 100 triệu USD và trở thành “huyền thoại đầu cơ” phố Wall bởi từ trước đó nửa năm, ông ta đã đầu tư cổ phiếu theo nguyên tắc giá giảm.

    Đó là Jesse Livermore (J.L), và phi vụ nói trên được cho là phi vụ đầu cơ lớn nhất của người đàn ông này.

    Sinh ra ở thị trấn South Acton, tiểu bang Massachusetts trong một gia đình nông dân, J.L bỏ học từ năm 15 tuổi. Kiếm được việc tại công ty Chứng khoán Paine Webbertại Boston, J.L đã bước chân vào giới tài chính bằng công việc là ghi các thông tin cập nhật về giá cổ phiếu, trái phiếu và các loại hàng hóa lên tấm bảng lớn.

    Trong quá trình làm việc của mình, J.L lưu trữ trong đầu sự biến động của giá cả và nhận ra rằng giá cả thường thay đổi theo chiều hướng có thể đoán được. Theo đó, ông ta tin tưởng rằng có thể chiến thắng được thị trường để làm giàu.

    Điều này được thể hiện qua câu nói nổi tiếng của ông: “Phố Wall vẫn vậy. Không thể có gì mới bởi vì sự đầu cơ cũng xưa cũ như Trái đất. Bất kì điều gì xảy ra trên thị trường chứng khoán hôm nay đều đã xảy ra trước đó và nó sẽ tiếp tục xảy ra.”

    Không chỉ “ngày thứ Năm đen tối”, cái tên Jesse Livermore còn gắn với nhiều phi vụ đầu cơ nổi tiếng khác, vơ vét được từ những siêu thảm họa. Được nhắc đến nhiều nhất là “cơn hoảng loạn 1907” hay vụ động đất tại San Francisco năm 1906 – thảm họa thiên nhiên lớn nhất nước Mỹ tính đến thời điểm đó.

    Đầu cơ là trò chơi hấp dẫn nhất trên thế giới. Nhưng để trở thành “kẻ đầu cơ vĩ đại”, J.L không phải chỉ có vận may hay sự liều lĩnh. Ông ta khẳng định: “ Đầu cơ không phải là trò chơi dành cho sự ngu dốt, tinh thần lười biếng, cho những kẻ không thể kiểm soát được cảm xúc hay là cho những tay phiêu lưu muốn làm giàu nhanh chóng. Tất cả bọn họ đều sẽ chết nghèo.”

    Dù được gọi là kẻ đầu cơ nhiều hơn là những cái tên kính cẩn như “huyền thoại đầu tư” chẳng hạn, nhưng triết lý đầu tư của Livermore thực sự đáng lưu danh sử sách.

    Ông có 2 chiến lược giao dịch chứng khoán.

    Một là chiến lược "kim tự tháp". Đây là mô hình mua thêm cổ phiếu khi giá cổ phiếu đó đang tăng. Vào thời điểm đó, chiến lược này quá khác biệt với chiến lược phổ biến là "mua thấp, bán cao". Livermore lập luận, khi giá cổ phiếu ông mua tăng giá, nó chứng minh rằng ông đã quyết định đúng, nên tiếp tục mua vào.

    Chiến lược thứ 2 là "thăm dò". J.L thực hiện việc mua có tính cách thăm dò một số cổ phiếu. Sau một thời gian ngắn, dựa vào hiệu quả lợi nhuận của những cổ phiếu thăm dò này, hoặc là ông bán hẳn, còn không thì sẽ mua thật nhiều để đưa vào "kim tự tháp" của mình.

    Và mặc dù nổi tiếng bởi sự liều lĩnh nhưng Livermore luôn nhớ “Hãy đổ tiền vào khi thị trường thuận theo triết lý của bạn nhưng phải biết cắt lỗ thật nhanh”.

    Ngoài ra, một câu nói nổi tiếng của J.L mà thiết nghĩ nhà đầu tư cần khắc cốt ghi tâm là: “Tôi đã quá mệt với việc công chúng hay báo chí đổ lỗi cho thị trường về việc những tên ngốc làm mất tiền của mình. Người thành công là người có những khoản thua lỗ lớn nhất. Anh ta đã tạo dựng vận may từ chính cuộc đời mình. Bằng cách nào? Bằng cách làm việc quanh năm, bằng cách học tất cả để biết về nó, bằng việc chớp lấy những cơ hội hợp lý, bằng việc sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để dự đoán xác suất.”


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn