TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-12-2015

    Thủy điện Lai Châu có doanh số 7.000 tỷ đồng/năm

    thu tuong phat bieu tai le phat dien thuy dien lai chau

    Thủ tướng phát biểu tại Lễ phát điện Thủy điện Lai Châu


    Thủy điện Lai Châu là công trình có quy mô tổng mức đầu tư khá lớn với công suất 1.200 MW và khi đi vào hoạt động sẽ có doanh số 7.000 tỷ đồng/năm.

    Sáng 23/12, tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Lễ mừng phát điện Tổ máy số 1 công trình Thủy điện Lai Châu (do Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN tổ chức).

    Theo Thủ tướng, công trình thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia, được Đảng và Nhà nước quyết định đầu tư có quy mô tổng mức đầu tư khá lớn với công suất 1.200 MW và khi đi vào hoạt động sẽ có doanh số 7.000 tỷ đồng/năm.

    “Nếu dự án hoàn thành được trước 1 năm, và với doanh số của công trình là 7.000 tỷ đồng/năm, đây là một con số rất lớn, rất có ý nghĩa, không chỉ ở giá trị kinh tế là 7.000 tỷ đồng mà còn ở việc đảm bảo không để đất nước thiếu điện”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

    Nếu tính giá trị sản xuất, trong 5 năm thì công trình này sẽ đạt doanh số tương đương với giá trị đầu tư của công trình. Đồng thời, công trình khi đi vào hoạt động sẽ cùng với 2 công trình thủy điện khác trên dòng chính sông Đà là Sơn La và Hòa Bình cung cấp khoảng 1/3 tổng sản lượng thủy điện của cả nước.

    “Đây không chỉ là công trình có giá trị, ý nghĩa về phát điện, đảm bảo điện năng, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng mà còn góp phần trị thủy sông Đà. Thủy điện Lai Châu cùng với Thủy điện Hòa Bình và Sơn La sẽ góp phần quan trọng trong điều tiết nước sông Đà, hạn chế, kiểm soát lũ cho vùng hạ lưu, trong đó có Thủ đô Hà Nội trong mùa mưa và đồng thời cung cấp nước cho hạ du vào mùa khô”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

    Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2016, EVN tiếp tục tục tập trung chỉ đạo, trước hết là tập trung hoàn thiện những việc cần thiết để Tổ máy số 1 vận hành an toàn, hiệu quả, cung cấp điện vào lưới điện quốc gia; đồng thời tiếp tục khẩn trương chỉ đạo, tiến hành đồng bộ các công việc, cùng với tổ hợp các nhà thầu thi công phấn đấu hoàn thành đúng cam kết là năm 2016 đưa hai tổ máy còn lại của công trình vào vận hành phát điện, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả công trình.

    Ngày 14/12/2015 vừa qua, Tổ máy số 1 Công trình thủy điện Lai Châu đã chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, vượt kế hoạch đề ra hơn 3 tháng. Đây cũng là mốc tiến độ quan trọng và là tiền đề tốt để hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, sớm trước 1 năm so với quyết định của Chính phủ.

    Công trình thủy điện Lai Châu với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng, là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình.


    Tổng tài sản các ngân hàng đạt hơn 6,8 triệu tỉ đồng

    Ngân hàng Nhà nước ngày 22.12 đã công bố số liệu thống kê về một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 10.2015.
    Theo đó, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt 6,865 triệu tỉ đồng, tăng 5,37% so với cuối năm 2014. Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tăng với tỷ lệ 8,9%, đạt 3,087 triệu tỉ đồng. Tổng tài sản của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 2,72 triệu tỉ đồng, tăng nhẹ 1,17% so với đầu năm.
    Tỷ lệ tăng mạnh nhất là các công ty tài chính, cho thuê tài chính với tổng tài sản tăng 21,84%, lên 83.700 tỉ đồng. Một chỉ tiêu khác đánh giá rủi ro trong cho vay là sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được công bố. Các công ty tài chính có tỷ lệ này khá cao, lên tới 80,69%; đứng thứ hai là ngân hàng hợp tác xã 66,6%. Các ngân hàng thương mại nhà nước tăng từ 29,7% lên 31,75%, tuy nhiên, ngân hàng thương mại cổ phần lại giảm từ 35,84% xuống còn 34,93%.

    Interpol truy quét thuốc giả tại châu Á

    AFP ngày 22.12 dẫn thông cáo của Interpol cho biết vừa phối hợp với các đồng nghiệp ở 13 nước châu Á mở đợt truy quét và thu được khoảng 9 triệu viên thuốc giả với tổng giá trị 7 triệu USD.
    Tham gia chiến dịch này gồm VN, Afghanistan, Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Singapore… 
    Cảnh sát các nước và Interpol đã điều tra 500 nhà thuốc, chợ thuốc và 100 trang chuyên kinh doanh dược phẩm trực tuyến. Ít nhất 87 người đã bị tạm giữ. Số thuốc giả thu được chủ yếu được quảng cáo là trị cao huyết áp, béo phì và một số loại thuốc chủng ngừa. 
    Từ nhiều năm qua, thuốc giả dần trở thành miếng mồi ngon của bọn tội phạm vì lợi nhuận cực cao mà mức phạt khi bị phát hiện thấp hơn nhiều so với buôn lậu ma túy. 
    Ngoài ra, việc bán hàng dễ dàng qua internet cũng làm các loại dược phẩm giả, nhái dễ dàng tiếp cận những bệnh nhân cả tin.

    “Đại gia” dầu lửa Mỹ tháo chạy khỏi Nga

    Tập đoàn dầu khí ConocoPhillips chính thức rút khỏi Nga sau 25 năm hoạt động ở nước này...

    ConocoPhillips, một trong những công ty nước ngoài tiên phong đầu tư vào ngành dầu khí Nga, đã rút lui hoàn toàn khỏi nước này - tờ Financial Times đưa tin.

    Việc Conoco - một trong những công ty dầu lửa lớn nhất Mỹ - chính thức chấm dứt hoạt động ở Nga được đánh dấu bằng việc bán lại cổ phần trong Polar Lights, một liên doanh giữa Cocono và hãng dầu lửa quốc doanh Rosneft của Nga.

    Quyết định rút khỏi Nga sau 25 năm hoạt động tại nước này của Conoco cho thấy những thách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt khi rót vốn vào lĩnh vực năng lượng ở Nga. Căng thẳng chính trị và giá dầu giảm sâu là những yếu tố chính dẫn tới những khó khăn này.

    Kể từ khi Liên Xô tan rã, các công ty dầu lửa lớn của phương Tây ra sức tiếp cận với trữ lượng dầu khí khổng lồ của Nga. Tuy nhiên, kết quả thường là các công ty này thương nhận thấy họ không “đấu” nổi với giới tài phiệt Nga cũng như không vượt qua được những khó khăn liên quan đến chính trị.

    “Không có nhiều công ty dầu lửa phương Tây có thể kiếm được tiền ở Nga”, ông Thane Gustafson, tác giả “Wheel of Fortune”, một cuốn sách về lịch sử ngành công nghiệp dầu lửa Nga. Theo ông Gustafson, BP, ExxonMobil và Schlumberger là ba ngoại lệ kiếm được lợi nhuận khi đầu tư vào ngành dầu khí Nga.

    Conoco xác nhận đã bán lại cổ phần 50% trong Polar Lights, liên doanh tập trung vào các dự án khai thác dầu ở vùng Tây Bắc của Nga. Trước đây, Conoco còn nắm cổ phần 20% trong hãng dầu lửa Lukoil của Nga, nhưng đã bán lại vào năm 2011.

    Tuần trước, Rosneft cũng đã bán cổ phần của mình trong Polar Lights. Theo một số nguồn tin, liên doanh này được định giá ở mức khoảng 150-200 triệu USD.

    “Không có bất kỳ khoản đầu tư nào của họ [các công ty dầu lửa phương Tây] ở Nga từng mang lại hiệu quả tích cực”, ông Matthew Sagers, giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng Nga tại công ty nghiên cứu IHS, nhận định.

    Trong mấy năm gần đây, các tập đoàn phương Tây đã ký một loạt thỏa thuận với các công ty dầu lửa Nga về hợp tác thăm dò và khai thác các mỏ dầu có trữ lượng lớn nhưng “khó nhằn” ở vùng Bắc Cực và các mỏ dầu đá phiến. Tuy vậy, các dự án này hầu như đã đóng băng trong bối cảnh Nga chịu lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu sụt giảm.

    Bên cạnh đó, chiến lược “xoay trục về châu Á” của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở đường cho các công ty Trung Quốc và Ấn Độ nhảy vào các dự án năng lượng của Nga.

    “Trước đây, các công ty cho rằng dầu lửa là khan hiếm, mà Nga lại có nhiều dầu, nên họ phải đến Nga. Nhưng giờ thì khác. Dầu có ở nhiều nơi, bao gồm ở North Dakota, Mỹ, nên các công ty không còn phải đi tìm ở những nơi xa xôi nữa”, ông Sagers phát biểu.


    Vốn ngoại ồ ạt "chảy" vào TP Hồ Chí Minh

    Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong năm 2015 đạt gần 3,64 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

    Theo số liệu mới công bố từ Cục thống kê TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến ngày 15/12, đã có 555 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với vốn đăng ký đạt 2,81 tỷ USD.

    Bên cạnh đó, có 179 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 826,2 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến ngày 15/12 đạt gần 3,64 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

    Số dự án còn hiệu lực hoạt động đến ngày 15/12 trên địa bàn thành phố 5.820 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 39,1 tỷ USD.

    Chia theo hình thức đầu tư, có 455 dự án 100% vốn nước ngoài với vốn đầu tư đạt 1,24 tỷ USD; liên doanh có 98 dự án với vốn đầu tư 1,56 tỷ USD; hợp tác kinh doanh có 2 dự án với vốn đầu tư 5,9 triệu USD.

    Chia theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp có 63 dự án, vốn đầu tư 767,4 triệu USD, chiếm 27,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; xây dựng 31 dự án, vốn đầu tư 67,3 triệu USD; thương nghiệp 165 dự án, vốn đầu tư 167,3 triệu USD (chiếm 6%); hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ 125 dự án, vốn đầu tư 169,4 triệu USD (chiếm 6%).

    Hoạt động kinh doanh bất động sản 13 dự án, vốn đầu tư 1,49 tỷ USD (chiếm 53,3%); thông tin truyền thông 86 dự án, vốn đầu tư 32,1 triệu USD; vận tải kho bãi 30 dự án, vốn đầu tư 25,8 triệu USD…

    Chia theo đối tác đầu tư, đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trong năm. Anh dẫn đầu với 10 dự án, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, chiếm 42,8% tổng vốn; Hàn Quốc 120 dự án, vốn đầu tư 465,1 triệu USD (chiếm 16,6%); British Virgin Islands 25 dự án, vốn đầu tư 370,3 triệu USD (chiếm 13,2%).

    Singapore có 83 dự án, vốn đầu tư 140,8 triệu USD (chiếm 5%); Hoa Kỳ 23 dự án, vốn đầu tư 135,1 triệu USD (chiếm 4,8%); Nhật Bản 96 dự án, vốn đầu tư 65,9 triệu USD (chiếm 2,3%); Hồng Kông 24 dự án, vốn đầu tư 51,6 triệu USD; Seychelles 1 dự án, vốn đầu tư 50 triệu USD; Trung Quốc 22 dự án, vốn đầu tư 34,4 triệu USD…


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn