TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-04-2016

    Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đạt hơn 10 tỷ USD

    Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng Tư ước đạt gần 2,97 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 10,02 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015.

    Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,98 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,25 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015.

    Nhìn chung, hầu hết các mặt hàng càphê, hạt tiêu, gạo, hạt điều, thủy sản, cao su gỗ và sản phẩm gỗ duy trì sự tăng trưởng cả về sản lượng cũng như giá trị. Chỉ có ngành hàng chè, sắn và các sản phẩm từ sắn sụt giảm cả số lượng và giá trị.

    Tăng trưởng mạnh nhất là ngành hàng càphê, tăng 44,6% về khối lượng và tăng 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, xuất khẩu càphê trong tháng Tư ước đạt 204.000 tấn với giá trị đạt 344 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm đạt 681.000 tấn và 1,16 tỷ USD.

    Tiếp theo là ngành tiêu cũng tăng 28,3% về khối lượng và tăng 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng Tư ước đạt 26.000 tấn, với giá trị đạt 199 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 4 tháng đầu năm đạt 70.000 tấn với 569 triệu USD.

    Ngành gạo mặc dù tăng 11,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015, song tốc độ có phần chững lại so với quý Một của năm (quý Một, gạo tăng đến 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị). Theo đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng Tư ước đạt 510.000 tấn với giá trị đạt 235 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm ước đạt 2,06 triệu tấn và 916 triệu USD.

    Ngành thủy sản duy trì đà tăng trưởng với mức tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là ngành đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với giá trị xuất khẩu thủy sản tháng Tư ước đạt 564 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2016 đạt 1,97 tỷ USD


    Xuất khẩu gạo gần đạt 1 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm

    Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo ước đạt 2,06 triệu tấn và 916 triệu USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị.

    Theo số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩucủa cả nước ta tháng 4 năm 2016 ước đạt 510.000 tấn với giá trị đạt 235 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo ước đạt 2,06 triệu tấn và 916 triệu USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

    Về giá cả, theo Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 3 năm 2016 đạt 438 USD/tấn, tăng 0,32% so với cùng kỳ năm 2015.

    Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đang đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016 với 31,54% thị phần. Ba tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 474,39 triệu tấn và 214,58 triệu USD, tăng 41,78% về khối lượng và tăng 61,76% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

    Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016, với 20,45% thị phần, đạt 350.700 tấn và 139,1 triệu USD, tăng 73,8 lần về khối lượng và 74,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

    Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là: Gana, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Philippines, Bờ Biển Ngà, Singapore và Hoa Kỳ


    Mật phục bắt gọn 30 tấn đường lậu sắp ra thị trường

    Cơ quan chức năng TP HCM đã bắt quả tang một xe container chở đường lậu, xuất xứ Thái Lan trước khi hàng bị chẻ nhỏ, thay đổi bao bì

    Sáng 26-4, ông Đinh Minh Tân, Đội trường đội QLTT 2A thuộc Chi cục QLTT TP HCM cho biết đã phối hợp với Đội 6 – PC 46, Công an TP HCM tổ chức kiểm tra tại Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Bãi Đỗ (631 Quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân) và bắt quả tang xe container BKS 51C-16697 đang chuyển hàng (đường cát) xuống xe tải nhỏ. Lượng hàng trên xe ước tính khoảng 30 tấn, trị giá hơn 400 triệu đồng.

    Tài xế xe Lê Ngọc Thạch không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng. Tài xế thực hiện lệnh nhận hàng và giao hàng qua điện thoại nên không biết chủ hàng là ai.

    Theo ông Đinh Minh Tân, đoàn kiểm tra đã có nhiều ngày đêm trinh sát, riêng xe container trên đã được “đeo bám” từ một điểm tập kết ở huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước), cách cửa khẩu Hoa Lư (giáp Campuchia) hơn 10 km cho đến khi xe về tới TP HCM và đang tổ chức chẻ nhỏ hàng thì tổ chức kiểm tra.

     Niêm phong đường cát nhập lậu

    Niêm phong đường cát nhập lậu

    Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ số đường cát trên được đóng bao 50 kg, là sản phẩm của Thái Lan do hãng TRR Sugar Group sản xuất, là dòng đường tinh luyện RS.

    Thời gian qua, tình hình buôn lậu mặt hàng đường cát từ Thái Lan, Campuchia về TP HCM diễn biến phức tạp do chênh lệch giá lớn, khoảng 4.000 đồng/kg. Trong các sản phẩm nông nghiệp thì đường là mặt hàng nhạy cảm, các quốc gia đều có chính sách bảo hộ riêng. Hiện nay, thuế nhập khẩu đường trong hạn ngạch từ Thái Lan chỉ 5% trong khi nhập khẩu ngoài hạn ngạch lên đến 80-85% tùy loại.

    Để hạn chế tình trạng buôn lậu đường, bảo vệ sản xuất trong nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có đề xuất việc chỉ bán đấu giá tang vật cho nhà máy đường để tái chế trước khi bán ra thị trường, tránh việc dùng hóa đơn phát mãi để hợp thức hóa đường nhập lậu. Giải pháp này cũng giúp cho việc nhận diện đường lậu từ Thái Lan dễ dàng hơn do đường Thái Lan và Việt Nam khác nhau về tiêu chuẩn và chất lượng.


    Sản lượng đường ước giảm 200 ngàn tấn nhưng vẫn đủ cung

    Tuy giảm nhưng khả năng cung cấp đường cho nhu cầu nội địa từ nay đến cuối vụ vẫn đảm bảo, khi các nhà máy vẫn đang tồn 436.224 tấn đường (tính đến 15/4) và các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường tồn kho 21.006 tấn.

    Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến ngày 15/4/2016, các nhà máy đã ép được 10.674.035 tấn mía, sản xuất được 1.061.294 tấn đường. Trong đó, đường sản xuất từ mía là 1.040.702 tấn; còn lại là đường được sản xuất từ đường thô.

    Dựa trên sản lượng đường đã sản xuất, dự báo sản lượng sản xuất trong thời gian cuối vụ, Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính niên vụ 2015/2016 sẽ giảm khoảng 200 ngàn tấn đường so với niên vụ 2014-2015. Tuy giảm như trên nhưng khả năng cung cấp đường cho nhu cầu nội địa từ nay đến cuối vụ vẫn đảm bảo, khi các nhà máy vẫn đang tồn 436.224 tấn đường (tính đến 15/4) và các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường tồn kho 21.006 tấn. Bên cạnh đó là 85.000 tấn đường NK theo hạn ngạch thuế quan đang chuẩn bị được đấu giá trong thời gian tới.

    Giá bán buôn đường ở thị trường nội địa vẫn đang tiếp tục tăng lên. Ngày 19/4, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội là 15.300-15.700 đ/kg, tại Miền Trung 15.300-15.400 đ/kg và tại TP HCM 15.400-15.700 đ/kg. So với đầu tháng, giá bán buôn đường kính trắng đã tăng 200-600 đ/kg.

    Một thông tin đáng chú ý là trong 5 tháng đầu vụ 2015/2016 (một vụ bắt đầu từ tháng 10 năm này đến tháng 9 năm sau), Trung Quốc đã nhập khẩu 1,53 triệu tấn đường chính ngạch và khoảng 1,5 triệu tấn đường tiểu ngạch ở biên giới phía Nam của nước này. Thế nhưng từ 15/2 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không xuất khẩu được 1 kg đường nào theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.


    Hải sản tăng giá mạnh, tôm sú đắt kỷ lục

    Giá hải sản đang đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt là mặt hàng tôm. Trong đó, tôm sú tăng lên 450.000 đồng/kg, mức tăng kỷ lục từ trước đến nay.

    Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, trong tháng 4/2016, giá tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 4 đã có dấu hiệu phục hồi sau khi giảm mạnh 10.000-30.000 đồng/kg vào tháng trước. Nguyên nhân chính khiến giá tôm tăng là do nguồn cung yếu.

    Cụ thể, tại Cà Mau, tôm sú cỡ 20 con/kg hiện ở mức 273.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 30 con/kg là 203.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg và tôm sú cỡ 40 con/kg là 152.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3/2016.

    Giá tôm thẻ chân trắng cũng tăng nhẹ: loại cỡ 70 con/kg ở mức 131.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg là 109.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg.

    Đặc biệt, tại nhiều tỉnh phía Bắc, mặc dù ít bị tác động của hiện tượng hạn mặn nhưng giá thủy sản lại tăng đáng kể. Đơn cử như: giá tôm rảo đã tăng lên mức 180.000-250.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng 250.000 đồng/kg. Tôm nước ngọt cũng có giá 250.000 đồng/kg.

    Đáng chú ý, giá tôm sú hiện đã tăng lên mức 450.000 đồng/kg. Đây là mức tăng kỷ lục từ trước đến nay. Theo Bộ NN-PTNT, nguyên nhân của tình trạng này là do hiện đang vào cuối vụ, các điểm nuôi tôm ở miền Bắc đã thu hoạch gần hết nên là thời điểm khan hiếm hàng nhất.

    Tương tự, giá cá tra nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL trong tháng 4/2016 tiếp tục đà tăng giá của tháng trước. Nếu như đầu tháng 3/2016, giá cá tra chỉ ở mức 19.000 đồng/kg thì sang đầu tháng 4 này đã tăng lên 23.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

    Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2016, do nhu cầu thu mua đã chững lại nên giá không còn tăng mạnh, hiện giá cá tra nguyên liệu mức 22.000-23.000 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn