Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-01-2018
Đồng loạt điều chỉnh tính lãi tiết kiệm: Hàng triệu người ảnh hưởng
Ngày giao dịch đầu năm mới 2018, nhiều ngân hàng đã thông báo điều chỉnh điều chỉnh cách tính lãi mới trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng Nhà nước mới đây ban hành Thông tư 14/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Theo đó, từ 1/1/2018, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, 1 năm được xác định là 365 ngày.
Ngoài ra, thông tư này cũng quy định tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng xác định thời hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp: phương pháp bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ Luật Dân sự) hoặc phương pháp tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi.
Công thức tính lãi mới áp dụng từ 1/1/2018 theo thông báo củaEximbank
Tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi trước khi thực hiện giao dịch. Trường hợp có thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng về phương pháp tính lãi trước năm 2018, được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết.
Thực hiện theo Thông tư 14/2017/TT-NHNN, ngay ngày giao dịch đầu năm, các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TM TNHH MTV OceanBank… đã có thông báo về phương pháp tính lãi mới theo Thông tư 14/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Công thức tính lãi mới áp dụng từ 1/1/2018 theo thông báo của ACB
Theo đó, lãi suất của các sản phẩm tiền gửi, giấy tờ có giá của các ngân hàng đều sẽ được tính theo lãi suất năm, trên cơ sở một năm có 365 ngày thay cho trước đây là 360 ngày.
Với tiền gửi có kỳ hạn, từ ngày 01/01/2018, tiếp tục tính theo phương pháp đang thực hiện trước ngày 01/01/2018 (lãi suất tính lãi được tính theo tỷ lệ %/năm (360 ngày)) cho đến khi hết thời hạn của khoản tiền gửi.
Với khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 ngày trở lên, thời hạn tính lãi được xác định từ ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày đến hạn thanh toán của khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Các khoản tiền không kỳ hạn bắt đầu từ trước ngày 1/1/2018 sẽ được chuyển sang tính theo phương pháp tính lãi mới nêu trên.
Các khoản tiền gửi có kỳ hạn bắt đầu kể từ ngày 1/1/2018 trở đi được thực hiện tính lãi theo nguyên tắc mới phù hợp và đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.(Vietnamnet)
------------------------
VINAFOOD II bán 125 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược
Công ty mẹ - Tổng công ty lương thực miền Nam (VINAFOOD II) có vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng, tiến hành IPO với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 2133 phê duyệt phương án cổ phần hóa VINAFOOD II (VNF2).
Vốn điều lệ của VINAFOOD II là 5.000 tỷ đồng tương ứng 500 triệu cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó:
-Nhà nước nắm 255.000.000 cổ phần, chiếm 51%vốn điều lệ
-Cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường 114.831.000 cổ phần, chiếm 22,97% vốn điều lệ
-Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 4.969.000 cổ phần, chiếm 0,99% vốn điều lệ
- Cổ phần bán cho Tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp 200.000 cổ phần, chiếm 0,04% vốn điều lệ
-Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 125.000.000 cổ phần, chiếm 25% vốn điều lệ.
Giá bán khởi điểm là 10.100 đồng/cổ phần.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty cổ phần là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định, chịu trách nhiệm về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo quy định của pháp luật, bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và thực hiện sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp (14/6/2016) 2.525 người. Tổng số lao động đã nghỉ hưu và nghỉ chế độ theo quy định của Bộ luật lao động (đến thời điểm Tổng công ty hoàn thiện Phương án cổ phần hóa) 408 người. Tổng số lao động sẽ tiếp tục chuyển sang làm việc tại Công ty cổ phần 1.908 người. Tổng số lao động không có nhu cầu sử dụng 209 người.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát phương án sắp xếp lao động và thực hiện chế độ đối với người lao động không chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo đúng chế độ nhà nước quy định. Nguồn kinh phí chi trả cho người lao động không chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần thực hiện theo quy định hiện hành.(CafeF)
--------------------------------
Bộ Công Thương bổ nhiệm, điều động hàng loạt nhân sự
Chiều 3/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì lễ công bố, trao Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp trưởng, phó nhiều đơn vị thuộc Bộ; điều động, cử thay thế Kiểm soát viên tại một số Tập đoàn, Tổng công ty thuộc quản lý của Bộ Công Thương.
Theo đó, điều động ông Đặng Hoàng Hải, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu; phụ trách Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ giữ chức Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Điều động và giao phụ trách trong thời gian báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đối với ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Ngoài ra, Bộ điều động ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược công nghiệp; Phó Viện trưởng, Hàm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương giữ chức Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Cùng đó, điều động và bổ nhiệm ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại giữ chức Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ.
Bên cạnh đó, còn một số quyết định điều động nhân sự khác như: điều động bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ giữ chức Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; điều động và bổ nhiệm ông Đặng Huy Cường, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững giữ chức Thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam; điều động và bổ nhiệm ông Phạm Trọng Thực, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Tổng cục năng lượng, công chức Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo giữ chức Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
Bộ Công Thương cũng điều động ông Chu Thắng Trung, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương; Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc hết nhiệm kỳ công tác về nhận nhiệm vụ tại Cục Phòng vệ thương mại và giữ chức Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.
Ông Vũ Hùng Sơn, Hàm Phó Vụ trưởng, Văn phòng Bộ được điều động nhận công tác tại Cục Quản lý thị trường và bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng. Đồng thời, cũng cử ông Vũ Hùng Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, đến nhận công tác biệt phái tại Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Giao ông Phạm Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương phụ trách Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho đến khi Bộ có Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng.
Tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Bộ cử Phó Chánh Văn phòng bộ Công Thương Nguyễn Như Diễm thay ông Nguyễn Thanh Hòa là Kiểm soát viên phụ trách chung tại Vinachem. Cử ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng phòng Cục Công Thương địa phương, thay ông Dương Hồ Phương là Kiểm soát viên tại Vinachem.
Bộ cử bà Trương Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, thay ông Lê Văn Doan là Kiểm soát viên phụ trách chung tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Bộ cũng cử ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thăm dò Khai thác Dầu khí, Tổng cục năng lượng thay đồng chí Ngô Xuân Anh là Kiểm soát viên phụ trách chung tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tiếp tục cử bà Nguyễn Thị Ngọc Lan là Kiểm soát viên tại PVN.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, thời gian qua, Bộ đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ - tinh gọn bộ máy tổ chức, tạo nên sự thay đổi trong nội bộ Bộ Công Thương.
Bộ trưởng cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để Lãnh đạo các đơn vị mới được bổ nhiệm phát huy tối đa năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.(Bizlive)
-------------------------------
Anh bất ngờ đàm phán để gia nhập TPP
Báo chí Anh đưa tin London đang đàm phán để gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thúc đẩy xuất khẩu sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).
Guardian đưa tin chính phủ Anh đang thăm dò khả năng trở thành thành viên TPP sau khi rời EU vào tháng 3 năm sau và đã tổ chức các cuộc họp không chính thức với nhóm này.
Đề xuất bất ngờ này có thể khiến Anh trở thành thành viên đầu tiên tham gia hiệp định mà không có bờ biển giáp Thái Bình Dương hay Biển Đông.
Bộ Thương mại Quốc tế của Bộ trưởng Liam Fox được cho là cơ quan đang phát triển các đề xuất này nhằm gia nhập hiệp định với 11 thành viên còn lại sau khi thành viên lớn nhất là Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm ngoái.
Các bộ trưởng từ 11 thành viên đã ký kết Hiệp định TPP nhóm họp tại Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 9/11. Ảnh: Kyodo.
Bộ trưởng Thương mại Greg Hands nói với Financial Times rằng không có sự hạn chế về địa lý đối với việc Anh gia nhập các nhóm thương mại. "Không có bên nào bị loại trừ. Với các mối quan hệ đa phương như vậy, không có bất kỳ hạn chế nào về địa lý", ông nói.
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Quốc tế cho biết đã thành lập 14 nhóm thương mại trên 21 quốc gia nhằm "tìm kiếm phương án tốt nhất để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư trên toàn thế giới".
Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đợi đến khi TPP được sửa đổi sau sự rút lui của Mỹ và Anh đã giải quyết ổn thỏa việc rời khỏi EU.
Anh không được phép thực hiện các thỏa thuận thương mại trước khi chính thức rời EU. Một quan chức của TPP nói với Financial Times rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về bất kỳ kế hoạch gia nhập nào của Anh.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của 11 thành viên TPP chiếm chưa đầy 8% thị trường xuất khẩu của Anh, trong đó Nhật Bản chỉ chiếm 1,6% xuất khẩu của Anh so với 11% của Đức.
Một số người chỉ trích cho rằng kế hoạch này cho thấy sự tuyệt vọng và ảo tưởng của chính phủ đồng thời làm tình hình thêm rối ren.
"Những người này muốn rời thị trường ở ngay bên cạnh để gia nhập một thị trường khác nhỏ hơn phía bên kia thế giới. Đây đúng là một ý tưởng điên rồ", nghị sĩ Tim Farron nói.(Zing News)