TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-07-2016

    Doanh nghiệp logistics kêu trời vì “phí làm luật”

    Tại buổi hội thảo về logistics tại ICD Sóng Thần (Bình Dương), nhiều doanh nghiệp (DN) than phiền về cơ chế chính sách, tình trạng lạm thu phí cầu đường, các loại phí giao thông, “phí làm luật” kìm hãm sự phát triển của ngành.
    hoat dong logistics tai icd tan cang song than. anh: do truong.

    Hoạt động logistics tại ICD Tân Cảng Sóng Thần. Ảnh: Đỗ Trường.

    Ông Trần Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: mặc dù so với các tỉnh, thành trong khu vực thì Bình Dương không có lợi thế vì không có sân bay, cảng biển nhưng tiềm năng thì rất lớn. Tới đây cầu Ghềnh (Đồng Nai) được nâng chiều cao tĩnh không lên 7 mét, cầu Bình Lợi cũng được nâng cao tương tự là điều kiện thuận lợi để Bình Dương phát huy thế mạnh logistic nhờ tỉnh đã có quy hoạch, đầu tư, phát triển hệ thống cảng sông. Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, các DN đã đưa ra hàng loạt bất cập, những vấn đề cần được giải quyết để phát triển ngành logistics
    Đường xấu vẫn chịu đủ các loại phí
    Ông Nguyễn Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Logistics U&I cho rằng mặc dù hạ tầng giao thông của Bình Dương được đánh giá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển của nền kinh tế, thương mại, công nghiệp và đặc biệt là logistics thì chưa tương xứng. Nhiều tuyến đường như ĐT743, QL1K, Mỹ Phước Tân Vạn, QL13… trên địa bàn tỉnh Bình Dương mặt đường hẹp tạo ra mật độ giao thông dày đặc dễ dẫn đến ùn ứ phương tiện. Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ chưa phát triển tương xứng so với sự tăng trưởng kinh tế, thiếu tầm nhìn quy hoạch chung và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.
    Theo ông Phúc, thực trạng hạ tầng đường bộ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng hiện có quy mô nhỏ, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nhiều tuyến quốc lộ chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng mặt đường xấu, số lượng cầu có trọng tải lớn rất ít. “Tình trạng lạm thu phí cầu đường, các loại lệ phí giao thông, “phí làm luật” cũng là những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành logistics”, ông Phúc bức xúc.
    Doanh nghiệp “tự bơi”
    Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty cổ phẩn ICD Tân Cảng Sóng Thần, cho biết hiện nay có trên 1.000 DN hoạt động logistics nhưng chỉ chiếm 20% thị phần của cả nước. Trong khi đó chỉ có vài chục DN logistics của nước ngoài nhưng chiếm tới 80% thị phần cả nước. Ông Sơn cho rằng các DN nước ngoài chiếm thị phần lớn nhưng về mặt nguồn lực, nhân sự đa số sử dụng nguồn trong nước. Do đó, ông Sơn đề nghị cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các DN trong nước phát triển logistics.
    Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cơ chế chính sách của nhà nước hiện nay chưa phù hợp khiến các DN logistics trong nước phải “tự bơi”. Cụ thể, ông Phúc dẫn chứng, ngoài quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển logistics ở Việt Nam thì cho đến nay Việt Nam chưa có luật hay chính sách nào được ban hành nhằm thực thi việc triển khai loại hình này.
    “Do đó, DN muốn kinh doanh dịch vụ logistics phải tự mày mò tìm lối đi để hình thành trung tâm, tự tìm quỹ đất, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị; tự lo vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và tự chịu mọi rủi ro…mà không có một ưu đãi nào khác”, ông Phúc nói.(TN)

    BigC đã có phản hồi về việc Việt Nam “đòi” 3.600 tỷ đồng thuế chuyển nhượng

    Sau 2 tháng chờ đợi mà không thấy doanh nghiệp nước ngoài tự giác nộp 3.600 tỷ đồng thuế chuyển nhượng BigC Việt Nam, cơ quan thuế mới có công văn gửi các cơ quan liên quan đề nghị cưỡng chế, dừng thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của đơn vị này.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Tập đoàn Casino của Pháp đã thông báo hoàn tất việc chuyển nhượng hệ thống siêu thịBigC Việt Nam từ cuối tháng 4 với trị giá thương vụ 1,04 tỷ USD.

    Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng trôi qua, cơ quan thuế vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế của thương vụ chuyển nhượng này.

    Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thuế, ngày 13/6 vừa rồi, hệ thống siêu thị BigC Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế, thông báo sau khi nhận được công văn của Tổng cục Thuế thì đơn vị này đã có công văn số 1 gửi Tập đoàn Casino cũng như đơn vị nhận chuyển nhượng là Central Group đề nghị hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế chuyển nhượng.

    Đã gần 3 tuần trôi qua, Tổng cục Thuế chưa có thông tin gì thêm.

    Liên quan đến việc này, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định: Căn cứ vào quy định của Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp cũng như các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, có thể nói thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng BigC Việt Nam là thu nhập có nguồn gốc từ Việt Nam và phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    Thứ 2, ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, căn cứ vào quy định của các hiệp định thuế, thuế thu nhập chuyển nhượng BigC Việt Nam có nguồn gốc tại Việt Nam là thuộc quyền thu thuế của cơ quan thuế Việt Nam.

    Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế sẽ báo cáo bộ để phân tích, đánh giá và có biện pháp thực hiện quyền thu thuế của Việt Nam.

    Tổng cục Thuế cũng sẽ báo cáo Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp thu thuế phù hợp trên cơ sở pháp luật, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định của quốc tế.

    “Việc chuyển nhượng này phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phải phân tích hệ thống siêu thị BigC xem có dấu hiệu của việc né tránh kiểm tra hay không trong các thủ tục cấp giấy phép cơ sở bán lẻ, bằng việc lập nhiều pháp nhân kinh doanh dưới mô hình BigC”.

    “Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị để có sự phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Trí nói.

    Trước đó, ngày 20/6, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi khoảng 20 cục thuế các tỉnh, thành phố - nơi có hoạt động kinh doanh của BigC, yêu cầu rà soát lại các quy định trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật của BigC.

    Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh thành phối hợp với cục thuế yêu cầu đơn vị này kê khai nộp thuế theo quy định, trước khi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xác định tính pháp lý của hoạt động chuyển nhượng nói trên.

    Trước mắt, các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam sẽ bị dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật từ Tập đoàn Casino sang Tập đoàn Central Group.(CafeF)


    “Sống khỏe” nhờ thị trường ngách

    Không phải đầu tư vốn lớn, quảng bá rầm rộ cũng như chiến lược marketing bài bản, song nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, cửa hàng kinh doanh… vẫn sống khỏe nhờ tập trung khai thác thị trường ngách.
    san pham cua nhieu doanh nghiep san xuat da giay nho le van thu hut khach hang

    Sản phẩm của nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày nhỏ lẻ vẫn thu hút khách hàng

    Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Nam Thái (quận Tân Bình) - cho biết, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, 3 năm trở lại đây, ngoài gia công cho một thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, Nam Thái dồn toàn lực sản xuất hàng may mặc đồ bộ. Kết quả rất khả quan, công ty bán được 5.000 bộ mỗi tháng, thậm chí có những tháng cao điểm đạt 8.000 - 10.000 bộ.

    Theo bà Hiền, với bộ máy sản xuất gọn nhẹ (khoảng 20 công nhân) nhưng lúc nào cũng vận hành hết công suất nên lợi nhuận của công ty và thu nhập của người lao động khá tốt. Hiện giá đồ bộ của Nam Thái dao động từ 150.000- 400.000 đồng/bộ (tùy chất liệu, mẫu mã), thị trường chủ lực là các tỉnh phía Bắc.

    Dù mới hoạt động khoảng 4 năm và chỉ là xưởng sản xuất tư nhân nhưng thời gian qua, đơn hàng của Doanh nghiệp tư nhân Dũng Khương (quận 4) luôn đầy ắp. Doanh nghiệp chủ yếu nhận đặt hàng từ các tiểu thương chợ An Đông và các shop giày lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Dù giá trị không cao như xuất khẩu song bù lại rất ổn định và hiện nay, mỗi tháng, Doanh nghiệp Dũng Khương sản xuất và tiêu thụ tới vài nghìn đôi giày các loại.

    Trong khi nhiều doanh nghiệp tập trung vào các nhóm hàng lớn, doanh thu cao, Công ty Thương mại- sản xuất Tài Tài lại chọn cách xâm nhập thị trường bằng sản xuất đồ ăn vặt. Sản phẩm của Tài Tài hiện không chỉ được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước như Co.opmart, Metro, Big C, Lotte mart… mà còn xuất khẩu tới 16 quốc gia (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada…). Theo ông Trần Văn Tài - Chủ tịch HĐQT công ty- xuất phát từ thực tế, Việt Nam hàng năm sản xuất một lượng lớn đậu phộng, công ty đã nghiên cứu và chế biến thành các loại đồ ăn vặt cho giới văn phòng, trẻ em. Ban đầu lượng tiêu thụ khá khiêm tốn nhưng do chất lượng tốt, giá bán thành hợp lý nên sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

    Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi nền kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa thay vì nỗ lực tập trung vào thị trường lớn, nên hướng vào thị trường ngách. Tuy nhiên, muốn thành công với thị trường ngách, doanh nghiệp cần tạo sự khác biệt của sản phẩm, hiểu biết rõ và đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của nhóm khách hàng mục tiêu, xác định đúng thời điểm tung ra sản phẩm...

    Kinh nghiệm của Công ty Hoa Cỏ (quận 2) chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản chế biến cho thấy: Khi phân khúc sản phẩm trái cây sấy dẻo dường như bị bỏ ngỏ trên thị trường, công ty đã nắm bắt kịp thời và cho ra đời hàng loạt sản phẩm như khoai lang sấy dẻo, cà chua dẻo… Sự ra đời đúng thời điểm và nét độc đáo đã giúp sản phẩm nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Sản phẩm của công ty cũng được xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các chuỗi phân phối thực phẩm ở Đức, Anh, Pháp, trung bình 1- 1,2 tấn/ tháng.

    Bà Nguyễn Thị Anh - Chủ một doanh nghiệp may mặc tại quận Tân Bình - cho hay: Một thị trường ngách có nhiều khả năng thành công không chỉ là thị trường có ít đối thủ cạnh tranh mà phải có tiềm năng tăng trưởng, có sức mua và quy mô đủ để sinh lời. Từ thực tế đó, nhiều năm qua, thương hiệu Bibo của doanh nghiệp với các sản phẩm quần áo, đồ dùng bằng vải coton cho trẻ sơ sinh (nón, tất, găng tay…) đã được người tiêu dùng tín nhiệm. Giá các sản phẩm dao động trong khoảng 30- 50 nghìn đồng/sản phẩm, thị trường chủ yếu là Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Doanh nghiệp đang chuẩn bị để mở thêm phân xưởng sản xuất thứ hai ở Bình Dương với quy mô khoảng 50 công nhân.(BCT)


    Chuyên gia ngoại: Minh bạch tăng 1 điểm làm tăng 10% vốn đầu tư của doanh nghiệp

    Tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã diễn ra hội nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao, năng lực cạnh tranh cấp huyện DCCI năm 2016 và tập huấn kiến thức về nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
    hoi nghi cai thien moi truong dau tu kinh doanh, nang cao, nang luc canh tranh cap huyen dcci nam 2016.

    Hội nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao, năng lực cạnh tranh cấp huyện DCCI năm 2016.

    Hôm qua (1/7), TP Móng Cái phối hợp với Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (IPA) tổ chức hội nghị cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh cấp huyện DCCI năm 2016 và tập huấn kiến thức về nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.

    Tham dự có 100 doanh nghiệp và hợp tác xã; lãnh đạo các cơ quan đơn vị trên địa bàn TP Móng Cái; các chuyên gia dự án PCI Quốc gia (VCCI) và TS. Edmund Malesky, Giáo sư kinh tế, Đại học Duke Hoa Kỳ.

    TS. Edmund Malesky, Giáo sư kinh tế, Đại học Duke Hoa Kỳ đã trao đổi những kinh nghiệm để Quảng Ninh và các địa phương như Móng Cái nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương DDCI. Theo vị chuyên gia, một trong những chỉ số thành phần có vai trò rất quan trọng là tính minh bạch.

    “Nếu chỉ số thành phần này tăng 1 điểm trên thang 10, thì sẽ làm gia tăng 10% đầu tư doanh nghiệp. Trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng trên 15%; vốn đấu tư của doanh nghiệp lớn sẽ tăng trên 18% vào những năm tiếp theo”, TS. Edmund Malesky chia sẻ.

    Cũng theo TS. Edmund Malesky, cần phải nâng cao kỹ năng tay nghề cho lao động theo đó, Quảng Ninh nói chung và Móng Cái nói riêng có thể làm những khảo sát, nghiên cứu ngay xem những doanh nghiệp đang mong muốn đầu tư họ cần gì, cần kỹ năng dạy nghề gì. “Nếu có được hai điều này thì môi trường cạnh tranh nhất định sẽ tăng cao”, vị chuyên gia đến từ Đại học Duke nhấn mạnh.

    Tại hội nghị, ông Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND TP Móng Cái nhấn mạnh, một trong những sáng kiến đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh là việc xây dựng bộ chỉ số DDCI; được triển khai thí điểm năm 2015 và chính thức triển khai diện rộng năm 2016.

    Bộ chỉ số DDCI được Móng Cái đặc biệt quan tâm, xem đây là thước đo quan trọng, khách quan nhất đánh giá chất lượng năng lực điều hành kinh tế của chính quyền thành phố qua từng năm. Qua kết quả đánh giá DDCI thí điểm năm 2015, Móng Cái xếp thứ 2/6 địa phương trong tỉnh được khảo sát.

    Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát điều tra trong năm 2015 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận và đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của thành phố còn một số hạn chế, thể hiện ở các chỉ số như chỉ số gia nhập thị trường, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế quản lý.

    Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đối với thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là trong bối cảnh Chính phủ thắt chặt đầu tư công, việc tổ chức hội nghị sẽ là dịp để Móng Cái đánh giá, phân tích từng tiêu chí cấu thành trong từng chỉ số thành phần của từng lĩnh vực, nhất là các chỉ số có điểm số chưa cao, từ đó có giải pháp hiệu quả, mang tính đột phá nhằm cải thiện mạnh mẽ bộ chỉ số DDCI của thành phố thời gian tới.(Bizlive)


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn