Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-01-2018
Trung Quốc loại 1.400 sản phẩm sữa công thức trẻ em ra khỏi thị trường
Kệ hàng bán sữa công thức tại Trung Quốc ẢNH: BLOOMBERG
Đợt cải cách an toàn trong ngành sản xuất sữa trẻ em Trung Quốc vừa loại 1.400 sản phẩm ra khỏi các kệ hàng siêu thị nước này, dọn đường cho những tên tuổi lớn như Nestle hay Danone chiếm lĩnh thị trường.
Theo Bloomberg, Trung Quốc vừa ra quy định yêu cầu các nhà máy sản xuất sữa công thức đăng ký sản phẩm với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (FAD) và vượt qua bài kiểm tra an toàn. Quy định có hiệu lực từ ngày 1.1. Các nhà máy bị giới hạn chỉ sản xuất ba thương hiệu sữa, và mỗi thương hiệu chỉ sản xuất ba sản phẩm.
Các sản phẩm không được chính phủ công nhận bị cấm bán. Đây thường là các sản phẩm của các thương hiệu nhỏ hơn, xuất xứ địa phương, đôi khi gây hoài nghi vì dùng bột sữa làm sản phẩm rồi dán nhãn hiệu lên. Luật mới sẽ đẩy các sản phẩm này ra khỏi thị trường, dọn đường cho các công ty đa quốc gia lớn vốn có nhu cầu cao và được người tiêu dùng tin tưởng tiếp tục ăn nên làm ra.
Tổng thư ký Hiệp hội Dinh dưỡng và Thực phẩm Sức khỏe Trung Quốc Liu Xuecong cho biết: “Có rất nhiều công thức cho sữa bột trẻ em trên thị trường. Việc tạo ra công thức rất ngẫu nhiên và thay đổi thường xuyên. Nhiều hãng tung ra mô hình mà người tiêu dùng cảm thấy khó lựa chọn”.
Đến nay, FDA đã chấp thuận 940 sản phẩm sữa công thức cho trẻ sơ sinh từ 129 nhà máy. Trước ngày 1.1, Đại lục có đến hơn 2.300 sản phẩm sữa công thức trên thị trường.
Đợt mạnh tay kiểm định an toàn này phù hợp với lời kêu gọi nâng cao chất lượng cuộc sống của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Năm 2008, Trung Quốc từng có vụ bê bối sữa công thức nhiễm melamine làm chết ít nhất 6 em bé và hàng chục ngàn em khác bị bệnh. Tháng 11.2017, hơn 18.000 hộp sữa công thức ở Trung Quốc cũng bị phát hiện chứa nhiều thành phần hết hạn sử dụng.
Một nhân viên đang giới thiệu sản phẩm cho khách hàng tại cửa hàng Babemax ở Thượng HảiẢNH: BLOOMBERG
Các ông bố bà mẹ lo lắng cho sức khỏe con mình dần chuyển sang dùng những thương hiệu nước ngoài đắt đỏ hơn. Họ cho rằng chúng có thành phần tốt hơn, vượt qua bài kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Việc này giúp Nestle, Danone và Reckitt Benckiser Group giữ vị trí hàng đầu trong thị trường 20 tỉ USD, theo Euromonitor International.
“Nếu chất lượng tốt thì ngay cả khi đắt đỏ, tôi vẫn mua. Tôi chưa bao giờ nhìn đến các sản phẩm sữa công thức địa phương. An toàn là vấn đề lớn nhất”, cô Zhou Liwen, người có con nhỏ 3 tuổi, chia sẻ.
Chính phủ Đại lục đang nỗ lực tăng cường kiểm soát chất lượng bằng cách yêu cầu các nhà máy gửi mẫu công thức sữa cho cơ quan có thẩm quyền, chẳng hạn như Học viện Kiểm tra, Kiểm dịch Trung Quốc. Các nhà máy sau đó báo cáo kết quả kiểm tra cho FAD để cơ quan kiểm định lần nữa.
Doanh nghiệp ngoại đang định vị tên tuổi bằng cách đặt mục tiêu tiếp thị vào các bậc phụ huynh ở nông thôn và những thành phố nhỏ hơn, nơi các thương hiệu trong nước đang chiếm ưu thế.
Thị trường sữa công thức cho trẻ em ở Đại lục có tiềm năng lớn vì nước này có khoảng 20 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm, có thể đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành sữa công thức lên ít nhất 7% trong 5 năm tới.(Thanhnien)
------------------------------
Tỉ giá khó biến động mạnh
Phiên giao dịch ngày 5-1, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết 22.407 đồng/USD, giảm 4 đồng so với phiên trước.
So với đầu năm 2017, tỉ giá trung tâm tăng 1,5%-1,7%. Trong khi đó, tỉ giá USD/VNĐ tại các NH thương mại cũng giảm khoảng 0,2% (phổ biến ở mức 22.675 đồng/USD mua vào, 22.745 đồng/USD bán ra) và tỉ giá trên thị trường tự do giảm khoảng 1,5% so với đầu năm ngoái.
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết các yếu tố giúp tỉ giá tương đối ổn định trong năm qua là nhờ đồng USD mất giá trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD Index đã giảm tới 9,1% so với đầu năm 2017 dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất nhiều lần do tác động từ chính sách chống thâm hụt thương mại của nước này. Chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD hiện vẫn ở mức lớn khoảng 6%-7% và đang nghiêng về việc nắm giữ VNĐ. Huy động ngoại tệ tăng thấp khoảng 4% so với cuối năm 2016 và NHNN mua được khoảng 7 tỉ USD từ hệ thống NH. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, có thể một lượng lớn ngoại tệ đã được các tổ chức kinh tế và cá nhân bán, chuyển sang VNĐ. Đồng thời, cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư nhờ cán cân thương mại xuất siêu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá, niềm tin vào VNĐ và sự ổn định vĩ mô ngày càng cao… giúp NHNN bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tỉ giá năm 2018 sẽ tiếp tục ổn định khi có nhiều yếu tố hỗ trợ. Dù vậy, với tần suất tăng lãi suất của Fed trong năm nay sẽ nhiều hơn tạo kỳ vọng cho đồng USD tăng giá trở lại. Tỉ giá USD/VNĐ dự báo có thể tăng khoảng 1,5%-2% là hợp lý, tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô 2018, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ giúp NHNN có thể chủ động hơn trong điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết, giúp bảo đảm sức hấp dẫn của Việt Nam với dòng vốn đầu tư; tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp… VCBS dự báo mức giảm giá của VNĐ trong năm nay sẽ không quá 2%.(NLĐ)
------------------------
Năm 2018, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD
Năm 2018, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với năm 2017; tổng sản lượng thủy sản đạt 7 triệu tấn, giảm 3,8% so với năm 2017.
Ngành thủy sản cũng đưa ra mục tiêu sản lượng tôm nước lợ phấn đấu đạt 720.000 tấn, tăng 13,1%, sản lượng cá tra đạt 1,3 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2017...
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu Minh Cường, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, để đạt được mục tiêu trên, ngành thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Duy trì ổn định diện tích và sản lượng tôm sú, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới. Đồng thời, phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng có lợi thế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị (xây dựng đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ các đối tượng chủ lực). Triển khai các mô hình chứng nhận VietGAP gắn với nông thôn mới, nuôi thủy đặc sản có tính đặc trưng vùng miền, tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh thủy sản nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường.
Đồng thời, hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường. Xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển.
Ngoài ra, xây dựng quy trình đầy đủ về xác nhận và chứng nhận thủy sản khai thác trước khi xuất khẩu. Hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ về quản lý khai thác thủy sản cho ban quản lý cảng cá như: xác nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản; kết nối thông tin trong hệ thống các cảng cá, kiểm tra tàu cá tại cảng cá...
Đặc biệt, ngành thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển triển khai mạnh mẽ các giải pháp khắc phục thẻ vàng và tiến tới lấy lại thẻ xanh từ EU. Đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp, ngư dân hiểu và thực hiện đánh bắt có trách nhiệm...
Năm 2017, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8,3 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2016 và tăng 16,9% so với kế hoạch. Giá trị sản xuất thủy sản đạt 212.360 tỷ đồng, tăng khoảng 6,2% so với năm 2016. Tổng sản lượng thủy sản đạt 7,1 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2016; trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 3,3 triệu tấn, nuôi trồng đạt 3,75 triệu tấn...(TTXVN)
-------------------------
Chính phủ phê duyệt Phương án cơ cấu lại VNPT
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 2129/QĐ-TTg phê duyệt phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2018 - 2020 nhằm xây dựng và phát triển VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh.
Thành lập các công ty con mới
Về kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại VNPT, Quyết định nêu rõ, trong giai đoạn 2018 - 2020 thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT); sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại thành phố Hải Phòng) vào Bệnh viện Bưu điện (tại thành phố Hà Nội). Cơ cấu lại hoạt động kinh doanh quốc tế của Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT - I); nghiên cứu thành lập Công ty TNHH một thành viên Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ khi đủ điều kiện; tiếp tục duy trì Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) theo mô hình hạch toán độc lập; nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn góp của VNPT (sáp nhập Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện (Potmasco) vào Công ty cổ phần Cokyvina; sáp nhập Công ty cổ phần KASATI vào Công ty cổ phần Viễn thông -Tin học Bưu điện CT-IN và tăng tỷ lệ vốn góp của VNPT tại CT-IN đạt mức trên 35% vốn điều lệ...); giải thể Văn phòng đại diện VNPT tại thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.
Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, Công ty mẹ - VNPT là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net); Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT - IT); 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT tỉnh, thành phố); Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNPT - RD); Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ I, II, III.
Đơn vị sự nghiệp gồm: Bệnh viện Bưu điện và bệnh viện Đa khoa Bưu điện.
Các công ty con gồm: Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone); Tổng công ty Truyền thông (VNPT Media); Công ty Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) (nghiên cứu thành lập sau khi hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn); Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology); Công ty cổ phần Viễn thông Tin học Bưu điện (CT-IN); Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF); Công ty VNPT GLOBAL HK (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).
Các công ty liên kết gồm: Công ty cổ phần COKYVINA; Công ty cổ phần Phát triển công nghệ và Truyền thông (VNTT); Công ty cổ phần Quản lý tòa nhà VNPT (VNPT PMC); Công ty cổ phần những trang vàng Việt Nam (VNYP); Công ty cổ phần Dịch vụ Viễn thông và In Bưu điện (PTP); Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ và Truyền thông (NEO); Công ty cổ phần Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS); Công ty ATH Malaysia và Công ty ACASIA Malaysia (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).
Bên cạnh việc sắp xếp, tổ chức lại, VNPT cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như sau: Hoàn thiện cơ chế quản lý; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán; quản lý tài sản, nguồn vốn và đảm bảo cân đối dòng tiền; tăng cường thực hành tiết kiệm, quản lý chặt chẽ chi phí, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ. Quản lý sử dụng lao động hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương; phát triển và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động trong toàn Tập đoàn VNPT.
Mục tiêu phấn đấu của VNPT đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 6,5%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 10,8%/năm. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 7,7%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 11%/năm. Phấn đấu đến năm 2022, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tương đương với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Theo phương án cơ cấu lại, ngành, nghề kinh doanh chính của VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ số khác; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.(TTXVN)