TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-02-2016

    Nhà đầu tư nước ngoài chuyển tầm ngắm và dòng vốn vào BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam

    Theo nhiều chuyên gia phân tích trong lĩnh vực BĐS, Việt Nam được bình chọn là thị trường BĐS được ưa chuộng nhất trong khu vực, và cũng là thị trường được kỳ vọng sẽ đạt kết quả hoạt động tốt nhất trong năm 2016, vượt qua Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore và Myanmar.

    Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lượng kiều hối chảy vào thị trường BĐS Việt Nam trong năm qua tăng 17% cho tất cả các phân khúc.

    Không có gì ngạc nhiên khi các thành phố lớn và các địa phương có thế mạnh về du lịch đều đón lượng kiều hối lớn nhất. Tại Tp.HCM và Hà Nội, lượng kiều hối đổ vào thị trường này tăng lần lượt là 29% và 24%, được cho là tương đối cao so với các lĩnh vực đầu tư khác.

    Ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá của công ty Cushman & Wakefield, cho rằng gần đây trên thị trường BĐS Việt Nam có nhiều thương vụ từ các công ty trong nước đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng và thực sự họ đang chiếm lĩnh thị trường.

    Tuy nhiên, các quy định mới về BĐS và các chính sách ưu đãi từ Chính phủ, cũng như chính quyền địa phương đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào phân khúc này.

    Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu lựa chọn đầu tư vào Việt Nam, vì viễn cảnh lợi nhuận đầy hứa hẹn. Các doanh nghiệp địa ốc trong nước do đó sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh về vốn, thiết kế, chất lượng và quản lý xây dựng.

    Điều này cũng chung với nhận định của các công ty nghiên cứu thị trường khác như Savills và CBRE, theo đó nếu có tiền đầu tư dài hạn, có thể xem xét BĐS nghỉ dưỡng để "xuống tiền".

    bat dong san nghi duong dang phat trien manh o viet nam

    Bất động sản nghỉ dưỡng đang phát triển mạnh ở Việt Nam

    Trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng, địa chỉ được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nhất hiện nay là Phú Quốc, kế đến là Đà Nẵng và cuối cùng là thị trường "mới nổi" Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

    "Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam rất giàu tiềm năng. Nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN đã thành công với mô hình đầu tư này, vì thế đây là thời điểm họ chuyển tầm ngắm và dòng vốn của mình vào những thiên đường du lịch của Việt Nam để đầu tư", bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thuộc công ty CBRE Việt Nam, cho biết.

    Ông Hồ Vĩnh Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn Tanzanite International, đơn vị đang chọn Hồ Tràm của Vũng Tàu để đầu tư một dự án khu phức hợp nghĩ dưỡng trị giá gần 500 triệu USD, đưa ra nhận định rằng về nguồn cung trong thị trường BĐS nghỉ dưỡng, hiện có hơn 7.500 khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao ở Nha Trang và Đà Nẵng mở đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch hằng năm ở mỗi nơi.

    Trong khi đó, chỉ có khoảng 800 khách sạn 5 sao từ Phan Thiết đến Vũng Tàu nhưng khu vực này lại đón hơn 20 triệu lượt khách du lịch hằng năm.

    "Điều này là minh chứng rõ ràng cho sự lệch pha cung – cầu trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Chúng tôi chọn Hồ Tràm vì đó là một nơi có vị trí rất thuận lợi, chỉ cách TP. HCM khoảng 90 phút đi xe, không gian biển tuyệt đẹp không thua gì Phú Quốc. Đây sẽ là địa điểm sẽ có sự bùng nổ về dự án nghỉ dưỡng trong thời gian tới", ông Tuấn cho biết thêm.

    Ông Rudolf Hever – Giám đốc điều hành Công ty tư vấn bất động sản Alternaty, cũng cho biết thêm, năm 2016 được kỳ vọng sẽ là một năm lạc quan cho ngành BĐS Việt Nam. Nhiều dự án trên tất cả các phân khúc như khu dân cư, khách sạn và cả ngôi nhà thứ hai sẽ tiếp tục được ra mắt. Niềm tin của nhà đầu tư vẫn ở mức cao và tỷ suất bán hàng sẽ ở mức kỳ vọng.

    "Thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam luôn trở nên sôi động và mang đến những cơ hội mới. Đó cũng là lý do tại sao thị trường này chỉ dành cho các chủ đầu tư dũng cảm, dám đương đầu với rủi ro và ứng phó được với những biến động mạnh trên thị trường", ông Hever nói.


    Hệ thống Big C Việt Nam chưa hoàn thành quá trình chuyển nhượng

    he thong big c viet nam chua hoan thanh qua trinh chuyen nhuong

    Hệ thống Big C Việt Nam chưa hoàn thành quá trình chuyển nhượng


    Trưa 12/2, Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định rằng tiến trình chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu và chưa hoàn thành như một số báo đài đưa tin trong những ngày gần đây.

    Theo ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng của Hệ thống siêu thị Big C, ngày 10/2 vừa qua, một số báo chí địa phương đã đưa tin về việc chuyển nhượng hệ thống bán lẻ hiện đại Big C Thái Lan và khẳng định việc chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam cũng đã hoàn thành. Đây là những thông tin không chính xác.

    Ông Hồ Quốc Nguyên cho biết vào ngày 15/12/2015, Tập đoàn Casinođã thông báo ý định chuyển nhượng các hoạt động của tập đoàn này tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay tiến trình chuyển nhượng cũng chỉ đang trong "giai đoạn khởi đầu."

    Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam là chuỗi bán lẻ đầu tư nước ngoàicó nhiều điểm bán nhất với 32 siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương mại trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước


    Doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại

    muon co nen san xuat vung vang cho hoi nhap phai co nhung doanh nghiep du manh. (anh minh hoa: bao cong thuong)

    Muốn có nền sản xuất vững vàng cho hội nhập phải có những doanh nghiệp đủ mạnh. (Ảnh minh họa: Báo công thương)


    Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại.

    Hiện, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó theo các chuyên gia kinh tế, cần có những chính sách hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp này tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại, gia tăng giá trị xuất khẩu.

    Khi có hiệu lực, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có tác động rõ rệt đối với nền kinh tế Việt Nam. Dự báo đến năm 2025, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 11%, xuất khẩu có thể mở rộng 28%. Kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản có thể tăng mạnh trong vòng 10 năm tới.

    Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sau khi có hiệu lực sẽ giúp loại bỏ hơn 99% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường 500 triệu dân của EU và ngược lại, trong thời hạn từ 7-10 năm. Hiệp định này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam vào EU tăng thêm 4-6% so với thời điểm trước khi kết kết. Ngoài việc tăng khả năng xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có cơ hội kết nối với các nhà đầu tư từ các nước này vào Việt Nam.

    Tuy nhiên, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia sân chơi toàn cầu. Các chi phí về thuế, về thủ tục hải quan cao khiến doanh nghiệp trong nước bị hạn chế cạnh tranh khi xuất khẩu ra các nước. Hiện chỉ có 21% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khi ở Thái Lan tỷ lệ là trên 30% và ở Malaysia là 46%. Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của khối doanh nghiệp FDI thông qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt thời gian qua chủ yếu làm việc với nhau trên khía cạnh bán hàng trong khi hỗ trợ nhau tham gia phát triển sản phẩm thì lại không có.

    Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển. Để làm được điều này, cần tiếp tục cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, song cũng phải tương thích với những cam kết trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.

    Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để phát triển, cần có những chính sách đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về phía doanh nghiệp, để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại chất lượng cao, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung khai thác thế mạnh của mình, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, chú trọng chất lượng và sự khác biệt.

    Bà Phạm Chi Lan phân tích: “Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng được các cơ hội thì trước hết phải tập trung nâng cấp năng lực cốt lõi để các nhà đầu tư có thể chọn lựa làm đối tác. Nếu muốn xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài hoặc cung cấp cho những doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng xuât khẩu ra nước ngoài thì cũng phải có năng lực rất mạnh trong những lĩnh vực nhất định, phải rất cạnh tranh trong lĩnh vực đó mới thành công được. Đồng thời, phải liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp lớn hơn để tạo được sức mạnh lớn hơn”./


    Chính sách tiền tệ “nhượng bộ” chính sách tài khóa?

    theo giai thich cua ngan hang nha nuoc, viec dieu chinh nay se thuc day thu hut von dau tu trong, ngoai nuoc vao trai phieu chinh phu.

    Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh này sẽ thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước vào trái phiếu Chính phủ.


    Dự kiến một giới hạn về sử dụng vốn của ngân hàng liên quan đến chính sách tài khóa sẽ được điều chỉnh...

    Sau hơn một năm áp dụng với nhiều lần kiến nghị từ phía nhà đầu tư nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến sẽ điều chỉnh một giới hạn trong sử dụng vốn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Nội dung này có trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi.

    Cụ thể, theo quy định hiện hành của Thông tư 36, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ(bao gồm cả các khoản ủy thác cho tổ chức khác mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ nhưng không bao gồm các khoản mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng nguồn vốn ủy thác từ tổ chức khác) theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn, ứng với các giới hạn khác nhau.

    Các ngân hàng thương mại nhà nước có giới hạn là 15%; ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài 15%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng 5% và ngân hàng hợp tác xã 40%.

    Điểm được chú ý trong dự thảo thông tư mới là sửa đổi giới hạn trên: chi nhánh ngân hàng nước ngoài dự kiến được áp giới hạn là 35%.

    Theo Ngân hàng Nhà nước, dự thảo thông tư đã nâng giới hạn về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài lên bằng với mức quy định của khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%.

    “Quy định này nhằm tạo điều kiện cho một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy mô đầu tư trái phiếu Chính phủ cao và thường xuyên vượt giới hạn về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ trong thời gian dài có thể điều chỉnh và đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về nội dung này cũng như thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước vào trái phiếu Chính phủ”, bản giải trình của Ngân hàng Nhà nước cho biết.

    Với thông tin giải thích trên, cùng dự kiến mức giới hạn được nới, chính sách tiền tệ đã tính đến điều chỉnh theo hướng hỗ trợ thêm cho chính sách tài khóa, trong áp lực cân đối ngân sách và yêu cầu huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ đã thể hiện căng thẳng từ trong năm 2015.

    Tuy nhiên, ở một liên hệ khác, dự kiến điều chỉnh trên còn gắn liền với nhiều lần kiến nghị sửa đổi từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.

    Cụ thể, tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) những kỳ gần đây, cũng như qua các buổi làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, đại diện nhà đầu tư nước ngoài đã đưa ra yêu cầu này.

    Theo họ, Thông tư 36 quy định tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn mà chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng thương mại được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ là 15% và 35% là không phù hợp với Hiệp ước Basel II và III - hiệp ước về các chuẩn mực an toàn mà trong đó yêu cầu các ngân hàng có thể nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Chính phủ nhiều nhất có thể.

    Trong một tài liệu mà đại diện Nhóm công tác ngân hàng của VBF công bố cuối năm 2014, một quan ngại cũng từng được nhấn mạnh: “Các ngân hàng có lẽ là bên mua trái phiếu Chính phủ chính (nếu không muốn nói là duy nhất) và quy định này có thể sẽ tác động tiêu cực đến kế hoạch của Chính phủ trong việc huy động vốn để giải thâm hụt ngân sách năm tới (năm 2015 - PV)”.

    Ngoài ra, phía đại diện nhà đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu được đối xử công bằng khi áp giới hạn trên đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, như một điểm cần có để khuyến khích các thành phần tham gia phát triển thị trường nợ của Việt Nam, trong đó trái phiếu Chính phủ được xem là tài sản có tính thanh khoản cao, chỉ đứng sau tiền mặt.

    Mặt khác, khi một lực lượng cầu trái phiếu Chính phủ bị hạn chế và áp giới hạn thấp, lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể bị thêm tác động bất lợi và tăng lên, chính sách tài khóa càng khó khăn.

    Trước nhiều lý do trên, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra hướng điều chỉnh. Thông tư mới có thể sớm được ban hành và áp dụng “kịp” cho năm 2016.


    Phục hưng "con đường tơ lụa"

    phuc hung "con duong to lua"

    Phục hưng "con đường tơ lụa"


    Được lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa có từ xa xưa dùng cho thương mại và giao lưu, "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa Trên biển thế kỷ 21" của Tập Cận Bình sẽ nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Phi và cuối cùng là Châu Âu.

    Trong năm 2015, cả thế giới xôn xao về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và băn khoăn nước này có thể duy trì đà cải cách và hoàn thành quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa và mở rộng dịch vụ hay không. Tuy nhiên, ở Trung Quốc niềm tin về triển vọng dài hạn của nền kinh tế vẫn không hề suy giảm. Thực vậy, mặc dù lãnh đạo Trung Quốc ý thức rõ được sự giảm tốc tăng trưởng, họ vẫn tập trung thực hiện sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này sẽ vẫn đúng cho năm 2016.

    Gần bốn thập kỷ sau khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng chiến lược "cải cách và mở cửa," Trung Quốc đã đạt được vị thế nước thu nhập trên trung bình. Hiện nay Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (lớn nhất tính theo ngang giá sức mua). Nhưng lãnh đạo Trung Quốc biết rằng vẫn còn chặng đường dài phía trước để hiện thực hóa điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "Cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa". Để gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế thu nhập cao của thế giới, Trung Quốc phải sử dụng thị trường và nguồn lực, cả trong và ngoài nước hiệu quả hơn nữa. Và nước này phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn để có tầm ảnh hưởng lớn hơn trên đấu trường quốc tế.

    Không còn nghi ngờ gì nữa trật tự quốc tế hiện nay đang ưu đãi cho lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh. Điều này cũng dễ hiểu khi trật tự này được thiết lập sau Thế Chiến Thứ hai. Nhưng cán cân quyền lực toàn cầu đã thay đổi. Nếu Trung Quốc muốn được kỳ vọng là một "tay chơi có trách nhiệm" trong các vấn đề của thế giới, nước này cần phải có vai trò nổi trội hơn trong quy trình ra quyết định trên quốc tế.

    Đó chính là bối cảnh ra đời sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Tập Cận Bình.

    Ý tưởng này tương đối rõ ràng. Được lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa có từ xa xưa dùng cho thương mại và giao lưu, "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa Trên biển thế kỷ 21" của Tập Cận Bình sẽ nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Phi và cuối cùng là Châu Âu. Bằng cách xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cấp thiết dọc theo Con đường Tơ lụa - từ các tuyến đường bộ và đường sắt tới các hải cảng và đường ống dẫn dầu, Trung Quốc hy vọng xây dựng "một cộng đồng chung lợi ích, vận mệnh và trách nhiệm."

    Không có nước nào thích hợp hơn Trung Quốc để dẫn đầu công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng. Vì sự phát triển của chính nước này được thúc đẩy một phần bởi những khoản đầu tư khổng lồ vào các dự án cơ sở hạ tầng trong nước, Trung Quốc có thừa kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đấy là chưa kể đến ngành vật liệu xây dựng lớn mạnh của nước này. Ngoài ra, khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ trị giá 3,5 nghìn tỷ USD của nước này sẽ còn tăng nữa, giúp cung cấp nguồn vốn cần cho các dự án trên.

    Trung Quốc đã dành một phần trong khoản dự trữ của mình để thành lập Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) - một sáng kiến mà Trung Quốc dùng để hỗ trợ tham vọng Con đường Tơ lụa. Với sự tham gia của 57 nước từ năm châu lục - gồm cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, Pháp và Đức, AIIB là sáng kiến đầu tiên được thiết kế riêng cho thế giới đang phát triển, và đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

    Lợi ích thu được từ sự đầu tư này sẽ rất lớn. Kinh nghiệm từ Thế Chiến Thứ hai cho thấy các nước đang phát triển có khả năng nắm bắt cơ hội chuyển giao quốc tế của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động có thể đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 20-30 năm. Điều này sẽ tiếp sức cho sự nổi lên của những thị trường mới được các nước phát triển thèm muốn - gồm cả Trung Quốc trong khi tạo ra không gian phát triển cho các ngành có giá trị gia tăng cao hơn ở Trung Quốc.

    Khi mà lương nhân công gia tăng làm xói mòn lợi thế cạnh tranh trong ngành sản xuất thâm dụng lao động của Trung Quốc, các nước có thu nhập thấp hơn mà cụ thể là các nước được kết nối bởi Con đường Tơ lụa, hầu hết trong số này có GDP đầu người thấp hơn một nửa của Trung Quốc, sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn. Với việc cơ sở hạ tầng được cải thiện, những nước này sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đón làn sóng thâm nhập của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động của Trung Quốc.

    Và số công ăn việc làm được tạo ra sẽ rất lớn. Trong thập niên 1960 khi Nhật Bản bắt đầu chuyển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động ra nước ngoài, ngành sản xuất nước này đã tuyển dụng 9,7 triệu người. Trong thập niên 1980, khi bốn con rồng của Châu Á (Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan) trải qua quá trình tương tự, ngành sản xuất của các nước này đã tuyển dụng tổng cộng 5,3 triệu người. Để so sánh, ngành sản xuất của Trung Quốc tuyển dụng 125 triệu lao động, trong đó 85 triệu người làm các công việc có kỹ năng thấp. Số này là đủ để làm cho gần như toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển dọc theo Con đường Tơ lụa mới đạt được công nghiệp hóa và hiện đại hóa cùng một lúc.

    Trong khi cả thế giới lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng, giá chứng khoán và tỷ giá hối đoái giảm của Trung Quốc, nước này đang thúc đẩy một sáng kiến mà có thể đem lại những lợi ích không thể đong đếm cho nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh việc tạo ra những cơ hội chưa từng thấy cho các nước đang phát triển, chiến lược "một vành đai, một con đường" sẽ cho phép Trung Quốc tận dụng thị trường và nguồn lực trong nước và quốc tế tốt hơn, nhờ đó củng cố năng lực nhằm duy trì vị thế động lực tăng trưởng toàn cầu của mình.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn