TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-03-2016

    Nga sẽ cạn kiệt dầu vào năm 2044

    Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nga Sergey Donskoy hôm 17-3 dự báo sản lượng dầu dự trữ của nước này sẽ cạn kiệt vào năm 2044, trong khi sản xuất dầu bắt đầu suy giảm từ năm 2020.

    nga van giu tien do tham do dau khi nhu hoi nam ngoai. anh: reuters

    Nga vẫn giữ tiến độ thăm dò dầu khí như hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters

    “Về lý thuyết, trữ lượng dầu có thể khai thác được của chúng tôi ước tính khoảng 29 tỉ tấn. Sản lượng dầu thô (không ngưng tụ) khai thác trong năm 2015 vào khoảng 505 triệu tấn. Như vậy, nguồn dự trữ này sẽ tồn tại trong 57 năm” – ông Donskoy nói với Rg.ru.

    “Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trữ lượng dầu mà chúng tôi biết chính xác địa điểm, số lượng và cách thức khai thác chỉ bằng một nửa con số trên, tức khoảng 14 tỉ tấn. Như thế, con số này chỉ đủ dùng trong 28 năm” – ông Donskoy cho biết thêm.

    Cũng theo ông Donskoy, hoạt động sản xuất dầu của Nga sẽ bắt đầu giảm sút vào năm 2020 khi nguồn tài nguyên truyền thống có dấu hiệu cạn kiệt. Tỉ lệ dầu khó khai thác hơn sẽ tăng, khiến chi phí trở nên đắt đỏ hơn. Vì thế, Bộ trưởng Nga cho rằng đó là lý do “chúng tôi sẽ không ngừng công tác thăm dò” để tìm kiếm thêm nguồn nhiên liệu bổ sung.

    Dù giá dầu thô mất 2/3 giá trị từ hồi năm 2014 nhưng ông Donskoy khẳng định các công ty dầu khí Nga sẽ không cắt giảm việc thăm dò mà vẫn duy trì tiến độ tương đương năm ngoái hoặc nhiều hơn.

    “Tập đoàn Rosneft sẽ tăng cường hoạt động thăm dò lên 40% so với năm 2015. Chi phí thăm dò cũng sẽ đội thêm gần 1,5 lần” – ông Donskoy cho hay.

    Một số công ty khác như Surgutneftegaz cũng không có kế hoạch giảm bớt hoạt động thăm dò, trong khi công ty Bashneft có ý định tăng cường kho dự trữ.

    Hồi tháng 8 năm ngoái, Nga nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc yêu cầu được mở rộng ranh giới thềm lục địa ở Bắc Cực . Hiện tại, Moscow đang lên kế hoạch lớn cho việc khoan thăm dò dầu khí tại khu vực mở rộng này.

    Trữ lượng dầu và khí thiên nhiên ở đó ước tính lên đến 5 tỉ tấn, trị giá khoảng 30 ngàn tỉ USD.


    El Nino làm giảm mạnh sản lượng cá ở Thái Bình Dương và Trung Mỹ

    Báo cáo của Tổ chức Thủy sản Trung Mỹ (Ospesca) đưa ra ngày 16/3 cho biết từ đầu năm tới nay, hiện tượng thời tiết bất thường El Nino đã khiến sản lượng cá tại Thái Bình Dương và Trung Mỹ giảm mạnh tới 25% so với cùng kỳ năm 2015.

    anh minh hoa. (nguon: sea shepherd global)

    Ảnh minh họa. (Nguồn: Sea Shepherd Global)

    Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, Giám đốc của Ospesca, Mario Gónzalez, cho biết nước biển ấm lên do ảnh hưởng từ El Nino đã cản trở việc di cư cũng như sinh sản của các loài cá.

    Mức tiêu thụ hải sản bình quân đầu người hàng năm tại các nước Trung Mỹ là 8,5 kg, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 19,2kg của thế giới.

    Hàng năm, ngành hải sản đã đem lại nguồn thu lên đến 2,5 tỷ USD cho các nước Trung Mỹ.

    Có nguồn gốc từ hiện tượng ấm lên của bề mặt nước biển tại khu vực Thái Bình Dương cận xích đạo, hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino xuất hiện theo chu kỳ khoảng 2-7 năm/lần và gây ra lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng.

    Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, đợt hiện tượng thời tiết cực đoan mới nhất, bắt đầu từ cuối năm ngoái và nhiều khả năng sẽ kéo dài tới tháng 4 tới, được dự báo là 1 trong 4 đợt El Nino cường độ mạnh nhất trong 65 năm trở lại đây.


    Toshiba bán 5,9 tỷ USD tài sản, đầu tư vào sản xuất chip nhớ

    Toshiba sẽ đầu tư 3,2 tỷ USD vào mảng sản xuất và kinh doanh chip nhớ Flash, với hy vọng sẽ vực dậy tình hình kinh doanh của tập đoàn điện tử hàng đầu Nhật Bản này.

    toshiba ban 5,9 ty usd tai san, dau tu vao san xuat chip nho

    Toshiba bán 5,9 tỷ USD tài sản, đầu tư vào sản xuất chip nhớ

    Tập đoàn Toshiba của Nhật Bản cho biết sẽ bán khối tài sản trị giá 5,9 tỷ USD của mình, để có thể đầu tư vào mảng kinh doanh chip bán dẫn. Trong khi đó, các nhà chức trách Mỹ vẫn đang điều tra lại việc làm ăn của đơn vị nhà máy điện hạt nhân Westinghouse thuộc sự quản lý của Toshiba, khiến cho giá cổ phiếu của tập đoàn này tiếp tục giảm sâu.

    Sau vụ bê bối kế toán gây thiệt hại 1,3 tỷ USD, Toshiba đang cố gắng để vực dậy tình hình kinh doanh bằng cách cắt giảm các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, mà đã được che đậy bởi các gian lận trong kế toán.

    Tuy nhiên có vẻ như vụ bê bối này vẫn chưa chấm dứt, khi mà nhà máy điện hạt nhân Westinghouse, từng được Toshiba mua lại, tiếp tục bị phát hiện những hành vi gian lận kế toán. Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban giao dịch chứng khoán đang điều tra vụ việc này. Giá cổ phiếu của Toshiba cũng đã giảm 8% sau khi thông tin này được công bố.

    Chính vì vậy mà tập đoàn điện tử này đã quyết định bán mảng thiết bị y tế Medical Systems của mình cho Canon. Sau khi hãng sản xuất máy ảnh này giành được quyền đàm phán độc quyền với Toshiba, trong một cuộc đấu giá gây tranh cãi.

    Mức giá mà Canon đề nghị là 5,9 tỷ USD. Với số tiền này, Toshiba sẽ không cần phải tìm kiếm một khoản vay 1,8 tỷ USD bổ sung từ ngân hàng nữa. Tập đoàn này cũng sẽ có đủ tiền để tái cơ cấu và đầu tư vào mảng kinh doanh chip bán dẫn.

    Toshiba cho biết họ sẽ đầu tư vào thị trường bộ nhớ flash, với một kế hoạch 3 năm và số tiền đầu tư 3,2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới tại Nhật Bản.

    Cũng mới đây, một số tin đồn cho biết Toshiba có thể bán cả mảng đồ điện lạnh bao gồm điều hòa và tủ lạnh của mình cho một công ty Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó đại diện của Toshiba đã chính thức bác bỏ tin đồn này. Có vẻ như với số tiền từ việc bán Medical Systems, Toshiba tạm thời có thể kiểm soát được tình hình.


    Nhập khẩu ô tô giảm mạnh trong hai tháng đầu năm, đạt hơn 11.5000 chiếc

    Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó cả nước nhập gần 5,7 nghìn ô tô trong tháng 2/2016, nâng tổng số ô tô nhập khẩu của hai tháng đầu năm lên tới hơn 11,5 nghìn chiếc.

    Cụ thể, trong tháng 2/2016 lượng ô tô nhập khẩu đạt gần 5,7 nghìn chiếc, giảm 3,2% so với tháng trước với trị giá đạt gần 142 triệu USD, giảm 5%.

    Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong 2 tháng đầu của năm 2016 có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2015, với 11,5 nghìn chiếc, giảm 23,5%.

    Ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 2 chủ yếu có xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan với 2,12 nghìn chiếc; lượng nhập khẩu từ Nhật Bản là 0,59 nghìn chiếc; lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc là hơn 1 nghìn chiếc.

    Trước đó, Hiệp hội ô tô Việt Nam cho biết doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm đến 54%, đạt 11.718 xe, bao gồm 6.446 xe du lịch; 4.599 xe thương mại và 673 xe chuyên dụng.

    Doanh số xe du lịch giảm 54%; xe thương mại giảm 44% và xe chuyên dụng giảm 21% so với tháng trước

    Không chỉ nhập ô tô giảm mà tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tháng 2 cũng giảm.

    Tổng cục Hải Quan thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 2/2016 đạt20,39 tỷ USD, giảm 21,5% so với tháng trước do nghỉ Tết Âm lịch năm 2016 kéo dài. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu là 10,1 tỷ USD, giảm 24,4% và tổng trị giá nhập khẩu là gần 10,3 tỷ USD, giảm 18,3% so với tháng 1/2016.

    dien bien tri gia xuat khau, nhap khau va can can thuong mai hang hoa cua viet nam theo thang tu thang 1/2015 den thang 2/2016

    Diễn biến trị giá xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam theo tháng từ tháng 1/2015 đến tháng 2/2016

    Xét về số tuyệt đối, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước giảm tới 5,57 tỷ USD so với tháng trước, trong đó xuất khẩu giảm 3,26 tỷ USD và nhập khẩu giảm tới 2,3 tỷ USD.

    Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2 có mức thâm hụt 191 triệu USD, qua đó thu hẹp mức thặng dư thương mại trong 2 tháng đầu năm 2016 còn 676 triệu USD.

    Trong 2 tháng đầu năm 2016,tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam sơ bộ đạt 46,69 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó trị giá xuất khẩu là 23,68 tỷ USD, tăng 3% và trị giá nhập khẩu là 23,01 tỷ USD, giảm 5,7%.Xét theo khối doanh nghiệp,xuất khẩu của khối các doanh nhiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)trong 2 tháng đầu năm 2016vẫn tăng khá so với cùng thời gian năm 2015 (tăng 7,2%, đạt kim ngạch gần 16,6 tỷ USD). Trong khi đó, xuất khẩu của khối các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước (doanh nghiệp trong nước) lại giảm tới 5,7%, chỉ đạt kim ngạch gần 7,09 tỷ USD.

    Nhập khẩu của khối các doanh nghiệp FDI giảm sâu hơn so với khối các doanh nghiệp trong nước. Cụ thểkim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trong 2 tháng/2016 là 13,77 tỷ USD, giảm 6,4% và khối các doanh nghiệp trong nước là 9,24 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2015.


    Xuất khẩu gạo trong tháng Hai vượt kế hoạch 400.000 tấn

    Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng Hai đã đạt gần 440.000 tấn, trị giá FOB là 178 triệu USD, trị giá CIF là 190 triệu USD; giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 405 USD/tấn.
    Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2016, cả nước xuất khẩu trên 856.000 tấn gạo, trị giá FOB gần 348 triệu USD, trị giá CIF 372 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt hơn 406 USD/tấn.

    Theo đánh giá của VFA, xuất khẩu gạo tháng Hai vượt kế hoạch đề ra là 400.000 tấn, cao hơn tháng trước đó 5,44% và cao hơn cùng kỳ năm trước 117%. Lũy kế xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm nay cũng cao hơn so cùng kỳ năm trước gần 102%.

    Xuất khẩu tăng đột biến là do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng tập trung với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại với Trung Quốc.

    Số lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo trong tháng Hai đạt ở mức cao, tăng mạnh so với tháng Một và cùng kỳ 2015, chủ yếu là gạo thơm và nếp.

    Riêng gạo trắng có hợp đồng tập trung với Cuba 200.000 tấn. Lũy kế hợp đồng đã đăng ký trong 2 tháng cũng tăng nhiều so với cùng kỳ 2015.

    Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu gạo trong 2 tháng tăng mạnh nhưng hợp đồng còn lại chưa thực hiện vẫn còn nhiều, gần 1,4 triệu tấn. Điều này sẽ giúp giữ được tiến độ xuất khẩu trong vài tháng tới, chưa tính các hợp đồng ký mới.

    Hiện tại, giá lúa gạo trong nước được nhận định có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới, do nhu cầu thực hiện các hợp đồng đã ký và nhu cầu trở lại mạnh từ Trung Quốc, kết hợp với áp lực giảm sản lượng bởi tác động của khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển.

    Bên cạnh đó, giá lúa gạo vụ Đông Xuân tăng một phần cũng do cơ cấu diện tích trồng lúa thường giảm, tăng các loại thơm và hạt dài giá cao.

    Theo nhận định của VFA, mặc dù giá thị trường đang có xu hướng tăng do nguồn cung giảm, nhưng nhu cầu vẫn còn yếu nên chưa tạo động lực mới.

    Trước mắt nhu cầu nhập khẩu gạo từ châu Phi đang sút giảm, khu vực Đông Nam Á cũng chưa rõ nét, nhưng Trung Quốc dự báo tăng nhập khẩu gạo nhiều, có thể bù đắp sút giảm nơi khác.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn