TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-10-2017

    Chỉ duy trì 100% vốn nhà nước tại 17 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng

    Đây là thông tin do Bộ Quốc phòng cung cấp tại cuộc họp báo giới thiệu về việc triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 diễn ra sáng nay, 20.10.

    Theo báo cáo trình bày tại cuộc họp báo, quá trình sắp xếp, đổi mới, kết quả từ trên 300 doanh nghiệp trước năm 2000, đến nay còn lại 88 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý.

    Bộ Quốc phòng đánh giá, trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế trong nước, khu vực và thế giới, nhiều doanh nghiệp quân đội vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững thương hiệu trên các lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng.

    Tuy nhiên, công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế. Số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn còn nhiều, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, cùng ngành nghề, hoạt động trên cùng một địa bàn; cơ cấu doanh nghiệp chưa hợp lý; công tác sắp xếp chưa gắn liền với công tác tổ chức lực lượng. Một số doanh nghiệp, qua thời gian qua còn tồn đọng về tài chính; đặc biệt một số doanh nghiệp hoạt động lưỡng dụng, xây dựng, thương mại, dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về tài chính…

    Về phương án tái cơ cấu, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), cho biết hiện tại Bộ có 88 doanh nghiệp, theo đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt sẽ chỉ duy trì 100% vốn nhà nước tại 17 doanh nghiệp. Trong đó, giữ nguyên 12 doanh nghiệp đang thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đồng thời hình thành 5 tổng công ty có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng trên cơ sở cơ cấu lại các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.

    Thực hiện cổ phần hóa 29 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là thương mại, xây dựng, dịch vụ; thoái vốn nhà nước tại 20 công ty cổ phần thuộc danh mục nhà nước không cần nắm giữ vốn điều lệ…  Như vậy, đến năm 2020, Bộ Quốc phòng còn 17 doanh nghiệp 100% nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn Bộ quản lý thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự.

    Để quán triệt toàn quân thực hiện đề án, Bộ trưởng Quốc phòng vừa ban hành một chỉ thị, kế hoạch quyết tâm đảm bảo đúng lộ trình. Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng cho biết, Quân ủy Trung ương thể hiện quan điểm nhất quán đối với các doanh nghiệp ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong trường hợp không cổ phần hóa được, thua lỗ, mất vốn kéo dài thì cho giải thể hoặc phá sản theo đúng quy định của pháp luật.

    Trước đó, báo cáo về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho biết, năm 2017 dự kiến doanh thu đạt 379.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 46.500 tỉ đồng; thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, riêng Tập đoàn Viettel đóng góp doanh thu 241.620 tỉ đồng, lợi nhuận 39.850 tỉ đồng, chiếm tới 85% tổng lợi nhuận các doanh nghiệp, nộp ngân sách 41.000 tỉ đồng. Doanh thu của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đạt 10.160 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 1.340 tỉ đồng, chiếm gần 2,9% lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.(Thanhnien)
    ------------------------------

    KIDO: Thế lực mới của thị trường dầu ăn

    Doanh thu quý III của KIDO (KDC) đã tăng vọt gần 360% nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của Tường An (TAC) và Vocarimex (VOC).

     

    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

     

    Hoàn tất thâu tóm

    Tường An và Vocarimex đều hoạt động trong ngành dầu ăn. Nhưng nếu Tường An chủ yếu bán lẻ dầu đã tinh chế thì Vocarimex chuyên về kinh doanh thương mại dầu ăn, bán sỉ cũng như phục vụ khách hàng công nghiệp. Vì thế, nói như đại diện Kido “cùng kinh doanh một ngành nhưng hai công ty lại không xung đột nhau về đối tượng hướng tới”. Xét về quy mô, Vocarimex thường đạt doanh thu cao hơn Tường An. Chẳng hạn, từ 2 năm trước, Vocarimex đã chạm mốc doanh thu trên 5.000 tỷ đồng. Trong khi ở Tường An là khoảng 4.000 tỷ đồng. Dựa trên kết quả này và theo kế hoạch đã đề ra, riêng mảng dầu ăn dự kiến mang về cho Kido khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng doanh thu năm 2017. Chỉ trong mảng dầu ăn, doanh thu KIDO ước sẽ vượt xa khi còn mảng bánh kẹo.

    KIDO: The luc moi cua thi truong dau an

     

    KIDO hoàn tất thương vụ thâu tóm 51% cổ phần tại Vocarimex, chính thức đưa Vocarimex thành công ty con của mình từ tháng 5 năm nay, cùng với việc mua thành công 65% cổ phần tại Tường An vào cuối năm 2016 đã giúp KIDO có chỗ đứng khá vững chắc trong ngành dầu ăn. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch KIDO, từng xác định, dầu ăn là ngành mũi nhọn và Công ty sẽ chiếm lĩnh thị trường dầu ăn Việt Nam. Theo Euromonitor, KIDO đã sớm nắm giữ được 2 trong 4 công ty lớn nhất ngành dầu ăn. Thậm chí, thông qua Vocarimex, KIDO cũng đã sở hữu cổ phần đáng kể tại Cái Lân (24%) và Golden Hope Nhà Bè (49%) cùng các công ty khác như Mỹ phẩm LG Vina (40%), Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco, 17,8%)…

    Với việc trực tiếp nắm quyền kiểm soát ở Tường An, Vocarimex cũng như đầu tư liên kết vào các doanh nghiệp lớn cùng ngành, KIDO đã trở thành thế lực đáng nể. Quan trọng hơn, như Tổng Giám đốc một Công ty chứng khoán tại Hà Nội từng nhận định, doanh nghiệp nào nắm giữ Vocarimex, đơn vị đó sẽ dễ dàng chi phối nguồn nguyên liệu và cả thị trường dầu ăn Việt Nam. 

    Theo báo cáo thường niên năm 2016, khoảng 80% doanh thu của Vocarimex chủ yếu đến từ việc bán nguyên liệu dầu cho thị trường thông qua nhập khẩu. Vì thế, trong phân tích của mình, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) từng bày tỏ lo ngại, Vocarimex có thể gặp rủi ro trong kiểm soát biến động giá trên thế giới và cả rủi ro tỷ giá.

    Chính ông Trần Kim Thành cũng đã thừa nhận “ở ngành dầu ăn, khó nhất là vấn đề giá dầu lên xuống. Quản lý giá dầu là khía cạnh quan trọng nhất trong làm dầu”. KIDO đã tìm nhiều cách để giải quyết vấn đề nguyên liệu, chủ động làm việc với các nhà cung cấp dầu ở các nước có thế mạnh về dầu để có nguồn nguyên liệu ổn định với giá tốt để cung cấp cho thị trường. Hiện Vocarimex cũng đang mua dầu từ các tập đoàn lớn trong đó có Wilmar (Singapore).

    Thị trường dầu Việt Nam còn ghi nhận sự hiện diện của Musim Mas (Singapore). Musim Mas đã chi 71,5 triệu USD để đầu tư nhà máy dầu ăn ở Việt Nam và hướng tới phân khúc dầu ăn cao cấp. Mới đây, Musim Mas còn chi 8 triệu USD để mua cổ phần ở Công ty Dầu thực vật miền Bắc (Nortalic) từ tay Vocarimex.

    Tính toán trong ngành hàng 30.000 tỷ đồng

    Tuy nhiên, dầu ăn không phải là lĩnh vực dễ dàng cho các đơn vị tham gia. Bằng chứng, sau 4 năm chịu đựng, chi 130 triệu USD để xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất dầu nành (từ năm 2011), Tập đoàn Bunge (Mỹ) vẫn chưa thu được đồng lãi nào. Trong khi đó, Bunge còn đối diện với áp lực thuế suất sẽ giảm về 0%. Kết quả, tháng 7.2016, Bunge đầu hàng, quyết định bán đi 45% cổ phần cho Wilmar.

    Thuế suất nhập khẩu đối với dầu thực vật đã chính thức giảm về 0% kể từ tháng 5.2017, tạo nên thách thức không nhỏ cho các đơn vị kinh doanh thương mại dầu nhập khẩu như Vocarimex. Nhưng phía KIDO cho biết, Vocarimex có lợi thế về quy mô, về nền tảng cơ sở vật chất, về tài chính và các mối quan hệ đối tác, khách hàng. Đây là các yếu tố không dễ thay đổi, đã giúp Vocarimex đạt khả năng cạnh tranh cao hơn về giá, ổn định nguồn cung. Những công ty đi sau thường phải mất nhiều chi phí, thời gian mới đạt tới.

    KIDO: The luc moi cua thi truong dau an

     

    Song song đó, Vocarimex cũng triển khai những thay đổi trong chiến lược. Chẳng hạn, Vocarimex cơ cấu lại sản phẩm theo hướng mở rộng vào nhóm khách hàng công nghiệp. Kết quả, kênh công nghiệp đã có sự gia tăng, góp 7% vào doanh thu của Vocarimex năm 2016, từ mức 1% của năm trước đó. Mục tiêu dài hạn của Vocarimex là tiếp tục đẩy mạnh bán hàng kênh công nghiệp cũng như xuất khẩu. Xuất hiện trong 2 năm qua chiếm khoảng 6% tổng doanh thu của Vocarimex.

    Đối với hoạt động đầu tư, Vocarimex sẽ tiếp tục tái cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình để nâng cao hiệu quả. Hiện tại, lãi từ đầu tư vào công ty liên kết trong nửa đầu năm 2017 đã tăng 2,2 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 72 tỷ đồng. Tính ra, lãi từ đầu tư liên kết đã chiếm 50% lợi nhuận sau thuế của Vocarimex.

    Về phía Tường An, hiện thị phần đang đứng thứ 2 trong ngành dầu ăn nhưng chỉ chiếm khoảng một nửa so với thị phần của Cái Lân. Tuy nhiên, bức tranh này dự báo sẽ cải thiện sau khi Tường An đã về một nhà với KIDO. Trước mắt, theo báo cáo tài chính, doanh thu của Tường An tăng trưởng 6%, đạt 3000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp trong 9 tháng 2017 tại Tường An đã theo tăng lên 11,8% so với mức 9,5% của cùng kỳ năm trước. Theo đại diện KIDO, đó là nhờ Công ty quản trị hiệu quả, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả nguồn lực, vốn và cơ cấu lại sản phẩm, nhất là những sản phẩm tập trung nhiều hơn vào phân phúc dầu ăn cao cấp.

    Cùng với đó là việc khai thác hiệu quả hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán, Tường An sẽ có thể đẩy mạnh và gia tăng thị phần trong tương lai.

    Thực tế, ngành dầu ăn khá hấp dẫn với quy mô hơn 30.000 tỷ đồng, theo nghiên cứu từ Nielsen. Cơ hội tăng trưởng ngành này vẫn rất cao, khi tiêu thụ dầu ăn bình quân ở Việt Nam vẫn thấp (9,5kg/người/năm) so với chuẩn WHO (13,5kg/người/năm). BMI dự báo tăng trưởng kép ngành dầu ăn giai đoạn 2016-2020 có thể đạt 16,1%/năm. Vì thế, không riêng Kido hay nhà đầu tư nước ngoài, các công ty trong nước như Sao Mai An Giang, Quang Minh, Daso... cũng lấn sân sang lĩnh vực dầu ăn, với các thương hiệu dầu cá Ranee (của Sao Mai An Giang), dầu Mr Bean, Oilla, Soon Soon (của Quang Minh), dầu Ogold và Bình An (của Daso)…(NCĐT)
    ---------------------------

    Hậu trường thương vụ Sơn Hà thâu tóm Toàn Mỹ

    "Thỏa thuận ngầm" dùng thương hiệu Sơn Hà là lý do chính khiến hai công ty sáp nhập.

     

    quoc te son ha va son ha sai gon da co thoa thuan ngam ve viec su dung thuong hieu son ha.

    Quốc tế Sơn Hà và Sơn Hà Sài Gòn đã có thỏa thuận ngầm về việc sử dụng thương hiệu Sơn Hà.

     

    Những vấn đề xoay quanh thương vụ sáp nhập giữa Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã: SHI) và thương hiệu đồ gia dụng Toàn Mỹ đã trở thành tâm điểm chính trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường được tổ chức sáng nay (20/10). 

    Trước hàng loạt câu hỏi từ phía các cổ đông xoay quanh phương án sáp nhập, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quốc tế Sơn Hà lần đầu chia sẻ hậu trường dẫn tới quyết định này. Chuyện sử dụng thương hiệu Sơn Hà giữa hai công ty anh em là Quốc tế Sơn Hà và Sơn Hà Sài Gòn - công ty do ông Lê Hoàng Hà, em ruột Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn điều hành cũng được ông đề cập.

    Theo ông Sơn, một trong những yếu tố quan trọng Quốc tế Sơn Hà nhận được khi thâu tóm Toàn Mỹ là "danh phận" để công ty tấn công thị trường miền Nam.

    Lý giải điều này, ông Sơn cho biết Quốc tế Sơn Hà và Sơn Hà Sài Gòn đã có thỏa thuận ngầm về việc sử dụng thương hiệu Sơn Hà cho các sản phẩm của 2 công ty. Theo đó Quốc tế Sơn Hà (do ông Lê Vĩnh Sơn làm Chủ tịch) sẽ sử dụng thương hiệu Sơn Hà cho các sản phẩm được tiêu thụ từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc, còn từ Quảng Nam trở vào phía Nam sẽ do Sơn Hà Sài Gòn (do ông Lê Hoàng Hà làm Chủ tịch) đảm trách.

    Quyết định này ban đầu được đưa ra do cả hai đều bán các sản phẩm dưới thương hiệu Sơn Hà. Hơn nữa, sáp nhập sẽ giúp tách bạch hoạt động dựa theo thị trường, dù cả 2 công ty vẫn có mối liên quan lẫn nhau về mặt sở hữu. 

    Là anh em nhưng theo ông Sơn, ông và người em trai Lê Hoàng Hà thiếu sự thống nhất trong quan điểm quản lý. Do đó, việc sáp nhập có thể sẽ giúp giải quyết những bất đồng trên.

    "Mối quan hệ giữa hai anh em trong gia đình vẫn rất tốt, nhưng hệ tư tưởng trong quản lý kinh doanh khác nhau, mỗi người đều có cái tôi riêng. Điều này khiến các quyết định của Sơn Hà dù to hay nhỏ đều rất khó đi đến sự thống nhất", ông Sơn lý giải. Đầu năm 2017, Quốc tế Sơn Hà cũng quyết định thoái toàn bộ 30% đang nắm giữ tại Sơn Hà Sài Gòn.

    Việc tách bạch giữa 2 công ty dù sẽ giúp mỗi đơn vị đi theo định hướng riêng của người đứng đầu, nhưng lại dẫn tới một hệ quả là Quốc tế Sơn Hà sẽ không thể bán sản phẩm tại khu vực phía Nam bằng thương hiệu Sơn Hà do trùng lặp với Sơn Hà Sài Gòn. Do đó, việc thâu tóm Toàn Mỹ sẽ là giải pháp toàn diện của vấn đề này và là bàn đạp để Quốc tế Sơn Hà có thể cạnh tranh với chính thương hiệu này tại thị trường phía Nam.

    Theo đề án sáp nhập, doanh thu thị trường phía Nam của Toàn Mỹ hiện đang chiếm 79% tổng doanh thu. Dự kiến sau sáp nhập đơn vị này sẽ đóng góp 300 tỷ đồng vào tổng doanh thu và 32 tỷ đồng vào lợi nhuận của Sơn Hà.

    Bên cạnh đó, theo ông Sơn, Toàn Mỹ cũng có thể trở thành động lực tăng trưởng cho Quốc tế Sơn Hà tại khu vực miền Bắc. "Thương hiệu này vốn được định vị ở phân khúc cao cấp, theo đó Sơn Hà sẽ định vị ở phân khúc thấp hơn để có thể bao quát toàn thị trường", ông Sơn cho biết.

    Trước câu hỏi của các cổ đông về tỷ lệ hoán đổi 1:2 (1 cổ phiếu của Toàn Mỹ đổi lấy 2 cổ phiếu của Quốc tế Sơn Hà) liệu có tương xứng, ông Sơn cho rằng những lợi ích của thương vụ này không chỉ đong đếm dựa trên số liệu tài chính. Toàn Mỹ là thương hiệu có lịch sử gần 25 năm và là đối thủ của Sơn Hà tại cả 3 thị trường, việc thâu tóm được thương hiệu này không chỉ giúp Sơn Hà có sản phẩm định vị tại phân khúc cao cấp mà còn bớt đi đối thủ cạnh tranh.

    Ngoài ra, Toàn Mỹ hiện vận hành 3 nhà máy nhưng chưa khai thác hết công suất, đây sẽ là khoản đầu tư tiềm năng trong bối cảnh các nhà máy của Sơn Hà "quá tải".(Vnexpress)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn