TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-05-2016

    Xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng 6,6%, cách xa mục tiêu

    Dù rất nỗ lực, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 5 tháng đầu năm vẫn chỉ dừng ở mức 6,6%, cách khá xa mục tiêu điều hành (tăng 10%).

    Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% (tương đương 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư trong nước ước đạt 19,4 tỷ USD tăng 3,9% (732 triệu USD), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước 48,3 tỷ USD tăng 7,7% (3,5 tỷ USD).

    Như vậy, dù đã rất nỗ lực, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 5 tháng đầu năm vẫn còn cách khá xa mục tiêu điều hành của năm nay là tăng 10%. Nguy cơ không đạt mục tiêu đề ra càng trở nên lớn hơn nhiều.

    Trong bối cảnh giá dầu thô vẫn đứng ở mức thấp, thì để tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng gia công, lắp ráp, với tỷ trọng phần lớn thuộc về các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

    Chẳng hạn, điện thoại các loại và linh kiện (tăng 20,6%, tương đương tăng 2,5 tỷ USD); điện tử, máy tính và linh kiện (tăng 5,4%); giày dép (tăng 6,0%); dệt may (tăng 6,1%)…

    Trong khi đó, về thị trường, ước tính 5 tháng đầu năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 14,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là EU ước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 18,9%;  Hàn Quốc ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 39,5%.

    Bên cạnh đó, xuất khẩu sang một số thị trường có kim ngạch giảm nhẹ. Chẳng hạn, sang ASEAN ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 13,5%; Nhật Bản ước đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,2%.

    Trong khi đó, 5 tháng, nhập khẩu của cả nước ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% (574 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài đạt 39,2 tỷ USD, giảm 1,9%, khu vực đầu tư trong nước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 0,7% (198 triệu USD).

    Số liệu thống kê cho thấy, nhiều mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu giảm khá mạnh, như máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng (giảm 8,6%); xăng dầu (giảm 21,2%); sản phẩm từ sắt thép (giảm 36,5%)…

    Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng cao, như điện tử máy tính và linh kiện (tăng 12,4%); kim loại thường khác và sản phẩm (tăng 26,1%)… Đặc biệt, mặt hàng than đá trước đây xuất khẩu thì đến nay nhập khẩu lại tăng cao, lên tới 135,3%.

    Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi tính đến hết tháng 5, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 19,2 tỷ USD, giảm nhẹ 2,9% (577 triệu USD). Như vậy, nhập siêu từ thị trường này đạt giá trị 11,5 tỷ USD, giảm 13,5% (1,8 tỷ USD) so với cùng kỳ 2015.

    Thị trường Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với 12,1 tỷ USD, tăng 6,4%. Nhập siêu từ Hàn Quốc là 7,8 tỷ USD. ASEAN đứng ở vị trí thứ 3 với 9,4 tỷ USD, giảm 4,2%, còn Nhật Bản đạt 5,7 tỷ USD, giảm 6,4%...

    Cùng với công bố số liệu ước tính của tháng 5, thì Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 đều tăng so với ước tính. Do vậy, xuất siêu của 4 tháng đầu năm đạt 1,8 tỷ USD.

    Với kết quả nhập siêu 400 triệu USD trong tháng 5, thì mức xuất siêu 5 tháng qua đã giảm còn 1,4 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất siêu vẫn hoàn toàn thuộc về khu vực đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu lên đến 9,1 tỷ USD, trong khi khu vực trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu với 7,7 tỷ USD.

    Tổng cục Thống kê dự báo, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng và nhập khẩu máy móc thiết bị cho các dự án lớn đã ổn định, có thể cán cân thương mại hàng hóa trong 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục xuất siêu.


    Bộ Công Thương lùi ngày ra quyết định điều tra chống bán phá giá thép mạ

    Việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ đã được ra quyết định từ ngày 3/3. Với việc gia hạn thêm 2 tháng, quyết định sơ bộ sẽ được Bộ Công Thương công bố vào đầu tháng 8/2016.

    Ngày 03 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ.

    Theo đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (bao gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc (mã số vụ việc AD-02).
    Các sản phầm này có mã HS: 7210.41.11; 7210.41.12; 7210.41.19; 7210.49.11; 7210.49.12; 7210.49.13; 7210.49.19; 7210.50.00; 7210.61.11; 7210.61.12; 7210.61.19; 7210.69.11; 7210.69.12; 7210.69.19; 7210.90.10; 7210.90.90; 7212.30.10; 7212.30.20; 7212.30.91; 7212.30.99; 7212.50.11; 7212.50.12; 7212.50.19; 7212.50.21; 7212.50.22; 7212.50.29; 7212.50.91; 7212.50.92; 7212.50.99; 7212.60.10; 7212.60.20; 7212.60.90; 7225.92.90; 7225.99.90; 7226.99.11; 7226.99.19; 7226.99.91; 7226.99.99

    Theo quy định tại Điều 17 Pháp lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận sơ bộ về các nội dung liên quan đến quá trình điều tra; trường hợp đặc biệt, thời hạn công bố kết luận sơ bộ có thể được gia hạn nhưng không quá 60 ngày.

    Như vậy, theo quy định thông thường, Bộ Công Thương sẽ phải ra quyết định điều tra vào ngày 3/6/2016.
     
    Ngày 23 tháng 5 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 2003/QĐ-BCT gia hạn thời gian ra kết luận sơ bộ vụ việc này thêm 60 ngày.Quyết định sẽ được công bố vào khoảng đầu tháng 8/2016.

    Bộ Công Thương thông báo để các doanh nghiệp liên quan lưu ý và chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình khi ký kết các đơn hàng nhập khẩu.

    Trước đó, vào ngày 7/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

    Cụ thể, mức thuế tự vệ thạm thời đối với phôi thép là 23,3% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung và đối với thép dài là 14,2% và được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày, tức là đến hết ngày 7/10/2016.
     
    Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, ngoại trừ các nước đang phát triển và kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ.

    Kim ngạch xuất khẩu Hà Nội đạt hơn 4,3 tỷ USD trong 5 tháng

    Cục Thống kê Hà Nội cho biết, ước tính kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng 5/2016 đạt 897 triệu USD tăng 2,7% so tháng trước và giảm 1,9% so cùng kỳ.
    nhom  hang xuat khau tang cao so voi cung ky la hang det may tang  10,8%

    Nhóm  hàng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ là hàng dệt may tăng  10,8%

    Cụ thể trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 692 triệu USD tăng 2,9% so tháng trước và tăng 0,9% so cùng kỳ.

    Trong tháng 5, một số nhóm hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ là hàng điện tử tăng 15,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 55,7%; máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 14,9%; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản tháng này tiếp tục giảm.

    Cũng theo Cục Thống kê Hà Nội, ước tính 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.314 triệu USD, tăng 0,3% so cùng kỳ.

    Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 3.319 triệu USD tăng 0,7%. Nhóm  hàng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ là hàng dệt may tăng  10,8%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 33,9%.

    Cụ thể, một số nhóm hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ là: Nông sản giảm 15,2%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi giảm 19,6%; xăng dầu giảm 16,4%.

    Ước tính kim ngạch nhập khẩu tháng 5 đạt 1.913 triệu USD tăng 6,5% so tháng trước, giảm 12,4% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 826 triệu USD, tăng 6,9% so tháng trước và giảm 14% so cùng kỳ.

    Trong tháng 5, nhóm vật tư nguyên liệu giảm 21,9% so cùng kỳ, nhiều mặt hàng giảm mạnh: Hóa chất, phân bón, xăng dầu…

    Ước tính 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 9.281 triệu USD giảm 6,2% so cùng kỳ trong đó nhập khẩu địa phương ước đạt 4.002 triệu USD giảm 6,5%. Mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh so cùng kỳ có hóa chất giảm 25,1%, phân bón 17,5%.

    Trong tháng 5, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 173.315 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ; trong đó bán lẻ đạt 40.766 tỷ đồng, tăng 0,8% và 8,6%.

    Ước tính 5 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt 855.291 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó bán lẻ đạt 200.153 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.


    Vinamilk khánh thành nhà máy sữa trị giá 23 triệu USD tại Campuchia

    Hôm nay (25/5), tại Thủ đô Phnompenh, vương quốc Campuchia, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy sữa Angkor – nhà máy sữa đầu tiên và duy nhất tại Campuchia đến thời điểm này.

    Nhà máy sữa Angkor được xây dựng trên tổng diện tích 30.000 m2 ở Lô P2-096, Lô P2-097, nằm trong Đặc khu kinh tế Phnompenh, với tổng diện tích gần 30.000 m2. Nhà máy được đầu tư xây dựng theo hình thức liên doanh và có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, Vinamilk đóng góp 51% vốn và đối tác tại Campuchia là BPC đóng góp 49% còn lại

    Sau quá trình chuẩn bị và hơn 1 năm khởi công, xây dựng, Giai đoạn 1 của nhà máy đã hoàn thành và sẽ chính thức đi vào vận hành sau Lễ khánh thành ngày hôm nay.

    Nhà máy sữa Angkor được xây dựng đồng bộ với công nghệ hiện đại nhất hiện nay từ khâu nạp, chế biến, chiết rót cho đến đóng gói thành phẩm và được quản lý bằng chương trình quản lý tối ưu từ Tetra Pak để kiểm soát toàn bộ khu vực chế biến, chiết rót, kết nối liên thông đến hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp. Toàn bộ các công đoạn từ thiết kế, xây dựng nhà xưởng đến lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất đều theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và môi trường.

    Công suất sản xuất của nhà máy khi đi vào vận hành là 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc mỗi năm. Dự kiến, sau khi hoàn thành giai đoạn 2 vào năm 2024, nhà máy sẽ đạt công suất lên 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm.

    le cat bang khanh thanh nha may.

    Lễ cắt băng khánh thành nhà máy.

    Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Vinamilk cho biết, Nhà máy sữa Angkor là kết quả quá trình tìm hiểu và thâm nhập thị trường Campuchia của Vinamilk cách đây hơn 10 năm. Trước nhu cầu và triển vọng phát triển của ngành sữa tại Campuchia, ngày 24/7/2013 Vinamilk đã cùng công ty BPC, nhà phân phối, đối tác chiến lược từ những ngày đầu của Vinamilk tại thị trường Campuchia, ký hợp đồng hợp tác liên doanh thành lập Công ty TNHH Sữa Angkor. Ngày 13/1/2014, được sự ủng hộ của chính phủ hai nước, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia do Thủ tướng hai nước chủ trì, Vinamilk đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao giấy phép đầu tư nhà máy sữa Angkor tại thủ đô Phnompenh.

    Việc xây dựng nhà máy sữa Angkor thẻ hiện tình hữu nghị lâu dài và gắn bó giữa hai nước Campuchia và Việt Nam. Nhà máy không chỉ góp phần cải thiện phát triển kinh tế của hai quốc gia mà còn đem lại lợi ích lâu dài trong phát triển thể chất và trí tuệ cho người dân, đặc biệt là trẻ em Campuchia.

    "Tôi hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến về sự hợp tác này của Vinamilk và BPC. Mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều hơn những dự án có tầm quan trọng về kinh tế và xã hội sẽ được triển khai tại đây", bà Men Sam On, Phó Thủ tướng Campuchia cho biết.

    Là nhà máy sản xuất sữa đầu tiên và duy nhất tại Campuchia tại thời điểm này, với công nghệ sản xuất đạt chuẩn quốc tế, Nhà máy sữa Angkor sẽ hiện thực hóa mục tiêu cung cấp cho người dân Campuchia những sản phẩm sữa được sản xuất tại chính Campuchia với chất lượng theo chuẩn thế giới, giá thành sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Campuchia.


    Thép cuộn cán nguội bị áp thuế chống bán phá giá

    Cơ quan điều tra của Malaysia đã chính thức áp thuế chống bán phá giá thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Thời hạn áp dụng mức thuế này là 5 năm kể từ ngày 24-5.

    muc thue danh cho san pham thep cuon can nguoi viet nam la 3,06-13,68%. anh internet.

    Mức thuế dành cho sản phẩm thép cuộn cán nguội Việt Nam là 3,06-13,68%. Ảnh internet.

    Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã ban hành quyết định cuối cùng về vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc.

    Theo đó, mức thuế chống bán phá giá cụ thể dành cho từng quốc gia như sau: Trung Quốc 5,61%-23,7%, Hàn Quốc là 3,78%-21,64% Việt Nam 3,06%-13,68%.

    Cũng theo thông báo của MITI, các sản phẩm thép tấm đen (hoặc tôn đen), các sản phẩm thép cuộn cán nguội sử dụng cho ngành cơ khí tự động sẽ được loại khỏi danh sách sản phẩm bị áp thuế.

    Mức thuế này chính thức được áp dụng từ ngày 24-5 và sẽ được áp dụng trong thời hạn 5 năm. Đây là mặt hàng thép thứ 2 của Việt Nam sang thị trường Malaysia bị áp thuế chống bán phá giá, sau sản phẩm tôn phủ màu.

    Trước đó, ngày 27-8-2015, Malaysia đã khởi xướng điều tra vụ việc trên và ngày 22-1-2016, MITI đã ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc.

    Sản phẩm bị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá: Thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim có độ dày từ 0,2mm- 2,6mm và rộng từ 700mm-1300mm. Mã HS: 7209.15 000, 7209.16 000, 7209.17 000, 7209.18 290, 7209.18 900 và 7225.50 000 (Mã AHTN: 7209.15.00, 7209.16.00, 7209.17.00, 7209.18.99, 7225.50.10 và 7225.50.90).

    Trong bản kết luận sơ bộ, cơ quan điều tra xác định rằng, có tồn tại việc bán phá giá sản phẩm thép bị điều tra có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam; và có tồn tại thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất sản phẩm tương tự của Malaysia và sự nhập khẩu hàng hoá bị điều tra.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn