Phiên tòa sáng 20/7: 48 tỷ trong số 63 tỷ Danh rút khỏi VNCB để trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích
Tận dụng sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích, hơn 17.000 tỷ đồng đã được vay, trả, trả, vay trong 7 tháng
Để có tiền trả nợ và các khoản chi phục vụ hoạt động của Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh, sau khi đã nắm quyền và kiểm soát VNCB, Phạm Công Danh thông qua Phạm Thị Trang (Trang Phố núi) đặt vấn đề với ông Trần Qúy Thanh, con gái ông Thanh là Trần Ngọc Bích và một số người thân của gia đình bà Bích (Nhóm Trần Ngọc Bích) gửi tiền vào VNCB để Danh làm các thủ tục vay-rút tiền, sử dụng cho các mục đích nêu trên. Cách thức thực hiện như sau:
-Các thành viên nhóm Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB, nhận sổ tiết kiệm.
-Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc), Mai Hữu Khương (Thành viên HĐQT, giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn) lập hồ sơ cho Nhóm Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của Nhóm này.
-VNCB chi nhánh Sài Gòn giải ngân và chuyển tiền vào tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB Chi nhánh Sài Gòn.
-Khi nào đến hạn trả nợ thì Bích cũng thỏa thuận thống nhất với Trang chuyển trả vào tài khoản do Bích chỉ định (tài khoản ông Thanh).
Với cách thức nêu trên, từ 28/12/2012 đến 30/7/2013 tức trong vòng 7 tháng, đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của Nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền VNCB đã giải ngân là 17.761,5 tỷ đồng được thực hiện và các khoản vay này đã được tất toán. Đây là các khoản vay luân chuyển, khoản vay sau trả cho khoản vay trước cộng với một phần Danh vay thêm nên các khoản vay sau sẽ nhiều hơn khoản vay trước.
Trong số tiền giải ngân ra có 16.260,5 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản Phạm Công Danh (bao gồm 1.240,5 tỷ đồng ban đầu được chuyển đến tài khoản của Phạm Đức Nghiêm là em trai của Phạm Thị Trang (Trang phố núi). Số tiền sau khi đến tài khoản Danh được sử dụng:
-Trả nợ nhóm Phú Mỹ 2.079,6 tỷ đồng
-Chuyển lại cho nhóm Trần Ngọc Bích 9.608,87 tỷ đồng để tất toán một số khoản vay trước đó
-Số còn lại 4.572 tỷ đồng được Phạm Công Danh sử dụng để chuyển qua nhiều tài khoản của Danh (các cá nhân và công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên) để trả nợ, đảo nợ, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân. Các khoản vay này đến thời điểm khởi tố vụ án đã được 2 bên thanh toán hết.
Rút 400 tỷ đồng bằng cách lập hợp đồng thuê trụ sở tại 816 Sư Vạn Hạnh như thế nào
Bằng thủ đoạn tương tự, Phạm Công Danh lập ra công ty Hương Việt và thuê Nguyễn Thị Kim Vân đứng tên làm giám đốc.
Để rút được tiền từ VNCB, theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai đã ký tờ trình thuê địa điểm tại 816 Sư Vạn Hạnh của công ty Hương Việt với tiền đặt cọc là 756,72 tỷ đồng chia làm 2 đợt, đợt 1 là 400 tỷ đồng và đợt 2 là 356 tỷ đồng. Tờ trình được Phạm Công Danh phê duyệt.
Sau đó, HĐQT VNCB gồm Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Trần Hiệp, Phạm Trung Dũng và Vũ Bạch Yến đã ký biên bản đồng ý cho VNCB thuê địa điểm của Hương Việt.
Nguyễn Thị Kim Vân (Hương Việt) lại ký 3 ủy nhiệm chi chuyển khoản 400 tỷ cho 3 cá nhân là Dương Bích Thạnh, Phan Bảo Long và Hồ Thị Đi. 3 người này sau đó đã ký các giấy rút tiền mặt và việc này là theo yêu cầu của nhân viên phòng tài chính tập đoàn Thiên Thanh còn cụ thể dùng vào việc gì thì không biết.
Khoản 400 tỷ này được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng ở Tập đoàn Thiên Thanh, do tiền hòa vào dòng tiền chung nên quá trình điều tra không chứng minh được việc sử dụng cụ thể của riêng khoản tiền này.
10:37 20/07/2016
Làm giả hồ sơ nâng cấp hệ thống Core Banking để rút hơn 63 tỷ đồng
Phan Thành Mai đề xuất rút tiền thông qua việc nâng cấp hệ thống CoreBanking (đây là một trong các nội dung đề án cơ cấu TrustBank đã được Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt).và thông qua công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để hợp lý hóa số tiền. Phạm Công Danh đồng ý đề xuất của Mai. Mai chịu trách nhiệm hoàn thiện mọi thủ tục đến khi tiền ra khỏi VNCB; Khương chịu trách nhiệm xây dựng các hồ sơ cần thiết; Viễn chịu trách nhiệm kiểm soát hồ sơ đúng quy trình, quy định của VNCB; Tùng chịu trách nhiệm kiểm soát dòng tiền sau khi ra khỏi VNCB.
Phạm Công Danh nhờ Phạm Việt Thép (anh ruột của Phạm Thị Trang-Trang Phố Núi) đứng tên thành lập Công ty An Phát. Công ty này ban đầu có vốn điều lệ 20 tỷ đồng và sau 6 tháng tăng vốn lên 100 tỷ đồng. Đến tháng 2/2014 tức sau hơn 1 năm đã thay đổi người đại diện trước pháp luật là Nguyễn Minh Quân sau khi nhận chuyển nhượng 100% vốn từ Phạm Việt Thép.
Từ khi thành lập đến nay, An Phát không hoạt động tại địa điểm đăng ký, không có bất cứ hoạt động kinh doanh gì, không phát hành hóa đơn và không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước.
Mai Hữu Khương tạo dựng hợp đồng với An Phát về việc An Phát cung cấp gói dịch vụ tư vấn giải pháp nâng cấp hệ thống CoreBanking gồm: Khảo sát hệ thống hạ tầng mạng, triển khai cung cấp hệ thống phần mềm mới, cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng mạng mới và các phần việc khác liên quan đến triển khai nâng cấp hệ thống Corebanking trị giá 252 tỷ đồng và VNCB tạm ứng 2 đợt với tổng giá trị 63,276 tỷ đồng.
Ngay sau khi VNCB chuyển tiền cho An Phát, Phạm Việt Thép đã ký 1 séc rút tiền mặt để nhân viên tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh là Nguyễn Thị Quỳnh Trang rút 25,24 tỷ đồng và 2 séc để Phan Minh Tùng rút 27,35 tỷ đồng.
Trang và Tùng sau khi rút tiền mặt đã nộp 52,591 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của Phạm Công Danh. Ngoài ra, Phạm Việt Thép ký 1 séc rút tiền mặt, Nguyễn Thị Quỳnh Trang rút 10,685 tỷ đồng nộp vào tài khoản đồng sở hữu của Mai Hữu Khương, Phan Minh Tùng, Trần Anh Thi mở tại VNCB Sài Gòn.
Trong số 52,591 tỷ đồng chuyển vào tài khoản Phạm Công Danh, Danh chỉ đạo tổ tài chính chuyển hơn 5,05 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Thị Quỳnh Trang mở tại VNCB Sài Gòn để Trang rút tiền mặt chi chăm sóc khách hàng theo chỉ đạo của Phạm Công Danh và Tổ tài chính của Tập đoàn. Còn lại gần 47,54 tỷ đồng để lại trong tài khoản Phạm Công Danh dùng trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích, nay tài khoản không còn tiền.
10,685 tỷ đồng nộp vào tài khoản đồng sở hữu của Mai Hữu Khương, Phan Minh Tùng, Trần Anh Thi được Danh chỉ đạo chuyển 8,78 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Quỳnh Trang. Cùng số tiền dư sẵn trong tài khoản, Trang rút 10,365 tỷ đồng tiền mặt chi chăm sóc khách hàng.
Như vậy, trong số hơn 63 tỷ đồng rút ra từ VNCB bằng đề án nâng cấp CoreBanking, Phạm Công Danh đã trực tiếp sử dụng 47,54 tỷ đồng để trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích; chỉ đạo tổ tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng hơn 13,83 tỷ đồng để chi chăm sóc khách hàng; số còn lại được chuyển vào tài khoản đồng sở hữu của Phan Minh Tùng, Mai Hữu Khương nhưng sau khi hòa vào tài khoản đã sử dụng hết, không xác định được việc sử dụng cụ thể, đến nay không còn số dư.
09:0020/07/2016
NH Xây Dựng ngày càng thua lỗ
Đến 8h30, phiên toà vẫn đang trong giai đoạn ổn định chỗ ngồi. Theo dõi qua màn hình, ghi nhận của chúng tôi cho thấy Phạm Công Danh hết quay sang trái, phải, ra sau trong thời gian chờ đợi như muốn kiếm tìm ai đó.
Gần 9h, tòa bước vào phiên xét xử với phần công bố cáo trạng.
Theo cáo trạng, TrustBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến. Tình trạng ngân hàng như sau:
-Đầu năm 2012 có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng do nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, sở hữu 84,92% cổ phần
-Từ 9/2/2012 đến 10/7/2012, Ngân hàng Nhà nước quyết định thanh tra TrustBank, kết luận thực trạng tài chính của Trustbank là rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu âm 2.854,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là gần 6.062 tỷ đồng.
Trên thực tế, trước khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý, từ ngày 6/6/2012, Nhóm Phú Mỹ và Nhóm Thiên Thanh đã có biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 84,92% cổ phần của TrustBank và các tài sản có liên quan. Phạm Công Danh cũng đã đưa người vào tiếp quản, điều hành và tiến hành phương pháp tái cơ cấu TrustBank.
Kể từ khi nhóm của Phạm Công Danh quản trị, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không khả quan mà theo chiều hướng ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao và thanh khoản luôn ở mức báo động.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, ngày 10/7/2012 của NHNN thì tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm, theo BCTC ngân hàng Xây dựng năm 2012 đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng.
Theo BCTC năm 2013 đã kiểm toán, ngân hàng ghi nhận lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, những con số lỗ, âm vốn chủ sở hữu khủng đó là do hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra.
08:2920/07/2016
Diễn biến chính trong phiên xét xử đầu tiên (19/7)
- Ngày 19/7/2016 khai mạc xét xử vụ án Phạm Công Danh và 35 bị cáo gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng.
- Ông Phạm Lương Toản, Chánh án tòa Hình sự TAND TP.HCM làm thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
- Tòa dành trọn buổi sáng và 2/3 phiên chiều để thẩm tra lý lịch bị cáo và các bên liên quan
- 36 bị cáo có mặt đầy đủ tại phiên tòa.
- 45 luật sư tham gia, trong đó 32 luật sư bào chữa cho bị cáo và 13 luật sư bảo vệ quyền, nghĩa vụ người liên quan. Riêng bị cáo Danh có 4 luật sư.
- 156 cá nhân, tổ chức được triệu tập đến tòa nhưng chỉ có 98 người hoặc đại diện có mặt. Nhiều doanh nhân nổi tiếng, doanh nghiệp lớn và hàng chục ngân hàng, đại diện NHNN, Hội đồng định giá tài sản các tỉnh như Quảng Nam, Bình Dương, TP.Đà Nẵng, Tp.HCM.. cũng được triệu tập.
Các luật sư yêu cầu HĐXX tiếp tục triệu tập những trường hợp vắng mặt trong ngày 20/7 để đảm bảo vụ xét xử được thực hiện công bằng, khách quan.
- Một số luật sư yêu cầu trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhưng không được chấp thuận. Hành vi vi phạm quy định về cho vay liên quan 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank được tách ra vụ án khác; Hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB cũng được tách ra một vụ khác nữa, sẽ đưa ra xét xử sau khi có kết luận điều tra.