TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh 16-01-2016

    "Bật đèn xanh" cho công ty múc cát trong đất quân đội

    Một đơn vị quân đội “bật đèn xanh” cho Công ty TNHH đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Minh Hòa (gọi tắt là Công ty Minh Hòa) khai thác cát trái phép ngay trong trạm Z.

    canh khai thac cat o tram z dien ra cong khai nhung chinh quyen dia phuong khong he hay biet - anh: d.n. - h.k.

    Cảnh khai thác cát ở trạm Z diễn ra công khai nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết - Ảnh: Đ.N. - H.K.

    Việc khai thác cát trong trạm Z được thực hiện trên bình diện rộng, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Bà T. - một người dân có nhà đối diện trạm này - nói: “Người ta múc cát cả hai tháng nay rồi. Bên trong làm ầm ầm nhưng họ đóng kín cửa”.

    Trạm Z thuộc doanh trại của lữ đoàn 683 thuộc Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), đóng tại đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

    “Mong các anh 
thông cảm”

    Chiều 8-1, bên trong khu vực trạm Z vốn được vây kín bởi bốn bức tường bêtông, việc múc cát diễn ra công khai trước sự chứng kiến của một nhóm cán bộ, chiến sĩ thuộc lữ đoàn 683.

    Tại đây, một xe gàu loại lớn đang múc cát từ dưới hố sâu gần 2m đổ vào thùng các xe tải chờ sẵn để chuyển sang một bãi tập kết cách đó khoảng 70m, chờ khô trước khi vận chuyển ra ngoài.

    Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy sau khi cát được múc lên thì xe ben chở đất đá của Công ty Minh Hòa (chở từ bãi thải Xuân Thiều) đem vào đổ lấp lại vị trí đã lấy cát.

    Theo người dân, thời gian gần đây việc chở cát ra ngoài chỉ diễn ra vào ban đêm, còn ban ngày họ múc cát lên tập kết thành bãi lớn và chủ yếu chở đất đá từ ngoài vào để phục vụ việc san lấp.

    Chiều 12-1, khi trời vừa chập choạng tối, đội xe tải của Công ty Minh Hòa chuyển toàn bộ cát từ bên trong trạm Z về bãi tập kết Xuân Thiều của Công ty Minh Hòa cách đó chừng 2km.

    Sau khi cát được múc lên xe, tài xế liền lấy bạt phủ lại. Cứ một xe cát chở ra khỏi trạm Z, ngay lập tức có nhân viên kéo cửa đóng kín. Đến 19g30 cùng ngày, việc vận chuyển cát kết thúc.

    Ông Nguyễn Văn Thuần, giám đốc Công ty Minh Hòa, không thừa nhận việc chở cát lậu từ bên trong trạm Z ra ngoài vào đêm 12-1. Tuy nhiên, khi PVTuổi Trẻ trưng ra các bằng chứng thì ông bảo rằng: “Mong và xin các anh thông cảm”.

    Ông Thuần thừa nhận trước đó công ty ông từng bị UBND TP Đà Nẵng xử phạt 70 triệu đồng vì không chứng minh được nguồn gốc của cát đang tập kết ở bãi Xuân Thiều do công ty ông quản lý.

    Trả lời câu hỏi vì sao Công ty Minh Hòa lại được phép vào bên trong trạm Z để khai thác cát, ông Nguyễn Văn Thuần trưng ra một bản hợp đồng được ký giữa công ty ông với đơn vị quản lý trạm Z - lữ đoàn 683.

    Theo hợp đồng ký ngày 29-9-2015, giữa một bên là Công ty Minh Hòa (do ông Nguyễn Văn Thuần làm giám đốc) và một bên là lữ đoàn 683 (do thượng tá, lữ đoàn trưởng Phạm Văn Dũng), phía Công ty Minh Hòa thuê 3.000m2đất tại trạm Z để làm nhà hàng tiệc cưới và kho bãi tập kết vật liệu.

    Thời gian thuê 10 năm, bắt đầu từ 15-10-2015 với giá thuê chỉ 5 triệu đồng/tháng. Hợp đồng nói rõ trong quá trình thi công phần móng, Công ty Minh Hòa được vận chuyển đất, cát do đào móng ra khỏi khu vực thi công. Khi hoàn thành phần móng, phía Minh Hòa phải chịu trách nhiệm hoàn thổ bằng chính số đất cát đã chuyển đi.

    “Trước đây tôi tính thuê để làm nhà hàng tiệc cưới nhưng tính lại làm sân tennis hiệu quả hơn nên tôi quyết định xây dựng ở đây hai sân tennis” - ông Thuần nói. “Làm sân tennis thì ông chở cát ra khỏi trạm Z để làm gì?”, ông Thuần trả lời: “Các anh hỏi ít thôi, hỏi vậy tôi rối lắm”.

    Lãnh đạo lữ đoàn 683 nói gì?

    Ngày 13-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Phạm Văn Dũng khẳng định đơn vị không có chức năng làm kinh tế nên không ký bất cứ một hợp đồng với doanh nghiệp nào cả.

    “Lữ đoàn không bao giờ cho bất cứ ai thuê khu đất đó để làm nhà hàng tiệc cưới, vì khu đất đã được quy hoạch làm xưởng sửa chữa ôtô. Có thể có sự nhầm lẫn gì đó, chứ không có đối tác nào được làm nhà hàng tiệc cưới ở đây. Khu đất đang tạo mặt bằng để sau này xây nhà xưởng” - ông Dũng nói.

    Khi PV Tuổi Trẻ trưng ra hợp đồng kinh tế do chính thượng tá Dũng ký với Công ty Minh Hòa thì ông Dũng tỏ ra ngập ngừng. Vòng vo một hồi, ông Dũng xác định đó là hợp đồng thật, do chính ông ký.

    Thượng tá Dũng phân trần: “Đúng là có hợp đồng nhưng hợp đồng đó chỉ chở cát thôi chứ không có xây dựng nhà hàng tiệc cưới gì hết. Do đơn vị không có xe chuyên chở cát nên phải hợp đồng với phía Minh Hòa để nhờ họ chở cát từ trạm Z phục vụ việc thi công sân tập thể thao của đơn vị”.

    Ông Dũng cho biết hợp đồng giữa đơn vị với Công ty Minh Hòa có trị giá “tầm 100 triệu đồng gì đó”, nhưng khi được đề nghị cho xem bản hợp đồng vận chuyển cát với Công ty Minh Hòa thì ông Dũng “hẹn dịp khác”, vì người giữ hợp đồng không có mặt tại đơn vị.

    Trả lời câu hỏi việc xin cải tạo mặt bằng trạm Z có được sự chấp thuận bằng văn bản nào của cấp trên không, ông Dũng nói chỉ báo cáo “xin phép mồm với cấp trên”.

    Theo ông Dũng, không có chuyện lén lút chở cát ban đêm. “Chúng tôi chỉ chở cát ban ngày thôi” - ông Dũng nói. Nhưng khi được cho biết có nhiều bằng chứng ghi lại cảnh xe chở cát ban đêm thì thượng tá Dũng im lặng. Lúc sau ông Dũng nói: “Có thể lúc đó cán bộ lữ đoàn trực đã về ngủ”.

    Trao đổi về việc khai thác, đại tá Đỗ Hữu Cẩn - chính ủy lữ đoàn 683 - cho biết trước đây trạm Z rộng tầm 10.000m2 là nơi đóng quân của tiểu đoàn 410, sau đó đơn vị này dời ra Quảng Trị.

    Hiện khu đất này được tính toán sẽ làm nhà xưởng, không cho ai thuê lâu dài.

    Theo đại tá Cẩn, việc múc cát tại trạm Z có độ sâu khoảng 1,5-2m, bên dưới có nhiều nước nên không thể múc sâu hơn được. Còn việc chở cát vào ban đêm ông hoàn toàn không biết.

    Địa phương không biết

    Chiều 14-1, phó chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu) Phan Văn Đại khẳng định đến thời điểm này địa phương hoàn toàn không nắm được việc khai thác cát ở trạm Z, bởi đây là doanh trại quân đội nên mọi hoạt động bên trong đều do phía quân đội quản lý.

    Một lãnh đạo UBND Q.Liên Chiểu cũng cho rằng ông chưa nghe thông tin gì về việc khai thác cát lậu tại trạm Z nói trên. “Chúng tôi sẽ cho lực lượng đi kiểm tra ngay bây giờ” - vị lãnh đạo này nói.

    Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn Q.Liên Chiểu được UBND TP Đà Nẵng cấp phép khai thác cát trắng.

    Tuyên bố của lãnh đạo TP Đà Nẵng mới đây nêu rõ nếu để xảy ra nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn thì chủ tịch quận, phường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, thậm chí có thể bị cách chức. (Tuổi Trẻ)


    Hà Nội sẽ tuyển sinh đầu cấp qua mạng

    Ngày 14/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II cấp tiểu học, năm học 2015-2016. Phó giám đốc Sở Phạm Xuân Tiến cho biết, từ năm 2016 Hà Nội sẽ tuyển sinh đầu cấp các khối mầm non, tiểu học, THCS bằng hình thức trực tuyến. 

    Theo đó, thay vì phụ huynh phải đến trường để làm hồ sơ cho con em thì năm học tới đây chỉ cần đăng nhập vào cổng thông tin tuyển sinh của trường để hoàn thành hồ sơ online. Đến ngày tuyển sinh, những trường hợp đủ điều kiện được sơ duyệt trước đó sẽ mang hồ sơ gốc đến đối chiếu."Như vậy sẽ hạn chế tối đa lộn xộn, giảm đi lại cho phụ huynh", ông Tiến giải thích và cho biết thêm, phần mềm tuyển sinh đang được xây dựng cho cả ba bậc là mầm non, tiểu học và THCS.

    mua tuyen sinh nam 2015, hang tram phu huynh chen chan mua ho so vao lop 6 truong luong the vinh. anh: quynh trang.

    Mùa tuyển sinh năm 2015, hàng trăm phụ huynh chen chân mua hồ sơ vào lớp 6 trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Quỳnh Trang.

    Đánh giá về mùa tuyển sinh vừa qua với quy định mới không thi tuyển vào lớp 6 ban đầu gây lo ngại cho các trường có lượng hồ sơ đăng ký cao như: Hà Nội Amsterdam, Lương Thế Vinh, Cầu Giấy..., Phó giám đốc Sở Giáo dục cho rằng công tác này đã được thực hiện tốt. Việc điều tra dân số, phân tuyến tuyển sinh trong các quận huyện giúp giảm thiểu bức xúc, khiếu nại của người dân.

    Tuy nhiên, tại một số trường tiểu học hiện nay vẫn diễn ra tình trạng sĩ số quá tải, một lớp có đến 50-60 học sinh. Cá biệt như tiểu học Tứ Hiệp (Gia Lâm) sĩ số lớp là 61 em, tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ) và nhiều trường khác không thể chối bỏ học sinh vì các em học đúng tuyến.

    "Việc quá tải sĩ số trong lớp hiện nay do dân số ở các địa bàn tăng đột biến, chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều, các trường học phải chịu áp lực nhận hết học sinh có hộ khẩu trên địa bàn", ông Tiến giải thích. Vấn đề này đã được báo cáo UBND TP Hà Nội để có giải pháp tăng quỹ đất xây dựng trường học. Biện pháp trước mắt các địa phương có thể thực hiện ngay để tránh áp lực cho các trường là rà soát học sinh trong độ tuổi trên địa bàn, nhất là tại tòa nhà cao tầng để phân luồng hợp lý. 

    Trước đó giữa tháng 10/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các Sở Giáo dục hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2015-2016. Theo đó, các Sở phải triển khai dịch vụ xét tuyển trực tuyến vào đầu cấp học. Việc cung cấp hồ sơ, đơn xin xét tuyển, đăng ký hồ sơ, trả kết quả xét tuyển... đều thực hiện trên cổng thông tin điện tử hay website.

    "Các cơ sở giáo dục cung cấp miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện qua SMS và qua cổng thông tin. Không nên sử dụng hệ thống nhắn tin thu phí qua điện thoại di động", hướng dẫn của Bộ Giáo dục nêu rõ.


    Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Minh sai phạm hơn 7,5 tỉ đồng

    Ngày 14-1, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Thanh tra tỉnh Vĩnh Long vừa thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý tài chính, kế toán tại Bệnh viện (BV) Đa khoa thị xã Bình Minh (Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long) từ năm 2012 đến năm 2014 với tổng sai phạm khoảng 7,5 tỉ đồng.

    Theo kết luận thanh tra, BV này đã tạm ứng, chi sai nguồn như trích để lại cải cách tiền lương nhưng lại tạm ứng để chi cho hoạt động thường xuyên, sửa chữa cơ sở vật chất, chi sai từ nguồn thu viện phí… Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị BV thu hồi các khoản tạm ứng sai và BV phải thu hồi nộp ngân sách trên 500 triệu đồng.

    Chiều 14-1, BS Châu Văn Đệ - Giám đốc BV Đa khoa thị xã Bình Minh cho biết BV đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và BV đang chờ kết luận từ phía lãnh đạo Sở Y tế. Ngoài ra, BV đã thực hiện theo đúng các kiến nghị của thanh tra tỉnh, tuy nhiên cụ thể thế nào thì ông Đệ đề nghị phóng viên liên hệ với Sở Y tế.


    Thiệt hại do mưa lũ nhưng ngành than vẫn lãi 600 tỉ đồng

    Trong năm 2015, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) lãi 600 tỉ đồng, doanh thu đạt 106.860 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2014. 

    Ngày 14-1, Vinacomin đã tổ chức tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. 

    Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Vinacomin, cho biết doanh thu toàn Tập đoàn năm 2015 đạt 106.860 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, nộp ngân sách nhà nước 12.500 tỉ đồng, bằng 103,4% so với kế hoạch, lợi nhuận đạt 600 tỉ đồng. Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 8,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 3% so với thực hiện 2014. Trong đó lao động sản xuất than đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 6% so với thực hiện 2014.

    Trước đó, đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ 26-7 đến 5-8-2015 làm cho ngành than thiệt hại khoảng 1.200 tỉ đồng.

    Theo ông Hải, dự kiến năm 2016, Vinacomin đặt ra kế hoạch doanh thu đạt 110.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 12.250 tỉ đồng, lợi nhuận 1.000 tỉ đồng. 

    Tiền lương bình quân chung toàn Tập đoàn là 9,1 triệu đồng/người/tháng, trong đó sản xuất than đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với mức tiền lương thực hiện năm 2015.

     

    Vị CEO Vinacomin cho rằng trong năm 2015, năng suất lao động trong năm qua của đơn vị này còn thấp, công tác quản lý vật tư, quản trị chi phí ở một số đơn vị còn chưa chặt chẽ dẫn đến chi phí đầu vào cao,  giá thành cao. 

    Một số dự án tiến độ thực hiện còn chậm, chất lượng lập dự án chưa cao; công tác kiểm soát các dự án từ khâu lập dự án, thẩm định và trong quá trình thực hiện dự án còn hạn chế có thể dẫn đến nguy cơ làm giảm hiệu quả dự án.


    Du lịch TP HCM dẫn đầu cả nước

    Năm 2015, tổng lượng khách quốc tế đến TP HCM đạt 4,6 triệu lượt, tăng 4,6% so với năm 2014 và đạt 97,8% kế hoạch. Khách du lịch nội địa đến TP HCM đạt 19,3 triệu lượt, tăng 13%. Tổng doanh thu du lịch đạt 94.600 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2014.

    Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động du lịch TP HCM năm 2015 vào sáng 14-1, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng năm qua, thị trường du lịch có nhiều sóng gió và đầy biến động nhưng TP HCM vẫn dẫn đầu ngành du lịch cả nước và giữ vững được tốc độ tăng trưởng. Càng trải qua khó khăn càng thấy sự năng động, thật sự vươn lên vượt khó của các doanh nghiệp du lịch TP HCM. Nhiều sáng kiến, nỗ lực đã phát huy hiệu quả, đưa du lịch TP HCM tỏa sáng, là trung tâm phân phối, kết nối đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

    Dấu ấn của ngành du lịch TP HCM năm 2015 là tổ chức thành công các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”, Sở Du lịch TP đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch, các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific… cùng sự đồng hành của các khách sạn trên cả nước đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tổng cộng, đã có hơn 140.000 lượt khách mua tour khuyến mãi, giảm giá do ngành du lịch TP thực hiện, tăng 96% so với năm 2014.

    Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của TP HCM và cả nước như lễ đón đoàn du khách quốc tế đầu tiên đến TP, Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch TP HCM, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam, lễ hội Trái cây Nam Bộ, Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM, Liên hoan Món ngon các nước… đã trở thành thương hiệu của ngành du lịch TP.

    Trong năm 2016, mục tiêu của ngành du lịch TP HCM là đón 5,1 triệu lượt khách quốc tế và 21,8 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt 103.686 tỉ đồng.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn