TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh chiều 15-01-2016

    Trung Quốc lắp pháo cho siêu tàu hải cảnh triển khai ở Biển Đông

    Trung Quốc gần như hoàn thành một tàu hải cảnh khổng lồ có biệt danh "Quái thú" và nhiều khả năng triển khai nó xuống Biển Đông sau khi trang bị pháo và súng máy, theo Bloomberg.
    tau hai canh "quai thu" so hieu 3901 cua trung quoc. anh: sina

    Tàu hải cảnh "Quái thú" số hiệu 3901 của Trung Quốc. Ảnh: Sina

    Tàu hải cảnh "Quái thú" có số hiệu 3901, lượng giãn nước 12.000 tấn, được trang bị pháo bắn nhanh 76 mm, hai pháo nhỏ hơn và hai súng máy phòng không, theo các nguồn tin giấu tên và các bức ảnh đăng tải trên mạng được tờ Global Times của nước này dẫn lại. Con tàu này còn có một bãi đáp trực thăng và một khoang đủ khả năng chứa các trực thăng hạng nặng. 

    Theo Collin Koh Swee Lean, học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Jajaratnam ở Singgapore, các tàu hải cảnh Trung Quốc có số hiệu bắt đầu bằng số 2 sẽ được bàn giao cho lực lượng hải cảnh trên biển Hoa Đông, còn những tàu có số hiệu bắt đầu bằng số 3 sẽ được triển khai xuống Biển Đông.

    Đây là chiếc thứ hai trong đội tàu hải cảnh khổng lồ của Trung Quốc, và cũng là những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới. Một tàu tương tự đã được đưa vào biên chế và hoạt động trên biển Hoa Đông vào năm ngoái, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản tại nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.

    Theo giới phân tích, với việc trang bị pháo hạm cỡ lớn, các tàu này ngày càng xóa nhòa ranh giới giữa lực lượng hải cảnh và hải quân Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những sự cố và xung đột bất ngờ trên biển.

    Theo Ryan Martinson, chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, Trung Quốc đang gắn vũ khí cỡ lớn cho cái gọi là "hạm đội tàu vỏ trắng", những tàu hải cảnh trước đây chủ yếu chỉ trang bị còi hú và vòi rồng.

    Trong một bài báo đăng trên Diplomat, ông Martinson cho rằng, các tàu hải cảnh Trung Quốc có thiết kế khá giống với tàu khu trục hải quân, bởi chúng có thể lắp thêm tháp pháo và tên lửa khi nổ ra xung đột, và có khả năng sống sót cũng như chiến thắng trong bất kỳ cuộc đối đầu nào trên biển. Các trang thiết bị thông tin liên lạc và bộ phận cảm biến hiện đại trên những tàu này giúp cải thiện đáng kể khả năng nhận biết tình huống trong khu vực hoạt động.

    Tàu "Quái thú" còn lớn hơn nhiều tàu của hải quân Mỹ trong khu vực và có thể khiến Lầu Năm Góc phải đau đầu tìm cách đối phó, bởi tàu hải cảnh không cần tuân theo Quy ước Chạm trán bất ngờ trên biển vốn được hải quân Mỹ - Trung ký kết hồi tháng 4/2014.

    "Các chỉ huy hải quân Mỹ giờ đây phải chuẩn bị cho khả năng xảy ra các vụ chạm trán với tàu hải cảnh cỡ lớn trang bị pháo hạm của Trung Quốc trên biển. Đây là một viễn cảnh không dễ chịu chút nào vì các tàu hải cảnh này lớn hơn hầu hết các tàu chiến mặt nước của Mỹ", theo Martinson.

    Khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Lassen từng được Mỹ sử dụng cho hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, có lượng giãn nước 9.700 tấn, thấp hơn khá nhiều so với "Quái thú". Tàu "Quái thú" cũng có lượng giãn nước gần gấp đôi hai tàu lớn nhất của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

    "Với những nhiệm vụ do lực lượng hải cảnh Trung Quốc đảm nhiệm, kích cỡ tàu đóng vai trò then chốt quyết định khả năng thực thi. Khi các tàu có sự chênh lệch lớn về kích cỡ, tàu lớn hơn có thể đâm va, húc văng các tàu khác một cách dễ dàng", chuyên gia Martinson nói.

    Một nghiên cứu của Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 4 năm ngoái cho thấy hạm đội Nam Hải phụ trách khu vực Biển Đông của hải quân Trung Quốc có tổng cộng 116 tàu chiến, lớn nhất trong số ba hạm đội của Trung Quốc. Trung Quốc còn có hơn 200 tàu hải cảnh trên 500 tấn, trong đó có nhiều chiếc cực lớn trên 1.000 tấn. Đội tàu hải cảnh của Trung Quốc lớn hơn tất cả các tàu chấp pháp khác của các nước có tranh chấp chủ quyền với họ ở châu Á gộp lại.

    "Trung Quốc có lợi thế rất lớn. Bất cứ lúc nào họ cũng áp đảo về số lượng, và trong một số hoàn cảnh, số lượng mới là yếu tố quyết định chứ không phải chất lượng", ông Sam Bateman, cố vấn tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.

    Với lợi thế về số lượng, tàu hải cảnh và tàu cá vũ trang Trung Quốc thường xuyên áp dụng chiến thuật bao vây, đâm va để gây sức ép với tàu cá và tàu chấp pháp của các nước khác hoạt động trên Biển Đông, đặc biệt là tại các khu vực có tranh chấp chủ quyền. Một số học giả Trung Quốc tuyên bố trên báo chí nước này rằng đâm va là chiến thuật hiệu quả nhất trong các cuộc đối đầu trên biển mà không làm tình hình leo thang đến mức phải sử dụng biện pháp quân sự.

    Trung Quốc đơn phương áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý với hơn 80% diện tích Biển Đông. Gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên nhiều bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã kiên quyết phản đối các hành động phi pháp này của Trung Quốc.


    Bộ Khoa Học & Công nghệ kết luận phân bón của Công ty Thuận Phong là giả

    Mới đây, ngày 12-1-2016, Bộ KH&CN có công văn gửi Công an tỉnh Đồng Nai trả lời việc xác định nhãn hàng hóa của phân bón chai 1 lít của Công ty CP Sản xuất thương mại Thuận Phong (Đồng Nai).

    Kết quả trả lời của Bộ KH&CN dựa vào khoản 3 Điều 2 Nghị định 89/2006 của chính phủ về nhãn hàng hóa cho biết nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu được gắn lên hàng hóa. Tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 89 cũng quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung thi trên nhãn gốc.
     

    Vì vậy, theo quy định trên thì chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận phong có gắn nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rõ “Phân Mỹ nhập khẩu” được hiểu là hàng hóa nhập khẩu.

    Tuy nhiên, trong thực tế loại chai phân bón trên là do Công ty Thuận Phong sản xuất chứ không phải được nhập khẩu nguyên ở dạng chai 1 lít. (Mặt khác ở  khoản 1 Điều 3 Nghị định 185/2013 của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả hàng cấm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định “sản xuất” là việc thực hiện một số hoặc tất cả hoạt động chế tạo, chế bản, in gia công đặt hàng sơ chế, pha trộn sang chiết nạp, đóng gói…).

    Như vậy chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong có nhãn hàng hóa bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc thương nhân khác (nước ngoài) giả mạo nơi sản xuất đóng gói hàng hóa. Theo quy định tại điểm đ, e, khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/2013 thì hàng hóa có nhãn vi phạm như trên là hàng giả.

    Trước đó vào tháng 4-2015, đoàn kiểm tra liên ngành BCĐ 389 quốc gia phối hợp với BCĐ 389 Đồng Nai bắt quả tang công nhân của Công ty Thuận Phong đang thực hiện hành vi sang chiết, đóng gói phân bón với số lượng lớn ngay tại khu vực sản xuất. Đoàn kiểm tra đã niêm phong số lượng hàng hóa tại kho gồm 3.224 chai các loại đã dán nhãn hàng hóa, ghi xuất xứ Made in USA, 148 kg nhãn hàng hóa ghi xuất xứ made in USA, 95,18 kg nhãn phụ các loại, 1.520 tem niêm phong nhãn hiệu Huma Gro…. Qua kiểm tra sổ sách từ 1-1-2014 đến thời điểm kiểm tra, công ty đã sản xuất và bán ra thị trường trên 40.000 chai phân bón Mỹ các loại, tương đương trên 23.000 lít phân bón dạng nước…

    Vào tháng 11-2015, tại hội nghị liên ngành do Bộ Công an chủ trì để thống nhất phương án giải quyết vụ này. Công an tỉnh Đồng Nai đề xuất xử lý hành chính Công ty Thuận Phong, tuy nhiên các bộ, ngành không đồng tình với đề xuất trên  và vụ việc đến nay vẫn chưa được xử lý.


    Phát hiện kho mỹ phẩm giả do Trung Quốc sản xuất

    Cơ quan chức năng vừa phát hiện kho hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả, giả luôn tem của Bộ công an.

    so hang my pham, thuc pham chuc nang bi pc46 tam giu - anh: doan cuong

    Số hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bị PC46 tạm giữ - Ảnh: Đoàn Cường

    Chiều 14-1, Đội 4 thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46, công an Đà Nẵng) đã tiến hành tạm giữ lô hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn được các trinh sát phát hiện bắt giữ.

    Qua khám xét 2 mô tô do Hà Thanh Minh (25 tuổi) và Phạm Viết Vinh (25 tuổi) cùng trú Thái Thị Bôi quận Thanh Khê, Đà Nẵng, công an phát hiện hai người trên vận chuyển 810 hộp dầu gội đầu nhãn hiệu “Gội là đen” và 160 hộp “Gội là nâu”.

    Toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Sau khi xác định lô hàng trên của công ty TNHH MTV Vinadaco (đóng trên đường Nguyễn Phước Nguyên, Đà Nẵng) được Minh và Vinh chở đi giao cho khách hàng.

    Từ đầu mối này, PC46 phối hợp với lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra kho hàng của công ty này và phát hiện 186 hộp dầu hiệu “Gội là đen”, 91 hộp “Gội là nâu”, 103 hộp Omega, 157 hộp miếng dán chống say tàu xe đều là hàng giả do Trung Quốc sản xuất.

    Không chỉ vậy, cơ quan chức năng còn phát hiện kho này chứa 3.480 tem giả tem chống giả của Bộ Công an. Hiện vụ việc đang được PC46 điều tra mở rộng.

    Theo PC46, trước đó, tiến hành kiểm tra một cửa hàng kinh doanh rượu, bia trên đường Hùng Vương (quận Hải Châu), PC46 cũng phát hiện và tạm giữ 66 chai rượu hiệu Chivas (loại Chivas 12 và Chivas 18) bày bán nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

    Trước đó, chiều 6-1, PC46 cũng phát hiện doanh nghiệp L.B ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng có chứa 1.900 chai bia (loại Heineken, dung lượng 250ml, 5% vol, trên thị trường vẫn gọi là Ken Pháp), 612 chai rượu (loại Black, dung lượng 700ml, 40%  vol) không rõ nguồn gốc xuất xứ, công ty không chứng minh được hoá đơn chứng từ.

    Tại hiện trường, các loại bia Heineken rất nhiều chai không thể hiện mã vạch trên chai, nên cơ quan chức năng nghi vấn là hàng giả, hàng kém chất lượng.

    Cơ quan công an tiến hành xác minh ban đầu từ công ty Heineken thì đơn vị này cho biết, hiện tại ở thị trường Đà Nẵng đơn vị này không nhập về Việt Nam loại bia có dung lượng như vậy. Vì thế, chắc chắn đây là hàng lậu đưa về Việt Nam qua đường tiểu ngạch.


    Bắt 3 đối tượng lừa vay tiền thanh toán giả

    Công an TP.HCM cho biết đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Bé Sáu, Nguyễn Văn Kiệt và Đoàn Văn Dứt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Tối 13-1, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM cho biết đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Bé Sáu (còn gọi là Huỳnh Thành Tiền, 31 tuổi, quê Long An), Nguyễn Văn Kiệt (34 tuổi, anh trai Sáu) và Đoàn Văn Dứt (đàn em của Kiệt) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Theo PC46, Sáu và Kiệt đã bàn bạc, thực hiện kế hoạch lừa đảo bằng cách thuyết phục người quen cần vay tiền để thực hiện hợp đồng thanh toán giả.

    Theo lời của Sáu, do Sáu là doanh nghiệp san lấp mặt bằng chuyên nghiệp, sử dụng các mối quan hệ riêng để lấy hợp đồng nên không thể chuyển khoản qua ngân hàng để hợp thức hóa thủ tục theo quy định. Do đó cần người cho vay tiền để làm giả hợp đồng thanh toán, ngay sau khi chuyển khoản sẽ trả lại bằng tiền mặt.

    Nếu nạn nhân đồng ý chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp đối tác với Sáu, họ sẽ nhận lại tiền mặt cùng lãi suất 0,5%, ngoài ra người giới thiệu còn được trả thêm 10 triệu đồng tiền công giới thiệu. Trước khi bị bắt, Sáu và Kiệt đã lừa thành công khoảng 10 tỉ đồng của nhiều nạn nhân tại Cần Thơ và các tỉnh thành khác.


    Thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn

    Ngày 13.1, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
    Theo đó, khu bảo tồn có tổng diện tích 7.925 ha, trong đó diện tích mặt nước biển là 7.113 ha, được chia thành 3 vùng chức năng (vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng phát triển) và vành đai bảo vệ.
    Tổng nhu cầu vốn cho khu bảo tồn giai đoạn 2015 - 2020 hơn 33,8 tỉ đồng. Theo UBND tỉnh, việc thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn nhằm duy trì và bảo vệ tài nguyên biển, đa dạng sinh học, nơi quần cư của các loài sinh vật, môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, duy trì và cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản vùng biển xung quanh đảo Lý Sơn.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn