TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh trưa 27-01-2016

    Ấn Độ lập trạm vệ tinh tại Việt Nam đủ khả năng giám sát biển Đông

    Hãng tin Reuters đưa tin các quan chức Ấn Độ cho hay nước này sẽ thiết lập ở TP.HCM một trạm theo dõi tín hiệu và thu nhận hình ảnh từ vệ tinh quan trắc Trái đất của Ấn Độ với phạm vi giám sát toàn khu vực, kể cả Trung Quốc và biển Đông.

    Theo Reuters, động thái này có thể khiến Bắc Kinh khó chịu nhưng lại củng cố thêm mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam.

    Về lý thuyết, đây là một cơ sở vệ tinh dân sự quan trắc Trái đất nhằm ứng dụng vào môi trường, nông nghiệp, khoa học. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh nói rằng với công nghệ hình ảnh được cải tiến, các hình ảnh đó cũng có thể đồng thời hỗ trợ cho các mục đích quân sự.

    tau canh sat bien trung quoc (trang) xuat hien gan tau canh sat bien viet nam o khu vuc cach ngoai khoi  bien viet nam 210 km hom 14-5-2014 (anh: reuters)

    Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (trắng) xuất hiện gần tàu Cảnh sát biển Việt Nam ở khu vực cách ngoài khơi  biển Việt Nam 210 km hôm 14-5-2014 (Ảnh: Reuters)

    Giới chức Ấn Độ cho hay Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) - một cơ quan trực thuộc chính phủ Ấn Độ - sẽ cấp ngân quỹ cho dự án này, dự kiến là vào 23 triệu USD.

    Ấn Độ hiện đang tăng tốc chương trình không gian 54 năm của họ và hằng tháng đều thực hiện một đợt phóng vệ tinh. Ấn  Độ cũng đã thiết lập các trạm vệ tinh ở các đảo Andaman, Nicobar, ở Brunei, Biak ở phía đông Indonesia và Mauritius. Trạm thiết lập ở Việt Nam sẽ giúp tăng khả năng của các trạm trên, theo người phát ngôn ISRO Deviprasad Karnik.

    Nhưng không như các trạm ở các nước khác, trạm ở TP.HCM cũng được trang bị để nhận hình ảnh từ vệ tinh quan trắc Trái đất của Ấn Độ. Trả lời Reuters, một quan chức chính phủ Ấn Độ có tham gia chương trình không gian của nước này cho biết Việt Nam cũng có thể sử dụng những hình ảnh đó mà không cần phải xin phép Ấn Độ, như một cách để đổi lại việc Việt Nam cấp vị trí lập trạm cho Ấn Độ.

    Các quan chức Ấn Độ không nói cụ thể khi nào trạm sẽ bắt đầu vận hành. Trả lời hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận về sự tồn tại của dự án nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

     tram ve tinh nay theo an do se co kha nang giam sat ca bien dong lan trung quoc

     Trạm vệ tinh này theo Ấn Độ sẽ có khả năng giám sát cả biển Đông lẫn Trung Quốc

    Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nói: “Về mặt quân sự, bước đi này rất đáng kể. Đây  là một việc có lợi cho cả Ấn Độ và Việt Nam, giúp lấp đầy các những năng lực còn thiếu ở phía Việt Nam đồng thời mở rộng tầm quan sát của Ấn Độ”.

    Nhà phân tích tình báo hải quân đã nghỉ hưu thuộc Bộ Quốc phòng Anh, ông Trevor Hollingsbee cho rằng: “Sự tiến bộ của công nghệ đang xóa nhòa ranh giới giữa vệ tinh dân sự và quân sự. Trong một số trường hợp, hình ảnh từ vệ tinh dân sự hiện đại đủ tốt để dùng cho quân sự”.

    Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố không lo ngại về kế hoạch xây trạm thu vệ tinh, vì cho rằng đó không phải là một vấn đề quân sự, còn Bộ Ngoại giao nước này chưa đưa ra bình luận gì.


    Quy định mới về số lượng phó chủ tịch UBND

    Ngày 25-1, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2016 quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. 

    Theo đó, số lượng phó chủ tịch UBND được xác định theo phân loại đơn vị hành chính quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

    Trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ về đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND thì phó chủ tịch UBND do luân chuyển, điều động nằm ngoài số lượng phó chủ tịch UBND quy định tại nghị định này.

    Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tăng thêm phó chủ tịch UBND các cấp để thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ nhưng bảo đảm số lượng phó chủ tịch UBND tăng thêm tại một đơn vị hành chính do luân chuyển hoặc điều động không quá một người.

    Cụ thể, đối với đơn vị hành chính ở nông thôn, tỉnh loại I có không quá bốn phó chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá ba phó chủ tịch UBND. Huyện loại I có không quá ba phó chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá hai phó chủ tịch UBND. Xã loại I có không quá hai phó chủ tịch UBND, xã loại II, loại III có một phó chủ tịch UBND.

    Đối với đơn vị hành chính ở đô thị, nghị định quy định TP Hà Nội và TP.HCM có không quá năm phó chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá bốn phó chủ tịch UBND.

    Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá ba phó chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá hai phó chủ tịch UBND.

    Phường, thị trấn loại I có không quá hai phó chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II, loại III có một phó chủ tịch UBND.

    Nghị định quy định rõ, khi nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì căn cứ theo phân loại của đơn vị hành chính mới để xác định số lượng tối đa phó chủ tịch UBND theo quy định trên. Trường hợp đơn vị hành chính mới chưa được phân loại thì số lượng tối đa phó chủ tịch UBND xác định theo loại đơn vị hành chính cao nhất của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập cho đến khi đơn vị hành chính mới được phân loại.
    Khi một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng cấp thì căn cứ theo phân loại của các đơn vị hành chính mới để xác định số lượng tối đa phó chủ tịch UBND theo quy định trên. Trường hợp đơn vị hành chính mới chưa được phân loại thì số lượng tối đa phó chủ tịch UBND được xác định theo loại đơn vị hành chính cùng cấp loại III cho đến khi đơn vị hành chính mới được phân loại.
    Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng Nhân dân bầu phó chủ tịch UBND bảo đảm không vượt quá số lượng quy định trên.

    Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10-3-2016.


    Người Việt tại Pháp phản đối hành động của TQ trên biển Đông

    Hơn 300 người Việt Nam tại Pháp cuối tuần qua cùng bạn bè quốc tế tổ chức cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động bất hợp pháp trên biển Đông - VNE chiều 25-1 cho biết.

    Cuộc biểu tình diễn ra tại Paris, những người có mặt cầm quốc kỳ, băng rôn… bày tỏ sự phản đối gay gắt đối với việc Trung Quốc hôm 16-1 di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vùng chồng lấn ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, cũng như tiến hành các chuyến bay thử tại đá Chữ Thập hồi đầu tháng. Họ khẳng định các hành động này là bất hợp pháp, trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không của không chỉ các nước ven biển Đông mà tất cả các nước có tàu bè qua lại trong vùng biển này, tránh nguy cơ xung đột quân sự.

    Đây là lần thứ tư kể từ sau năm 1975, Cộng đồng người Việt tại Pháp (UGVF) xuống đường biểu tình tại Paris để phản đối các hành động của Trung Quốc trên biển Đông.


    Việt Nam sẵn sàng hợp tác chống khủng bố

    Từ ngày 25 đến 26-1, Hội nghị quốc tế về chống chủ nghĩa cấp tiến và cực đoan bạo lực (IDC 2016) diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham dự của các bộ trưởng/trưởng đoàn, học giả đến từ các nước thành viên ASEAN và nhiều nước như Úc, Pháp, Ý, Anh, Mỹ…
    TTXVN cho hay hội nghị nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan an ninh trên toàn thế giới.

    Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Dũng đã nêu rõ quan điểm, chính sách, các hoạt động và thành tựu của Việt Nam trong phòng, chống tư tưởng cực đoan bạo lực. Thứ trưởng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác trong các khuôn khổ đa phương cũng như song phương với cộng đồng quốc tế trên lĩnh vực chống khủng bố, chống tư tưởng cực đoan bạo lực. Việt Nam cũng đề nghị lực lượng chức năng các nước tăng cường các hoạt động hợp tác để kiểm soát, ngăn chặn các nguồn tài trợ và các trang mạng Internet kích động, truyền bá tư tưởng cực đoan bạo lực, khủng bố; trao đổi kinh nghiệm ngăn chặn, đấu tranh chống các thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng các tổ chức có tư tưởng cực đoan bạo lực, khủng bố…


    Yêu cầu đình chỉ các mỏ đá không an toàn

    Ngày 25-1, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Thủ tướng về vụ sập mỏ đá ở Yên Định, Thanh Hóa làm tám người chết. Bộ cho biết đã cử đoàn công tác đến hiện trường để làm việc với các cơ quan chức năng.

    Cùng ngày, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu tỉnh Thanh Hóa chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động. Theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua ở tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, đặc biệt là vụ sập mỏ đá làm tám người chết mới đây. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan CSĐT nhanh chóng làm rõ nguyên nhân tai nạn và xử nghiêm các đối tượng vi phạm.

    Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát toàn diện, thanh tra, kiểm tra và đình chỉ ngay các mỏ đá không đảm bảo an toàn.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn