TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 23-03-2016

    Ninh Thuận cấm hoạt động khoáng sản trên 200.000 ha

    Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về khu vực cấm hoạt động khoáng sản tại Ninh Thuận.
    ninh thuan cam hoat dong khoang san tren 200.000 ha - anh minh hoa: internet

    Ninh Thuận cấm hoạt động khoáng sản trên 200.000 ha - Ảnh minh họa: Internet

    Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

    Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành công tác khoanh định danh mục các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản gồm: 1.236 vị trí, tuyến thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích 224.513,3 ha, liên quan đến các lĩnh vực: đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất; đất dành riêng cho mục đích quốc phòng; đất dành riêng cho mục đích an ninh; đất công trình và hành lang bảo vệ an toàn các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông; đất thuộc phạm vi bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi, đê, kè; đất thuộc phạm vi bảo vệ an toàn các công trình lưới điện cao thế; đất quy hoạch dành cho các công trình thông tin; đất dành cho các khu đô thị, khu thương mại; đất dành cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất quy hoạch đối với hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải.

    Không có khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, thẩm định hồ sơ, các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của tỉnh Ninh Thuận được khoanh định phù hợp với quy định của Luật khoáng sản.

    Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, công bố khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản theo đúng quy định.


    Diêm Dân Bạc Liêu: “Méo mặt” vì... trúng mùa

    diem dan bac lieu lai them mot mua vu khon kho - anh: tran thanh phong

    Diêm dân Bạc Liêu lại thêm một mùa vụ khốn khó - Ảnh: Trần Thanh Phong

    Vụ muối năm nay, diêm dân Bạc Liêu trúng đậm nhưng không mấy ai vui vì giá liên tục giảm lại không có người mua.
    Giá giảm 50%
    Nhìn ruộng muối trắng tinh cùng những tu muối lớn ngoài đồng, ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc HTX muối Trường Sơn (xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình, Bạc Liêu), lắc đầu ngán ngẩm, vì thu hoạch được nhiều nhưng không biết bán cho ai.
    Theo ông Thống, năm 2016, HTX với 14 xã viên sản xuất 100 ha muối, trong đó có 30 ha muối trắng. Vào vụ thu hoạch, đa số bà con xã viên đều phấn khởi vì nắng nóng kéo dài làm muối kết tinh nhanh, chỉ từ 15 - 20 ngày là thu một đợt. Ông Thống cho biết: “Hiện HTX đã thu hoạch được hơn 2.600 tấn, dự kiến đến cuối vụ tổng sản lượng sẽ trên 10.000 tấn muối, tăng gấp đôi so với năm trước. Niềm vui trúng mùa chưa được bao lâu thì bây giờ phải đối diện với tình trạng rớt giá. So với năm 2015, hiện muối trắng bán cho thương lái chỉ còn 500 - 600 đồng/kg (giảm 900 đồng/kg); muối đen từ 300 - 400 đồng/kg (giảm 400 đồng/kg)”. 


    Với giá muối như hiện nay, hầu hết người làm muối đều thua lỗ nặng, nhiều người phải ôm nợ do đã vay mượn của người thân, ngân hàng để đầu tư sản xuất

    Ông Nguyễn Văn Thống - Giám đốc HTX muối Trường Sơn
    Theo tính toán của ông Thống, khi sản xuất muối trắng, người dân phải đầu tư khoảng 60 triệu đồng/1.000 m2 để lót bạt, chưa kể chi phí xăng dầu bơm nước mặn vào ruộng muối, thuê mướn công nhân làm bờ bao, san bằng mặt ruộng… và đến khi thu hoạch còn phải thuê công nhân cào, vác muối lên tu với giá 5.000 đồng/giạ (30 kg).
    “Với giá muối như hiện nay, hầu hết người làm muối đều thua lỗ nặng, nhiều người phải ôm nợ do đã vay mượn của người thân, ngân hàng để đầu tư sản xuất. Ngoài ra, các hộ có ruộng muối cách xa tuyến kênh thủy lợi thì thương lái không mua dẫn đến nguy cơ tồn đọng muối trong dân”, ông Thống nói.
     
    Tồn đọng hàng ngàn tấn muối
    Ông Nguyễn Văn Phước (ngụ ấp Bờ Cảng, xã Điền Hải, H.Đông Hải, Bạc Liêu) than thở: “Sau nhiều ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cật lực lao động, vậy mà đến lúc thu hoạch được sản lượng muối lớn lại chưa biết bán cho ai. Đây là năm thứ tư liên tiếp diêm dân phải chịu cảnh được mùa mất giá”. Ông Phước cho biết hơn 20 năm gắn bó với nghề làm muối, chưa năm nào giá muối lại rớt thê thảm như năm nay. Hiện tại, hàng chục tấn muối của gia đình ông đành để đó vì thương lái không dòm tới.
    Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, năm 2016 toàn tỉnh có 2.455 ha muối, tập trung ở các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (H.Hòa Bình); Long Điền Đông, Điền Hải (H.Đông Hải)... Đến nay, diêm dân đã thu hoạch gần 15.000 tấn muối, nhưng chỉ bán được khoảng 5.000 tấn, hơn 10.000 tấn còn lại vẫn chưa bán được. Nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi, sản lượng muối thu được tại Bạc Liêu sẽ lên đến hơn 150.000 tấn, khi đó nếu thương lái mua cầm chừng hoặc không thu mua thì sản lượng muối tồn đọng trong dân được dự báo sẽ rất lớn.
    Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đông Hải, cho biết năm nay do sản lượng muối thu hoạch lớn, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp, công ty chuyên chế biến muối ở Bạc Liêu hạn chế đã làm giá muối sụt giảm. Do đó, để nâng cao giá trị hạt muối, địa phương và người dân nên hợp tác, quy hoạch lại diện tích sản xuất muối theo hướng chuyên canh. Song song đó, tỉnh cần kêu gọi các nhà đầu tư chế biến muối xuất khẩu, đồng thời tìm kiếm thị trường để giúp tiêu thụ muối nhanh cho diêm dân.

    Nghệ An: Doanh nghiệp phá đồi, “ăn” đất vô tội vạ không ai xử lý

    Chỉ cần thỏa thuận “mua bán” bằng miệng, nhiều quả đồi, khu rừng với cây cối xanh tươi tại 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã bị chặt phá, đào múc một cách vô tội vạ. Tình trạng đất “thổ phỉ” hoành hành từng ngày nhưng chính quyền các cấp làm ngơ?
    dat bi khai thac trai phep tai xa quynh tan, huyen quynh luu, tinh nghe an.

    Đất bị khai thác trái phép tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

    "Hợp đồng" mua bán đất bằng miệng

    Thời gian qua, tại huyện Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai (Nghệ An), một số công ty xây dựng vào khai thác đất trái phép. Bên cạnh đó, sau khi khai thác, tại các mỏ đất này xuất hiện những vực sâu hun hút, lộ thiên chực chờ tai nạn.

    Ghi nhận tại xã Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu); xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, phường Mai Hùng (TX Hoàng Mai), nhiều quả đồi, rừng chưa được cấp phép khai thác đã bị chặt phá, san múc một cách vô tội vạ. Theo tìm hiểu, đây là đất được giao cho người dân canh tác nhưng một số doanh nghiệp xây dựng trúng thầu hạng mục san lấp mặt bằng tại các KCN Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), KCN Hoàng Mai, Ngọc Hồi (Nghệ An) đã lên đây mua đất. 

    dat bi muc trai phep tai dia ban xa tan thang, huyen quynh luu, tinh nghe an. 

    Đất bị múc trái phép tại địa bàn xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. 

     

    Việc mua bán đất giữa các công ty vận tải và người dân khá đơn giản. Chỉ cần thỏa thuận miệng là các công ty này đưa máy múc vào khai thác.

    Ông Nguyễn Văn T., một người dân xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu cho rằng: “Người dân thấy cái lợi trước mắt thì bán đất cho các công ty chứ tính về lâu dài thì thiệt hại đủ đường".

    Theo ông Hồ Văn T., một “đầu nậu” tại huyện Quỳnh Lưu chuyên nhận các hợp đồng san lấp mặt bằng cho biết: “Việc xin cấp phép mỏ khai thác khoáng sản, đất san lấp hiện nay rất phức tạp, lại mất phí thuế cho nhà nước nên các công ty đã lựa chọn mua đất “lậu” của dân, vừa rẻ vừa nhanh gọn”.

    Là một trong 7 ngọn núi đẹp của xứ Quỳnh, nơi có di chỉ văn hóa cấp Quốc gia Cồn Điệp, nhưng nhiều năm qua, núi Lạp Sơn tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu bị san múc, đào ủi nham nhở. Một số người dân lợi dụng việc xây dựng nhà cửa, cơi nới đường đi, bán đất san lấp đã thuê máy múc đào sâu vào trong núi cả chục mét; có nơi còn xây dựng nhà cửa, lấn chiếm trái phép trên đất rừng sản xuất.

    nhung ho sau chuc cho tai nan duoi chan doi. 

    Những hố sâu chực chờ tai nạn dưới chân đồi. 

     

    Theo tìm hiểu, máy múc đất là của ông Phạm Văn N., một người dân trong xã. Mỗi ngày, ông N. đào hàng trăm xe đất đem bán cho các Cty, mỗi xe giá 300.000 đồng. Việc khai thác này còn khiến đường sá khu vực núi bãi Xại bị xe tải cày nát, nhưng đến nay cơ qua chức năng vẫn “án binh bất động”.

    Trao đổi với PV, ông Đậu Đức Năm, Trưởng phòng Tài nguyên-môi trường huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Thời gian qua trên địa bàn cũng có một số doanh nghiệp sai phạm đã bị xử lý, tuy nhiên vẫn tái phạm. Sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra, phối hợp hơn nữa với các cơ quan ban ngành để kiểm soát tình trạng khai thác đất trái phép chặt chẽ, quy cũ hơn. Bên cạnh đó, phòng đã tham mưu cho UBND huyện Quỳnh Lưu có văn bản chấn chỉnh các đơn vị có khoáng sản chưa khai thác hoặc chưa được cấp phép”.(ĐSPL)


    Quyết sách quan trọng cho 5 năm

    Kế hoạch ban đầu đã được vạch ra. Mục tiêu tổng quát là trong 5 năm tới 2016 - 2020, phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

    Trong khi đó, với các mục tiêu cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo, đó là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD...

    Ngoài mục tiêu quan trọng nhất này, Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 cũng đề xuất đạt tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85% trong 5 năm tới; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; còn bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP...

    du thao ke hoach phat trien kinh te - xa hoi 5 nam 2016 - 2020 dat muc tieu, den nam 2020, gdp binh quan dau nguoi khoang 3.200 - 3.500 usd.... anh: duc thanh

    Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đặt mục tiêu, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD.... Ảnh: Đức Thanh

    Trên thực tế, xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 là bước đi quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Các chỉ tiêu quan trọng này cũng đã được đề cập trong Nghị quyết.

    Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII được ban hành, các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự đồng tình trước các mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra trong hành trình phát triển 5 năm tới, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách thể chế kinh tế.

    Thậm chí khá lạc quan, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cho rằng, những mục tiêu này là khả thi. Đặc biệt, với mục tiêu tăng trưởng GDP, việc xác định ngưỡng tăng trưởng 6,5 - 7% sẽ tạo dư địa để Chính phủ chủ động trong điều hành các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

    Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong lúc này là làm sao thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII, cũng như hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

    “Thực ra thì các phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế… cũng đã được vạch ra và thực hiện trong giai đoạn 5 năm trước, song còn có phần chậm trễ. Để thực hiện thành công kế hoạch của 5 năm tới, các giải pháp này cần phải được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ và khẩn trương hơn nữa”, ông Ân nói và cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu hiện nay, sức ép cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh là rất lớn, nếu không thực hiện được sẽ bỏ lỡ cơ hội, đối mặt với nguy cơ tụt hậu.

    Điều này trên thực tế cũng đã được cái đại biểu Quốc hội đề cập từ Kỳ họp thứ 10, khi Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII được đưa ra thảo luận. Khi đó, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung mổ xẻ lý do vì sao Việt Nam không hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Và các nguyên nhân cốt lõi nhất đã được chỉ ra liên quan tới việc nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

    Sự chậm trễ trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính, cũng như sự chưa hiệu quả trong thực hiện các đột phá chiến lược, rồi những bước đi còn ngắn trong tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng... cũng đã được nhắc tới.

    Vì thế, điều dư luận xã hội trông chờ, đó là tại Kỳ họp lần thứ 11, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận để tìm ra quyết sách nhằm làm sao thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

    “5 năm tới, quan trọng là phải đổi mới thể chế kinh tế để tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Do chưa thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ, nên nhiều dư địa và tiềm năng tăng trưởng chúng ta chưa khai thác hết được. Do cơ cấu lao động của Việt Nam không phù hợp nên năng suất lao động còn thấp. Đây là những yếu tố cốt lõi phải tập trung cải cách trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.


    Loay hoay thưởng tiến độ cho nhà thầu ngoại

    Đơn vị quản lý dự án vẫn chưa thể “rút két” thưởng tiền cho các nhà thầu do hoàn thành sớm Dự án Đường vành đai III giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch – hồ Linh Đàm.

    Cho đến thời điểm này, sau hơn 3 năm kể từ khi đề xuất thưởng cho 2 liên danh nhà thầu thi công vượt tiến độ của Dự án Đường vành đai III giai đoạn 2 Hà Nội đoạn Mai Dịch – hồ Linh Đàm được chủ đầu tư trình lên các cơ quan quản lý theo điều khoản hợp đồng, số tiền dự kiến trao thưởng vẫn nằm yên trong tài khoản của Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long).

    Cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn chưa phản hồi về tờ trình của PMU Thăng Long đề nghị phê duyệt mức thưởng trị giá 173,72 tỷ đồng cho các nhà thầu này.

    nha thau thi cong du an duong vanh dai iii giai doan 2 ha noi, doan mai dich – ho linh dam van dang doi tien thuong

    Nhà thầu thi công Dự án Đường vành đai III giai đoạn 2 Hà Nội, đoạn Mai Dịch – hồ Linh Đàm vẫn đang đợi tiền thưởng

    Cần phải nói thêm, đây không phải là vấn đề mới, thậm chí đã nhiều lần được Bộ GTVT xin ý kiến của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong suốt 3 năm qua. Ngoài lý do chưa có tiền lệ trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng tại Việt Nam, các bộ ngành còn chưa thống nhất phương pháp tính thưởng, quy mô giá trị thưởng.

    Hiện, áp lực phải sớm chi trả thưởng đối với chủ công trình là khá lớn, khi nhà thầu thi công gói thầu số 2 là Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) đã gửi thông báo yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán giá trị tiền thưởng gói thầu số 2.

    Theo ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc PMU Thăng Long, số tiền này đã được Bộ Xây dựng thống nhất, đồng thời được đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra, được Bộ GTVT chấp thuận về nguyên tắc.

    Trước đó, năm 2013, sau khi Dự án vành đai 3 hoàn thành (đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm), PMU Thăng Long từng kiến nghị Bộ GTVT phê duyệt khoản thưởng gần 180 tỷ đồng cho các nhà thầu vượt tiến độ.

    Cụ thể, liên danh Samwhan (Hàn Quốc) - Cienco4 được đề nghị thưởng 77,7 tỷ đồng vì hoàn thành sớm gói thầu số 1 (đoạn Mai Dịch - Trung Hòa) trước 263 ngày; Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) được đề xuất thưởng 102 tỷ đồng vì vượt tiến độ gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) 454 ngày.

    Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng giá trị của việc rút ngắn tiến độ 2 hợp đồng mang lại lên tới 1.499,3 tỷ đồng, trong đó giá trị lợi ích kinh tế xã hội là 1.441,7 tỷ đồng; chi phí tiết kiệm của các hợp đồng xây lắp (9,66 tỷ đồng), hợp đồng tư vấn (44,07 tỷ đồng). Căn cứ điều khoản của hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, trong trường hợp vượt tiến độ, nhà thầu được thưởng 1,12% giá trị hợp đồng cho mỗi 28 ngày rút ngắn, nhưng không quá 12% giá trị lợi ích mang lại, giá trị thưởng tối đa cho các nhà thầu có thể lên tới 173,93 tỷ đồng.

    Theo Bộ GTVT, việc phê duyệt, thanh toán tiền thưởng cho nhà thầu là thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, phù hợp với quy định hiện hành, không nằm trong các khoản không được thanh toán quy định trong hiệp định vay đã ký và được nhà tài trợ chấp thuận.

    Mặt khác, thưởng tiến độ thực tế là để bù đắp một phần chi phí nhà thầu bỏ ra để thúc đẩy tiến độ thi công, nên bản chất cũng là chi phí xây lắp bổ sung. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính thanh toán số tiền thưởng nêu trên cho các nhà thầu từ nguồn vốn vay JICA.

    Theo một chuyên gia, lập luận của Bộ GTVT là có cơ sở, bởi Luật Xây dựng và Nghị định số 48/2010/NĐ-CP đều xác nhận, việc thưởng phạt vi phạm hợp đồng cần được thể chế trong hợp đồng, thể hiện sự sòng phẳng trách nhiệm giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

    Trong khi đó, tại văn bản gần nhất để xử lý vấn đề này, mặc dù thống nhất sử dụng vốn vay JICA tại Dự án để thanh toán tiền thưởng như là một trường hợp cá biệt, nhưng Bộ Tài chính cho rằng, việc tính thưởng căn cứ giá trị lợi ích kinh tế - xã hội (chủ yếu mang lại cho chủ phương tiện tham gia giao thông) là không hợp lý. Chủ đầu tư (bên trả thưởng) không thể có nguồn để thưởng cho nhà thầu theo phương án của Bộ GTVT.

    Dù sao thì giá trị lợi ích mang lại từ việc rút ngắn tiến độ 2 gói thầu là không thể phủ nhận. “Cần sớm chi trả để không làm mất đi ý nghĩa của này”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam phân tích.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn