TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 22-03-2016

    Đà Nẵng muốn đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu

    Quan điểm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vẫn nhất quán từ trước đến nay là cần thiết phải đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu do thuận lợi về độ sâu, dễ kết nối giao thông cả về đường sắt lẫn đường bộ...

    da nang muon dau tu xay dung cang lien chieu - anh minh hoa

    Đà Nẵng muốn đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu - Ảnh minh họa

    Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã cho biết như vậy tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công dẫn đầu nhằm lấy ý kiến góp ý để rà soát, cập nhật Điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung bộ (nhóm 3) đến năm 2020 và định hướng đến 2030, trong đó có cảng biển Đà Nẵng.

    Nhóm 3 được quy hoạch gồm 6 cảng biển là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kỳ Hà và Dung Quất; trong đó Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) gồm các khu bến là Cảng Tiên Sa, Cảng Sơn Trà (Thọ Quang) và Cảng Liên Chiểu.

    Theo báo cáo cuối kỳ của phương án điều chỉnh quy hoạch cảng biển Đà Nẵng do đơn vị tư vấn đề xuất tại cuộc họp, đến năm 2020, thành phố nên ưu tiên cải tạo, nâng cấp tuyến luồng đoạn Tiên Sa để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000DWT, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU và tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000GRT; đầu tư xây dựng Cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) theo đúng tiến độ để nâng tổng năng lực hàng hoá thông qua cảng đạt 8-10 triệu tấn/năm.

    Đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng Cảng Sơn Trà (giai đoạn 2) để có thể tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000-20.000DWT; đồng thời xây dựng ICD Đà Nẵng (cảng khô, cảng cạn) để hỗ trợ cho cảng biển khu vực Đà Nẵng và Chân Mây.

    Đối với Cảng Liên Chiều, từ đây đến 2020 đảm nhận chức năng chính là chuyên dùng cho hàng rời, hàng lỏng phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại đây. Về lâu dài (sau năm 2020), sẽ từng bước phát triển để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (nếu có điều kiện), tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000 TEU và tương lai có thể hỗ trợ khi Cảng Tiên Sa phát triển hết công suất.

    Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố cơ bản thống nhất với báo cáo cuối kỳ và dự báo hàng hoá do đơn vị tư vấn lập, theo đó đến 2020 hàng hoá qua cảng Đà Nẵng dự kiến đạt 11-12 triệu tấn.

    Tuy nhiên, con số dự báo từ 28-29 triệu tấn hàng đến năm 2030 thì đề nghị đơn vị tư vấn cần cân nhắc vì còn có khả năng tăng thêm. Đối với con số dự báo lượng hành khách quốc tế qua Cảng Đà Nẵng là 120.000 lượt vào năm 2020 và 127.000 lượt vào năm 2030 mà tư vấn đưa ra, ông cho rằng còn khá khiêm tốn và đề nghị tư vấn cân nhắc kịch bản 2 là 215.000 khách vào năm 2020 và 250.000 khách vào năm 2030.

    Ông cũng cho hay thành phố đã làm việc với Hải quân Vùng 3, theo đó cầu cảng sẽ được nối dài để tăng từ 210m hiện nay lên đến 350m và tàu du lịch cỡ lớn có thể cập cảng, do vậy lượng khách quốc tế đến thành phố có thể tăng lên nhiều. Ông cũng thống nhất công suất tối đa của Cảng Tiên Sa chỉ nên dừng lại ở 10-11 triệu tấn, vì nếu vượt quá con số này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông khu vực nội đô, dễ gây tai nạn giao thông và làm mất mỹ quan thành phố.

    Liên quan đến Cảng Liên Chiểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết quan điểm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vẫn nhất quán từ trước đến nay là cần thiết phải đầu tư do thuận lợi về độ sâu, dễ kết nối giao thông cả về đường sắt lẫn đường bộ, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác tuyến Hành lanh Kinh tế Đông Tây 2 sau này. Do vậy, đề nghị Bộ GTVT ủng hộ về mặt chủ trương và đưa vào quy hoạch, đồng thời xem xét cho sớm triển khai để dự án có thể bắt đầu khởi công vào năm 2020 và đưa vào sử dụng vào năm 2025 khi Cảng Tiên Sa đã hết công suất.


    Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL

    Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất các HTX, liên hiệp HTX tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là HTX nông nghiệp.

    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Đề án cũng nhằm giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt của nông dân trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tăng cường sức mạnh tập thể của các thành viên, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương.

    Theo đó, tập trung thí điểm hoàn thiện mô hình HTX, liên hiệp HTX với các thành viên là hợp tác xã thành viên và các hộ nông dân sản xuất 3 sản phẩm chính là: Lúa gạo, thủy sản và trái cây; thời gian triển khai thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020.

    Cách thức thí điểm hoàn thiện mô hình là từng bước, gối đầu nhau, xuất phát trước hết từ thí điểm hoàn thiện mô hình HTX  lúa gạo, trái cây, thủy sản, sau đó đến mô hình liên hiệp HTX  lúa gạo, mô hình liên hiệp HTX  trái cây, mô hình liên hiệp HTX thủy sản.

    Đối với mỗi loại hình mô hình thí điểm cần thực hiện cách đi theo 3 giai đoạn: 1- Từ năm 2016 đến năm 2017, thí điểm hoàn thiện mô hình HTX; 2- Từ năm 2017 trở đi,  thí điểm hoàn thiện mô hình liên hiệp HTX  lúa gạo quy mô tỉnh; 3- Từ năm 2018 đến 2020, thí điểm hoàn thiện mô hình liên hiệp HTX  lúa gạo, trái cây, thủy sản quy mô vùng.

    Trong đó, giai đoạn 1, ưu tiên củng cố, tổ chức lại hoạt động của các HTX  nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012 trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời vận động kết nạp thêm thành viên và tăng vốn góp của các thành viên; khuyến khích thành lập mới các HTX lúa gạo, trái cây và thủy sản.

    Trong tổng số HTX được tổ chức lại và củng cố theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và các HTX mới được thành lập, tuỳ điều kiện của địa phương, mỗi tỉnh lựa chọn số lượng thích hợp HTX lúa gạo, trái cây và HTX  nuôi trồng thủy sản để làm mô hình thí điểm, thành viên của liên hiệp HTX dự định thành lập.

    Ưu tiên thí điểm các HTX, liên hiệp HTX  tham gia các chuỗi giá trị nông sản; các tỉnh đã có liên hiệp HTX  thì có thể lựa chọn liên hiệp HTX cùng các hợp tác xã thành viên làm thí điểm hoàn thiện.

    Sau 2 năm hoạt động kể từ khi hoàn thành việc xây dựng mô hình thí điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long sơ kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, đồng thời xây dựng phương án nhân rộng mô hình trong phạm vi toàn vùng và trong cả nước.


    Siết chặt việc mua, bán, lưu thông SIM thuê bao di động

    Việc mua bán thông tin cá nhân, trong đó có số thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông, đang diễn ra công khai trên mạng. Việc mua, bán, lưu thông SIM thuê bao di động sai quy định vẫn tiếp tục phổ biến.

    viec mua, ban, luu thong sim thue bao di dong se duoc siet chat

    Việc mua, bán, lưu thông SIM thuê bao di động sẽ được siết chặt

    Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, nguyên nhân của thực trạng này một phần là do các tổ chức, trong đó có các doanh nghiệp viễn thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật thông tin riêng của khách hàng, một phần nữa là do sự thiếu ý thức trong việc tự bảo mật thông tin cá nhân và trách nhiệm đăng ký chính xác thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông.

    Chính việc này đang gây bức xúc ngày càng tăng trong xã hội và gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

    Để tăng cường các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM thuê bao di động sai quy định, nhằm tiếp tục hạn chế việc phát tán tin nhắn rác, Bộ trưởng TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông và các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an để kiểm tra, xác minh, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

    Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông di động cần bổ sung quy định xử phạt và xử lý nghiêm các tổng đại lý, đại lý bán SIM, đại lý bán SIM, các điểm đăng ký thông tin thuê bao và các cá nhân thuộc doanh nghiệp có hành vi kích hoạt SIM chưa đăng ký thông tin thuê bao, mua bán, lưu thông trên thị trường SIM sai quy định; mua bán, trao đổi, tiết lộ thông tin thuê bao trái pháp luật.

    Cục An toàn thông tin chủ trì thiết lập đường dây nóng, hộp thư điện tử, kênh tiếp nhận thông tin trực tuyến trên website và các kênh thông tin trực tuyến khác để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng.

    Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ.

    Thanh tra Bộ TT&TT, thanh tra các Sở TT&TT phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, các cơ quan quản lý tại địa phương có liên quan triển khai thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý các sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về mua bán thông tin cá nhân và mua bán SIM đã kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định tại các tổng đại lý bán SIM, đại lý bán SIM, điểm đăng ký thông tin thuê bao để xử lý theo quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất các quy định về quản lý giá cước và khuyến mại trong hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông di động theo hướng tập trung ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân đăng ký thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác và cam kết là khách hàng thường xuyên của doanh nghiệp.


    Thủ tướng phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh Bình Phước và Vĩnh Phúc

    lanh dao tinh binh phuoc chuc mung ba huynh thi hang (thu ba tu phai sang) duoc bau giu chuc pho chu tich ubnd tinh. anh bao binh phuoc

    Lãnh đạo tỉnh Bình Phước chúc mừng bà Huỳnh Thị Hằng (thứ ba từ phải sang) được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh Báo Bình Phước

    Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh Bình Phước và Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011- 2016.

    Cụ thể, tại Quyết định 444/QĐ-TTg , Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với bà Huỳnh Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

    Bà Huỳnh Thị Hằng, sinh năm 1975, là Thạc sỹ ngành Kỹ thuật tài nguyên nước; trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị.

    Bà Huỳnh Thị Hằng đã trải qua các vị trí công tác như Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Phước, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước, Bí thư Thị ủy Bình Long.

    Tại Quyết định 443/QĐ-TTg , Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Kim Khải, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư để nhận nhiệm vụ mới.


    Cảnh giác những mời gọi “mật ngọt” đi LĐXK bất hợp pháp

    canh giac nhung moi goi “mat ngot” di ldxk bat hop phap - anh minh hoa

    Cảnh giác những mời gọi “mật ngọt” đi LĐXK bất hợp pháp - ảnh minh họa

    Cơ quan chức năng khuyến cáo, bà con cần cảnh giác với những lời mời gọi “mật ngọt”, lời hứa hẹn không tưởng về việc đi lao động xuất khẩu bất hợp pháp.

    Với mong ước đổi đời, rất nhiều người dân tại các làng quê đã bất chấp mọi con đường để đi lao động trái phép ở nước ngoài. Hậu quả là có những người trở về tay trắng, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người, chết mà không thể đưa thi thể về quê nhà.

    Liều mình để tìm đến những phương trời xa xôi mà không có trong tay bất cứ loại giấy tờ hợp pháp nào, việc lao động bất hợp pháp ở nước ngoài ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

    Bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết: "Lao động trái phép ở nước ngoài phải đối diện với các rủi ro như: công việc không đảm bảo (công việc không kéo dài như mong muốn, có thể bị chấm dứt bất kể lúc nào, bị chủ sử dụng ngược đãi, điều kiện làm việc không tốt, trả lương thấp dưới quy định hoặc không được trả lương, không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế), nguy cơ dịch bệnh, cướp bóc...

    Nếu bị cơ quan chức năng sở tại phát hiện việc lưu trú bất hợp pháp, người lao động sẽ bị bắt giữ và phạt tiền theo quy định của nước đó; nếu không có tiền nộp phạt, có thể sẽ phải lao động công ích; bị trục xuất về nước, mất cơ hội quay trở lại làm việc tại nước đó, bị cấm xuất cảnh trong một số năm theo quy định ở Việt Nam.

    Khi có nhu cầu đi lao động xuất khẩu, người dân có thể tìm hiểu thêm thông tin qua trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nướcwww.dolab.gov.vn hoặc số điện thoại 043.824.9517 - máy lẻ 511/512/513”.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn