TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 09-05-2016

    Duyệt danh mục 20 dự án kêu gọi đầu tư tại Đà Nẵng

    Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký Quyết định phê duyệt danh mục dự án cơ hội kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 của Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng (IPC Đà Nẵng) gồm 20 dự án.

    Theo đó, các Dự án mà IPC Đà Nẵng chú trọng kêu gọi đầu tư năm 2016, gồm: Sản xuất cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng tái tạo; Sản xuất sản phẩm thuộc hệ thống thiết bị ngôi nhà thông minh; Sản xuất hệ thống lưu giữ và truyền hình ảnh cho y tế (PACS); Sản xuất thiết bị đọc điện não đồ đeo tai; 

    Sản xuất thiết bị y tế phục hồi chức năng và vật lý trị liệu; Sản xuất thiết bị và dụng cụ đo đạc, quan trắc kỹ thuật số; Sản xuất máy móc thiết bị xử lý môi trường (máy thổi khí, máy nén khí, máy bơm chân không, máy hút bụi…); Sản xuất các hệ thống máy tự động (máy quấn dây tự động, đóng gói tự động, các loại robot dùng trong dây chuyền lắp ráp ô tô, …); Sản xuất hệ thống xả thải dùng trong dân dụng và công nghiệp; Sản xuất đồ chơi trẻ em cao cấp.

    ..

    Trồng rau an toàn theo phương pháp modul khí canh; Trồng hoa công nghệ cao; Du lịch sinh thái kết hợp trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh; Xây dựng trường tiểu học và trung học phổ thông quốc tế; Xây dựng trường dạy nghề chất lượng cao; Xây dựng bệnh viện đa khoa quy mô 600 giường; Xây dựng khu phức hợp trung tâm thương mại cao cấp (bao gồm khách sạn, văn phòng cho thuê, siêu thị và các tiện ích đi kèm); Xây dựng Khách sạn 05 sao; Xây dựng nhà xưởng cho thuê dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Khu công nghiệp và Xây dựng Khu lưu trú ngắn hạn tại sân bay Đà Nẵng (Airport Sleep Pod).

    Riêng các dự án trồng rau an toàn theo phương pháp modul khí canh; trồng hoa công nghệ cao; du lịch sinh thái kết hợp trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020.

    Tổng kinh phí xây dựng các dự án nêu trên là 300 triệu đồng từ nguồn kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư năm 2016 của Trung tâm Xúc tiến đầu tư theo Quyết định của UBND TP Đà Nẵng về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2016.

    Trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư có Khu lưu trú ngắn hạn tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng


    TP.HCM đề nghị được thưởng vì thu vượt dự toán

     Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thưởng vượt dự toán thu năm 2015. 

    Theo đó, năm 2015 dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP (không kể thu dầu thô và ghi thu ghi chi) là 233.776 tỉ đồng, trong đó số thu ngân sách trung ương hưởng theo phân cấp là 190.186,910 tỉ đồng.

    Tính đến ngày 31-12-2015, TP thu đạt 255.001,698 tỉ đồng, bằng 109,08% dự toán, trong đó số thu ngân sách trung ương hưởng theo phân cấp là 199.771,752 tỉ đồng.

    TP.HCM trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận kiến nghị thưởng 10.001,701 tỉ đồng cho TP để tạo điều kiện cho TP hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.


    Lào Cai cam kết dành ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư

    Tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch Lào Cai 2016” được tổ chức sáng nay (8/5) tại thành phố Lào Cai, ông Đặng Xuân Phong , Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và dành ưu đãi cao nhất cho các cá nhân, tổ chức đến địa phương đầu tư kinh doanh.
    pho thu tuong trinh dinh dung phat bieu chi dao tai hoi nghi

    Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

    Lời cam kết trên không chỉ thể hiện ý chí của riêng một vị lãnh đạo, mà còn là của cả tập thể Đảng bộ, tập thể Lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đồng thời nó cũng là lời chào mừng nồng nhiệt nhất đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

    Điều này được minh chứng khi trong những năm qua, Lào Cai luôn nổi lên như một điểm sáng về môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh. Liên tục trong nhiều năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Lào Cai (PCI) luôn đứng trong Top đầu cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh Tây Bắc. Năm 2015, Lào Cai xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh.

    Tròn 25 năm từ ngày tái lập, là một địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng tình hình kinh tế xã hội lại rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém. Đến nay, Lào Cai đã có nhiều thay đổi toàn diện, sâu sắc, trên đường trở thành đầu tàu kinh tế của các tỉnh vùng núi Tây Bắc.

    Trong những thành tựu đã đạt được, đáng kể nhất là phát triển du lịch và thu hút đầu tư. Được biết tính đến hết tháng 4/2016, trên địa bàn tỉnh đã có 565 dự ánđầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư câm kết gần 80.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm: 28 dự án FDI, tổng vốn 11.000 tỷ đồng, 537 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn 69.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 46.250 lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2015 đạt 3.595,6 tỷ đồng.

    Không dừng lại với những gì đã đạt được cộng với quyết tâm tiếp tục đưa Lào Cai tiếp tục phát triển thịnh vượng, bền vững, tại Hội nghị lần này, trước sự có mặt của đại diện hơn 60 tập đoàn nước ngoài, hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, UBND tỉnh Lào Cai trực tiếp kêu gọi đầu tư vào 26 dự án trọng điểm với  tổng vốn gần 40.000 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là Cảng Hàng không Lào Cai tại huyện Bảo Yên. Đây là một dự án mà nếu hoàn thành, sẽ góp phần đưa du lịch Lào Cai lên một tầm cao mới.

    Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh đánh giá Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự thành công và kết quả của Hội nghị sẽ có tác động tích cực đến hoạt động đầu tư và phát triển không những của riêng tỉnh Lào Cai mà cả khu vực Tây Bắc, một khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được tận dụng khai thác một cách tối ưu, vẫn chậm phát triển so với các khu vực khác trong cả nước.

    Chủ trì Hội nghị và phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ đổi mới, năng động hơn để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các tiềm năng lợi thế của tỉnh Lào Cai.

    Đồng thời, Lào Cai cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương liên quan để tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ từ bên ngoài, tập trung hiện thực hóa các cam kết về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung khắc phục khó khăn, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa Lào Cai trở thành một tỉnh phát triển nhất của khu vực Tây Bắc và là tỉnh phát triển khá của cả nước.

    Hội nghị cũng đã chứng kiến UBND tỉnh Lào Cai trao các quyết định chủ trương đầu tư; ký kết các thỏa thuận tài trợ tín dụng giữa BIDV và các nhà đầu tư; ký kết các thỏa thuận tài trợ tín dụng giữa BIDV và tỉnh Lào Cai.


    Tích cực hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa hải quan

    Trước yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, DN, ngành Hải quan tiếp tục đẩy nhanh hiện đại hóa, hợp tác đa phương và song phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm về cải cách, hiện đại, phương pháp kỹ thuật quản lý hải quan hiện đại.

    co quan hai quan dang tang cuong ung dung cong nghe hien dai vao cac nghiep vu hai quan. anh: n.linh.

    Cơ quan Hải quan đang tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào các nghiệp vụ hải quan. Ảnh: N.Linh.

    Đưa kỹ thuật hiện đại vào quản lý hải quan

    Có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua, những hoạt động hợp tác, hội nhập đã góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa của Ngành. Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), giai đoạn 2005-2014 là giai đoạn tập trung cao độ của ngành Hải quan cho công tác hiện đại hóa với nhiều dự án, kế hoạch có tính nền tảng chiến lược như: Dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới, các dự án quản lý rủi ro, dự án máy soi container do Nhật Bản tài trợ, dự án đào tạo giảng viên cao cấp của JICA, dự án ETV 2, dự án Megaports của Mỹ, đặc biệt là dự án VNACCS/VCIS. Cũng qua kênh hợp tác quốc tế đã giúp ngành Hải quan thu thập, tổng kết nhiều thông tin có giá trị, quan trọng cho việc xây dựng Luật Hải quan, Luật Hải quan sửa đổi 2005, Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn khác. Cũng trong giai đoạn này, Hải quan Việt Nam đã đề xuất tham gia các điều ước quốc tế hải quan như: Công ước quốc tế về Đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan (Công ước Kyoto và bản sửa đổi), Thỏa thuận tạm quản, Hiệp định ASEAN về Cơ chế  một cửa, Nghị định thư về thực hiện Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN-AHTN, Công ước Istanbul… tạo cơ sở pháp lý và định hướng chuẩn mực nghiệp vụ cho các hoạt động hiện đại hóa quản lý hải quan. Hải quan Việt Nam tham gia nghiên cứu, chủ trì thực hiện các sáng kiến, chương trình liên quan đến hải quan của các tổ chức quốc tế như Khung tiêu chuẩn về An ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của WCO (FOS), Cơ chế một cửa (SW), Chương trình xây dựng năng lực cán bộ Hải quan của WCO (Chương trình Columbus), kiểm tra một lần,… giúp Ngành tiếp cận các định hướng mới trong phát triển nghiệp vụ theo định hướng hiện đại hóa. Qua đó, đã bước đầu xây dựng được đội ngũ cán bộ liên quan đến hội nhập, hiện đại hóa, đàm phán,  kỹ thuật nghiệp vụ, chuyên gia về một số lĩnh vực nghiệp vụ.

    Một dấu mốc quan trọng thể hiện nỗ lực hội nhập sâu rộng của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ WCO đó là tháng 6-2013, Tổng cục Hải quan đã chính thức có cán bộ làm đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO, giữ vị trí Tham tán tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ. Tính đến cuối năm 2015, Hải quan Việt Nam đã ký 31 Hiệp định/Thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan. Nỗ lực này phù hợp với khuyến nghị của WCO về việc hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa các nước thành viên. Hay những hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, GMS... đã và đang tạo cơ hội cho Hải quan Việt Nam khẳng định quyền và nghĩa vụ của mình, phát huy vai trò, tiếng nói của Hải quan Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời là cơ sở tốt để thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa trong nước.

    Đổi mới trước yêu cầu hội nhập

    Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của tất cả các tổ chức quốc tế lớn, đã tham gia ký kết, đàm phán tổng cộng 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các nội dung chủ yếu của hợp tác hải quan quốc tế hiện nay ở mọi khuôn khổ đều xoay quanh vấn đề tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh cho dây chuyền cung ứng thương mại quốc tế, các yêu cầu mới đặt ra cho cơ quan Hải quan như: Vấn đề bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, an ninh cộng đồng, y tế, an ninh thương mại… Chính vì vậy mục tiêu cụ thể của Hải quan Việt Nam là gắn với yêu cầu hội nhập và hợp tác quốc tế. Giải pháp được đưa ra là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương về cải cách thủ tục hành chính và các chuẩn mực, cam kết quốc tế. Ngành Hải quan đang phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản các thủ tục và chế độ quản lý hải quan phải đơn giản, hiệu quả, hài hòa và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại các địa bàn trọng điểm; thực hiện việc trao đổi thông tin trước khi hàng đến, thanh toán, quản lý các giấy phép bằng phương thức điện tử; thực hiện cơ chế doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt về thủ tục và an ninh theo các chuẩn mực của WCO; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro một cách hệ thống trong các khâu nghiệp vụ hải quan; hoàn thiện triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

    Về ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn an ninh, an toàn cao (24/24 và 24/7) và quản lý theo hướng dịch vụ; xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan, thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia và một cửa khu vực ASEAN.

    Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế cũng cần đáp ứng được các yêu cầu về việc triển khai thực hiện có hiệu quả các cam kết về tạo thuận lợi cho thương mại, đảm bảo tuân thủ pháp luật trong bối cảnh các thỏa thuận thương mại tự do: ASEAN-AFTA, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN – Úc và New Zealand, TPP, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEPT), một số thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa: Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA); Việt Nam – Liên minh Á Âu (VCU FTA), Việt Nam với Liên minh Kinh tế châu Âu (EFTA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)... với hàng loạt các bộ quy tắc xuất xứ hàng hóa khác nhau, các quy định thực thi Hiệp định khác nhau và với khối lượng thương mại tăng lên nhanh chóng; đồng thời tích cực triển khai các công việc chuẩn bị triển khai Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF) của WTO.

    Để khẳng định vai trò của Hải quan Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, tại hội nghị tổng kết công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã khẳng định hội nhập là vấn đề cụ thể, gắn chặt với các hoạt động hải quan, chính vì vậy CBCC Hải quan phải chuyên nghiệp hơn. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia rất nhiều các Hiệp định thương mại quốc tế, mỗi nước lại có ưu đãi khác nhau, tiêu chuẩn khác nhau, đòi hỏi mỗi CBCC Hải quan thời hội nhập phải trang bị kiến thức để vừa tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế nhưng cũng vừa sát cánh với DN trong nước, bảo vệ sản xuất trong nước. “Đã đến lúc Hải quan Việt Nam phải đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế, nghiên cứu sâu các chuyên đề hội nhập, tham gia nhiều sáng kiến tại các diễn đàn quốc tế”- Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh nói.(HQ)


    Xử lý xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ: Chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả

    Trong 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn II (2012 - 2015, gọi tắt là Chương trình 168) của 9 bộ, ngành (KH&CN, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, NN&PTNT, Tài chính, Công Thương, Công an, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) kết quả chỉ thu được 97 tỷ đồng từ việc xử phạt vi phạm hành chính.

    phong canh sat dieu tra toi pham ve quan ly kinh te va chuc vu cong an tp.ha noi thu giu tui sach, vi da nhai nhan hieu noi tieng (thang 5-2015). (anh: q.tan)

    Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP.Hà Nội thu giữ túi sách, ví da nhái nhãn hiệu nổi tiếng (tháng 5-2015). (Ảnh: Q.TẤN)

    Đại diện Bộ KH&CN thừa nhận kết quả này còn khiêm tốn, song nguyên do là sự phối hợp của các bộ, ngành chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả nên kết quả mang lại không như mong đợi.

    Kết quả còn hạn chế

    Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, trong những năm qua, tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn là vấn đề gây bức xúc của toàn xã hội và ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ theo cam kết quốc tế của Việt Nam. Các hành vi xâm phạm quyền SHTT diễn ra đối với hầu hết các đối tượng SHTT, từ các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, phần mềm máy tính đến các sáng chế kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại…

    “Trên thị trường hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi và khó phân biệt, đặc biệt những nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh hay nhóm hàng hóa phục vụ tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm. Hành vi xâm phạm quyền SHTT còn xuất hiện ở nhóm hàng hóa có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, đồ uống… Trong khi đó, Việt Nam chưa có chương trình hành động thống nhất ở phạm vi quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền SHTT, dẫn đến các hoạt động của mỗi bộ, ngành trong thực hiện chức năng bảo vệ quyền SHTT còn chưa đồng bộ và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn”, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

    Theo số liệu được đưa ra tại hội nghị tổng kết Chương trình 168 giai đoạn II, qua 4 năm thực hiện mới chỉ xử phạt hành chính được gần 97 tỷ đồng. Con số này cho thấy hiệu quả chưa tương xứng với một chương trình hành động mà 9 bộ, ngành cùng tham gia. Trong số 97 tỷ đồng nộp NSNN từ việc xử phạt vi phạm hành chính từ công tác phòng, chống xâm phạm quyền SHTT thì chỉ tính riêng lực lượng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra và xử lý 22.441 vụ việc liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 53 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Công an (Cảnh sát kinh tế) đã phát hiện hơn 2.047 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT liên quan đến thực phẩm, quần áo mỹ phẩm, tân dược, rượu, các linh kiện điện tử… Khởi tố 381 vụ với 553 bị can, chuyển xử lý hành chính 1.564 vụ với mức phạt 28,5 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, lực lượng Hải quan đã đã tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu và ra công văn chấp nhận giám sát SHTT tại biên giới đối với 250 đối tượng quyền SHTT các loại. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 66 vụ, xử lý hình sự 2 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm đạt gần 30 tỷ đồng, thu nộp NSNN 5,8 tỷ đồng. Còn lại 6 bộ, ngành chỉ thu nộp NSNN 9,7 tỷ đồng.

    Nói về những tồn tại này, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng thừa nhận, kết quả đạt được còn khiêm tốn là do hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được thực hiện đồng bộ, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nâng cao nhận thức của cộng đồng DN trong việc tự bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, năng lực cán bộ thực thi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi chưa hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, cơ chế cập nhật, trao đổi thông tin giữa các đơn vị còn thiếu sót, chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác thực thi. Tuy nhiên, ông Trần Minh Dũng khẳng định, Chương trình 168 giai đoạn II đã cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về quyền SHTT, nâng cao hiệu quả công tác thực thi, góp phần vào việc phòng, chống xâm phạm quyền SHTT. Mặc dù còn những tồn tại, nhưng hiệu quả chương trình là đáng ghi nhận, khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế về SHTT khi gia nhập WTO và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

    Cần vào cuộc quyết liệt

    Ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu gia tăng về bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (như Việt Nam - EU, Hiệp định TPP), Việt Nam cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật SHTT về bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa, bí mật kinh doanh, quyền tác giả, NK song song và đặc biệt là hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của hệ thống thực thi quyền SHTT. Với những yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần phải có những chuyển biến cơ bản để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế ngày càng cao của Việt Nam.

    Về giải pháp cụ thể, ông Trần Minh Dũng đề nghị, Chính phủ cần tập trung phát triển các đội ngũ cán bộ thực thi phù hợp, có khả năng chống lại nạn hàng giả, các hàng hóa vi phạm quyền SHTT một cách hiệu quả, kịp thời, trên phạm vi rộng để có thể thực sự ngăn chặn được tình trạng vi phạm quyền SHTT. Nâng cao kiến thức cho các cơ quan hành chính và tư pháp để có thể xử lý được các vụ việc với tính chất phức tạp, chẳng hạn như các vụ vi phạm bằng sáng chế và cạnh tranh không lành mạnh...

    Nhằm siết chặt các quy định cũng như kiểm soát chặt chẽ từ biên giới, ông Nguyễn Văn Thủy, Đội trưởng Đội Kiểm soát bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần bổ sung quy định về chế tài xử phạt ngay từ khâu NK cũng như bổ sung chế tài xử lý của cơ quan Hải quan đối với hàng giả XK và quá cảnh. Bởi cần xác định rằng, nếu không có chế tài xử lý phù hợp và kịp thời với các gian lận về hàng giả XK và quá cảnh sẽ gây thiệt hại cho các DN làm ăn hợp pháp tại thị trường trong nước và ảnh hưởng xấu đến uy tín của hàng hóa  xuất xứ Việt Nam cũng như nỗ lực thực thi của cơ quan chức năng Việt Nam trong mắt đối tác quốc tế. (HQ)

     

    Theo thống kê của Bộ KH&CN, giai đoạn này, lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất và buôn bán hàng giả, đã xử lý hành chính 25.543 vụ việc.  Trong số đó, xử lý cảnh cáo 68 vụ việc; phạt tiền 23.197 vụ việc với tổng số tiền 97 tỷ đồng; khởi tố 381 vụ việc với 553 bị can; xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự). Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: tịch thu, tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm với 980 tấn thực phẩm chức năng; 80.900 tấn phân bón; 45.678 hộp mỹ phẩm; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 523.000 bao thuốc lá; 160.559 đĩa CD-VCD có nguồn gốc nhập lậu; hàng chục nghìn chai rượu ngoại, hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, đồ thời trang, giả mạo và xâm phạm quyền SHTT.

     


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn