TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 31-07-2016

    Số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 7 tháng tăng 67,5%

    Tổng cục Thống kê vừa cho biết, số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 7 tháng qua của năm nay trên cả nước là 16.706 doanh nghiệp, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước.

    Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng là 6.422 doanh nghiệp, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian này là 36.206 doanh nghiệp, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước.

    7 tháng năm nay, cả nước có 64.122 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 497 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% về số doanh nghiệp và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4%. Bên cạnh đó, còn có 894,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2016 đạt 1391,9 nghìn tỷ đồng.

    Tính riêng tháng Bảy, cả nước có 9.621 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 69,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Trong đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 10,3%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 99,2 nghìn người, giảm 12,3%.

    So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 tăng 45,8%, số vốn đăng ký tăng 78%; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng 22,1%. Trong tháng, cả nước có 1.804 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 5,2% so với tháng trước và có 5.933 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động

    Để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong những tháng cuối năm, các ngành, địa phương cần thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng cần nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro và điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; tăng cường kết nối trực tuyến giữa các Bộ, giữa các bộ với các địa phương (VN+)

    Công bố dự án thế chấp ngân hàng: Môi giới khóc ròng vì bị “truy nã”, doanh nghiệp kêu oan

    Nhiều môi giới chia sẻ đây là tình huống hy hữu nhất họ gặp phải từ trước đến nay, và không biết làm cách nào để xoa dịu khách hàng.

    Câu chuyện công bố các dự án BĐS đang thế chấp ở ngân hàng là đề tài “nóng” nhất được bàn tán xôn xao trong giới địa ốc suốt tuần qua. Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM (TNMT) bất ngờ đưa ra danh sách 77 dự án BĐS đang thế chấp ở một số ngân hàng, sau đó được báo chí đăng tải, thị trường bắt đầu sôi sục, xôn xao với danh sách này. Ngay lập tức đã có nhiều ý kiến, quan điểm được đưa ra.

    Đa phần những nhà chuyên môn, chuyên gia đều nhận định việc công bố danh sách là tích cực, làm minh bạch cho thị trường. Tuy nhiên, công khai như thế nào, chi tiết ra sao, dự án thế chấp mục đích gì…lại chưa được làm rõ trong việc công bố của Sở TNMT Tp.HCM, bởi sở này chỉ đơn thuần đưa ra danh sách.

    Điều này khiến nhiều người dân lầm tưởng cứ dự án nằm trong danh sách trên là xấu, tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ…khiến cả thị trường “chao đảo”. Trong đó, nhóm môi giới địa ốc và doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã gặp khá nhiều rắc rối.

    Tuần qua, rất nhiều môi giới bất động sản bị “truy nã” bởi khách hàng. Ngay sau khi có thông tin về 77 dự án đang thế chấp được công bố, họ đã phải đón nhận sự tức giận, nổi cơn thịnh nộ, thậm chí còn dọa kiện…Nhiều môi giới chia sẻ đây là tình huống hy hữu nhất họ gặp phải từ trước đến nay, và không biết làm cách nào để xoa dịu, vì chuyện pháp lý của dự án nhiều khi chỉ cấp quản lý mới nắm tường tận.

    Câu chuyện chia sẻ của môi giới Hoàng Nam tại Q.2 Tp.HCM trên báo Vietnamnet là một điển hình: “Tại sao dự án đã thế chấp rồi mà em lại bán cho chị? Nếu em không làm rõ chuyện này chị sẽ lôi công ty ra tòa. Lúc nào cũng giới thiệu là công ty uy tín mà làm ăn kiểu gì vậy?...” Đó là những truy vấn mà Hoàng Nam phải đối diện.

    Ở khía cạnh của doanh nghiệp, tuần qua đại diện nhiều DN BĐS kinh doanh trên địa bàn Tp.HCM phải lên tiếng sau khi danh sách này được công bố. Lãnh đạo nhiều công ty cho rằng họ phải triệu tập các cuộc họp để hướng dẫn nhân viên kinh doanh cách thông tin đến khách hàng, liên tục phải giải tỏa mối hoài nghi của khách mua nhà.

    Đơn cử như trường hợp ở Quốc Cường Gia Lai, theo đại diện công ty này chỉ có 1 dự án nhà xã hội của họ thế chấp vay vốn ngân hàng, nhưng trong danh sách lại có tới 2 dự án, khiến ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng của họ. Bà chủ Quốc Cường Gia Lai bức xúc cho biết là sẽ có khiếu nại Sở TNMT Tp.HCM.

    Hay trường hợp ông chủ Hưng Lộc Phát cũng bức xúc cho rằng 10 căn hộ và 6 sàn thương mại của Công ty nằm trong danh sách, nhưng lại không thông tin đầy đủ nên gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của Hưng Lộc Phát và các dự án công ty đang triển khai.

    Theo ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho rằng cách đưa thông tin cô đọng và chưa đầy đủ như trên làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp do người mua nhà chỉ cần biết doanh nghiệp có tên trong bảng danh sách này là hoang mang, nghi ngại.

    Sau khi danh sách dự án thế chấp ngân hàng được công bố, thì tuần qua là một tuần “đứng ngồi không yên” của các DN địa ốc Tp.HCM, đặc biệt là những đơn vị đang trong giai đoạn mở bán các dự án. Đa số đại diện các DN này cho rằng, họ thế chấp dự án đúng luật, nhiều DN còn kêu oan khi có tên trong danh sách. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín và kế hoạch bán hàng của họ.

    Ngay sau những “phản ứng” của DN, báo chí phản hồi thì chiều ngày 29/7 Sở TNMT Tp.HCM đã có buổi họp báo nhằm công bố đa chiều hơn về phản hồi từ các bên liên quan đến danh sách 77 dự án mà Sở này đã công bố.

    Theo lý giải của đại diện Sở này, cho rằng nếu để cung cấp đầy đủ thông tin thì những thông tin các DN yêu cầu lại không có trong các hợp đồng thế chấp. “Vì thế, chúng tôi sẽ đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để xác định được thông tin nào cần cung cấp, loại nào phải bảo đảm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đợt công bố thông tin dự án có thế chấp tại ngân hàng đợt 2 sắp tới” ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM nói.

    Cũng theo ông Liên, việc thế chấp dự án ở ngân hàng là chuyện bình thường, và theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư được thế chấp để vay vốn đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.

    Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó, thì phải giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng.(CafeF)

    Khởi tố nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Navibank

    Trong số 11 người vừa bị khởi tố vì liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Navibank và 9 thuộc cấp.

    nguyen tong giam doc navibank le quang tri . anh: vnmoney.

    Nguyên Tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí . Ảnh: VnMoney.

    Liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt khoảng 4.000 tỷ đồng, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố 11 bị can về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Cho vay nặng lãi. Trong số này có 10 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank. Họ gồm nguyên Tổng giám đốc Lê Quang Trí, 3 nguyên Phó tổng giám đốc và 6 trưởng phòng.

    Bị can còn lại là Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung (42 tuổi, TP HCM) bị khởi tố về tội Cho vay nặng lãi.

    Trước đó, tại phiên phúc thẩm diễn ra cuối tháng 12/2014 và đầu tháng 1/2015, HĐXX TAND tối cao tại TP HCM đã tuyên giữ nguyên mức án chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như, đồng thời kiến nghị cơ quan điều tra xác minh một số nội dung, trong đó có việc Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung có hành vi cho vay nặng lãi vượt quá 10 lần lãi suất ngân hàng nhà nước quy định và làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ ngân hàng Navibank có liên quan.

    Qua điều tra, cơ quan tố tụng xác định Trung đã cho Huỳnh Thị Huyền Như vay tiền với lãi suất 0,4%/ngày (tức 144%/năm), cao gấp hơn 10 lần so với mức lãi suất cao nhất do ngân hàng nhà nước quy định. Trong 3 năm cho vay nặng lãi, Trung đã thu khoảng 660 tỷ đồng tiền lãi.

    Còn 10 cán bộ ngân hàng Navibank đã lập hồ sơ vay vốn đứng tên nhân viên để lấy tiền của ngân hàng đem gửi vào Vietinbank hưởng lãi chênh lệch. Tuy nhiên, khi họ mang 200 tỷ đồng do Navibank giải ngân gửi vào Vietinbank – Chi nhánh TP HCM thì bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

    huynh thi huyen nhu tai phien xu phuc tham. anh: khac thanh.

    Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: Khắc Thành.

    Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt khoảng 4.000 tỷ đồng xảy ra tại Vietinbank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

    Theo đó, năm 2007, Huyền Như (lúc này đang làm cán bộ tín dụng của VietinBank chi nhánh TP HCM) vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để đầu tư chứng khoán và bất động sản.

    Làm ăn thua lỗ, năm 2010, Như lợi dụng chức Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank chi nhánh TP HCM và danh nghĩa của ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.

    Từ tháng 10/2010 đến 9/2011, Như thuê người làm giả con dấu, tài liệu của nhiều ngân hàng, đơn vị và giả chữ ký trên các chứng từ, hợp đồng, sau đó sử dụng hồ sơ giả để huy động vốn cho VietinBank. Tổng cộng, Huyền Như đã lừa đảo của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân để chiếm đoạt khoảng 4.000 tỷ đồng.(Zing)

    Chính thức gia hạn giải ngân gói 30 nghìn tỷ từ 1/8

    Sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh nguyện vọng của người dân, cũng như cân đối hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước, gói 30 nghìn tỷ dành cho khách hàng vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sữa chữa lại nhà ở với lãi suất ưu đãi chính thức được gia hạn giải ngân kể từ ngày 1/8.

    Theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, việc giải ngân Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn khoảng 30.000 tỷ đồng nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 01/6/2013).

    Sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh nguyện vọng của người dân, cũng như cân đối hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và báo cáo của các ngân hàng về tình hình triển khai chương trình đến thời điểm 10/5/2016, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 3954/NHNN-TD trình Thủ tướng Chính phủ về phương án gia hạn chương trình 30.000 tỷ đồng như sau:

    Cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sữa chữa lại nhà ở của mình (nhóm khách hàng cá nhân) tối đa đến ngày 31/12/2016;

    Dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội (nhóm khách hàng doanh nghiệp).

    Tại Công văn số 5344/VPCP-KTTH ngày 30/6/2016 Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến: đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 3954/NHNN-TD và giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi các quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng tại Công văn số1520/BXD-QLN ngày 26/7/2016 và Bộ Tài chính tại Công văn số 10373/BTC-TCNH ngày 25/7/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.

    Thông tư tập trung vào một số vấn đề sau:

    Về đối tượng gia hạn, đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình, thời gian giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để cho vay hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016 áp dụng đối với các khoản vay mà ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng trước ngày 31 tháng 03 năm 2016 và đã được ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10 tháng 5 năm 2016.

    Quy định về việc xử lý đối với khoản giải ngân của các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31/3/2016 giữa ngân hàng với nhóm khách hàng cá nhân trong thời gian từ ngày 01/6/2016 đến ngày Thông tư có hiệu lực:

    Đối với các khoản giải ngân của ngân hàng trong thời gian từ ngày 01 tháng 06 năm 2016 đến ngày Thông tư này có hiệu lực được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    Thuộc các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31 tháng 03 năm 2016 với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình;

    Thuộc các hợp đồng tín dụng đã được ngân hàng tổng hợp và báo cáo Ngân hàng Nhà nước tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10 tháng 5 năm 2016.

    Đối với các khoản giải ngân đủ điều kiện tại mục 1, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng năm kể từ thời điểm giải ngân, nhưng không quá thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN.

    Trong trường hợp ngân hàng đã thu nợ lãi lớn hơn mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, ngân hàng thực hiện hoàn trả phần chênh lệch nợ lãi giữa mức lãi suất thực tế đã thu và mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong thời hạn không quá 02 (hai) tháng kể từ ngày Thông từ này có hiệu lực thi hành hoặc bù trừ cho khách hàng chậm nhất vào 02 (hai) kỳ thu lãi gần nhất sau khi được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn.

    Thông tư số 25/2016 /TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016 để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân.(trithuctre)

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn