Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 31-07-2016
Từ 1/8, giá viện phí được điều chỉnh tăng mạnh
Bắt đầu từ tháng 8/2016, giá viện phí tiếp tục tăng theo lộ trình và sẽ bao gồm cả chi phí lương của bác sĩ. Đặc biệt, tăng mạnh ở các tỉnh có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao từ 90 -95%.
Theo dự kiến ban đầu của BHXH Việt Nam và Bộ Y tế, giá viện phí sẽ đồng loạt tăng từ 1/7, tuy nhiên sau khi bàn bạc thời gian tăng viện phí đã lùi lại 1 tháng là 1/8. Theo đó, trong lần tăng viện phí lần này sẽ chỉ áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố và áp dụng đối với một số người dân tham gia bảo hiểm y tế cao từ 90-95%.Với mức thu mới, giá của 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng mạnh, đặc biệt là các dịch vụ có cơ cấu lớn chi cho nhân lực y tế.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều đợt điều chỉnh viện phí. Mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8 - 12 tỉnh, thành phố.
Đợt đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8/2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Tiếp đến, đợt 2 được thực hiện vào tháng 10/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp.
Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85% dân số. Đợt 4 thực hiện vào tháng 12/2016 ở các tỉnh có tỉ lệ BHYT trên 80%. Các cơ sở khám chữa bệnh ở trung ương đóng trên địa bàn nào sẽ thực hiện mức giá viện phí có tiền lương cùng thời điểm với địa phương. Đến đầu tháng 1/2017 sẽ áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế với các tỉnh còn lại.
Trước đó từ ngày 1/3, tất cả 1.400 bệnh viện trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh, riêng các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn (hầu hết bệnh viện tuyến T.Ư và một số bệnh viện tuyến tỉnh) đã thu viện phí bao gồm cả lương thầy thuốc.(InfoNet)
Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Sẽ hạn chế ở một số địa phương?
Hàn Quốc chính thức mở cửa lại thị trường lao động cho Việt Nam sau 4 năm tạm dừng tiếp nhận. Dự kiến trong năm nay, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận khoảng 2.100 lao động ngành sản xuất chế tạo từ Việt Nam.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đã giải đáp một số thắc mắc của người lao động muốn sang Hàn Quốc làm việc.
Kỳ thi tiếng Hàn (EPS-TOPIK) cấm một số huyện của một số tỉnh. Thông tin này có chính xác không?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Việc làm của Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ về việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Một trong những nội dung mà bản ghi nhớ đề cập là việc sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn ở một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng lao động cao và có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao.
Hiện nay, Bộ LĐ&TB-XH đang giao các cơ quan chức năng rà soát lại số lao động bất hợp pháp, cũng như tỷ lệ lao động bất hợp pháp của từng địa phương và sẽ có thông báo sớm về việc này.
Tôi được biết lần thi tiếng Hàn tháng 10 tới đây chỉ có một đơn hàng duy nhất là lắp ráp chế tạo. Vậy nếu tôi thi đỗ tiếng Hàn đợt này, nhưng có nguyện vọng làm công việc khác thì tôi có được chuyển sang đơn hàng khác trong lần tuyển tiếp theo được không?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Theo quy định của phía Hàn Quốc, khi người lao động đã đăng ký tham dự thi ngành nghề nào và đạt điểm để nộp hồ sơ gửi sang phía Hàn Quốc thì không được thay đổi lựa chọn ngành nghề đó trong thời gian 2 năm từ khi đạt điểm thi của kỳ thi.
Đơn hàng lắp ráp chế tạo lần này có cơ hội cho lao động nữ làm việc không ạ?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Kỳ thi tới đây với ngành nghề sản xuất chế tạo dành cho cả lao động nam và nữ. Tuy nhiên, theo thống kê đã được thực hiện nhiều năm qua của chương trình cho thấy, tỷ lệ lao động nữ được làm hồ sơ và được đưa sang Hàn Quốc làm việc không cao, trung bình từ 10 - 15%.
Tôi muốn biết đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc cần phải thế chấp bao nhiêu tiền? Có những khoản gì phải đóng từ lúc ở Việt Nam cho đến khi làm việc tại Hàn Quốc?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Lệ phí dự thi là 24 USD (thu bằng tiền Việt tương đương). Sau khi có kết quả trúng tuyển, lệ phí mua vé máy bay, làm visa, quản lý người lao động trước khi xuất cảnh là 630 USD. Ngoài ra, người lao động phải ký quỹ một khoản tiền ở Ngân hàng Chính sách xã hội là 100 triệu đồng. Khi xuất cảnh lao động sang Hàn Quốc, người lao động phải mang theo 500 USD (50 USD để mua bảo hiểm rủi ro, 450 USD chi phí hồi hương - nếu người lao động hết thúc hợp đồng đúng hạn thì khoản tiền này dùng mua vé máy bay về nước).
Nếu tôi được tuyển dụng sang Hàn Quốc thì sẽ phải đóng 100 triệu đồng đặt cọc theo quy định để chống bỏ trốn, nhưng nhà tôi nghèo thì tôi có được vay tiền để đóng khoản đặt cọc này không?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Đối với những lao động thuộc hộ nghèo có thể vay 100 triệu đồng này ở Ngân hàng Chính sách xã hội và ký quỹ ngay tại ngân hàng.
Người lao động có nguyện vọng tham gia dự thi tiếng Hàn có thể đăng ký tại đơn vị nào?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Tại Sở LĐ&TB-XH địa phương, nơi người lao động cư trú.
Nhiều lao động phản ánh hiện có một số tổ chức, cá nhân quảng cáo đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động có thể tin vào các thông tin đó không?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước là đơn vị duy nhất được ủy quyền của Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chương trình này. Ở bên ngoài có thể có các lời quảng cáo trên mạng xã hội hay phát tờ rơi đảm bảo người lao động thi đạt kết quả cao, được đưa đi lao động…, nhưng điều này là hoàn toàn không thể. Việc ra đề thi, quản lý đề thi, chấm bài thi do Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực phía Hàn Quốc (HRD) thực hiện, không ai có thể can thiệp vào.(CafeF)
Nguy cơ mất đất, mất tiền ở Khách sạn Fortuna Hà Nội?
Thay bằng làm đúng nhiệm vụ, Liên minh HTX Việt Nam góp vốn với Liên doanh khách sạn Fortuna, sau 7 năm hoạt động phần lớn vốn gần như bị mất trắng…
Kỳ vọng “bánh vẽ” Liên minh HTX Việt Nam nhận “quả đắng”
Liên minh HTX Việt Nam vội vàng lập phương án hợp tác với đối tác xây dựng khách sạn 5 sao được đề xuất khi chưa lường được những khó khăn trước mắt.
Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại ô đất 6B, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội với Công ty Chng Holdings PTE. Ltd (Singapore) đầu tư tài chính xây dựng khách sạn 5 sao Fortuna Hà Nội.
Qua tìm hiểu của phóng viên được biết, mục tiêu góp vốn thành lập liên doanh là có nguồn tài chính để Liên minh HTX Việt Nam có kinh phí hoạt động, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và học tập các kinh nghiệm quản lý, quản trị hiện đại từ đối tác nước ngoài.
Đồng thời để hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam, Chng Holdings PTE. Ltd đã tài trợ 1 triệu USD xây dựng trụ sở của Liên minh cao 8 tầng ở Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Ngày 29/11/1994, Công ty Liên doanh Khách sạn Fortuna Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh giữa Công ty TNHH Thắng Lợi (nay là Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư - Thương mại và Du lịch Thắng Lợi - gọi tắt là Công ty Thắng Lợi) với Công ty Chng Holdings PTE. Ltd.
Trên cơ sở xem xét hồ sơ và căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy phép đầu tư số 1129/GPĐC3 ngày 14/11/1997 chuẩn y việc điều chỉnh tỷ lệ vốn pháp định của hai bên trong Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna, trong đó bên Việt Nam góp 2,25 triệu USD, chiếm 30% vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng 3.892 m2 đất trong thời hạn 35 năm, trị giá 1,852 triệu USD và các khoản khác do hai bên thoả thuận.
Qua nhiều lần điều chỉnh, cuối cùng, ngày 15/11/2007, UBND TP. Hà Nội cấp Giây chứng nhận đầu tư số 011022000093 cho liên doanh trên.
Theo đó, liên doanh có tổng vốn đầu tư 35 triệu USD, vốn điều lệ là 18 triệu USD, trong đó bên Việt Nam góp 30%, trị giá 5,4 triệu USD bằng quyền sử dụng 3.482 m2 đất trong thời hạn 40 năm và các khoản khác do các bên thoả thuận.
Nguy cơ mất đất, mất tiền ở Khách sạn Fortuna Hà Nội?
Những năm đầu đi vào hoạt động, Khách sạn Hà Nội Fortuna thua lỗ triền miên. Số lỗ luỹ kế đến ngày 31/12/2002 là hơn 8,4 triệu USD, trong khi vốn điều lệ chỉ có 9 triệu USD.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2010, có 3 nguyên nhân khiến liên doanh bị thua lỗ gồm khủng hoảng tài chính, lãi vay xây dựng khách sạn cao mà chưa trả được và chi phí quản lý khách sạn cao.
Trước tình hình đó, HĐQT Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna đã nhiều lần họp bàn để tìm giải pháp khắc phục. Và một giải pháp được coi là tối ưu nhất lúc đó là chuyển công ty liên doanh thành công ty cổ phần để có cơ hội niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lúc ấy, để liên doanh chuyển thành công ty cổ phần, phải đảm bảo song song 2 điều kiện: vốn pháp định phải lớn hơn vốn vay và hoạt động của liên doanh phải có lãi.
Chính vì vậy, ngày 1/6/2006, các bên liên doanh đã ký Thỏa thuận thống nhất, Hornblower Boswth PTE Ltd Singapore (Công ty liên doanh vay vốn đầu tư xây dựng Khách sạn Hà Nội Fortuna) được trở thành thành viên thứ ba trong liên doanh.
Theo đó, liên doanh sẽ tăng vốn điều lệ từ 9 triệu USD lên 18 triệu USD, trong đó phía Việt Nam góp 30%; điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của đối tác nước ngoài từ 70% xuống còn 35%, đồng thời cho đối tác Hornblower là người cho vay vốn đầu tư xây khách sạn được tham gia góp vốn với tỷ lệ 35%.
Theo thỏa thuận, Hornblower góp vốn bằng cách chuyển từ khoản vốn cho vay xây dựng 9 triệu USD thành vốn góp 6,3 triệu USD và hỗ trợ số vốn còn thiếu của phía Việt Nam là 2,7 triệu USD; đồng thời miễn giảm lãi vay các năm 2002, 2003 là hơn 3,527 triệu USD và từ năm 2004, tính lãi theo số vốn vay còn lại.
Nhưng điều kiện bên nước ngoài đặt ra là xóa bỏ điều kiện chuyển giao không bồi hoàn trong Giấy phép đầu tư. Và khi liên doanh làm các thủ tục để xin cổ phần hóa thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không chấp nhận điều kiện xóa bỏ điều khoản chuyển giao không bồi hoàn.
Vì thế, liên doanh không cổ phần hóa được và bên nước ngoài không đồng ý miễn giảm lãi vay 3,527 triệu USD, cũng không hỗ trợ 2,7 triệu USD tiền góp vốn, và như vậy liên doanh sẽ quay lại thời kỳ thua lỗ.
Trước tình hình đó, đầu năm 2008, liên doanh đưa ra phương án bên Việt Nam chuyển 30% vốn góp còn lại cho bên nước ngoài, mà vẫn giữ điều kiện chuyển giao không bồi hoàn. Tháng 6/2009, Liên minh HTX Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về đề xuất này và đến ngày 27/4/2010 nhận được văn bản trả lời.
Đó cũng chính là thời điểm Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thành lập, hoạt động, phê duyệt phương án chuyển nhượng phần vốn Việt Nam tại Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna cho đối tác nước ngoài và đó là lý do khiến việc chuyển nhượng phải tạm gác lại.
Ngày 2/7/2010, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận Thanh tra số 1937 KL-TTCP-V.II nêu rõ: “Yêu cầu Liên minh HTX Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án xử lý tình trạng kinh doanh thua lỗ và chuyển nhượng phần vốn của Công ty Thắng Lợi trong Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna hoặc tiếp tục duy trì hoạt động của Liên doanh...”.
Dự luận vẫn đặt ra câu hỏi liệu ông Võ Kim Cự, hiện đang giữ chức Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam sẽ làm gì để “cứu” lại đất vàng và vốn góp trong liên doanh từ cuộc chơi quốc tế ở Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna.
Nếu Liên minh HTX Việt Nam làm đúng chức năng nhiệm vụ và thận trọng hơn trong họp tác quốc tế sẽ không có những quả đắng trong Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna.(PLplus)
113 triệu USD là số tiền Lotte sẵn sàng bỏ ra nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Công ty Xây dựng và kỹ thuật Lotte (Lotte E&C) lại vừa gửi thư quan tâm đối với Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn II tới Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải).
Trong đề xuất mới nhất, Lotte E&C muốn áp dụng hợp đồng BLT (xây dựng - cho thuê - chuyển giao) cho Dự án có tổng mức đầu tư 113 triệu USD này. Với tỷ suất nội hoàn của dự án (IRR) khoảng 9,1%, Lotte E&C tính toán thời gian thuê hoàn vốn sẽ mất khoảng 20 năm.
Đây đã là lần thứ hai trong vòng một năm, nhà đầu tư Hàn Quốc này bày tỏ mong muốn trở thành nhà đầu tư theo hình thức PPP đối với tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với Trung Quốc, đồng thời là tuyến vận tải hàng hóa chủ lực số 2 trong hệ thống đường sắt quốc gia. Lần đầu tiên, doanh nghiệp này đêg xuất là vào tháng 9/2015.
Được biết, ngoài phương án xã hội hóa do Lotte đề xuất, hiện Bộ GTVT vẫn đang làm việc với ADB để tìm vốn cho giai đoạn II Dự án. Mới đây, Phó Thủ tướng đã giao NHNN Việt Nam tiến hành các thủ tục với ADB để hoàn tất việc điều chinh Hiệp định Vay cho Dự án. Bộ Giao thông vận tải đôn đốc, chỉ đạo Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tập trung xử lý những vấn đề tồn tại, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành các hạng mục điều chỉnh và giải ngân hết số vốn vay cho Dự án.
Được biết Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai là dự án quan trọng của tuyến đường sắt phía Tây, là một phần thuộc hành lang giao thông Côn Minh – Hải Phòng. Tuyến trải dài 285km theo hướng Tây Bắc, từ ga Yên Viên, gần Hà Nội, dọc theo bờ Bắc sông Hồng đến Lào Cai, biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tuyến đi qua địa phận các tỉnh thành phố gồm: TP. Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Dự án này được chia làm 2 giai đoạn, trong đó quy mô giai đoạn 1 bao gồm: Cải tuyến 4km đường sắt có bán kính đường cong nhỏ; Nâng cấp thay ray, tà vẹt 180Km đường sắt; Xây dựng 10 cầu mới và cải tạo 43 cầu cũ; Cải tạo, kéo dài và thêm đường ga cho 12 ga đảm bảo đón, gửi các đoàn tàu dài; Xây mới, cải tạo nhiều cống và công trình thoát nước; và gia cố bảo vệ mái taluy, xử lý sụt trượt một số đoạn tuyến.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 166,46 triệu USD tương đương 3.434 tỷ đồng sử dụng vốn vay ODA của của ADB, AFD, DGTresor và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; trong đó ADB khoảng 60 triệu USD.(cafeF)