TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Nông sản Việt lo chuyện hội nhập: Cà phê Việt- thách thức từ nội tại

    (Tin kinh te)

    Câu chuyện ngành cà phê Việt “đem chuông đi đánh xứ người” sẽ bớt “nhọc nhằn” hơn khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực. Nhưng cũng lại mở ra câu chuyện khác đó là làm sao để các doanh nghiệp (DN) tận dụng được cơ hội “vàng” này.

     

    Câu chuyện ngành cà phê Việt “đem chuông đi đánh xứ người” sẽ bớt “nhọc nhằn” hơn khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực. Nhưng cũng lại mở ra câu chuyện khác đó là làm sao để các doanh nghiệp (DN) tận dụng được cơ hội “vàng” này.

    Thị trường sẽ “rộng cửa”

    Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA), Việt Nam đã xuất khẩu (XK) khoảng 93 - 95% tổng sản lượng cà phê đi 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó châu Âu và Hoa Kỳ là 2 thị trường lớn nhất.

    Cà phê XK chủ yếu của Việt Nam hiện nay là cà phê nhân sống Robusta (dùng để pha trộn), nên giá trị gia tăng chưa cao nhưng lại được hưởng thuế nhập khẩu bằng 0%. Số còn lại là cà phê chế biến, đang phải chịu mức thuế nhập khẩu lớn khi xuất sang các thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu. Thông thường, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cà phê rang, cà phê bột, cà phê hòa tan bị áp thuế từ 8 - 10%, như tại Đức thuế đối với 1 kg cà phê chế biến có thể lên đến 2 Euro.

    Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Viết Vinh- Tổng Thư ký VICOFA- khẳng định: Đây là mức thuế khá cao, nếu cứ tiếp tục được giữ nguyên thì chiến lược đẩy mạnh XK các mặt hàng cà phê chế biến của DN Việt Nam sẽ rất khó thực hiện. “Do vậy, chúng tôi đang kỳ vọng khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết và có hiệu lực, các dòng thuế này sẽ được cắt giảm”- ông Vinh nói.

    Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, hàng loạt các FTA đã và sắp hoàn thành đàm phán nhằm mục đích đưa Việt Nam hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ mở cửa hơn nữa cho cà phê đã qua chế biến của Việt Nam nâng kim ngạch XK, đặc biệt khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng sẽ nâng tỷ trọng cà phê chế biến chiếm từ 10 - 20%. Dự báo, chỉ riêng thị trường EU, sau khi các dòng thuế được cắt giảm, XK hàng hóa của Việt Nam, trong đó có cà phê có thể tăng kim ngạch XK sang EU lên 30 - 40%.

    Nhận diện rào cản

    Việc nắm bắt được các cơ hội còn phụ thuộc rất nhiều vào thực lực của các DN nội, bởi một khi mở cửa hàng rào thuế quan thì các hàng rào kỹ thuật kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sẽ được các nước chú trọng nhiều hơn.

    Khi các “hàng rào” về chất lượng được dựng lên, thì cà phê Việt khó lòng “chui lọt” vào các thị trường khó tính. Bởi “98% lượng cà phê XK hiện tại với các tiêu chuẩn vào loại trung bình. Do đó, để XK được vào các thị trường này, phải sắp xếp lại chuỗi giá trị từ khâu giống, cách thức trồng trọt, chăm sóc, bảo quản, chế biến... tạo ra chuỗi sản phẩm có chất lượng cao”- ông Lương Văn Tự- Chủ tịch VICOFA- nhấn mạnh.

    Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam cũng cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 100 DN tham gia sản xuất- kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê, tập trung nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên. Tuy nhiên, số lượng DN sản xuất định hướng XK cà phê chất lượng cao chỉ chiếm 1,39%.

    Trước thực tế đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN cà phê trong nước, ngoài sự cố gắng của các DN, Chính phủ cần có chính sách miễn, giãn hoặc giảm thuế; hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với những dự án mà DN đầu tư mới trong thời gian sắp tới.

    Ông Nguyễn Văn An - Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa khẳng định:

    “Đầu tư một dây chuyền sấy lạnh- công nghệ chế biến cà phê hiện đại nhất hiện nay có khi bằng xây dựng cả một nhà máy. Do vậy, dù DN muốn làm mới, làm khác đi nhưng chưa có các định chế tài chính để hỗ trợ việc này”.

    (Theo trungtamwto)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn