TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh tối 21-04-2016

    Hàn Quốc: Triều Tiên đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân

    Cơ quan nghiên cứu thuộc quốc hội Hàn Quốc (NARS) khẳng định Triều Tiên có thể đã thu nhỏ được khoảng 300 kg đầu đạn hạt nhân, đủ nhỏ để gắn vào lên lửa.
    Kết quả phân tích mới của NARS - tổ chức nghiên cứu chính sách trực thuộc quốc hội Hàn Quốc - trái ngược với kết luận trước đó của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên chưa đạt tới trình độ thu nhỏ được đầu đạn tới mức có thể gắn lên tên lửa đạn đạo.
    Nay các nhà nghiên cứu của NARS cho rằng Triều Tiên đã dần dần thu nhỏ được khoảng 300 kg đầu đạn hạt nhân và hiện có từ khoảng 8 đến 20 đầu đạn thu nhỏ.
    Báo Seoul Shinmun của Hàn Quốc hôm 19.4 dẫn kết luận của NARS cho rằng kết luận trước đó của Bộ Quốc phòng nước này là “quá bảo thủ”.
    mot cuoc thu ten lua o trieu tien anh: reuters

    Một cuộc thử tên lửa ở Triều Tiên Ảnh: Reuters

    Các nhà nghiên cứu NARS cho biết đầu đạn hạt nhân đạt tới mức độ thu nhỏ khi nặng chỉ còn dưới 1.000 kg, đường kính dưới 90 cm.

    Theo NARS, Mỹ đã mất 7 năm để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, Nga mất 6 năm trong khi Trung Quốc mất 2 năm. Riêng với Triều Tiên, có thể nước này đã bắt đầu quá trình thu nhỏ đầu đạn hạt nhân kể từ sau cuộc thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.

    Washington không tin kiểu giải thích của Bắc Kinh

    Washington đã có động thái phản ứng kiên quyết sau khi Bắc Kinh cho một máy bay quân sự đáp xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

    bo truong ashton carter (thu hai tu trai sang) va bo truong quoc phong philippines voltaire gazmin (thu hai tu phai sang) trong chuyen tham tau uss john c. stennis dang tuan tra o bien dong hom 15-4 - anh: bo quoc phong my

    Bộ trưởng Ashton Carter (thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin (thứ hai từ phải sang) trong chuyến thăm tàu USS John C. Stennis đang tuần tra ở Biển Đông hôm 15-4 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

    Theo CNN, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis khẳng định Washington đã biết việc máy bay quân sự của Trung Quốc đáp xuống đá Chữ Thập hôm 17-4 (báo chí Trung Quốc đăng tải vào hôm sau).

    Theo ông Davis, Trung Quốc giải thích đây là hoạt động nhân đạo nhằm sơ tán ba công nhân bị bệnh nhưng Washington không đồng ý.

    “Không rõ vì lý do gì Trung Quốc lại sử dụng một máy bay quân sự chứ không phải một máy bay dân sự. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tái xác nhận rằng họ không có kế hoạch triển khai hay luân phiên máy bay quân sự ở những điểm thuộc quần đảo Trường Sa, theo đúng với những cam đoan mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó” - ông Davis lên tiếng.

    Âm mưu lồ lộ

    Vụ việc lần này được phối hợp rất rõ ràng. Nhật báo Quân Giải Phóng Nhân Dân của Trung Quốc đăng tải thông tin và hình ảnh. Rồi tờ Thời báo Hoàn Cầu “bình luận” đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận việc cho máy bay hạ cánh trên đá Chữ Thập.

    Tờ báo này còn dẫn lời chuyên gia quân sự nói rằng động thái này cho thấy đường băng xây dựng tại đá Chữ Thập có thể phù hợp cho hoạt động của các loại máy bay dân sự, máy bay chiến đấu và máy bay vận tải cỡ lớn... Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000m và là một trong ba đường băng mà Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

    Trong chuyến thăm tàu sân bay USS John C. Stennis đang thực hiện tuần tra khẳng định “tự do hàng hải” ở Biển Đông mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh với thủy thủ trên tàu rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra lo lắng và làm tăng những căng thẳng trong khu vực.

    “Phản ứng với điều này, các nước ở châu Á - Thái Bình Dương, cả những đồng minh lâu năm và những nước đối tác lại tiếp cận Mỹ nhằm tăng cường những luật lệ và nguyên tắc cho phép khu vực phát triển mạnh. Và chúng ta đáp lại lời kêu gọi đó” - ông Carter nhấn mạnh.

    Trong lúc theo sát hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, quân đội Mỹ cũng đang đề cập đến khả năng sẽ đưa tàu ngầm không người lái đến Biển Đông trong tương lai gần. Báo Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Carter xác nhận về khả năng này.

    Tờ báo cho biết trong sáu tháng qua, Lầu Năm Góc đã bắt đầu thảo luận công khai một chương trình phát triển các thiết bị không người lái hoạt động dưới lòng biển, trong khuôn khổ kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc chi phối khu vực Biển Đông.

    Bộ trưởng Carter cho biết Lầu Năm Góc đang đầu tư phát triển các tàu ngầm không người lái với nhiều kích cỡ và trọng tải khác nhau. Những thiết bị này có thể hoạt động trong các vùng nước cạn mà các tàu ngầm thông thường không thể đi vào và có thể sẽ được đưa vào hoạt động cuối thập niên này.

    Anh lên tiếng

    Cùng ngày, ông Hugo Swire - quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Anh - nhấn mạnh cả Trung Quốc và Philippines phải tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở The Hague. Phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6-2016.

    Hãng tin AFP dẫn lời ông Swire nói rằng Chính phủ Anh cũng xem phiên tòa này là một cơ hội để cả Philippines và Trung Quốc khôi phục đàm phán về những tranh chấp giữa họ. Quan chức này nhấn mạnh dù mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh đang tốt nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ Anh ngừng chỉ trích việc Trung Quốc đang có những động thái bành trướng tham vọng tuyên bố chủ quyền vô lý ở Biển Đông.

    “Chúng tôi nêu rõ quan điểm với Trung Quốc rằng chúng ta chỉ có thể thực hiện kiểu thỏa thuận này theo cách cởi mở và minh bạch, theo hệ thống luật pháp quốc tế” - quốc vụ khanh Swire phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ).

    Hồi tháng 2-2016, Mỹ và Liên minh châu Âu (bao gồm cả Anh) cũng đã cảnh báo Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết của tòa án ở The Hague. Washington bày tỏ quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ viện cớ để tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Liên quan đến vấn đề này, ông Swire cho biết Chính phủ Anh quan tâm đến tự do hàng hải và quyền bay ở khu vực trên.


    Ông Tập Cận Bình kêu gọi đảng viên lắng nghe quần chúng qua internet

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các đảng viên sử dụng internet để nghe những bất bình và chỉ trích từ dân chúng đối với chính sách cầm quyền của đảng.
    Trong một cuộc gặp các đảng viên, ông Tập kêu gọi “đảng nên kiên nhẫn với người sử dụng internet, giải quyết những khó khăn và kịp thời chỉnh sửa những quan điểm lệch lạc từ dân chúng trên không gian mạng”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập ngày 20.4.
    Ông Tập nhấn mạnh vai trò của internet trong xã hội Trung Quốc, như là cách định hướng và phản ánh tiếng nói của dân chúng.
    “Trung Quốc chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của internet và thành quả vĩ đại được tạo ra từ trong an ninh internet và thông tin, dù vẫn còn nhiều mặt hạn chế chưa được khắc phục”, ông Tập nói.
    Tại Trung Quốc có hơn 700 triệu người sử dụng internet, ông Tập cho rằng đó là thành tựu lớn và khẳng định internet tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
    “Các nhà quản lý nên đón nhận và rút ra những bài học kinh nghiệm từ trên mạng, bất kể đó là những chỉ trích đối với đảng, chính phủ hay cá nhân lãnh đạo nào”, ông Tập phát biểu trong cuộc gặp có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao của đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc, theo Reuters.
    ong tap keu goi dang vien su dung internet reuters

    Ông Tập kêu gọi đảng viên sử dụng internet Reuters

    Đồng thời, ông Tập cũng kêu gọi một cơ chế quản lý không gian mạng tốt hơn, phát triển văn hóa mạng lành mạnh và tích cực cho mọi người, theo Tân Hoa xã.

    Trung Quốc lâu nay có chính sách kiểm soát chặt chẽ internet. Nhiều chỉ trích từ quốc tế cho rằng Bắc Kinh vi phạm nhân quyền và gây khó khăn cho giới doanh nghiệp bằng sự kiểm soát internet này.
    Trong khi đó, giới chức Trung Quốc giải thích rằng hạn chế internet là điều cần thiết để giữ gìn an ninh trước mối đe dọa khủng bố, làn sóng dân chủ kiểu phương Tây có thể gây bất ổn xã hội và chính trị của nước này, theo Reuters.

    Trung Quốc bị nhiều nước phản đối

    Bắc Kinh đang đối mặt áp lực ngoại giao ngày càng lớn khi có thêm nhiều nước lên tiếng ủng hộ vụ kiện của Manila

    Đối mặt sức ép ngày càng tăng, Trung Quốc đang vận động Nga phản đối Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) xét xử vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông. Phát biểu tại cuộc gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở thủ đô Moscow hôm 18-4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn cho rằng 2 nước nên bắt tay “chống lại việc quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”. “Cả Trung Quốc và Nga cần đề phòng cảnh giác việc lạm dụng các phiên tòa trọng tài” - ông Vương hô hào.

    Theo Tân Hoa Xã, ông Lavrov đã lên tiếng ủng hộ lập trường này của người đồng cấp Trung Quốc - một động thái không khiến nhiều người bất ngờ. Vào tuần rồi, chính quan chức này cũng nói rằng các bên liên quan trên biển Đông nên tự giải quyết tranh chấp, không nên quốc tế hóa vấn đề. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình sau đó khẳng định Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến 2 nước thì giải quyết song phương nhưng những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ vấn đề quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan. Đối với những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực như an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung quan tâm.

    ngoai truong nga sergei lavrov (trai) va nguoi dong cap trung quoc vuong nghi tai cuoc hop bao chung hom 18-4 anh: reuters

    Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp báo chung hôm 18-4 Ảnh: REUTERS

    Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng những lời lẽ trên của ông Vương chứng tỏ Trung Quốc đang tăng cường chuẩn bị cũng như tìm kiếm sự ủng hộ trước khi PCA dự kiến đưa ra phán quyết vào tháng 5 hoặc tháng 6. Ngoài ra, việc Ngoại trưởng Trung Quốc tìm cách vận động Nga cũng cho thấy Bắc Kinh đang đối mặt áp lực ngoại giao ngày càng lớn khi có thêm nhiều nước lên tiếng ủng hộ vụ kiện. Ông Hugo Swire, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Đông Á, hôm 18-4 cho rằng phán quyết của PCA mang tính ràng buộc và phải được tuân thủ. Cũng trong tháng này, Liên minh châu Âu thúc giục Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA. Chưa hết, ngoại trưởng các nước nhóm G7 (7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) đã cùng phản đối hành động khiêu khích (của Trung Quốc) ở biển Đông trong tuyên bố hôm 11-4.

    “Trung Quốc gần như bị cô lập trong vấn đề này. Là đối tác chiến lược, Trung Quốc cùng Nga đang quan tâm và bắt tay vì lợi ích cốt lõi của nhau” - ông Lý Hưng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh, nhận định với SCMP. Một số nhà phân tích cho rằng bên cạnh sự hợp tác về chính trị, đầu tư của Bắc Kinh vào Moscow đang đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh kinh tế Nga lao đao do áp lực trừng phạt của phương Tây cũng như hoạt động quân sự tốn kém tại Syria.

    Trong lúc này, làn sóng chỉ trích tiếp tục trút lên Trung Quốc sau khi nước này ngang nhiên đưa máy bay quân sự đến Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để “sơ tán các công nhân bị ốm” đang hoạt động trái phép ở đó. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Gary Ross hôm 19-4 kêu gọi Trung Quốc làm rõ ý định của mình cũng như tái khẳng định nước này không có kế hoạch triển khai máy bay quân sự tại các tiền đồn xây trái phép ở quần đảo Trường Sa sau hành động khiêu khích nói trên. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby, thì thấy khó hiểu trước quyết định sử dụng máy bay quân sự để cứu nạn công nhân của Trung Quốc. Theo ông này, bản thân các công nhân gặp nạn cũng là “một vấn đề” bởi rõ ràng họ đang “nâng cấp các công trình có tính chất quân sự” của Trung Quốc.


    Malaysia phá băng lừa đảo thẻ tín dụng

    Cơ quan Điều tra tội phạm thương mại thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia (CCID) vừa phá đường dây lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả lớn sau cuộc điều tra kéo dài 5 tháng.
    Kênh truyền hình Astro Awani hôm qua 19.4 dẫn lời ông Khalil Azlan Chik, phụ trách bộ phận chống rửa tiền thuộc CCID, cho biết nhà chức trách đã tiến hành nhiều cuộc bố ráp tại khu vực Thung lũng Klang, bao gồm thủ đô Kuala Lumpur, và TP.Ipoh trong cuối tuần qua và đầu tuần này.
    Cảnh sát đã tịch thu 163.000 ringgit (hơn 938 triệu đồng) tiền mặt, 2.371 thẻ tín dụng giả và 3 máy sản xuất thẻ tín dụng giả.
    Theo kết quả điều tra, các nghi phạm đã dùng thẻ tín dụng giả mua hàng có giá trị ở nước ngoài rồi bán lại trên thị trường nội địa với giá thấp hơn.
    Hiện cảnh sát đã bắt giữ 19 người Malaysia và 1 người Nigeria với cáo buộc lừa đảo và sở hữu thiết bị làm hàng giả. Nếu bị kết tội, họ có thể ngồi tù đến 20 năm.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn