"Biết cho đi mới là người giàu có"
(Tin kinh te)
20 tuổi đã dám “liều” cầm cố gia sản để vay tiền làm trang trại chăn nuôi quy mô lớn đầu tiên ở xã miền núi nghèo khó. Gặt hái thành quả thì sẵn lòng sẻ chia, vận động bà con cùng mạnh dạn mở hướng thoát nghèo. Cuộc gặp gỡ với chủ trang trại tổng hợp thế hệ 8X Tôn Kế Toại (xã Sơn Thủy, Hương Sơn) đã đưa tôi đến với những bất ngờ thú vị.
Khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương đã sớm được Tôn Kế Toại ấp ủ khi tham gia khóa trung cấp thú y 8 năm trước. Tuy nhiên, “biết tiềm năng đất đai rộng lớn quê mình quý hơn vàng bạc nhưng khởi nghiệp từ tay trắng nên bí nhất vẫn là nguồn vốn. Học nghề thú y, chưa tìm được hướng đi, tôi tham gia công tác đoàn và tiếp tục khóa đại học tại chức quản trị kinh doanh. Đến năm 2012, sau khi nghiên cứu kỹ chính sách hỗ trợ của tỉnh trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi bàn với cha mẹ xin cắm bìa đất vay vốn làm trang trại nuôi lợn thương phẩm liên kết quy mô 600 con với Công ty Chăn nuôi CP. Không ai đồng ý vì ý tưởng làm ăn quá táo bạo. Cả xã lúc đó chưa có mô hình chăn nuôi quy mô lớn, ở huyện cũng mới manh nha xây dựng những trang trại lớn đầu tiên. Tôi phải tổ chức một chuyến tham quan trang trại chăn nuôi ở Nghi Xuân cho đại gia đình mình. Sau chuyến đi đó, cha mẹ cho tôi bán con bò làm vốn và giao bìa đất cho tôi đi gặp ngân hàng” - Tôn Kế Toại chia sẻ.
Khó khăn nối tiếp trong suốt gần nửa năm xây dựng trang trại bởi số vốn vay ngân hàng ban đầu 180 triệu đồng chưa đủ mua vật liệu. “Huy động hết anh em, bạn bè, khất nợ nhiều nhà thầu, bám trụ ngày đêm với công trình, tôi xơ xác như con ma đói, vợ lo lắng gầy rạc. Nhiều người ái ngại cho rằng, tôi trẻ tuổi nên làm liều. May mắn là thời điểm đó, tôi đã được tiếp cận các chính sách hỗ trợ rất lớn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, sự định hướng, hỗ trợ sát sao của Tỉnh đoàn, sự tạo điều kiện tối đa của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tôi luôn tự nhủ, nhất định mình phải đi đến thành công để bà con trong xã áp dụng, nhân rộng, từ đó, góp phần mở hướng bứt phá cho phát triển kinh tế địa phương”.
Ngoài việc được địa phương tạo điều kiện về đất đai, được nhận số tiền hỗ trợ xây dựng mô hình từ các cấp chính quyền trên 200 triệu đồng và được vay vốn hỗ trợ lãi suất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mô hình còn được Tỉnh đoàn hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cũng như làm cầu nối tiếp cận doanh nghiệp liên kết một cách bền vững. Hướng đi đúng đã được khẳng định khi dãy chuồng trại lợn thương phẩm 600 con xuất những lứa đầu tiên. Với kết quả này, anh Toại tiếp tục được ngân hàng hỗ trợ để mở rộng quy mô chuồng trại lên gấp đôi.
“Định hình được lợn thương phẩm là sản phẩm chủ lực, tuy nhiên, để tận dụng hết quỹ đất, đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập, tôi tiếp tục liên kết với Công ty Thực phẩm chăn nuôi thỏ nái Hà Nội nuôi 150 cặp thỏ sinh sản và nuôi thêm bò, gà, bồ câu. Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình tôi đến nay đã đi vào quy củ, lãi ròng gần 1 tỷ đồng/năm” - anh Toại chia sẻ.
'Biết cho đi mới là người giàu có'Thành công của anh Tôn Kế Toại đã mở đường cho tư duy sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn xã Sơn Thủy.
“Thành công của thanh niên Tôn Kế Toại đã mở đường cho tư duy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thúc đẩy địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất với các mô hình chăn nuôi từ quy mô nhỏ, vừa đến lớn. Riêng trang trại của anh Toại đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 3 lao động thời vụ với mức lương 3-5 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng quý là không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Toại rất nhiệt tình vận động, hỗ trợ nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế” - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy - Phan Văn Đoài khẳng định. “Sau khi thành công ở mô hình liên kết chăn nuôi thỏ, tôi nhận thấy hướng đi này không phải đầu tư quá nhiều vốn, kỹ thuật không phức tạp, chỉ cần đảm bảo đầu ra là người dân có thể làm được. Vì vậy, tôi đã vận động và hỗ trợ 4 hộ tham gia mô hình nuôi thỏ” - Tôn Kế Toại kể.
4 gia đình mà anh Toại vận động “xây dựng mô hình điểm” có hoàn cảnh, điều kiện không giống nhau: anh Phan Thanh Tân là một thanh niên đang tìm đường lập nghiệp sau những ngày tháng “rong chơi quên đường về”; ông Trần Văn Sơn - hộ đặc biệt khó khăn, 1 người lành lặn nuôi 4 thành viên bị ốm đau, tàn tật; chị Hồ Thị Trúc - cán bộ văn hóa xã; chị Trần Thị Xuân - hộ có đủ điều kiện nhưng chưa đầu tư phát triển mô hình. Từ điều kiện cụ thể của các gia đình, anh Toại cố gắng chọn cách hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, đối với hộ khó khăn, anh không chỉ giúp con giống, kỹ thuật mà còn hỗ trợ thiết bị chuồng trại và thường xuyên động viên, theo dõi. Đến nay, tất cả các hộ đều đã có sản phẩm thu hoạch và anh Toại là “bà đỡ” trong việc tìm đầu mối tiêu thụ.
“Tôi đang cố gắng chứng minh rằng, nếu có quyết tâm, cùng với sự hỗ trợ thì tất cả người dân Sơn Thủy đều có thể phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Một vị lãnh đạo của tỉnh sau khi biết câu chuyện này đã động viên tôi: người giàu không phải là người nhiều của cải mà chính là người biết cho, biết chia sẻ thành quả của mình với bà con còn nghèo khó. Và đó cũng chính là niềm hạnh phúc, là động lực để tôi nỗ lực hơn nữa trong vai trò Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã vừa được cấp ủy, chính quyền và nhân dân giao phó”.