Tay trắng làm nên thương hiệu
(Tin kinh te)
Từ một người bán bánh dạo, nhưng nhờ kiên trì và quyết tâm, vợ chồng anh Trần Lê Hùng (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, An Giang) đã xây dựng được thương hiệu bánh hạnh nhân Tiến Anh nổi tiếng như hiện nay.
Khởi nghiệp từ bán bánh dạo
Anh Hùng vốn không phải là “con nhà nòi” trong nghề làm bánh, cũng không phải là thương buôn chuyên nghiệp. Cơ duyên đưa anh đến với nghề làm bánh là do vợ anh, chị Nguyễn Thị Trang Thùy giỏi nữ công gia chánh, đặc biệt là làm các món bánh vừa ngon vừa khéo. Lúc vợ chồng mới cưới nhau, để kiếm đồng ra đồng vô, chị Thùy học cách làm bánh hạnh nhân và khởi sự với những bánh đầu tiên nướng bằng lửa than. Lúc đó, toàn bộ các khâu từ nhồi bột, cắt, nướng… đều làm thủ công nên số lượng không nhiều, sản phẩm chỉ bán trong vùng chớ chưa đi xa. “Mỗi ngày nướng được vài ký, tôi tự đem ra chợ ở thị trấn Chợ Mới bán lẻ cho các hàng quán. Dần dà thấy ngon, các chủ tiệm tạp hóa cũng đặt bánh để bán lại và số lượng cứ thế tăng dần”, chị Thùy kể.
Thấy nghề làm bánh tuy cực nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình, vợ chồng anh Hùng bắt đầu chiến lược “marketing”. “Bánh vợ làm ra một phần bỏ mối, số còn lại tôi đạp xe đi khắp các chợ bán lẻ, sẵn đó giới thiệu sản phẩm đến những người chưa biết, dò xem phản ứng của họ thế nào để mình cải thiện chất lượng hơn”, anh Hùng bộc bạch. Trời không phụ người có ý chí, sản phẩm bánh hạnh nhân của anh chị ngày càng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, thời gian sau cũng có nhiều người làm theo, tính cạnh tranh gay gắt nên anh chị quyết định đầu tư máy móc, thiết bị… khởi đầu hành trình tạo thương hiệu bánh hạnh nhân Tiến Anh.
Không ngừng đổi mới
Tại cuộc thi “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2014” do Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) tổ chức, cơ sở bánh hạnh nhân Tiến Anh là 1 trong 2 cơ sở của An Giang vinh dự được bình chọn.
“Tùy theo thị trường, khẩu vị của khách mà chúng tôi gia giảm nguyên phụ liệu, làm mới hình thức. Vì thế mà bánh hạnh nhân Tiến Anh được tiêu thụ khắp nơi không chỉ ở ĐBSCL mà còn ra cả miền Trung và Tây nguyên. Hơn 20 năm qua, bí quyết để tôi làm nên thương hiệu bánh hạnh nhân Tiến Anh (Chợ Mới) vẫn chính là lấy chất lượng để chinh phục khách hàng”, anh Hùng cho biết.
Đặc biệt trong những lần hội chợ, cơ sở đều hăng hái tham gia, bởi đây không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi giữa các doanh nghiệp mà còn là nơi quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng một cách tốt nhất. Làm ăn ngày càng phát triển, để cơ sở đứng vững trên thị trường, anh Hùng đã mạnh dạn đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng sáng chế. Ngoài ra, cơ sở sản xuất bánh hạnh nhân Tiến Anh còn đăng ký luôn thương hiệu, bao bì, kiểu dáng với Sở Y tế tỉnh An Giang để đảm bảo tính pháp lý trong quá trình kinh doanh.
Nhằm tạo ra nét riêng, cơ sở Tiến Anh đã đăng ký mẫu bánh hạnh nhân hình hoa mai 5 cánh là sản phẩm độc quyền. Chị Thùy giải thích rằng hoa mai báo hiệu cho mùa xuân, vui tươi. Khi nướng lên, các cánh hoa bung ra, tạo cảm giác sung túc, no ấm. “Vợ tôi là người nghĩ ra ý tưởng hoa mai 5 cánh, nhưng khổ nỗi trên thị trường lúc đó làm gì có bán máy cắt bánh như thế. Vậy là tôi lại tìm tòi, nhờ những người bạn thợ hàn tiện làm cái khuôn hình hoa mai. Cũng thử nghiệm năm lần bảy lượt mới thành công”, anh Hùng nhớ lại.
Hiện nay qua mỗi năm, cơ sở Tiến Anh còn thay đổi mẫu mã bao bì, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng. Theo anh Hùng, những năm trước, bánh vô bọc, đóng hộp được ưa chuộng thì hiện nay các mặt hàng bánh vô bao bì nhỏ, sử dụng hộp giấy được người tiêu dùng thích hơn. Đặc biệt, để giữ vững chất lương, hương vị của bánh, cơ sở đã đầu tư 3 máy ép bao bì (mỗi máy 120 triệu đồng) để vô bao bì từng cái bánh khi mới ra lò; đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại từ khâu nhồi bột, cắt bánh, nướng bánh nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng. Hiện nay, mặt hàng chủ lực của cơ sở là bánh hạnh nhân bông mai với nhiều hương vị, như: đậu phộng, mè, sôcôla… được vô bao, đóng hộp tiện dụng và được người tiêu dùng ưa chuộng.