TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 09-09-2018

    Đề xuất nhiều biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

    Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tửnhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử và mở rộng cơ sở thu thuế.

    kinh doanh thuong mai dien tu la mot loai hinh kinh doanh moi dang phat trien manh. nguon: internet

    Kinh doanh thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh. Nguồn: internet

    Kinh doanh thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống ở tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác kinh doanh và thúc đẩy sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

    Thời gian gần đây, ở Việt Nam, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài... ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ sự thuận lợi của loại hình kinh doanh qua mạng.

    Về quản lý thuế đối với hoạt động này, Luật Quản lý thuế hiện hành đã tạo nền tảng và mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và thương mại điện tử thông qua cơ chế tự khai - tự nộp, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác quản lý thuế (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử).

    Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng nhằm vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử và mở rộng cơ sở thu thuế, Bộ Tài chính cho rằng, cần có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.

    Theo đó, tại Dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online.

    Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế. Trong đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; Kết nối, cung cấp thông tin liên quan để quản lý thuế đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; Thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

    Ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

    Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất trên của Bộ Tài chính là hợp lý bởi thương mại điện tử là lĩnh vực rất rộng, nếu chỉ ngành Thuế thì không thể quản lý được mà cần có sự phối hợp, vào cuộc của các bộ, ngành trong quản lý thuế đối với lĩnh vực này.(TCTC)
    ----------------------

    Cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt đối với xuất khẩu

    Tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2018 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với xuất khẩu...

    Chỉ thị số 25/CT-TTg nêu rõ, trong những năm qua hoạt động xuất khẩu đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 13,5%/năm. Xuất siêu được duy trì trong cả hai năm 2016 và 2017. Đặc biệt, xuất khẩu năm 2017 đạt thành tích cao cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu của nước ta vẫn còn những hạn chế, tồn tại và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

    Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững, cùng với việc thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với xuất khẩu. Các bộ, ngành khẩn trương xem xét lại một số quy định đối với sản xuất và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, chế biến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

    Thủ tướng Chính yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các thị trường ngoài nước tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; Kịp thời thông tin để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

    Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh là thủy sản, rau quả, cà phê, điều, hồ tiêu, gạo, sắn.

    Đồng thời, phát triển sản xuất công nghiệp gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương; gắn với phát triển quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có thế mạnh là dệt may, da giầy, điện tử, gỗ và sản phẩm gỗ.

    Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, tăng cường công tác đàm phán, hội nhập để phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Đẩy mạnh hoạt động phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng...

    Thủ tướng cũng yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh công tác thông tin thị trường cho các hội viên để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động; Đẩy mạnh thông tin tới hội viên về các mô hình quản trị hiện đại, tầm quan trọng của cải tiến mẫu mã và đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm có thương hiệu đối với hoạt động xuất khẩu.

    Các Hiệp hội phát huy vai trò trong việc liên kết các hội viên, đại diện để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các hội viên trong thương mại quốc tế; Thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, phối hợp và hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai tổ chức đào tạo và tiếp nhận, sử dụng lao động sau đào tạo.(TCTC)
    --------------------------

    Vì sao nhà đầu tư châu Á đổ bộ bất động sản Việt Nam?

    Tỷ suất sinh lời của bất động sản cao cấp Việt Nam vượt trội so với các nước ASEAN.

    Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho biết, trong 3-5 năm qua, các nhà đầu tư châu Á đến từ Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật, Malaysia, Trung Quốc đang hoạt động cực kỳ sôi nổi tại thị trường bất động sản Việt Nam. Họ chuộng các quỹ đất vàng, chuyên phát triển bất động cao cấp và hạng sang.

    Lãnh đạo DKRA Việt Nam cho rằng làn sóng đầu tư của nhà đầu tư châu Á sẽ còn tăng trong vài năm tới. Chuyên gia này cũng đưa ra 7 nguyên nhân tạo nên cơn lốc săn đất vàng Việt Nam để phát triển bất động sản cao cấp của nhóm nhà đầu tư gốc Á. 

    Thứ nhấtViệt Nam là nước có thị trường bất động sản đang phát triển. Tại các thị trường còn sơ khai (còn gọi là thị trường mới nổi), có nhiều cơ hội đầu tư hơn những thị trường đã phát triển quá lâu (bão hòa cơ hội). Bất động sản nhiều nước ở châu Á đang có giá quá cao và việc đầu tư thời điểm này không còn hấp dẫn tại bản xứ đã thôi thúc nhà đầu tư gốc Á rót vốn vào thị trường Việt Nam. 

    Thứ haiViệt Nam là quốc gia có sự ổn định về chính trị, đây được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm trước khi bước chân vào một thị trường mới mẻ. Sự ổn định chính trị mang tính an toàn cho các suất đầu tư trong bối cảnh biến động địa chính trị toàn cầu ngày càng khó lường.

    Thứ babất động sản cao cấp và hạng sang tại Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh có hiệu suất sinh lời cao hơn so với các nước ASEAN. Theo báo cáo gần đây của một số đơn vị khảo sát trong nước, bất động sản cao cấp tại quận 1, 3 TP. Hồ Chí Minh có tỷ suất sinh lời trên dưới 4%. Tại quận 2, khu Thảo Điền, An Phú và Thủ Thiêm, căn hộ cao cấp đạt tỷ suất sinh lời 5-6,5%.

    Trong khi đó, tỷ suất sinh lời của suất đầu tư căn hộ hạng sang trong khối ASEAN dao động trong khoảng 3,7- 5,2% và ở khu vực châu Á cũng ở ngưỡng tương đương. Do đó, bất động sản hạng sang tại TP. Hồ Chí Minh được xem là khá cạnh tranh trong khi giá bán lại “mềm” hơn.

    Thứ tư, Việt Nam có nền văn hoá Á Đông phù hợp với văn hóa của các quốc gia trong khu vực châu Á. Sự tương đồng hoặc gần gũi về văn hóa là cầu nối rất hữu hiệu trong quá trình xúc tiến đầu tư, hợp tác đầu tư, giúp các ông lớn địa ốc châu Á dễ dàng tiếp cận, thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam. 

    Thứ nămViệt Nam có dân số trẻ và đang ở giai đoạn bứt phá thu nhập nên nhu cầu nhà ở tăng mạnh. Tầng lớp trung lưu, thậm chí giới nhà giàu và siêu giàu được xếp vào nhóm tăng trưởng nhanh của thế giới là lợi thế được đánh giá có phần vượt trội của Việt Nam.

    Với sản phẩm chủ đạo của nhà đầu tư gốc Á là bất động sản cao cấp, họ nhắm đến người tiêu dùng là giới nhà giàu, sẵn sàng chi trả cho tài sản giá trị cao với chất lượng vượt trội nhằm khẳng định vị thế.

    Thứ sáulãi suất ở các thị trường bất động sản phát triển trong khu vực châu Á cực thấp. Mức lãi suất phổ biến tại Nhật là 1%, tại Singapore là 3%, Hàn Quốc dưới 2% và nhiều vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Hong Kong cũng ở mức khiêm tốn so với Việt Nam. Đây là yếu tố thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư, các ông lớn bất động sản châu Á cập bến Việt Nam. Vì ngoài hợp tác phát triển dự án với biên lợi nhuận được cam kết, họ còn thực hiện các thương vụ mượn vốn với lãi suất tốt hơn ở quê nhà.

    Thứ bảydo cùng một khu vực châu Á, khoảng cách di chuyển giữa Việt Nam đến nước sở tại của nhóm nhà đầu tư gốc Á được xem là nhanh chóng, thuận tiện hơn hẳn so với những châu lục khác. Khoảng cách địa lý gần giúp nhà đầu tư châu Á có nhiều cơ hội giám sát, kiểm tra thực địa thị trường mới và kịp thời đưa ra các quyết định quan trọng, giúp suất đầu tư đạt hiệu quả cao nhất.(Vnexpress)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn