TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 10-02-2016

    Trung Quốc sắp mất vị trí nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới về tay Việt Nam

    trung quoc sap mat vi tri nuoc nhap khau bong lon nhat the gioi ve tay viet nam

    Trung Quốc sắp mất vị trí nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới về tay Việt Nam


    Trung Quốc vừa để mất vị trí nước sản xuất bông lớn nhất thế giới về tay Ấn Độ, và cũng sắp mất nốt vị trí nước nhập khẩu bông hàng đầu thế giới. Đó là nhận định của Uỷ ban Tư vấn Bông Quốc tế (ICAC), với lý do polyester gia tăng cạnh tranh với bông.

    ICAC dự báo nhập khẩu bông vào Trung Quốc trong niên vụ 2015/16 sẽ giảm 40%, nhiều hơn mức giảm 34% dự báo trước đây, từ 1,2 triệu tấn xuống 1,08 triệu tấn (5 triệu kiện).

    Con số này thấp hơn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) – là 5,5 triệu kiện, mức thấp nhất trong vòng 13 năm.

    Trên cơ sở đó, ICAC cho biết Trung Quốc sẽ rơi xuống vị trí thứ 2 về nhập khẩu bông, ngang bằng với Bangladesh, nhường lại vị trí hàng đầu cho Việt Nam – dự báo sẽ mua 1,1 triệu tấn bông trong niên vụ này.

    “Nhập khẩu bông vào Việt Nam trong 4 tháng đầu niên vụ 2015-16 (bắt đầu vào tháng 8) đạt 327.000 tấn, trong khi Trung Quốc chỉ đạt 247.000 tấn”, ICAC cho biết.

    Ngành xe sợi bông tại Việt Nam đã tăng trưởng gấp 3 lần chỉ trong vòng 4 năm qua. Theo USDA, Việt Nam đang chiếm một nửa trong tổng mức tăng trưởng nhu cầu bông toàn cầu, bởi xuất khẩu sợi bông tăng nhanh.

    Số liệu của USDA cho thấy xuất khẩu ròng sợi bông Việt Nam đã tăng trung bình 40%/năm trong giai đoạn 2011-12 đến 2015-16, trong đó Trung Quốc là thị trường số 1 kể cả trước năm 2011-12 và tiếp tục gia tăng trong những năm sau đó, hiện chiếm 80-90% tổng xuất khẩu sợi bông của Việt Nam. Sự tăng trưởng này song hành với việc Trung Quốc tăng đầu tư vào lĩnh vực xe sợi ở Việt Nam, và thị trường bán buôn trọng tâm của một số công ty.

    Lý do chính của việc này xuất phát từ chính sách hỗ trợ giá bông của chính phủ Trung Quốc, khiến cho giá bông tại nước này duy trì lâu ở mức cao hơn so với giá quốc tế khiến cho nhiều nhà máy xe sợi trong nước không thể có lợi nhuận. Ngoài ra, tiêu thụ sợi bông ngay tại thị trường Việt Nam cũng tăng trưởng ấn tượng – gấp đôi kể từ năm 2011-12 đến nay. Do vậy, ngay cả khi tiếp tục tăng xuất khẩu sợi sang Trung Quốc thì vị thế của ngành sợi bông trong chuỗi giá trị dệt may tại Việt Nam cũng vẫn tăng trưởng mạnh.

    bong canh tranh voi polyester

    Bông cạnh tranh với polyester

     

    ICAC khẳng định vai trò ngày càng tăng của Việt Nam với tư cách là nhà nhập khẩu bông, bởi khối lượng nhập dự báo sẽ tăng 17% trong niên vụ này, được kích thích bởi chi phí lao động thấp.

    “Tiêu thụ bông ở Việt Nam và Bangladesh đang tăng nhanh, do chi phí sản xuất rẻ, trong khi cả hai quốc gia này đều sản xuất rất ít bông nên phải phụ thuộc nhiều vào bông nhập khẩu”, ICAC cho biết.

    Tuy nhiên, cũng phải kể tới sự cạnh tranh ngày càng mạnh của polyester, sản phẩm mà Trung Quốc sản xuất 72% sản lượng toàn cầu. Polyester cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với bông tại các nhà máy dệt may ở Trung Quốc.

    Giá polyester ngày càng rẻ hơn nhiều so với bông. Theo ICAC, giá sợi nhân tạo trong nửa đầu niên vụ 2015/16 trung bình là 48 US cent/lb, trong khi giá bông – được tính bằng chỉ số Cotlook A – trung bình là 70 US cent/lb.

    Theo ICAC: “Việc giá polyester liên tục giảm khiến cho thị phần của bông trên thị trường nguyên liệu dệt ngày càng bị co hẹp lại, nhất là ở Trung Quốc, nơi polyester đã được ưa chuộng hơn bông trong suốt mấy vụ gần đây”. Và tổ chức này đã hạ 200.000 tấn dự báo về tiêu thụ bông Trung Quốc niên vụ 2015-16 xuống 7,1 triệu tấn.

    Dự báo về niên vụ mới

    Điểm đáng chú ý trong dự báo của ICAC là sản lượng bông của hai nước sản xuất lớn – Trung Quốc và Mỹ – sẽ giảm lần lượt 19% và 18% trong năm 2015-16 do diện tích trồng giảm bởi nhu cầu yếu và tồn trữ cao trên toàn cầu.

    Trong năm 2015-16, sản lượng bông Trung Quốc dự báo sẽ ở mức khoảng 5,3 tiệu tấn, giảm 19% so với năm 2014-15 và thấp hơn 35% so với mức cao kỷ lục 8,1 triệu tấn của vụ 2007-08. Tương tự, diện tích thu hoạch ở Mỹ giảm 13% cộng với năng suất thấp do mưa quá nhiều trong mùa thu sẽ khiến sản lượng giảm 18% xuống 2,9 triệu tấn. Tuy nhiên, tồn trữ bông tại hai nước này vẫn gia tăng.

    Trong khi đó, tiêu thụ bông của Bangladesh năm nay sẽ tăng 10% lên trên 1 triệu tấn, bởi nhu cầu gia tăng từ các hãng sản xuất hàng may mặc và những chính sách ưu đãi cho ngành dệt của chính phủ nước này.

    Đặc biệt, tiêu thụ bông của Việt Nam – một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của Bangladesh trên thị trường may mặc toàn cầu – dự báo sẽ tăng mạnh 20% lên 1,1 triệu tấn trong năm 2015-16.

    ICAC dự báo tồn trữ bông thế giới niên vụ này sẽ ở mức 20,5 triệu tấn, giảm khoảng 1,6 triệu tấn so với năm trước do sản lượng dù tăng lên 23,1 triệu tấn nhưng vẫn thấp hơn so với tiêu thụ 24,1 triệu tấn. Tồn trữ sẽ còn tiếp tục giảm thêm khoảng 1 triệu tấn trong năm 2016-17, xuống dưới mức 20 triệu tấn lần đầu tiên trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, đó sẽ vẫn là mức cao so với những năm trước đây và tương đương 80,7% tiêu thụ hàng năm.

    Cung – cầu bông thế giới (triệu tấn)

     

    2013/14

    2014/15

    2015/16

    Sản lượng

    26,28

    26,23

    22,89

    Tiêu thụ

    23,88

    24,22

    24,33

    Nhập khẩu

    8,67

    7,60

    7,31

    Xuất khẩu

    8,99

    7,70

    7,31

    Tồn trữ

    20,11

    22,03

    20,59

    Nguồn: ICAC


    Xuất khẩu chè giảm do thiếu quy hoạch

    xuat khau che giam do thieu quy hoach

    Xuất khẩu chè giảm do thiếu quy hoạch


    Theo Bộ NN&PTNT, tính tới hết tháng 1-2016, khối lượng xuất khẩu chè ước đạt 9 nghìn tấn với trị giá 15 triệu USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.

    Trong năm 2015, xuất khẩu chè đã giảm 5,8% về khối lượng và giảm 6,6% về trị giá so với năm 2014.

    Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2015 đạt 1.708 USD/tấn, giảm 0,9% so với năm 2014. Trong năm 2015, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với 38,4% thị phần.

    Năm nay, miền Bắc mưa nhiều hơn những năm trước nên rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Sản lượng chè đông tăng hơn so với mọi năm trong khi nhu cầu của người tiêu dùng không tăng đột biến khiến giá chè ổn định hơn so với những năm trước.

    Tại Thái Nguyên, giá một số loại chè trong tháng 1 chỉ nhích nhẹ so với một vài tháng trước. Cụ thể, giá chè cành chất lượng cao tăng 20.000 đ/kg lên mức 220.000 đ/kg. Giá chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) tăng 10.000 đ/kg lên mức 160.000 đ/kg. Giá chè xanh búp khô (chưa sơ chế) vẫn ổn định ở mức 130.000 đ/kg.

    Trong khi đó, tại Lâm Đồng, giá chè nguyên liệu lại có phần giảm sau một thời gian dài đứng giá kể từ giữa tháng 8-2015 do giá xuất khẩu thấp. Trong tháng 1, giá chè sản xuất chè xanh loại 1 giảm 1.000 đ/kg so với tháng 12-2015 xuống còn 8.000 đ/kg, trong khi chè nguyên liệu sản xuất chè đen loại 1 giảm 500 đ/kg xuống mức 4.000 đ/kg.

    Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: Vấn đề nan giải của xuất khẩu chè hiện nay vẫn là chất lượng chưa đảm bảo. Điều này xuất phát từ thực tế hiện nay vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng cho vùng nguyên liệu chè.

    Cũng theo ông Tài, hiện nay, nhiều nơi chỉ có một vùng nguyên liệu nhưng có nhiều doanh nghiệp trong ngành cùng "tranh nhau" mua. Do vậy, người dân trồng chè không được đầu tư, quan tâm đúng mức. Để cải thiện tình hình chất lượng chè xuất khẩu của Việt Nam, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của ngành chè, vấn đề này cần nhanh chóng được giải quyết.


    Không bao giờ dầu trở lại 100 USD/thùng?

    ceo vitol group ian taylor - anh: bloomberg tv

    CEO Vitol Group Ian Taylor - Ảnh: Bloomberg TV


    Giá dầu có thể không bao giờ lên đến 100 USD/thùng, và sẽ tiếp tục nằm dưới ngưỡng 60 USD/thùng trong 10 năm tới. Đây là nhận định của giám đốc điều hành hãng kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới.
    Trong cuộc phỏng vấn với kênh Bloomberg TV, CEO Vitol Group, ông Ian Taylor, cho hay: “Khó có thể nhìn thấy giá cả đi lên mạnh. Bạn phải tin rằng có khả năng dầu sẽ không bao giờ lên lại mức giá trên 100 USD/thùng”.
    Giá dầu Brent đã từng ở mức đỉnh 140 USD/thùng vào năm 2008, trước khi lao dốc xuống còn 45 USD/thùng vào đầu năm 2009. Sau đó, giá đã phục hồi đáng kể để giao dịch quanh 100 USD/thùng trong suốt ba năm từ 2011 đến 2014.
    Tuy nhiên, kể từ mùa hè năm 2014, khi một lượng lớn nguồn cung được Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho “làm ngập” thị trường, giá cả đã xuống thấp, có lúc chỉ còn 28 USD/thùng. Hiện tại, cả hai chuẩn giá dầu WTI và Brent đang ở tầm 32 - 35 USD/thùng.
    Đã có nhiều giấy mực được dùng để bàn về việc liệu giá dầu đã chạm đáy hay chưa. Một số ngân hàng lớn và các nhà phân tích thậm chí dự báo giá dầu thô có thể giảm tiếp, còn 10 - 20 USD/thùng. Tháng trước, Credit Suisse cho biết ngân hàng này không cho rằng giá dầu đã chạm đáy.
    Ông Taylor cho hay ông không chắc giá dầu đã chạm mức thấp nhất hay chưa, nhưng cho biết giá cả sẽ không phục hồi quá 60 USD/thùng, trong một thập niên.
    “Chúng tôi thực sự đang tưởng tượng ra khoảng giá cả, và nó có thể rơi vào khoảng từ 40 - 60 USD mỗi thùng. Tôi cho rằng khoảng giá đó sẽ tồn tại từ 5 đến 10 năm”, ông Taylor nói.
    Vitol Group không công bố lợi nhuận song ông Taylor còn cho biết thêm 2016 là một năm bội thu, với doanh thu ròng của công ty trong năm nay sẽ vượt con số 1,35 tỉ USD mà hãng kiếm được trong năm 2014. Tuy vậy, doanh thu cũng sẽ không vượt qua mức kỷ lục hồi năm 2009, khi công ty này kiếm được 2,3 tỉ USD.
    Trong khi các hãng năng lượng và hàng hóa đã bị tác động mạnh bởi chuyện giá dầu lao dốc, các hãng kinh doanh và môi giới đã đổ tiền vào và có lợi nhuận tăng trưởng đáng kể.
    Tháng 12.2015, Trafigura, đối thủ cạnh tranh của hãng Vitol, cho hay hãng sẽ trả 500 triệu bảng Anh tiền thưởng cho nhân viên nhờ đã kiếm lãi khủng khi giá dầu sụt giảm 70%. Cách đây hai tuần, hãng môi giới Tullett Prebon công bố doanh thu tăng 14% nhờ “hoạt động khởi sắc trong thị trường dầu mỏ và các sản phẩm liên quan”.

    Iran không nhận tiền bán dầu bằng USD

    iran khong nhan tien ban dau bang usd

    Iran không nhận tiền bán dầu bằng USD


    Iran muốn các hợp đồng dầu thô được tính bằng đô la Mỹ nhưng đòi hỏi người mua trả bằng euro. Tehran cũng tỏ ý nhận lại số tài sản bị đóng băng bằng đồng tiền chung châu Âu.
    Hoạt động cung cấp dầu thô của Iran sẽ được phục hồi sớm với nhiều hợp đồng cùng các doanh nghiệp như Total của Pháp, Cepsa và Litasco của Tây Ban Nha hay Lukoil của Nga. Nguồn tin tại hãng năng lượng quốc doanh National Iranian Oil Co (NIOC) của Iran cho hay Tehran muốn nhận tiền trả cho số dầu giao đi bằng euro (EUR), theo Reuters
    “Trong hóa đơn, chúng tôi có đề cập đến chuyện người mua phải trả tiền bằng EUR, xem xét tỷ giá so với USD ở thời điểm giao hàng”, nguồn tin cho biết.
    Ngoài ra, Tehran cũng muốn nhận lại hàng tỉ USD giá trị tài sản bị đóng băng trong thời gian chịu lệnh trừng phạt quốc tế bằng EUR. Nước này ước tính có khoảng 100 tỉ USD tài sản đang bị đóng băng và một nửa trong số này sẽ được phá băng cùng lúc với đợt dỡ bỏ lệnh trừng phạt sắp tới.
    Thái độ của Iran với nội tệ Mỹ không phải là tin mới. Năm 2007, nước này vận động thành công để Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chuyển đổi, không dùng USD. Vai trò trong giao dịch dầu thô là một trong những lý do giúp đô la Mỹ có được vị trí đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.
    Theo Russia Today, Iran không phải là nước duy nhất muốn thoát khỏi USD. Nga đã và đang nỗ lực với mục tiêu tương tự, cố gắng loại bỏ USD ra khỏi các giao dịch thương mại trong nước, ký các hợp đồng với những đối tác kinh tế đối ngoại quan trọng bằng cách dùng nội tệ của đôi bên trong thương mại song phương.
    Những biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu thô và ngành ngân hàng của Iran được Mỹ và một số đồng minh, trong đó quan trọng nhất là các nước châu Âu, áp đặt lên Tehran vì cáo buộc cho rằng Iran đang bí mật tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân.
    Năm ngoái, quốc gia Trung Đông và sáu cường quốc hàng đầu thế giới đã tiến đến một thỏa thuận, theo đó Iran minh bạch hơn chương trình hạt nhân của nước này và chấp nhận chịu các biện pháp bảo vệ nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế được đưa ra trước đó.

    Nga cố gắng huy động vốn trên thị trường quốc tế

    nga co gang huy dong von tren thi truong quoc te

    Nga cố gắng huy động vốn trên thị trường quốc tế


    Nga đang thăm dò khả năng phát hành trái phiếu quốc tế lần đầu kể từ khi chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây. Đây là dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin muốn tìm thêm nguồn thu khi kinh tế suy thoái năm thứ hai liên tiếp.
    Theo CNBC và tờ Financial Times, Nga đang tìm hiểu khả năng phát hành trái phiếu quốc tế lần đầu tiên kể từ sau khi căng thẳng ở Ukraine khiến nước này chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây.
    Bộ Tài chính Nga thông báo họ đã tiếp cận 25 ngân hàng đầu tư phương Tây và các nhà băng lớn của Nga như Sberbank, VTB và Gazprombank về khả năng phát hành trái phiếu.
    Đợt trái phiếu 7 tỉ USD trong năm 2013 là lần cuối cùng nước Nga huy động vốn trên thị trường quốc tế. Năm nay, lượng trái phiếu bán ra có thể sẽ thấp hơn. Giám đốc điều hành tại một trong những ngân hàng được liên lạc cho biết Bộ Tài chính Nga muốn huy động 3 tỉ EUR. Một nhân viên ngân hàng châu Âu cho hay Nga có thể tìm kiếm điểm chuẩn nợ 10 năm.
    Chuyện Nga phát hành trái phiếu châu Âu trong năm nay, nếu có, sẽ đánh dấu việc lần đầu tiên nước này cố gắng truy cập thị trường vốn quốc tế kể từ sau khi bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2014.
    Dù các biện pháp trừng phạt tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp lớn như ngân hàng Sberbank, VTB hay công ty dầu khí Rosneft, giới đầu tư nhìn chung cũng đã cẩn trọng hơn với Nga. Ngân hàng Barclays và Royal Bank of Scotland đóng cửa hoàn toàn tại thủ đô Moscow.
    Viktor Szabo, quản lý đầu tư tại hãng Aberdeen Asset Management, cho biết: “Trái phiếu Nga đã khởi sắc trong những tháng gần đây khi các nhà đầu tư tự hỏi về khả năng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga được dỡ bỏ. Nga bây giờ có thể trở lại thị trường với trái phiếu trả lợi suất thấp hơn hồi năm 2013”.
    Trái phiếu Nga được ghi bằng đồng đô la đáo hạn năm 2023 hiện cho lợi suất 4,53%, giảm từ mức 4,9% trong tháng 9.2013. Hiện tại, Nga đang cần nguồn thu mới lấp đầy lỗ hổng ngân sách gây ra bởi đợt sụt giảm giá dầu lớn và kéo dài. Các bộ trưởng đã yêu cầu cắt giảm 10% chi tiêu còn chính phủ đang xem xét chương trình tư nhân hóa đối với một số công ty nhà nước như Rosneft hay Aeroflot.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn