TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-02-2016

    Ngành Hải quan phấn đấu thu vượt 2,2% dự toán NSNN

    nganh hai quan phan dau thu vuot 2,2% du toan nsnn

    Ngành Hải quan phấn đấu thu vượt 2,2% dự toán NSNN


    Để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2016, Tổng cục Hải quan đã ban hành và yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan triển khai Chỉ thị 1055/CT-TCHQ ngày 3-2-2016 về triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2016 trong toàn ngành Hải quan.

    Trong đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Tài chính, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của năm 2016, phấn đấu đạt 276.000 tỷ đồng, vượt 2,2% dự toán được giao.

    Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN tham gia hoạt động XNK, tiếp tục duy trì tổ giải quyết nhanh, thực hiện đối thoại thường xuyên với DN để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK.

    Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại đơn vị, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng DN nợ, tình trạng thực tế của DN, nguyên nhân chưa thu hồi được nợ, đưa ra biện pháp xử lý nợ phù hợp theo quy trình quản lý nợ.

    Tăng cường kiểm tra các trường hợp giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế. Đặc biệt, tập trung kiểm tra các trường hợp khai báo nhầm loại hình đối với hàng hóa phải kiểm tra thực tế 100% đối với hàng hóa XK theo quy định, DN được phân loại rủi ro cao về hải quan, rủi ro về thuế, các mặt hàng XK thuộc diện quản lý rủi ro… Phối hợp với cơ quan Thuế để thực hiện bù, trừ số tiền thuế GTGT DN được hoàn tại cơ quan Thuế.

    Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ. Trong đó, tập trung kiểm tra các DN, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm có độ rủi ro cao, nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan. Đồng thời, rà soát việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại các Cục Hải quan địa phương. Yêu cầu các đơn vị phải thu đúng, thu đủ nộp vào NSNN, kiến nghị xử lý kịp thời đối với những cá nhân đơn vị thực hiện không đầy đủ nghiêm chỉnh các kiến nghị, kết luận.

    Đối với công tác chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý rủi ro. Tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính trong chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, làm tốt vai trò cơ quan thường trực giúp việc ban chỉ đạo 389 Quốc gia để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả.

    Cùng với đó, các đơn vị phải nắm chắc diễn biến tình hình tại các địa bàn, kịp thời cảnh báo phương thức thủ đoạn mới của tội phạm, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, đẩy mạnh công tác xây dựng hồ sơ DN, tập trung vào các loại hình, mặt hàng, khu vực trọng điểm, tuyến đường vận chuyển hàng hóa TNTX, chuyển khẩu, NK qua đường hàng không; Xác định mặt hàng, đối tượng, lĩnh vực trọng điểm, phương thức, thủ đoạn, hiện tượng nổi cộm trong từng địa bàn. Tiếp tục thu thập, xác minh làm rõ các thông tin về trị giá thực thanh toán, hoạt động XNK của các DN.

    Đặc biệt, cần tăng cường xây dựng đội ngũ CBCC, duy trì kỷ cương kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng giáo dục đạo đức, nghề nghiệp và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp. Đề cao kỷ cương kỷ luật trong thi hành công vụ và liên chính hải quan.

    Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp CBCC không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, có thái độ, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu cho DN. Đông thời thực hiện nghiêm quy định chế độ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi các cấp để xảy ra vụ việc sai phạm trong đơn vị.

    Triển khai Chỉ thị này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo dõi, quản lý sát nguồn thu, kịp thời báo cáo những vướng mắc cũng như các chế độ, chính sách thuế ảnh hưởng tới việc quản lý và thu nộp NSNN.

    Chỉ thị này sẽ được quán triệt tới tất cả cán bộ, công chức hải quan. Các đơn vị căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao để tổ chức triển khai.

     

    2016 và những thách thức ngổn ngang cho ngành dệt may

    2016 va nhung thach thuc ngon ngang cho nganh det may

    2016 và những thách thức ngổn ngang cho ngành dệt may


    Vốn được coi là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP đi vào hiệu lực nhưng trước mặt, ngành dệt may sẽ phải đối diện với những thách thức không hề nhỏ.

    Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2015 vẫn giữ vững vị trí thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm trở lại đây của toàn ngành vẫn giữ ở mức cao là 16,4% CAGR.

    Tính đến giữa tháng 12 năm 2015, giá trị xuất khẩu hàng dệt, may đã đạt 21,6 tỷ USD (tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái , thấp hơn so với năm cùng kỳ 2014 là +16%). Nếu tính cả hàng xơ, sợi dệt và nguyên phụ kiện các loại, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức 25,3 tỷ USD (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014 là tăng 17%).

    Theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 dự kiến đạt 27,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2014 nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra trước đó là 28 tỷ USD.

    Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn tăng trưởng tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng đà tăng đã có phần chững lại do giá đầu vào giảm mạnh khiến giá đầu ra duy trì ở mức thấp và tỷ giá giữa USD/VNĐ liên tục tăng trong năm qua.

    Ngoài thị trường Hoa Kỳ vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng với hai con số, các thị trường còn lại đều không còn tăng trưởng mạnh mẽ như trong năm 2014. Cụ thể, trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,88 tỷ USD (tăng 11,7%, thấp hơn cùng kỳ 2014 là tăng 11,85%); sang EU đạt 3,09 tỷ USD (tăng 3,5%, thấp hơn cùng kỳ 2014 là tăng 26%); sang Nhật Bản đạt 2,53 tỷ USD (tăng 6,2%, thấp hơn cùng kỳ 2014 là tăng 13,82%) và sang Hàn Quốc đạt 1,98 tỷ USD (tăng 1,3%, thấp hơn cùng kỳ 2014 là 36%).

    Đáng lưu ý, trong 11 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại các thị trường trong khuôn khổ Hiệp định TPP tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.

    Trong thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, ngành dệt may đang nhận được khá nhiều sự quan tâm và đánh giá cao về triển vọng phát triển do dệt may là một trong số ít ngành vẫn giữ được tăng trưởng dương và ổn định. Trong năm 2016, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu ở mức 31 tỷ USD.

    Bên cạnh đó, dệt mang đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do TPP – EU – Hàn Quốc – Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan).

    Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), bức tranh triển vọng của ngành dệt may trong năm 2016 cũng tồn tại không ít khó khăn và thách thức. Chính sách lương thay đổi, áp lực tỷ giá giữa các quốc gia trong vùng và các ràng buộc kèm theo khi gia nhập FTA khiến một số lợi thế cạnh tranh của ngành cũng sẽ bị ảnh hưởng.

    Nếu như trước đây, nhân công rẻ là một trong những lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam thì giờ đây, lợi thế này đang dần mất đi khi lương cơ sở và lương tối thiểu đều được Chính phủ điều chỉnh tăng từ năm 2016.

    Cụ thể, lương cơ sở tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) sẽ kéo theo chi phí phải trả BHXH của người sử dụng lao động. Tương tự, lương tối thiểu mới sẽ ở mức 106,67 - 155,56 USD/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu tại một số nước xuất khẩu dệt may đối thủ như Bangladesh (67 USD/tháng), Myannmar (82,96 USD/tháng), Mông Cổ (96,34 USD/tháng), Pakistan (93,5-112,2 USD/tháng), Campuchia (124,21 USD/tháng)…

    Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá khiến giá hàng xuất khẩu kém cạnh tranh, xu hướng phá giá đồng nội tệ so với đồng USD của các nước xuất khẩu dệt may đang diễn ra mạnh mẽ.

    Mặc dù Chính phủ đã ứng biến linh hoạt hơn trong việc đưa ra các giải pháp về tỷ giá nhưng những động thái này vẫn chưa mang tính quyết liệt so với các nước đối thủ. Do vậy,VCBS cho rằng xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng sẽ diễn biến theo chiều hướng giảm trong năm 2016.

    Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được điều kiện để hưởng lợi về thuế từ các hiệp định FTA, đặc biệt là điều kiện về nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, 70-80% nguyên vật liệu dệt may hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và các nước ngoài khu vực FTA.

    Sản phẩm sợi và vải sản xuất nội địa chưa đa dạng, chất lượng chưa cao nên chỉ sử dụng được 20-25% sản lượng cho ngành may xuất khẩu. Trong khi đó, hai hiệp định FTA lớn nhất của Việt Nam là TPP và Việt Nam – EU đều có những quy định khá khắt khe đối với hàng hoá được hưởng ưu đãi thuế.

    Cụ thể, TPP yêu cầu nguồn gốc xuất xứ “từ sợi trở đi” còn FTA Việt Nam – EU yêu cầu “từ vải trở đi” đối với các sản phẩm dệt may xuất nhập khẩu trong khu vực hiệu lực của thương mai tự do. Do vậy, mặc dù thị trường TPP và EU rất tiềm năng nhưng trong ngắn hạn, phần lớn các sản phẩm dệt may hiện nay của Việt Nam sẽ khó được hưởng lợi được về thuế xuất nhập khẩu.

    "Với những diễn biến vĩ mô không mấy tích cực, năm 2016 được dự đoán sẽ là một năm khó khăn đối với ngành dệt may nói riêng và với các ngành xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Do vậy, chúng tôi cho rằng mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 31 tỷ USD sẽ khó thực hiện", VCBS cho biết.

    Về dài hạn, câu hỏi đặt ra cho ngành dệt may là liệu việc hưởng lợi từ thuế xuất nhập khẩu với các thị trường tiêu thụ lớn có bù đắp lại được rủi ro tỷ giá và rủi ro chi phí sản xuất ngày càng tăng hay không?

    Và ai sẽ là người cuối cùng được hưởng lợi từ FTA, các doanh nghiệp Việt Nam hay FDI khi các doanh nghiệp dệt may có vốn FDI, đặc biệt là vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam đang liên tục đầu tư xây dựng nhà máy với công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, quy mô lớn hơn và giàu kinh nghiệm sản xuất hơn.

    Để trả lời được câu hỏi này, sẽ cần thêm thời gian quan sát và đánh giá riêng đối với từng doanh nghiệp trong ngành.


    Việt Nam cần thận trọng với "bẫy" lao động gia công, lắp ráp

    Ngày 5/2, Báo cáo quốc gia về Phát triển con người 2015 được công bố với mục đính định hình mô hình tăng trưởng qua lăng kính phát triển con người, nhằm đảm bảo mọi công dân Việt Nam đều phát huy được tiềm năng lao động, tận hưởng cuộc sống thịnh vượng.

    Ngày 5/2, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Báo cáo Phát triển con người 2015. Trong đó nêu rõ, cần cải cách chính sách và thể chế rộng khắp để đạt được tăng trưởng toàn diện, tiến bộ con người để không ai bị tụt lại phía sau.

    Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2015 cho thấy, sau 3 thập kỷ đổi mới, phát triển, con người Việt Nam đã có kết quả ấn tượng nhưng không đồng đều qua từng giai đoạn. Trong những năm đầu, chỉ số phát triển con người bị suy giảm, sau đó tăng nhanh hơn kể từ cuối những năm 90. Việt Nam là nước có kết quả tốt nhất trong tiến bộ về phát triển con người giai đoạn 1990 - 2000, song vị trí này bị lùi dần trong các giai đoạn sau đó.

    Báo cáo cho thấy các tỉnh đều có tiến bộ tích cực nhưng không đồng đều, một số tỉnh tiến nhanh hơn các tỉnh khác. Những tỉnh tiến bộ nhất đều phát triển kinh tế cân bằng với tiến bộ xã hội. Một số so sánh như: Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có mức phát triển con người cao tương tự như Ba Lan hoặc Croatia. Các tỉnh nghèo như Hà Giang hay Lai Châu có mức phát triển con người chỉ tương đương với những nước như Guatemala và Ghana. Báo cáo cũng cho thấy những tỉnh có bước phát triển vượt bậc như Hậu Giang, Tiền Giang, Bình Phước, Thái Nguyên và Phú Yên.

    GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung Ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, tăng trưởng trong quá khứ mặc dù đã mang lại những chuyển dịch cơ cấu xã hội to lớn, với việc thu hẹp tỷ trọng của nhóm dân cư nghèo, cận nghèo và mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, song đời sống của những người ở nhóm trung lưu còn chưa được đảm bảo an toàn trước các rủi ro và những khó khăn của những người vẫn thuộc diện nghèo, đặc biệt ở những cộng đồng dân tộc thiểu số thì ngày càng khó giải quyết.

    Báo cáo cũng nhấn mạnh những vấn đề đang nổi lên với Việt Nam đang cần một loạt cải cách để đẩy nhanh tăng trưởng bao trùm và thúc đẩy phát triển con người trong tương lai.

    Để tăng việc làm có năng suất, Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tăng hiệu suất kinh tế và sự kết nối công nghệ cũng như nuôi dưỡng sự sáng tạo.

    Để cải thiện hệ thống giáo dục và y tế, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và mở rộng tiếp cận giáo dục trước tiểu học, giáo dục bậc cao, và đào tạo nghề. Vấn đề chủ yếu của giáo dục chưa đảm bảo các lĩnh vực, chất lượng và khả năng tiếp cận còn hạn chế đối với nhóm có thu nhập thấp. “Nếu không cải thiện chất lượng, mở rộng tiếp cận giáo dục trước tiểu học, giáo dục bậc cao, đào tạo nghề thì khoảng cách giữa các nhóm lao động sẽ ngày càng lớn, Việt Nam sẽ dễ dính vào “bẫy” lao động thu nhập thấp, lao động gia công lắp ráp của các nước phát triển”, đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định.

    Bên cạnh đó, cần tiến hành đánh giá toàn diện các cải cách xã hội hóa trước khi nhân rộng. Để đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp khuyến khích để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; hệ thống bảo hiểm xã hội tự chi trả; và xây dựng hệ thống Trợ giúp xã hội dựa trên nguyên tắc “vòng đời”…


    Vì sao xuất khẩu gạo tăng đột biến?

    xuat khau gao thang 1 tang 56,7% ve khoi luong va tang 46% ve gia tri. anh internet.

    Xuất khẩu gạo tháng 1 tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị. Ảnh internet.


    Trái với xu thế ảm đạm của năm 2015, mặt hàng gạo đang trở nên “có giá”, tạo điểm nhấn cho nhóm hàng nông lâm thủy sản khi xuất khẩu (XK) tăng cả lượng và giá trị.

    Không lạ

    Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, XK nhóm hàng nông lâm thủy sản của cả nước trong tháng 1-2016 giảm tiếp 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 2,33 tỷ USD. Theo đó, kim ngạch XK của từng mặt hàng đều chung xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 489 triệu USD, giảm 15,8%; thủy sản ước đạt 455 triệu USD, giảm 8,8%; chè ước đạt 9.000 tấn với trị giá 15 triệu USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 9,4% về giá trị…

    Tuy nhiên, nổi lên trong xu hướng ảm đạm của các sản phẩm nông nghiệp, XK gạo đã có sự bứt phá mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Cụ thể, khối lượng gạo XK tháng 1 ước đạt 495.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

    Sở dĩ XK gạo tăng trưởng mạnh là do thị trường Philippines, Indonesia tăng cường NK gạo. Ngay từ những ngày đầu tháng 12-2015, thông tin Indonesia cần NK 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam đã được ông Mayerfas, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam nêu ra.

    Bởi lẽ, Indonesia là một trong những nước có lượng tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới nên yêu cầu về đảm bảo lương thực rất lớn. Mặc dù cũng là nước sản xuất gạo, nhưng Indonesia vẫn phải NK gạo và Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà nước này muốn NK. Với thị trường Philippines, ngay từ đầu năm, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines đã “bắn tiếng” muốn nhập ít nhất 50.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan.

    Xu hướng này cũng đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo từ cuối tháng 12-2015. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cuối năm vẫn còn khoảng 500.000-600.000 tấn gạo cần giao cho các hợp đồng tập trung và 200.000 tấn hợp đồng thương mại mà các DN đã ký kết trong quý 1-2016. Đặc biệt, ông Năng cũng dự báo XK gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 sẽ khá tốt do các quốc gia NK lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước.

    Song trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm về lúa gạo Võ Tòng Xuân lại cho rằng, XK gạo tháng 1 tăng trưởng mạnh không phải hiện tượng lạ. XK gạo tăng mạnh là do 2 thị trường nói trên thời gian qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động hạn hán do El Nino gây ra nên không đủ gạo ăn. Chính quyền các nước sợ thiếu lương thực nên phải lo mua vào để dự trữ. “Tất nhiên, các thị trường này sẽ đặt theo chu kỳ và chu kỳ này trúng vào lúc đầu năm”, ông Xuân nói.

    Dự báo khởi sắc

    Cùng chung đánh giá với VFA, ông Võ Tòng Xuân nhìn nhận, XK gạo từ những tháng tiếp theo có khởi sắc do các thị trường vẫn đang có nhu cầu NK gạo. Philippines, Indonesia và một số thị trường khác thời gian tới vẫn tiếp tục mua gạo bởi kế hoạch NK sẽ được thực hiện dần dần chứ không chỉ dừng ở tháng 1-2016.

    Hơn nữa, châu Phi cũng mất mùa do biến đổi khí hậu cũng tác động xấu với nông nghiệp ở đó. Đây cũng là dịp cho hạt gạo Việt có giá tăng lên so với năm cũ. Chưa kể, việc Thái Lan nhất trí cắt giảm sản lượng lúa gạo trong giai đoạn 2016-2017 cũng là tín hiệu tốt cho Việt Nam. Hiện Thái Lan được coi là “vựa lúa gạo” lớn nhất thế giới, nếu Thái Lan cắt giảm sản lượng thì nguồn cung gạo trên thế giới sẽ giảm. Theo quy luật kinh tế thị trường, khi nguồn cung giảm sẽ kéo theo giá lúa gạo “nhích” và gạo Việt Nam cũng có thể kỳ vọng tăng giá.

    Dù nhìn nhận việc Thái Lan cắt giảm sản lượng lúa gạo như một cơ hội cho Việt Nam nhưng vị chuyên gia này không quên nhấn mạnh đến “ý đồ” của Thái Lan. Ông Xuân phân tích, Thái Lan cắt giảm sản lượng gạo để chuyển sang trồng một số loại cây khác như cây mía, xoài, vải thiều do Thái Lan thấy XK gạo không có lợi, giá cao nhưng năng suất thấp (6, 7 tháng mới thu hoạch được trên 3 tấn/ha trong khi Việt Nam giá thấp nhưng 1 năm thu hoạch 3 vụ).

    “Từ chiến lược của Thái Lan, tôi đang đề xuất chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam theo chính sách mới, tức là mạnh dạn chuyển đổi không nên gắn với cây lúa. Người nông dân không bao giờ giàu được nhờ cây lúa. Chúng ta không nhất thiết phải “nai lưng” trồng lúa mới có cái ăn. Indonesia thiếu gạo phải nhập, Malaysia không cần tự túc về lúa gạo, họ trồng cây dầu cọ, cao su để làm giàu rồi lấy tiền đó đi mua gạo”, ông Xuân nêu quan điểm.

    Với dự báo về tình hình XK sẽ khả quan hơn năm 2015, VFA định hướng XK gạo trong thời gian tới theo hướng duy trì và củng cố phân khúc thị trường gạo trung bình và cấp thấp để khai thác lợi thế cạnh tranh có sẵn về giá thành sản xuất và cước vận chuyển gần gồm thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

    Mặt khác, các doanh nghiệp cũng sẽ thiết lập mở rộng thị trường gạo cao cấp nhằm đa dạng hóa nhu cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất- kinh doanh và giá trị gia tăng, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường gần, tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do mang lại.


    Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ nhiều khởi sắc

    xuat khau tom sang thi truong my nhieu khoi sac

    Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ nhiều khởi sắc


    Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam(VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 dự kiến sẽ khởi sắc nhờ những tín hiệu tích cực từ kết quả thuế chống bán phá giá POR9 và việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP.

    Ngày 7-9-2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1-2-2013 đến 31-1-2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3-2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8.

    Đây là một tín hiệu đáng mừng với xuất khẩu tôm của Việt Nam. Mức thuế POR9 giảm mạnh so với POR8 phần nào giúp tháo gỡ gánh nặng về thuế xuất khẩu cho các DN xuất khẩu tôm.

    Theo số liệu của Tổng cục Hải quan , xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2015 đạt 657 triệu USD, giảm 38,3% so với năm 2014. Còn VASEP cho biết, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm số một của Việt Nam.

    Tính tới tháng 11/2015, trên thị trường Mỹ, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ và Indonesia. Ấn Độ tăng 24% khối lượng tôm XK sang Mỹ (gần 124 nghìn tấn), Indonesia tăng 12% (106nghìn tấn), Thái Lan tăng 15% với 65 nghìn tấn, trong khi Việt Nam giảm 22% với 54 nghìn tấn. Việt Nam từ vị trí thứ 4 xuống thứ 5 về lượng tôm cung cấp cho Mỹ.

    VASEP cho biết, giá thành sản xuất tôm cao đang là nguyên nhân chính dẫn tới giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung trên thị trường Mỹ. Đồng nội tệ của các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc…phá giá mạnh 15- 30%, trong khi đồng VND chỉ giảm giá nhẹ. Đây được đánh giá là những nguyên nhân chính khiến tôm Việt Nam XK vào Mỹ khó cạnh tranh với các quốc gia nói trên.

    Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 dự kiến sẽ khởi sắc nhờ những tín hiệu tích cực từ kết quả thuế chống bán phá giá POR9 và việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP. Theo nhận định của VASEP, nhu cầu tôm từ thị trường Mỹ năm 2016 cũng được dự báo sẽ nhích lên do USD tăng giá, giá tôm giảm so với 2 năm trước đây và tăng trưởng kinh tế được cải thiện.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn