TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-02-2016

    Nhu cầu vốn đầu tư công trong trung hạn cần hơn 10.975 tỷ đồng

    (anh minh hoa: tran viet/ttxvn)

    (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)


    Triển khai Luật Đầu tư công, Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2016-2020 để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

    Theo kế hoạch trên, tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn năm 2016-2020 là trên 10.975 tỷ đồng, bằng 75,6% số vốn của giai đoạn năm 2011-2015. Trong số này, vốn ngân sách dự kiến hơn 8.736 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 950 tỷ đồng và vốn nước ngoài xấp xỉ 1.288 tỷ đồng.

    Nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho giai đoạn này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế để tạo cơ sở vật chất ban đầu giúp các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ theo chỉ đạo của Chính phủ.

    Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, cả giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển Bộ Xây dựng được giao quản lý là hơn 8.300 tỷ đồng. Giai đoạn này được đánh giá là có số vốn bình quân tăng qua các năm khoảng 11,5%, đó là không kể vốn bố trí cho các dự án trọng điểm do Bộ Xây dựng được giao làm chủ đầu tư.

    Chỉ tính riêng năm 2015, Bộ Xây dựng được giao quản lý 1.585 tỷ đồng vốn và phân bổ cho 38 dự án. Nhìn chung, các dự án đều được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao với 6 dự án hoàn thành, bàn giao để đưa vào sử dụng.

    Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã tiếp tục vận động, thu hút thêm được 4 dự án mới với tổng mức vốn cam kết tài trợ khoảng 17,498 triệu đô la từ các tổ chức như Liên Hợp quốc và một số chính phủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…/.


    Động lực mới từ Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ

    dong luc moi tu nghi quyet dau tien cua chinh phu

    Động lực mới từ Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ


    Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao và hệ sinh thái khởi nghiệp là những từ khóa rất đáng chú ý trong Nghị quyết đầu tiên được Chính phủ ban hành trong năm 2016.

    Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những quyết sách cụ thể để hiện thực hóa thông điệp rất mới mẻ trong Nghị quyết 01 của Chính phủ

    Có thể nói, những từ khóa này đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận với một tâm trạng đầy hứng khởi.

    Thực vậy, trong năm 2015, tình hình kinh tế Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu tích cực của một đà tăng trưởng mới. Bên cạnh con số tăng trưởng GDP gần 6,7%, cả nước có tới 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Một kết quả khả quan khi năm 2014, số doanh nghiệp giảm 2,7% và số vốn chỉ tăng 8,4% so với năm 2013.

    Bên cạnh đó, có 851 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn trong năm 2015. Như vậy, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2015 là 1.452,5 nghìn tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước.

    Đây là những con số ấn tượng. Thế nhưng đằng sau các con số này có 2 hiện tượng phải quan tâm. Một là, tính đến 31/12/2015 tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập theo luật doanh nghiệp là 941.000 đơn vị, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp hoạt động ước là 513.000 đơn vị, chiếm 54,5%.

    Hai là, dường như số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập càng đông thì quy mô doanh nghiệp càng nhỏ. Số lao động trung bình trong doanh nghiệp đã giảm từ 49 lao động năm 2007 xuống còn 29 lao động năm 2015. Tất nhiên, số lượng lao động chỉ là một thông số thể hiện quy mô doanh nghiệp, ngoài ra còn có các chỉ tiêu khác như số vốn hay doanh thu, lợi nhuận. Trong thời đại bùng nổ khoa học công nghệ, một doanh nghiệp có số lao động không nhiều không nhất thiết là doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh kém.

    Một xu hướng đáng quan ngại khác là mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2015 ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao ở mức 70,9%. Con số này cho thấy khả năng hội nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước đang là một vấn đề lớn. Với việc Chính phủ đã đàm phám và ký nhiều hiệp định thương mại tự do như TPP, EVFTA và việc Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thì rõ ràng quy mô nhỏ vànăng suất lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang là thách thức lớn.

    Do vậy, nhiệm vụ “tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” như trong Nghị quyết 01/NQ-CP đã nêu không chỉ đơn thuần là việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước phát triển mà còn tạo cơ hội kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, áp dụng kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh về quy mô.

    Mặt khác, nhiệm vụ tái cơ cấu với trọng tâm là nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động, song như vậy chưa đủ. Một cơ cấu ngành nghề hợp lý sẽ góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.

    Một lần nữa, nhiệm vụ đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phải được thực hiện bằng những giải pháp mạnh, theo đó đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ được đặt lên hàng đầu. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, phát triển các ngành dịch vụ hiện đại, có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao là những từ khóa quan trọng trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.

    Chính phủ đang quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự kiến dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ sớm được trình Quốc hội và hoạt động của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ sẽ mang lại hiệu quả trong thực tế.

    Tinh thần sáng tạo sẽ còn được thúc đẩy bằng yêu cầu “hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, các dịch vụ tư vấn khởi nghiệp…”. Đây là những nội dung dường như lần đầu tiên xuất hiện trong một Nghị quyết của Chính phủ, nhằm hướng tới hình thành “quốc gia khởi nghiệp”.

    Nhìn từ một khía cạnh nào đó, thì phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đã được minh chứng qua sự tồn tại của gần một triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập và hơn 4,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Theo báo cáo “Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2015” với sự tham gia thực hiện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng hơn 70 quốc gia khác trên thế giới thì tỷ lệ “sống sót” của doanh nghiệp Việt Nam trong 3,5 năm đầu tiên hoạt động là khá cao so với ở các nước khác. Nhưng đáng tiếc rằng sau đó, tỷ lệ doanh nghiệp bị giải thể và ngừng hoạt động vẫn khá lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó lớn lên.

    Xã hội không thể cứ đầu tư thành lập doanh nghiệp để rồi phải giải thể. Doanh nghiệp không thể cứ nhỏ bé dần đi. Đã đến lúc khởi nghiệp và mọi công việc kinh doanh phải tính đến hiệu quả lâu dài, tức là phải có tầm nhìn, phải ứng dụng khoa học công nghệ. Nền kinh tế phát triển nếu chỉ dựa quá nhiều vào các yếu tố đầu vào thì sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

    Năm 2015, lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ đã có cuộc gặp đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Nay, cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những quyết sách cụ thể để hiện thực hóa thông điệp rất mới mẻ trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, để phong trào khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.

    TS Phạm Thị Thu Hằng
    Tổng Thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam


    TPP là cơ hội để Việt Nam "lớn lên"

    Những thách thức lớn nhất của TPP với Việt Nam không phải là ủng hộ những người yếu thế, mà là tạo cơ hội cho những người mạnh nhất để cạnh tranh, để tạo việc làm cho hàng triệu người lao động.

    Ngày 4/2/2016, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được chính thức được ký kết tại thành phố Auckland, New Zealand. Mặc dù phải đến năm 2018 hiệp định TPP mới chính thức có hiệu lực nhưng theo Viện kinh tế quốc tế Peterson, Việt Nam sẽ có thu nhập tăng 13,6% và xuất khẩu tăng đến 31,7%, cao nhất trong 12 quốc gia thành viên TPP.

    Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức lớn bởi doanh nghiệp Việt còn nhỏ bé. Trong khi đó, hội nhập, mở cửa sẽ tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp tại các nước và ngay chính “sân nhà”, không hạn chế bởi không gian địa lý.

    Chia sẻ với chúng tôi về những thách thức đối với DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nói thách thức lớn nhất mà DN cần đối mặt chính là thách thức từ bên trong, từ môi trường kinh doanh, thể chế, chính sách…

    Bà Lan nhắc lại thực tế trong quá trình đổi mới, hội nhập 30 năm qua, DN Việt Nam vẫn rất nhỏ bé, chưa tận dụng được nhiều lợi ích từ việc mở cửa thị trường. Ngược lại, các DN FDI đã tận dụng tốt các lợi thế này để mở rộng thị trường, đẩy lùi thị phần của các DN Việt Nam ngay tại thị trường trong nước.

    Nhận thức được vấn đề này, từ hai năm nay, Chính phủ đã có Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được cộng đồng quốc tế và nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, qua hai năm triển khai, đến nay chỉ có 2 bộ và 3 địa phương có triển khai tích cực và kết quả rõ ràng từ việc thực hiện Nghị quyết này.

    “Các bộ, ngành, địa phương vẫn rất thờ ơ với việc cải thiện môi trường kinh doanh, coi đó là chuyện của Nhà nước và doanh nghiệp” - bà Phạm Chi Lan trăn trở.

    Bên cạnh sự thiếu quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, một khó khăn đối với các DN là bản thân họ thiếu sự chuẩn bị phù hợp, cho rằng hội nhập 5-10 năm tới mới giảm thuế, nên “chưa cần lo”.

    Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Uỷ ban tư vấn Chính sách Thương mại quốc tế VCCI cho biết, trong quá trình đi khảo sát, nhiều doanh nghiệp, người nông dân có hiểu biết rất sơ sài về hội nhập TPP nói riêng và các thoả thuận hội nhập khác nói chung, sự chuẩn bị hầu như không có.

    “Người Việt Nam có câu “nước đến chân mới nhảy” nhưng tôi thấy lần nào nhảy cũng thành công. Không biết lần này chúng ta có 'nhảy’ qua không”- ông Huỳnh ví von.

    Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lại đưa ra một góc nhìn khác về hội nhập TPP. Theo ông Thành, không nên chỉ lo ngại về hội nhập mà cần phải tự tin, phải “liều”.

    Những thành công trong hội nhập của 20 năm qua khi chúng ta ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, tham gia WTO đã chứng minh nguyên lý, trong hội nhập quan trọng không phải là lợi thế tuyệt đối mà là lợi thế so sánh. Đó là lý do Việt Nam có thể bắt tay cùng các nước lớn, tham gia hiệp định tiêu chuẩn cao bậc nhất thế giới như TPP.

    Nêu quan điểm về vấn đề cần chú trọng trong hội nhập TPP, ông Võ Trí Thành cho rằng việc quan tâm hỗ trợ nhóm yếu thế là không sai, nhưng điều quan trọng là phải ủng hộ những người thắng cuộc, người đi tiên phong, đó sẽ là những người dẫn dắt cuộc chơi.

    Những thách thức lớn nhất của TPP với Việt Nam không phải là ủng hộ những người yếu thế, mà là tạo cơ hội cho những người mạnh nhất để cạnh tranh, để tạo việc làm cho hàng triệu người lao động.

    “TPP tạo điều kiện cho chúng ta chơi với những người giỏi nhất, nước lớn nhất. Đó chính là cơ hội để chúng ta lớn lên. Một khi đã làm quen với TPP, chi phí tuân thủ của DN sẽ giảm rất nhiều, môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh hơn. Hy vọng với các cải cách hiện nay của Chính phủ, trong 5-10 năm tới chúng ta sẽ có giới DN phát triển đúng nghĩa”- ông Thành chia sẻ.


    Phút lặng của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

    bo truong bui quang vinh

    Bộ trưởng Bùi Quang Vinh


    “Có nhiều việc để làm, song một mình mình không làm hết được, mong muốn lớn, nhưng tài năng có hạn, nên tôi rất trăn trở. Nhiệm kỳ tới mong có nhiều lãnh đạo quan tâm hơn tới doanh nghiệp vì đó là tương lai đất nước”.

    Là một trong những Bộ trưởng dự kiến sẽ nghỉ trong nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có lẽ sẽ là vị Bộ trưởng để lại nhiều kỷ niệm nhất.

    Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng chưa từng có khi tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thế nhưng, ba thách thức lớn nhất đặt ra với Việt Nam đó là: tự do luân chuyển hoàng hóa, đầu tư, lao động có kỹ thuật cao.

    Người dân, doanh nghiệp đã thực sự chuẩn bị tốt cho các FTA? Câu hỏi đầy trăn trở ấy được đặt ra khi mà hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, họ chưa biết nhiều về thông tin các FTA. Theo Bộ trưởng Vinh, mỗi lĩnh vực cần phải chỉ rõ ngành mình có thách thức trong từng FTA, đánh giá đúng đối thủ, các tác động và cơ hội để tận dụng cơ hội từ các FTA.

    Trăn trở với doanh nghiệp tư nhân

    Những trăn trở của Bộ trưởng Vinh không phải là không có cơ sở, khi nhìn vào thực trạng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Trực tiếp gắn bó với doanh nghiệp, có vai trò lớn trong xây dựng chính sách liên quan đến doanh nghiệp, Bộ trưởng Vinh thấu hiểu rất nhiều về những khó khăn mà doanh nghiệp phải trải qua.

    Đặc biệt khi so sánh với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp chưa có được sự quan tâm đầy đủ khi chưa có chính sách đủ mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vậy mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và chưa xây dựng được vị thế, chỗ đứng lớn mạnh trên sân nhà.

    Có lẽ, trong số 14 vị Bộ trưởng dự kiến sẽ nghỉ trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là người để lại nhiều trăn trở, tiếc nuối nhất. Bởi ông rời ghế, khi mà tư tưởng và tinh thần đổi mới, cải cách lại đang “nóng” hơn bao giờ hết. Tư tưởng ấy đã được chính Bộ trưởng thể hiện trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng XII, khi ông thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, những nguy cơ tụt hậu và đặt ra yêu cầu về đổi mới, cải cách.

    Và cũng chưa bao giờ, người ta thấy một vị Bộ trưởng dù sắp rời ghế, mà vẫn còn nhiều tâm huyết, trăn trở với doanh nghiệp đến như vậy. Bộ trưởng nói, ông còn rất nhiều việc phải làm cho doanh nghiệp, mà đó phải là những việc làm cụ thể, thiết thực.

    Đó là, thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bơm ngân sách thông qua ngân hàng thương mại để cho vay khuyến khích doanh nghiệp. Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang được soạn thảo, dự kiến sẽ có bản dự thảo đầu tiên trong thời gian tới.

    Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết cũng đang trình Chính phủ thành lập các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ sáng tạo đặc biệt ưu tiên cho giới trẻ trong đầu tư mạo hiểm để khuyến khích tinh thần phát triển doanh nghiệp.

    Khẳng định “Doanh nghiệp là tương lai của đất nước”, Bộ trưởng Vinh hiểu rằng nếu không có chính sách cho doanh nghiệp, thì những nguy cơ Việt Nam có thể tụt hậu xa hơn, sẽ thành hiện thực.

    Bộ trưởng chia sẻ: “Phải có tâm huyết với đất nước, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm thế, kém thé, tại sao người dân ca thán nhiều thế. Vậy thì mới có thể hoạch định được chiến lược tốt, chính sách tốt. Phải tạo môi tường đổi mới sáng tạo không chỉ cho doanh nghiệp mà chính cho cán bộ trong cơ quan”.

    Bộc bạch về những sức ép khi là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ về đổi mới, Bộ trưởng cho biết rất may mắn khi có nhiều lãnh đạo cấp cao, cùng các cấp cũng ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới.

    Song Bộ trưởng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, đổi mới không thể tránh khỏi đụng chạm lợi ích ngành hay cá nhân, tạo nên nhiều áp lực.

    Nỗ lực cải cách và đổi mới

    Khiến cho, tinh thần đổi mới mà được Bộ trưởng hiện thực hóa trong các chính sách, cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như những văn bản luật, tình trạng quy hoạch chồng chéo, tràn lan không hiệu quả từ trung ương và địa phương vẫn tiếp tục diễn ra. Hoặc có những luật vì đụng chạm đến quá nhiều ngành, cá nhân nên đã không được thông qua, cũng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

    Rồi câu chuyện đổi mới thể chế cũng được Bộ trưởng Vinh đặt nhiều tâm huyết. Nhận thấy được rằng, những dư địa cho phát triển đã không còn nhiều và đang dần cạn đi, đã khiến đất nước

    chững lại trong vài năm qua. Bộ trưởng lo ngại nếu không cẩn thận có thể còn đi xuống, khi mà Việt Nam cứ “bình bình” thì sẽ gặp khó khăn, và tụt hậu là rõ ràng.

    Phân tích về động lực giúp Việt Nam tăng trưởng trong tương lai, Bộ trưởng cho rằng vấn đề sống còn và căn cơ nhất là phải tiếp tục thay đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xây dựng những nhân tố thị trường đầy đủ hơn, do chưa có nhân tố thị trường nền tảng.

    Đó là việc xây dựng thị trường đất đai, vốn đang rất méo mó; thị trường tài nguyên; thị trường lao động… xây dựng những thể chế phù hợp nhất với thế giới và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ và nguồn lực của Việt Nam.

    “Cùng với thể chế thì con người là yếu tố quan trọng, chọn được những người tài năng, tâm huyết nhất, có trách nhiệm nhất để lãnh đạo đất nước” – Bộ trưởng nhấn mạnh.


    Cải thiện môi trường kinh doanh: Không dừng lại!

    cai thien moi truong kinh doanh: khong dung lai!

    Cải thiện môi trường kinh doanh: Không dừng lại!


    Ngọn cờ cải cách môi trường kinh doanh đã được phất cao từ hơn 2 năm nay và có những dấu ấn nhất định. Nhưng nếu coi cải thiện môi trường kinh doanh là một cuộc đua, thì đó là cuộc đua đặc biệt, vì không có điểm dừng. Bởi dừng lại hay chậm trễ đều có thể bị các nước vượt qua, bị cộng đồng DN trong và ngoài nước chấm điểm kém. Khi đó, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau và mất đi nhiều cơ hội để phát triển trên con đường mưu cầu văn minh, hiện đại.

    Kết quả được “đong đếm”

    Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và 2015 được coi là các Nghị quyết cải tiến khi lấy chỉ số Doing Business của một tổ chức quốc tế là Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra để chấm điểm cải cách trong nước trên nhiều lĩnh vực. Thế nên, sau hơn 2 năm triển khai, lần công bố Doing Business 2016 vào ngày 28-10-2015 đã thu hút nhiều sự chú ý.

    Theo đó, Việt Nam tăng 3 bậc so với xếp hạng năm trước. Trong đó, có 5 chỉ số tăng hạng nhẹ so với năm ngoái. Trước đó, ngày 30-9, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016. Theo đó, Việt Nam đã được ghi nhận tăng 12 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái, đứng thứ 56/140 nền kinh tế được đánh giá.

    Tuy mức độ cải thiện của từng chỉ số chưa như kỳ vọng, nhưng những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua đã phần nào phát huy tác dụng. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng: Môi trường đầu tư ở Việt Nam có những lợi thế. Vừa rồi chúng tôi làm việc với các DN châu Âu, họ nói trong khu vực ASEAN môi trường đầu tư của Việt Nam chỉ “ngại” nhất Singapore, còn Indonesia, Thái Lan, Malaysia không lo. Bởi Việt Nam có lợi thế hơn hẳn là môi trường xã hội và chính trị rất ổn định.

    “Nhưng tại sao Việt Nam cứ dậm chân tại chỗ, lợi thế không được phát huy? Có nhiều vấn đề tồn tại, trong đó có những vấn đề mọi người nói nhiều là bộ máy quản lý. Quyết tâm của Chính phủ rất cao nhưng bộ phận thừa hành còn nhiều bất cập, đạo đức công vụ còn nhiều vấn đề, chưa được cải thiện.

    Đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, phải tái cơ cấu lại bộ máy để những công chức Nhà nước cảm thấy chỗ đứng vững chắc, vinh hạnh, tự hào. Giờ bộ máy công chức lương thấp so với mặt bằng chung xã hội, thái độ cửa quyền, gây khó cho DN ở tất cả tỉnh, thành làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính” – ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.

    Đại diện của cộng đồng DN “nội” và “ngoại” cũng dành nhiều lời khen ngợi cho những kết quả Việt Nam đạt được. Tại Diễn đàn DN Việt Nam 2015 vào đầu tháng 12, nhắc đến Nghị quyết 19, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) hồ hởi: Chúng tôi rất vui khi được gặp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh để giải quyết những khó khăn kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh.

    Các lãnh đạo thành phố sẽ đề xuất lên Trung ương một số giải pháp cho những vấn đề quan trọng ở cấp quốc gia. TP. Hồ Chí Minh sẽ thành lập một tổ công tác để gặp gỡ đại diện DN nhằm giải quyết những khó khăn mà các nhà đầu tư và DN đang phải đối mặt, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và nâng cao tính minh bạch của các quy định và chính sách của Chính phủ Việt Nam.

    Đánh giá cao tinh thần cải cách của Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng DN của VCCI cho thấy ghi nhận tích cực của DN về những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ ngành và địa phương. Nhưng sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.

    Còn những nỗi lo

    Bên cạnh sự tích cực thực hiện Nghị quyết 19, hành trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang vấp phải nhiều rào cản, nhiều chướng ngại vật. Đáng lo thay, những rào cản ấy lại được dựng lên bởi những cơ quan đáng ra phải có nghĩa vụ gỡ bỏ các “chướng ngại vật” cho người dân, DN.

    Đơn cử, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã nhiều lần phản ánh các địa phương khá thờ ơ trong thực hiện các Nghị quyết 19. Những lớp tập huấn do CIEM tổ chức ở một số địa phương cũng chỉ lác đác người có trách nhiệm tham dự. Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh than thở: Một số bộ, ngành cải cách về chính sách khá tốt, nhưng địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, dẫn đến khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi.

    Ngoài ra, trong báo cáo tình hình thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư (sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) vừa gửi đến Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư thì có đến 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, bao gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.

    Điều đặc biệt đáng lưu ý là sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, một số Bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh. Ví dụ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13-7-2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp…

    Liên quan đến việc “đẻ” thêm các “giấy phép con” này, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) lo ngại nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh xuất hiện mới, vô hình trung trở thành vật cản cho sự phát triển của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng thừa nhận: “Trong bối cảnh tính minh bạch trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề, việc kiểm soát các Bộ ban hành Thông tư có chứa đựng về điều kiện đầu tư kinh doanh là không dễ dàng”.

    Trong cuộc trao đổi với các phóng viên dịp cuối năm, câu hỏi về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ các “giấy phép con” lại được đặt ra cho người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định chỉ có Nghị định của Chính phủ trở lên mới có quyền hạn chế quyền kinh doanh của người dân và DN. Nhưng các bộ, ngành vẫn ra Thông tư để đặt ra điều kiện kinh doanh và áp đặt.

    “Tôi phải nói thẳng rằng, các điều kiện kinh doanh không phải là xấu, xã hội phát triển thì phải có các điều kiện để đảm bảo công bằng và chất lượng phát triển tốt hơn chứ không phải gây khó khăn. Nhưng điều kiện nào mang tính cấm đoán quyền của người dân trái luật thì phải hạn chế” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ - “Tôi thấy có tình trạng ban hành nhiều giấy phép con làm trái tinh thần này. Chính phủ vừa thành lập tổ thi hành Luật DN, từ năm 2016 sẽ có cuộc tổng rà soát để xem bao nhiêu điều kiện kinh doanh được ‘đẻ’ ra thêm để báo cáo với Chính phủ” .

    Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể là đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam ngang bằng ASEAN-4. Nói về chỉ tiêu này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn: Đây là mục tiêu tham vọng, tôi nghĩ nếu xét trên văn bản thì môi trường đầu tư kinh doanh có thể ngang bằng ASEAN-4, nhưng để triển khai thông thoáng và đạt được trong thực tế quả thật rất khó khăn. Đây là thách thức trong điều hành, nếu không có chấn chỉnh thì chắc chắn không đạt được.

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:

    Cần tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí phiền hà cho DN và người dân. Đồng thời quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho Nhà nước, người dân và DN.

    (Thủ tướng phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 29-12-2015)


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn