Tin kinh tế đọc nhanh 10-05-2018
TP.HCM muốn đón 1,5 triệu khách Trung Quốc
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc/năm, tăng gần gấp ba lần so với năm 2017 (540.000 lượt), và sẽ đứng đầu thị trường du khách nước ngoài.
Đoàn khảo sát có đại diện Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM tham quan Trung tâm triển lãm yến sào tại huyện Cần Giờ - Ảnh: TỪ QUÝ THÀNH
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 8-5, ông Lã Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - xác nhận mục tiêu này.
Ông Khánh cho biết ngày 5-5, đoàn Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM đã khảo sát du lịch đường thủy tại thành phố. Dư địa thị trường khách du lịch Trung Quốc còn khá lớn và cơ quan ngoại giao của nước này quan tâm đến việc thúc đẩy du lịch hai nước, nên vấn đề xây dựng kế hoạch để thu hút khách thị trường này được TP.HCM quan tâm.
Dự kiến sắp tới TP.HCM và Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị thúc đẩy du lịch lẫn nhau với hơn 200 đơn vị lữ hành hai nước tham gia, thành lập nhiều điểm tham quan phù hợp thị hiếu của du khách Trung Quốc tại quận 5.
Tuy nhiên theo ông Khánh, để hạn chế vấn đề tiêu cực như "tour 0 đồng", sắp tới Sở Du lịch TP.HCM sẽ phối hợp các ban ngành tăng cường giám sát, kiểm tra các đơn vị kinh doanh, chủ yếu cửa hàng quà tặng lưu niệm, nệm cao su, yến sào...(Tuoitre)
---------------------------------------
Mía rớt giá, sắn 'lên ngôi'
Nhiều nông dân các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) đã và đang phá bỏ ruộng mía để trồng sắn.
Người dân chuyển sang trồng sắn vì mía rớt giá - ẢNH: ĐỨC HUY
Trung bình 1 ha mía trồng mới, nông dân đầu tư khoảng 30 triệu đồng và được lưu gốc từ 1 - 2 năm sau khi thu hoạch lần đầu. Bà So Thị Bích Hoa ở xã Xuân Quang 2 (H.Đồng Xuân) nhìn ruộng mía mơn mởn nhưng cũng phải đành lòng chặt bỏ để trồng sắn, lo lắng nói: “Mía mới trồng năm ngoái nên giờ còn tơ mà phải phá bỏ để trồng sắn thì tiếc thật, nhưng để thì lỗ nặng. Mà trồng sắn giờ thì giá cao nhưng không biết năm sau có được giá không nữa”. Ông Phạm Hồng Phương, xã Xuân Phước (H.Đồng Xuân) cũng bày tỏ: “Do cây mía giá thấp quá, hơn nữa đường giao thông vào đây cũng khó khăn, tốn công nhiều nên phải bỏ và chuyển sang trồng sắn giá được mà công cũng rẻ”.
Theo quy hoạch diện tích sắn của tỉnh Phú Yên khoảng 11.000 ha nhưng hiện đã lên tới trên 23.000 ha. Với đà giá sắn tăng cao như hiện nay và giá mía giảm, có khả năng nông dân sẽ chuyển sang trồng sắn nhiều hơn nữa. Về mặt kỹ thuật, trồng sắn sẽ khó khăn về giống. Nông dân sử dụng lại giống sắn cũ, có chất lượng không cao và đặc biệt là nhiễm các bệnh như sáp bột hồng, nhện đỏ… Những bệnh này rất nguy hiểm và sẽ lây lan sang các diện tích khác. Bên cạnh đó là tiềm ẩn khó khăn trong tiêu thụ.
Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết nếu người dân chuyển sang trồng sắn sẽ phá vỡ quy hoạch của tỉnh. “Việc trồng sắn ồ ạt nhiều quá khiến dư thừa. Các nhà máy thu mua sẽ chậm, khắt khe hơn. Từ đó giá sắn có thể giảm trong thời gian tới. Tỉnh cũng sẽ không can thiệp được vào vấn đề này”, ông Mạnh cảnh báo.
Hiện tại giá sắn cao ngất ngưởng và duy trì thời gian dài ở mức 2.800 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với vụ trước, cao kỷ lục trong 5 năm trở lại đây. Sở NN-PTNT Phú Yên vẫn khuyến cáo người dân cần tính toán kỹ việc trồng sắn, vì rất có thể vụ tới, đầu ra cây sắn không ổn định trong thu mua và giá cả. Trong khi các nhà máy đường vẫn cam kết thu mua mía với mức giá ổn định như hiện nay.(Thanhnien)
------------------------------
Dưa hấu ở Quảng Trị được mùa, được giá
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Tú, huyện vĩnh Linh – địa phương trồng dưa hấu đạt năng suất và sản lượng cao nhất của tỉnh Quảng Trị, vụ dưa hấu năm nay đạt năng suất, sản lượng và có giá thành cao nhất từ trước tới nay.
Vụ dưa hấu năm nay đạt năng suất, sản lượng và có giá thành cao nhất từ trước tới nay. Ảnh: vinhlinhquangtri.gov.vn
Vụ dưa hấu năm nay, xã Vĩnh Tú có khoảng 450 hộ canh tác trên diện tích hơn 60 ha, tăng 5 ha so với năm 2017, ước đạt tổng sản lượng trên 900 tấn và bình quân mỗi ha đạt năng suất khoảng 15 tấn. Với mức giá hiện khoảng 8.000 đồng/kg thì doanh thu từ dưa hấu của xã Vĩnh Tú khoảng 7,2 tỷ đồng.
Các hộ dân tính toán, mỗi ha trồng dưa hấu có chi phí khoảng 4 triệu đồng giống và 6 triệu đồng phân bón (phân xanh và phân chuồng). Với giá thương lái thu mua tại chân ruộng là 8.000 đồng/kg thì mỗi ha trồng dưa có doanh thu khoảng 120 triệu đồng, người trồng hưởng lãi khoảng 110 triệu đồng/ha. Trong khi đó, vụ dưa hấu chỉ trồng trong khoảng 75 ngày kể từ khi xuống giống, ngắn hơn so với các loại cây trồng khác nên người dân đỡ công chăm bón hơn. Đặc biệt, dưa hấu trồng tại xã Vĩnh Tú là dưa sạch 100%, tất cả đều được canh tác, chăm sóc theo hướng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Bởi vậy, dưa có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Ánh, thị xã Quảng Trị cho biết, dưa Vĩnh Tú có da mỏng, thịt đỏ tươi, hạt nhỏ và ít. Do được trồng trên cát nên trái hấp thụ được nhiều vitamin, có độ kết tinh cao; khi bổ ra, nhìn thấy óng ánh trên bề mặt miếng dưa và hương vị ngọt đậm đà hiếm dưa nơi nào có được. Vì thế, mặc dù dưa hấu trên thị trường có nhiều loại khắc nhau những đa phần các nhà hàng, khách sạn ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình,… và một số tỉnh thành trong nước vẫn ưu tiên lựa chọn dưa hấu Vĩnh Tú làm món tráng miệng cho thực khách.
Thời điểm này, tại các cánh đồng trồng dưa của xã Vĩnh Tú luôn có xe ô tô tải của thương lái đến thu mua. Từ đầu vụ, do hàng khan hiếm nên dưa hấu Vĩnh Tú đã được các thương lái đến tận chân ruộng thu mua với giá thành 15.000 đồng/kg để cung ứng cho thị trường.
Ông Tô Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Tú trăn trở, thương hiệu dưa Vĩnh Tú đã nổi tiếng, được người dân trong và ngoài tỉnh tin dùng. Vì thế, nhiều thương lái đã lấy dưa ở các địa phương khác giả dưa Vĩnh Tú để bán. Việc này khiến uy tín thương hiệu dưa hấu Vĩnh Tú suy giảm. Địa phương mong cơ quan chức năng có giải pháp để đảm bảo thương hiệu cho dưa hấu Vĩnh Tú, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Để phát huy hơn nữa lợi thế của địa phương, thời gian tới, xã tiếp tục động viên người dân chuyển đổi diện tích hoang hóa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dưa hấu; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện vĩnh Linh cũng sẽ tăng cường phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng sản xuất, nghiên cứu tìm ra giống dưa hấu phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, có khả năng chống sâu bệnh,… và đem lại năng suất cao.(Baotintuc)
---------------------------
4 tháng, Chính phủ trả nợ hơn 76.000 tỉ
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 4, Chính phủ đã trả nợ 76.158 tỉ đồng.
Bộ Tài chính ước tính tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với GDP đến hết tháng 4 vào khoảng 55,9%, ước tính khoảng 2,8 triệu tỉ đồng - Ảnh: TTO
Với quy mô GDP đạt khoảng 5 triệu tỉ đồng thì nợ công của Việt Nam gần 2,8 triệu tỉ đồng. Chia ra bình quân đầu người, mỗi người Việt Nam đang gánh khoảng 30 triệu đồng.
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, Chính phủ vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu 46.463 tỉ đồng.
Về huy động vốn nước ngoài, lũy kế 4 tháng, Chính phủ đã ký kết 2 hiệp định vay với tổng trị giá 29,9 triệu USD, tương đương 670 tỉ đồng.
Bộ Tài chính ước tính tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với GDP đến hết tháng 4 khoảng 55,9%. Trong đó, nợ chính phủ so với GDP khoảng 47,5%; nợ được bảo lãnh Chính phủ so với GDP khoảng 7,9%; nợ chính quyền địa phương so với GDP khoảng 0,5%.
Về khoản tiền trả nợ vay của Chính phủ trong 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết đã trả 76.158 tỉ đồng. Trong đó, số tiền trả nợ vay trong nước 59.383,5 tỉ đồng, trả nợ vay nước ngoài 16.774,2 tỉ đồng.
Đối với giải ngân nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trong 4 tháng đầu năm giải ngân khoảng 700 triệu USD, tương đương 6.425 tỉ đồng. Trong đó 60% vốn vay về rồi cấp phát khoảng 520 triệu USD, tương đương 11.650 tỷ đồng.
Còn vốn vay về cho vay lại khoảng 180 triệu USD, tương đương 4.775 tỷ đồng.
Nhằm giảm áp lực lên nợ công, theo Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm, không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho bất kỳ dự án vay vốn trong và ngoài nước nào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quang Chiểu - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - nhận định liên tục mấy năm gần đây, áp lực trả nợ rất lớn. Số tiền trả nợ mỗi năm khoảng 100.000 tỉ đồng.
Cũng theo ông Chiểu, dù tỷ lệ nợ công trên GDP có giảm, còn 55,9%, nhưng tổng nợ tuyệt đối vẫn tăng lên. Với quy mô GDP đạt khoảng 5 triệu tỉ đồng thì nợ công của VN gần 2,8 triệu tỉ đồng.
Chia ra bình quân đầu người, mỗi người VN đang gánh khoảng 30 triệu đồng.(Tuoitre)