Tin kinh tế đọc nhanh 28-02-2018
Mỹ xây nhà máy biến rác thành gạch, nắp cống tại VN
Ngày 26-2, tại TP.HCM đã diễn ra sự kiện ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm từ vật liệu composite tái chế giữa Minh Hưng Group (Việt Nam) và MHE Manufacturing of Texas LLC (Mỹ).
Hai đơn vị này sẽ hợp tác thực hiện dự án xây dựng và vận hành nhà máy Sản xuất ván ép từ vật liệu Composite tái chế đầu tiên tại châu Á. Nhà máy được kỳ vọng sẽ mang về cho Việt Nam giải pháp công nghệ cao mới, hiện đại góp phần giải quyết vấn đề môi trường, tận dụng nguồn nguyên liệu rác thải và kiến tạo nên các sản phẩm mới, chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Chi phí đầu tư nhà máy tại Việt Nam dự kiến là 50 triệu USD.
Rác thải sợi thủy tinh được tái chế thành nắp cống.
Theo Biên bản ghi nhớ, GFSI-MHE Manufacturing of Texas LLC (Mỹ) sẽ cung cấp thông tin, công nghệ và thiết bị, MH Group cùng với tập đoàn Minh Hưng sẽ cung cấp chuyên gia về đầu tư và thương mại để thúc đẩy sáng kiến này ngăn chặn việc hình thành thêm các bãi chôn lấp chất thải gây hại môi trường. Nhà máy sẽ tái sử dụng các rác thải composite sợi thủy tinh đã qua sử dụng thành một vật liệu gỗ dán và tấm thay thế.
Đại diện công ty đến từ Mỹ cho biết hiện nay các sản phẩm làm từ composite sợi thủy tinh hiện hữu khắp nơi, từ máy bay, xe lửa, xe hơi, đến ngay cả các vật dụng trong gia đình.
Trong khi, các phương pháp xử lý chất thải từ sợi thủy tinh hiện nay chủ yếu là nghiền hoặc đốt, sau đó đem chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, tốn kém chi phí và lãng phí tài nguyên.
Với công nghệ tái chế sợi thủy tinh, phế phẩm sẽ được tái chế thành các sản phẩm mới như nắp cống, gạch xây dựng, pallets…với chi phí thấp hơn rất nhiều so với chi phí tái chế truyền thống, và quan trọng là có thể tái chế nhiều lần.
Chi phí đầu tư nhà máy công nghệ tái chế sợi thủy tinh tại Việt Nam dự kiến là 50 triệu USD.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng công nghệ tái chế sợi thủy tinh là một bước tiến mới về công nghệ trong ngành nhựa. Theo các chuyên gia, từ composite tái chế có thể làm ra những thanh định hình thay thế cho kim loại.
Đặc biệt với nhiều đặc tính vượt trội như: chống cháy, chống thấm, độ bền lâu, chắc chắn, chúng ta có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác phù hợp để thay thế các vật liệu trong ngành xây dựng với đa dạng các hình dạng và kích cỡ như: pallet, kệ để hàng, ngói, gạch…(PLO)
--------------------------------
Honda triệu hồi 1.524 xe hơi, Suzuki triệu hồi gần 4.500 xe máy
1.524 chiếc xe hơi Honda City cả bản số sàn và số tự động, sẽ được triệu hồi do lỗi túi khí, trong khi đó gần 4.500 chiếc Suzuki Raider 150 Fi lỗi khóa ổ điện.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa phát đi thông báo triệu hồi 1.524 chiếc Honda City liên quan đến lỗi túi khí hành khách phía trước.
Những chiếc xe trong lần triệu hồi này được sản xuất tại nhà máy Honda Việt Nam ở Vĩnh Phúc trong thời gian từ 25-5-2013 đến 6-1-2014.
Theo khuyến cáo của hãng Honda và Cục Đăng kiểm, túi khí an toàn trang bị trên các xe nhằm giảm thiểu các rủi ro tai nạn liên quan đến con người hoặc giảm thiểu chấn thương ở vùng đầu, cổ, ngực và mặt của người lái và hành khách khi xe bị va chạm từ phía trước.
Khi xảy ra va chạm đủ mạnh, bộ điều khiển nhận được tín hiệu sẽ cung cấp dòng điện để kích nổ túi khí, bộ thổi khí sẽ tạo khí nhằm tạo ra một túi đệm khí tránh cho một số bộ phận của cơ thể người va chạm trực tiếp với các phần cứng của xe, sau đó túi khí sẽ tự động xả hơi để không làm kẹt người lái và hành khách trong xe.
Trong trường hợp bộ thổi khí tạo ra áp suất quá lớn tại thời điểm túi khí bị kích hoạt khi xe va chạm, vỏ bộ thổi khí hoặc các linh kiện nhỏ có thể bị vỡ, bắn ra gây tổn thương cho người lái và hành khách.
Các xe thuộc diện triệu hồi cần được đưa đến các đại lý ủy quyền để kiểm tra, khắc phục và thay thế miễn phí bộ thổi khí của túi khí hành khách phía trước. Thời gian sửa chữa gần 1 tiếng đồng hồ mỗi xe.
Chiến dịch triệu hồi bắt đầu từ 10-3-2018 đến 9-3-2019.
Trước đó, Cục Đăng kiểm cũng cho biết phê duyệt cho Suzuki Việt Nam triệu hồi gần 4.500 chiếc Suzuki Raider 150 Fi do Suzuki Việt Nam sản xuất và lắp ráp từ tháng 11-2016 đến tháng 8-2017 bị lỗi khóa ổ điện.
Nguyên nhân triệu hồi do trong quá trình sản xuất, bộ tiếp điểm nằm trong bộ ổ khóa điện chính của nhà cung cấp tại Indonesia, chất xúc tác hàn vẫn còn nằm lại trên bề mặt tiếp điểm nên khi nhiệt độ phát sinh trong quá trình sử dụng sẽ làm cho bề mặt tiếp điểm tiếp xúc kém, dẫn đến hiện tượng chập chờn của bộ ổ khóa điện chính.
Do đó, khi bật công tắt khởi động, hệ thống điện của xe thỉnh thoảng mất nguồn dẫn đến hiện tượng xe không thể khởi động, hoặc trong khi vận hành xe, động cơ sẽ chết máy gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng.
Thời gian triệu hồi từ nay đến hết tháng 12-2019, khách hàng mang xe đến đại lý ủy quyền của Suzuki để được kiểm tra và thay thế miễn phí tấm tiếp điểm nằm trong bộ ổ khóa điện chính để khắc phục triệt để lỗi trên.(Tuoitre)
----------------------------
Doanh nghiệp kêu "đói" thông tin thị trường
Không chỉ hiệp hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam đều kiến nghị thương vụ tăng cường cung cấp thông tin thị trường để hỗ trợ xuất khẩu hiệu quả hơn
Ngày 26-2, tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 để đối thoại với các địa phương và doanh nghiệp (DN) phía Nam.
Giúp doanh nghiệp phòng tránh rủi ro
Trao đổi tại hội nghị, các địa phương và DN ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của các tham tán thông qua hoạt động chia sẻ thông tin trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho biết năm 2017, lần đầu tiên, Cần Thơ nhận được thông tin thị trường từ một số tham tán, trung bình 3 email/tuần. Tham tán tại các nước như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Malaysia, Lào... hỗ trợ rất tốt cho Cần Thơ trong hoạt động xúc tiến thương mại. Qua đó, DN ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới cũng như hợp đồng ghi nhớ hợp tác.
Theo ông Hoài Nam, các tỉnh thành phía Nam mặc dù đã cố gắng đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu nhưng gạo, rau củ, thủy sản... vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. DN cần biết chính sách nhập khẩu của các thị trường cũng như quy định về rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá, cảnh báo nguy cơ trong giao dịch xuất nhập khẩu... Những thông tin này nếu được cung cấp đầy đủ, kịp thời sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN trong việc tiếp cận thị trường, bán hàng và phòng tránh rủi ro trong giao dịch.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 Ảnh: Tấn Thạnh
Dẫn chứng DN ở Cà Mau do thiếu thông tin chính xác về đối tác nhập khẩu nên gặp khó khăn trong thanh toán, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kiến nghị các thương vụ tiếp tục quan tâm thông tin kịp thời, đầy đủ cho DN về thương mại, nhu cầu thị trường, rào cản kỹ thuật và những dự báo chính sách.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với tham tán tổ chức tập huấn chuyên sâu cho công chức cơ quan quản lý nhà nước, DN về các thị trường trọng điểm cũng như thị trường ngách, giúp DN tiếp cận tốt hơn. Theo ông Hòa, TP HCM đang tích cực chuẩn bị đưa ra giải pháp xây dựng thành phố đặc thù, đặc biệt là kêu gọi dòng vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, tham gia xử lý rác thải, quy hoạch phát triển hệ thống logistics... nên rất mong các tham tán hỗ trợ thành phố kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực này.
Chưa tận dụng được các ưu đãi
Lý giải một số bất cập trong việc tiếp cận, làm ăn với thị trường nước ngoài, một số tham tán thương mại cho rằng nguyên nhân một phần do các DN Việt còn khá bị động và chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường cũng như chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu chưa hợp lý. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc, nhìn nhận chính sách thương mại và thuế của Úc khá minh bạch. Các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm... rất chặt chẽ. Nhiều DN vẫn chưa nắm hoặc chưa cập nhật các quy định nhập khẩu hàng hóa và quy định về kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu vào Úc.
Riêng năm 2017, có đến 39 trường hợp hàng Việt Nam vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm của Úc. Dù hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 nhưng DN trong nước vẫn còn khá lúng túng trong việc tìm hiểu, vận dụng nội dung hiệp định, các cam kết, ưu đãi mà hàng Việt Nam được hưởng. Bà Thúy đánh giá hàng Việt Nam tại Úc còn rất mờ nhạt do DN Việt chưa quan tâm đầu tư phát triển thương hiệu mà chủ yếu xuất thô và sơ chế.
Theo bà Thúy, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường, ưu đãi qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), hướng tới sản xuất sạch, chất lượng cao, kiểm soát tốt sản xuất để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của nước nhập khẩu, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm giá thành. DN cũng cần có chiến lược dài hạn, phù hợp để thâm nhập thị trường. Chẳng hạn cá ba sa Việt Nam thâm nhập thị trường ồ ạt, sản lượng cao nhưng giá rẻ. Cá thác lác của Cần Thơ đang tìm đường xuất ngoại thì tránh lặp lại tình trạng này, cần thuê tư vấn, tiếp cận thị trường từ kênh nhà hàng để xác lập giá bán cao ngay từ đầu.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ Việt Nam tại EU và Vương quốc Bỉ, cảnh báo nguy cơ tranh chấp thương mại và lừa đảo qua mạng đang gia tăng nên DN phải hết sức cảnh giác. Nếu nhận được email "không ổn" nên liên hệ thương vụ để xác minh nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại.(NLĐ)
----------------------------
Việt Nam và Pháp thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp hữu cơ
Khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam và Pháp đã có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong khuôn khổ một diễn đàn tổ chức ngày 26/2 tại Paris.
Ngày 26/2/2018 (theo giờ địa phương), tại Paris, Cộng hòa Pháp, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được tổ chức, thu hút khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam và Pháp tham dự. Ảnh: Linh Hương/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, thông qua diễn đàn kết nối doanh nghiệp này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Pháp về mô hình quản lý nhà nước đối với xây dựng và quản lý các tổ chức chứng nhận hữu cơ. Ngược lại, đây cũng là cơ hội tốt để các đơn vị cấp chứng nhận hữu cơ của Pháp nghiên cứu khả năng đầu tư vào Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững.
Các doanh nghiệp tham dự diễn đàn đều có chung nhận định rằng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường sẽ trở thành là xu hướng tất yếu trong thời gian tới của nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển. Vì vậy, nông nghiệp hữu cơ trên thế giới đã có những bước phát triển đột phá về diện tích sản xuất và nhu cầu tiêu thụ.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang từng bước phát triển. Thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ chỉ rõ diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của Việt Nam năm 2015 đạt hơn 76.000 ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010. Hiện một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như gạo Bản địa, cà phê Tây nguyên, chè San Tuyết Lào Cai, dầu dừa Bến tre… đã được biết đến ở nhiều nước trên thế giới.
Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc điều hành Ecolink, cho biết công ty của ông đã thành công trong việc đưa sản phẩm chè sạch Ô long trồng tại Lai Châu vào thị trường Pháp. Ông hy vọng qua diễn đàn này có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các nhà làm chính sách để có được các cơ chế chính sách và tài chính phù hợp với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chè Việt Nam nói riêng, để sản xuất ra các loại chè cao cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và đặc biệt là xuất khẩu.
Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất cho phép khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên như đất, năng lượng, các chất dinh dưỡng, các quá trình sinh học diễn ra trong tự nhiên với một phương pháp quản lý hợp lý nhất nhằm mục đích tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng đảm bảo cho hệ thống sản xuất bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đang tích cực triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị gia tăng, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông niệp thế giới. Các cơ chế chính sách phù hợp được ban hành nhằm giúp các Hiệp hội và các đơn vị sản xuất thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ, giữ cân bằng hệ sinh thái tự nhiên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và giai đoạn chống biến đổi khí hậu hiện nay.(TTXVN)