Tin kinh tế đọc nhanh 11-05-2018
Bắt giam Chủ tịch và Kế toán trưởng Lọc hóa dầu Bình Sơn
Ngày 10/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Chủ tịch Hội đồng thành viên và Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Theo Cổng Thông tin Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tiến hành điều tra vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 55/C46-P11 ngày 13/9/2017. Vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Căn cứ kết quả điều tra vụ án, ngày 10/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra các Quyết định khởi tố bị can số: 64; 65/C46-P11; Lệnh bắt bị can để tạm giam số: 19; 20/C46-P11 và Lệnh khám xét số: 24; 25/C46-P11 đối với Nguyễn Hoài Giang, sinh năm 1968, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn và Phạm Xuân Quang, sinh năm 1980, Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về tội “ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi của bị can Nguyễn Hoài Giang, Phạm Xuân Quang và mở rộng điều tra đối với những đối tượng liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước. (Bizlive)
--------------------------
Ngành thép 4 tháng sản xuất tiêu thụ đều tăng trưởng khá
Tiêu thụ thép 4 tháng đầu năm 2018 đạt 6.698.893 tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 38,8% so với 4 tháng năm 2016, trong đó xuất khẩu đạt 1.568.826 tấn, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù thị trường thép trong nước gặp nhiều áp lực từ thị trường đến rào cản xuất khẩu từ các nước đưa ra… nhưng với sự nỗ lực, tăng cường mở rộng thị phần của các doanh nghiệp, trải qua 4 tháng đầu năm 2018 ngành thép trong nước đã đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp (DN) là thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã sản xuất được 3.691.672 tấn thép thô. Trong đó, tiêu thụ đạt 3.858.953 tấn.
Đối với thép thành phẩm các loại sản xuất đạt 7.594.534 tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt 6.698.893 tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 38,8% so với 4 tháng năm 2016, trong đó xuất khẩu đạt 1.568.826 tấn, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Nếu tính riêng mảng thép xây dựng, 4 tháng đầu năm 2018 tiêu thụ nằm trong top 5 DN mạnh nhất phải kể tới Thép Hòa Phát, chiếm tới 23,29%; Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) chiếm 18,57%; thép Posco SS vina chiếm 9,85%; thép Việt (Pomina) đạt 9,62%; thép Vinakyoei chiếm 7,32%.
Đối với mảng ống thép hàn, 4 tháng đầu năm sản xuất đạt 742.405 tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Và, tiêu thụ đạt 735.192 tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 107.951 tấn, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Con số tiêu thụ tăng trưởng đó dẫn đầu vẫn là ống thép Hòa Phát với 27,37%; tiếp đó là ống thép Hoa Sen với 17,20%...
Ngoài ra, đối với mảng tôn mạ kẽm và sơn phủ màu, 4 tháng đầu năm 2018 các DN sản xuất đạt 1.476.366 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tiêu thụ đạt 1.191.852 tấn, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó xuất khẩu 608.268 tấn, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Nói về tiêu thụ tôn, nằm trong Top đầu vẫn phải kể tới tôn Hoa Sen, tiêu thụ chiếm tới 35% thị phần; tiếp đó là tôn thép Nam Kim với 15%; tôn Đông Á với 13%...
Đối với tình hình xuất, nhập khẩu, tính đến hết tháng 3/2018, Việt Nam nhập khẩu thép thành phẩm đạt hơn 3,1 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 28,9% về lượng và giảm 14,7% về giá trị.
Đáng chú ý, thị trường Việt Nam nhập khẩu lớn nhất vẫn thuộc về Trung Quốc, chiếm khoảng 36% so với tổng sản phẩm thép thành phẩm nhập khẩu.
Về xuất khẩu, tính tới hết tháng 3/2018, Việt Nam xuất khẩu thép thành phẩm đạt trên 1,43 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,04 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 57% về giá trị. Trong đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu đạt trên 834.000 tấn thép, chiếm trên 50% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu; tiếp đó là Hoa Kỳ khoảng 15,17%; EU 9,79%; Đài Loan 3,9%; Hàn Quốc 3,6%...
Theo đánh giá tổng hợp và nhận định của một số chuyên gia ngành thép, sản lượng sản xuất và bán hàng trong 4 tháng đầu năm 2018 đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2017. Song, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm thép điều chỉnh tăng từ quý I/2018 đến nay, nhưng giá bán các sản phẩm thép trong nước về mặt bằng chung gần như vẫn giữ được mức ổn định, thậm chí trong tháng 4 có thời điểm còn giảm từ 50-200 đồng/kg và đến nay vẫn duy trì đều.
Nhận định về xuất khẩu, mặc dù thời gian qua việc xuất khẩu các sản phẩm thép của các DN gặp phải những rào cản thương mại từ các nước đưa ra nhưng vẫn duy trì khá. Tuy nhiên, thời gian tới đây việc xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn nhất định bởi các nước đã và đang tiếp tục khởi sướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép của Việt Nam. Chính vì vậy, các DN trong nước - là những đơn vị trước đây có đơn hàng xuất khẩu mạnh nay đã chủ động tìm cho mình thêm những thị trường mới và đặc biệt chú trọng tới thị trường tiêu thụ trong nước để giữ vững ổn định sản xuất, doanh thu và việc làm cho người lao động.(Báo Công Thương)
----------------------------------
Chính phủ xử lý truy thu thuế Sabeco, Habeco
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu kiểm toán rà soát toàn bộ nội dung về việc nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco, Habeco. Các Bộ ngành phải cho ý kiến về kết luận của phía Kiểm toán.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Kiểm toán nhà nước rà soát toàn bộ nội dung kết luận về việc Sabeco, Habeco.
Cụ thể, kiểm toán rà soát về việc nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt, nộp tiền phạt chậm nộp và nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nộp khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước tại Sabeco. Cùng với đó, rà soát quyền, trách nhiệm của các cổ đông tại Sabeco, Habeco khi thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước theo luật định.
Trên cơ sở đó, phía kiểm toán có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan và doanh nghiệp thực hiện theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Tài chính, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung liên quan đến kết luận trên của Kiểm toán nhà nước gửi Bộ Công Thương. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước hôm nay 10/5.
Trước đó, việc truy thu thuế của Sabeco và Habeco theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp phải nhiều vướng mắc. Bộ Công Thương năm 2017 đã có báo cáo cho rằng trong quá trình kinh doanh Sabeco, Habeco đã chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của Nhà nước về thuế.
Bộ Công Thương cho rằng Bộ Tài chính trong công văn số 95 ban hành tháng 11/2016 có ghi các doanh nghiệp đã nộp đủ và không có khiếu nại là không đúng với thực tế.
Trong khi đó, trong hai năm 2014 - 2015, các đoàn Kiểm toán Nhà nướcthực hiện kiểm toán tại Habeco và Sabeco đã kiến nghị truy thu bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt cho giai đoạn 2012 -2015.
Sabeco bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2013 là 408,8 tỷ đồng. Về phía Habeco, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị truy thu 920,2 tỷ đồng.(NDH)
--------------------------
JICA: Chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA ngày càng trở nên trầm trọng
Đó là nhận định được Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Konaka Tetsuo chia sẻ tại buổi họp báo thường niên sáng 10/5.
Phía JICA cho rằng vấn đề chậm thanh toán tại các dự án ODA hiện là thách thức lớn trong quá trình triển khai các dự án. Đặc biệt, "Việc chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA, trong đó có các dự án của JICA, ngày càng trở nên trầm trọng" – ông Konaka Tetsuo nhận định.
Một ví dụ điển hình về sự chậm trễ thanh toán được JICA đưa ra là dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1 mà phía JICA hỗ trợ. Sau nhiều lần báo động về tình trạng chậm tiến độ, TP HCM đã phải ứng trước tiền ngân sách lần thứ 3 để giải quyết tạm thời việc chậm thanh toán cho nhà thầu. TP HCM cũng đã chấp thuận ứng trước 5 tỷ yên, tuy nhiên con số chậm thanh toán tính đến cuối tháng 3/2018 đã lên tới 270 triệu yên. Phía JICA cho rằng việc ứng vốn của TP HCM cũng chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời.
JICA cho biết Chính phủ Nhật Bản cùng với các nhà tài trợ lớn khác đã có các cuộc đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam, nhờ đó phân bổ ngân sách năm tài khóa 2018 đã có những chuyển biến rõ rệt.
Phía Nhật Bản đề nghị Việt Nam phân bổ thêm ngân sách cho một số dự án hiện đang thiếu vốn như Dự án đường sắt đô thị TP HCM hay một số dự án do Bộ Giao thông vận tải chủ quản. "JICA đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục rà soát các thủ tục để nhanh chóng đưa ra những quyết định về việc phân bổ ngân sách cho các dự án vốn vay ODA và đơn giản hóa thủ tục", trưởng đại diện JICA Việt Nam nói.
Ngoài ra, việc chậm trễ trong quá trình phê duyệt từ phía các cơ quan, chậm giải phóng mặt bằng… cũng là những thách thức trong quá trình triển khai các dự án ODA.
Trong năm 2017, JICA đã ký kết 3 Hiệp định cho vay vốn ODA với tổng số là 61,8 tỷ yên. Tổng giá trị vốn vay đã giải ngân là 105,4 tỷ yên, trong đó giá trị ròng là 53,9 tỷ yên. JICA cũng viện trợ không hoàn lại một dự án với mức 1,8 tỷ yên.(NDH)