Tin kinh tế đọc nhanh 14-01-2018
Người tiêu dùng đang vay mượn quá mức
VDSC nhận định, người tiêu dùng đang có tâm lý lạc quan quá mức vào khả năng thu nhập trong tương lai và họ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu hiện tại.
Cụ thể, báo cáo phân tích mới đây của công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, theo số liệu thống kê, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng Việt Nam tăng đột biến, gần 60% trong năm 2017 và dự đoán trong 3 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này lên tới 29-30%/năm.
Trong khi đó, tính tới năm 2016, tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam chỉ đạt 29% GDP, khá thấp trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng quý 2/2017 đạt 117 điểm, mức cao nhất trong 5 năm gần đây, và giúp Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan. Đáng chú ý, Việt Nam không còn là quốc gia tiết kiệm nhất thế giới và người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu các khoản lớn cho du lịch, mua sắm, bảo hiểm y tế,…sau khi chi trả các chi phí sinh hoạt thiết yếu.
Dựa trên những phân tích về xu hướng hành vi tiêu dùng, VDSC nhận định người tiêu dùng đang có tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai và họ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại. Điều này làm gia tăng quan ngại về khả năng trả nợ của người dân. Hơn thế nữa, những phân tích cho thấy nếu tăng chi tiêu dùng không gắn với tăng trưởng kinh tế thì sức khỏe của nền kinh tế sẽ yếu đi trông thấy trong dài hạn.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay còn tiềm ẩn rủi ro dòng vốn này một phần đang chảy sang các tài sản đầu cơ, rủi ro giá tài sản tăng sẽ khiến các ngân hàng đánh giá quá cao mức độ tín nhiệm của người đi vay.
Giá nhà ở và giá văn phòng có những hồi phục rõ nét trong gần 5 năm qua. Chỉ số giá nhà tại thành phố Hồ Chí Minh tính tới quý 2/2017 đạt 93 điểm, tăng 5,1% so với mức đáy 2014 trong khi chỉ số giá văn phòng được ghi nhận ở mức 89 điểm, tăng tới 23,1% so với đầu năm 2013. Dòng vốn tín dụng chính là một trong những điểm nhấn trong bức tranh này. Bên cạnh thị trường bất động sản, dòng vốn tín dụng chảy sang tài sản đầu cơ càng gia tăng khi nhìn sang diễn biến thị trường chứng khoán.
Tín dụng tiêu dùng sẽ là một trong những nhân tố chèo lái giá tài sản trên thị trường bất động sản và chứng khoán trong thời gian tới. Tuy nhiên, dòng vốn này còn rủi ro nhiều tiềm ẩn và phải được các nhà lập pháp thực hiện kiểm soát chặt chẽ, VDSC khuyến nghị. (infonet)
------------------------------
Hạn chế tình trạng đô la hóa, nâng cao vị thế VND
Để huy động được nguồn ngoại tệ của người dân, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục điều hành các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức hấp dẫn của VND.
Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về chính sách lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ 0%. Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:
Đúng như nhận định của Đại biểu, khi kinh tế vĩ mô bất ổn định, đồng nội tệ bị mất giá đã khiến người dân mất niềm tin với thị trường, với đồng nội tệ, từ đó chuyển sang nắm giữ ngoại tệ, vàng. Bởi vậy gây ra tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Trong những năm qua, để hạn chế tình trạng đô la hóa, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện chủ trương từng bước chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Thực tế cho thấy, nếu như trong nhiều năm trước đây, lạm phát thường xuyên biến động và ở mức cao thì từ năm 2012 trở lại đây, lạm phát đã được kiểm soát liên tục ở mức thấp, góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kết hợp đồng bộ các giải pháp và công cụ điều hành, nhất là sự phối hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để duy trì sức hấp dẫn của VND so với USD.
Vào thời điểm tháng 8/2015, thị trường ngoại tệ trong nước chịu áp lực rất lớn từ biến động bất thường trên thị trường quốc tế (Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ), tỷ giá tăng chạm trần, tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm trần lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm đối với tổ chức vào nửa cuối năm 2015; đồng thời tích cực bán ngoại tệ can thiệp; tích cực truyền thông; từ năm 2016, chuyển sang điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm...
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, từ năm 2015 đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường được giải tỏa, thanh khoản thị trường cải thiện, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm (Tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,5% hiện nay).
Mặc dù có những tác động tích cực, góp phần vào bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối, nhưng cũng như bất kỳ một chính sách kinh tế nào khác, khó tránh khỏi những tác động hạn chế như việc người dân không được hưởng lãi suất, có người dân rút tiền gửi ngoại tệ ra tự quản lý, đối mặt với rủi ro... Tuy nhiên, với chủ trương kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất VND luôn hấp dẫn so với ngoại tệ thì người dân chuyển đổi ngoại tệ ra VND để gửi hệ thống ngân hàng sẽ có lợi hơn.
Thực tế cho thấy, từ khi áp dụng chính sách lãi suất 0%/năm, kết hợp đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tiền gửi ngoại tệ của người dân giảm nhưng đi đôi là diễn biến các tổ chức tín dụng chuyển từ xu hướng bán ròng ngoại tệ sang mua ròng ngoại tệ, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua được một lượng lớn ngoại tệ trong năm 2016 (9,6 tỷ USD), và tiếp tục mua 7,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2017.
Về ý kiến trong điều hành kinh tế vĩ mô có bất cập lớn, trái ngược nhau giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, mặc dù vẫn còn những hạn chế, bất cập trong điều hành cũng như phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, nhưng những năm qua, việc phối hợp giữa hai chính sách này ngày càng chặt chẽ. Để phục vụ nhu cầu vốn đầu tư phát triển và bù đắp bội chi ngân sách, hàng năm, Chính phủ phải đi vay trong và ngoài nước, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ.
Đối với việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng nội tệ, chính sách tiền tệ đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa trong việc điều tiết tiền tệ, lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ thành công với khối lượng lớn, lãi suất giảm. Đối với ngoại tệ, do Chính phủ huy động chủ yếu từ nước ngoài với kỳ hạn dài, trong khi nguồn vốn huy động ngoại tệ trong nước của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn nên khó có thể dùng nguồn ngoại tệ này để cho Chính phủ vay với kỳ hạn dài. Do không tương đồng về bản chất, kỳ hạn và điều kiện nên khó có thể so sánh về lãi suất huy động ngoại tệ của hệ thống ngân hàng với lãi suất mà Chính phủ đi vay nước ngoài.
Để huy động được nguồn ngoại tệ của người dân, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục điều hành các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức hấp dẫn của VND, phát triển thị trường tài chính để người dân chuyển hóa thành VND, trở thành nguồn lực để góp phần đầu tư, phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy GDP năm 2017 tăng 6,81% chứng minh cho sự phù hợp của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Trên cơ sở ý kiến tâm huyết của Đại biểu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động đánh giá, dự báo và theo dõi sát diễn biến kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế trong và ngoài nước để có phương án, giải pháp điều hành các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp, kịp thời, bao gồm cả chính sách lãi suất tiền gửi USD, bảo đảm ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, hạn chế tình trạng đô la hóa, nâng cao vị thế đồng VND, tăng dự trữ ngoại hối, giảm găm giữ ngoại tệ để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cập nhật và đề xuất chính sách lãi suất tiền gửi USD trong Đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.(TBNH)
-------------------------
Thông tin định hình thế giới
Bạn nghĩ lĩnh vực nào đang tạo ra dòng tiền cuộn chảy hiện nay?
Câu trả lời là thông tin. Không còn là dầu mỏ. Dữ liệu thông tin cộng với công nghệ xử lý thông tin ngày càng phát triển đã tạo ra một ngành công nghiệp phát triển nhanh và sinh lợi khổng lồ.
Tờ New York Times mới đây cho biết, 5 công ty có giá trị lớn nhất toàn cầu hiện nay đều là các “đại gia” trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc sử dụng công nghệ thông tin làm trụ cột cho hoạt động kinh doanh của mình.
Đó là Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft. Chỉ riêng trong quý I/2017, 5 công ty này đã thu về lợi nhuận ròng tới hơn 25 tỷ USD.
Không nghi ngờ gì nữa, cuộc sống hiện đại đang tạo ra lượng thông tin lớn hơn bao giờ hết. Một chiếc xe tự lái tạo ra 100 gigabyte thông tin mỗi giây. Bạn đang xem truyền hình, ngồi trên xe hơi, hoặc đang chạy bộ? Bất kể đang làm gì, ngay lúc này, bạn cũng góp phần vào việc tạo ra thông tin - nguyên liệu cho các công xưởng xử lý dữ liệu, biến dữ liệu thành tài sản giá trị.
Trong khi đó, các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra vô số giá trị từ việc “chưng cất” dữ liệu. Thu thập, phân tích dữ liệu từ những chiếc xe tự lái do chính mình sản xuất, Tesla có cơ sở để hoàn thiện sản phẩm của mình tốt nhất.
Có lẽ vì vậy mà tuy chỉ mới bán được 25.000 xe trong quý đầu tiên năm 2017, Tesla có giá trị vốn hoá cao hơn cả GM, dù nhà sản xuất ô tô kỳ cựu GM bán được tới 2,3 triệu chiếc xe trong cùng kỳ. Google biết được những gì mọi người tìm kiếm.
Facebook biết được những gì họ chia sẻ, tình cảm vui buồn, giận dữ; thậm chí cả tình trạng tài chính của hàng tỷ người và có thể dự báo khá chính xác về mức độ hấp dẫn của một sản phẩm hoặc dịch vụ, thời điểm mà khách hàng sẵn sàng chi trả để mua hàng, các dịch vụ cần chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ một bệnh nhân có nguy cơ cần cấp cứu…
Chính vì thế, công tác quản lý kinh tế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung đang đứng trước yêu cầu phải thay đổi. Chẳng hạn, các cơ quan chống độc quyền cũng cần thu thập nhiều dữ liệu hơn khi phân tích động lực thị trường của các doanh nghiệp để phát hiện ra các trường hợp mua thâu tóm nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Cũng cần yêu cầu các công ty sở hữu dữ liệu tiết lộ cho người tiêu dùng về những thông tin họ nắm giữ và lợi nhuận kiếm được từ kho dữ liệu đó cũng như những rủi ro có thể gặp phải khi dữ liệu bị rò rỉ không mong muốn. (Baohaiquan)
----------------------
Dự trữ ngoại hối 54,5 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước ráo riết cân tiền
Sáng 12/1, tham dự hội nghị triển khai kế hoạch 2018 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết dự trữ ngoại hối quốc gia vừa tiếp tục tăng một bước mạnh.
Hoạt động hút bớt tiền về diễn ra liên tục và ráo riết, nhằm trung hòa tác động nguồn tiền đến cân đối lãi suất, đặc biệt là đối với lạm phát - Ảnh: Quang Phúc.
Cụ thể, đến thời điểm này quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên tới 54,5 tỷ USD.
Vừa mới tuần trước, tại hội nghị toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước cập nhật con số hơn 53 tỷ USD. Theo đó, chỉ trong khoảng một tuần làm việc đầu năm 2018, lượng ngoại tệ mua ròng lên đến khoảng 1,5 tỷ USD.
"Trong hai năm 2016 và 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được khoảng 22 tỷ USD và đến thời điểm hiện nay, dự trữ ngoại hối đã trên 54,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, củng cố niềm tin quốc gia, tăng cường lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài", Thống đốc nói tại hội nghị trên.
Cùng đó, người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cho biết, ứng với lượng mua vào nói trên, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với bộ chức năng, cũng như sử dụng các công cụ để ổn định thị trường và trung hòa nguồn tiền.
Cụ thể, trước dòng chảy ngoại tệ lớn gắn với hoạt động thoái vốn tại doanh nghiệp của Nhà nước, cơ quan này đã phối hợp với Bộ Tài chính để điều tiết nguồn tiền đưa ra mua ngoại tệ. Công cụ tín phiếu liên tục được sử dụng để hút bớt tiền về.
Hoạt động trên diễn ra liên tục và ráo riết, tập trung mạnh ở hoạt động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, để trung hòa tác động nguồn tiền đến cân đối lãi suất, đặc biệt là đối với lạm phát.
Từ tháng 6/2017, thời điểm thị trường bắt đầu ghi nhận Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ, cung tín phiếu bắt đầu phát hành trở lại để thấm hút tiền về. Hoạt động này ròng rã từ đó đến nay, ráo riết hơn khi quy mô phát hành hàng ngày ban đầu chỉ 8.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, từ cuối 2017 đã xuất hiện dày hơn những phiên phát hành quy mô 14.000 tỷ đồng với kỳ hạn "nhốt tiền" giãn ra lên 14 ngày…
Về tổng thể, khác biệt trong hoạt động cân đối tiền này thể hiện rất rõ khi so sánh với cùng kỳ năm trước, cũng như đặt trong bối cảnh thị trường chuẩn bị bước vào mùa cao điểm chi trả cuối năm.
Cụ thể, cùng thời điểm này năm 2017, Ngân hàng Nhà nước giảm hẳn hoạt động hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu, khi số dư lượng tín phiếu lưu hành đầu tháng 1/2017 chỉ còn vỏn vẹn 8.000 tỷ đồng, xuống còn 3.000 tỷ đồng ngày 5/1/2017 và từ ngày 6/1/2017 số dư hút về ở kênh này về 0.
Còn nay, đầu 2018, với lượng ngoại tệ mua vào liên tục với khối lượng lớn, nhà điều hành đã phải ráo riết hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu, dù thời điểm Tết Nguyên đán đã đến gần - thời điểm nhu cầu tiền và thanh toán tăng cao. Và tính đến ngày 11/1, khối lượng lưu hành tín phiếu đã lên tới 50.000 tỷ đồng.
Ở một diễn biến liên quan khác, lãi suất VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong khoảng hai tuần trở lại đây đã tăng rất mạnh.
Trước đó, cuối 2017 thị trường liên ngân hàng ghi nhận lãi suất VND ở mức thấp, như qua đêm duy trì dưới mốc 1%/năm, phổ biến trong khoảng 0,82-0,85%/năm. Nhưng hai tuần qua đã nhanh chóng tăng mạnh, như lãi suất VND chào qua đêm đã lên tới 2,23%/năm vào cuối tuần này.
Bên cạnh hoạt động hút bớt tiền về ráo riết nói trên của Ngân hàng Nhà nước, thông thường vào cuối năm âm lịch và sát Tết Nguyên đán, nhu cầu VND cho thanh toán và chi trả tăng mạnh lên và phản ánh rõ ở lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.(Vneconomy)