Tin kinh tế đọc nhanh sáng 13-01-2018
Hội Môi giới Bất động sản: Giá đất nền Hà Nội tăng khoảng 10% năm 2017
Báo cáo Thị trường bất động sản Việt Nam 2017 vừa được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam công bố đã nhận định hầu hết giá trị đất nền tại các dự án Hà Nội đều biến động tăng khoảng 10%.
Cụ thể, khu vực quận Cầu Giấy: giá trung bình là khoảng 180 - 200 triệu đồng/m2. Khu vực quận Từ Liêm, Tây Hồ: giá trung bình 120 - 150 triệu đồng/m2.
Khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì: giá trung bình 25 - 50 triệu đồng /m2. Khu vực quận Long Biên, Gia Lâm: giá trung bình 30 - 50 triệu đồng/m2. Khu vực huyện Đông Anh: giá trung bình 30 triệu đồng/m2.
Với chung cư bình dân, Hội Môi giới Bất động sản cho biết loại hình này có mức tăng giá không nhiều. Theo tính toán, giá tăng so với cùng kỳ năm 2016 khoảng 5%. Giá bình quân chung cho loại hình này ở mức 22 triệu đồng/m2.
Căn hộ trung cấp, giá tăng so với 2016 khoảng 6%, giá bình quân ở mức 29 triệu đồng/m2. Căn hộ cao cấp và siêu cao cấp (trên 45/50 triệu đồng/m2): không tăng so với năm 2016.
Cũng theo Hội môi giới Bất động sản, năm 2017 Hà Nội có 54 dự án bất động sản chào bán sản phẩm, cung cấp cho thị trường 34.217 căn hộ, 950 căn biệt thự và 999 căn nhà phố.
Đại đa số sản phẩm nhà ở chào bán trong năm là căn hộ chung cư. Điều này nâng tỷ trọng nhà chung cư trong tổng nguồn cung mới nhà ở tại Hà Nội lên đến trên 90% tổng số nhà ở mới.
Trong năm, thị trường căn hộ tại thành phố ghi nhận nguồn cung lớn các căn hộ có mức giá phù hợp nhu cầu thị trường, có đến 60,1% sản phẩm có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, tập trung ở các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Đông Anh và Từ Liêm.
Phân khúc trung cấp từ 25 - 35 triệu đồng/m2, chiếm tỷ trọng khoảng 26,7%, tập trung chủ yếu tại các quận Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân.
Phân khúc cao cấp và siêu cao cấp có mức giá từ 35 - 45 triệu đồng/m2 chỉ chiếm khoảng 12,2 % nguồn cung tập trung ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và Tây Hồ.
Riêng phân khúc căn hộ siêu cao cấp trong năm qua chào bán mới có giá bán trên 45 triệu đồng/m2 tại Hà Nội chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp không đáng kể.
Tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư thành công tại thị trường Hà Nội trong năm 2017 đạt 20,776 căn.
Nhìn chung từ đầu năm 2017, lượng giao dịch chung cư ở Hà Nội tăng từ 3.624 giao dịch vào quý I lên 5.417 giao dịch vào quý II, 4.955 giao dịch vào quý III và tăng tương đối mạnh lên 6.780 giao dịch vào quý cuối năm 2017.
Lượng giao dịch có tụt giảm nhẹ vào quý III/2017 do thời gian vào tháng 7 Âm lịch và trùng với thời điểm đi du lịch, nghỉ ngơi của nhiều gia đình.
Đáng chú ý, lượng sản phẩm được giao dịch chủ yếu vẫn là căn hộ bình dân chiếm 52%, tiếp đến là căn hộ chung cư trung cấp có lượng giao dịch chiếm 42% tổng lượng giao dịch chung cư tại Hà Nội trong năm 2017.
Quý IV/2017 ghi nhận lượng sản phẩm biệt thự, liền kề và shophouse đã giao dịch được là 701 căn, các dự án tập trung ở các quận/huyện ngoại thành như quận Hà Đông, huyện Hoài Đức. Tính chung cả năm 2017, tổng lượng sản phẩm biệt thự, liền kề và shophouse tại Hà Nội đạt 1.096 giao dịch. (NDH)
------------------------------
Nhật sẽ buộc phải đón nhận ồ ạt lao động nước ngoài?
Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã họi Nhật (NIPSCR) ước tính rằng Nhật có thể mất thêm 2,7 triệu lao động trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025.
Ảnh: Nikkei
Trong bối cảnh lực lượng lao động Nhật ngày một thu hẹp, ngày một nhiều công ty phải trông chờ vào lao động người nước ngoài để có đủ người làm, đặc biệt nhóm doanh nghiệp hiện đang thiếu người lao động trầm trọng như doanh nghiệp ngành xây dựng hay an ninh.
“Chúng tôi đối diện với tình trạng thiếu lao động tồi tệ, chúng tôi cần nhanh chóng tuyển dụng thêm lao động nước ngoài”, chủ tịch tập đoàn Family Mart Holdings, ông Koji Takyanagi, nhận xét.
Số liệu của Bộ Y Tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật cho thấy tính đến cuối tháng 10/2016, hơn 1,08 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật. Trong số đó có khoảng hơn 30%, tương đương 360 nghìn người, đang làm việc cho những doanh nghiệp siêu nhỏ có quy mô ít hơn 30 người.
Tỷ lệ người nước ngoài trong tổng lực lượng lao động Nhật đồng thời tăng từ 1,1% lên 1,7% trong cùng thời gian trên. Dù tính trong tương quan toàn thị trường lao động, họ đóng vai trò ngày một quan trọng. Thế nhưng vị thế của họ càng nổi bật hơn trong những ngành thâm dụng lao động với đặc thù công việc vất vả mà người Nhật né tránh không muốn làm.
Trong ngành xử lý chất thải và ngành dịch vụ an ninh, tỷ lệ lao động nước ngoài hiện chiếm 3,7%, cao gấp đôi so với thời điểm tháng 10/2012. Trong ngành dịch vụ, thực phẩm và sản xuất, tỷ lệ lao động nước ngoài hiện đang hơn 3%.
Trong khoảng 4 năm gần đây, lĩnh vực sản xuất có thêm khoảng 90 nghìn người lao động; trong số đó có đến 77 nghìn người là người nước ngoài, tỷ lệ tương đương gần 90%.
Trong ngành bán buôn và bán lẻ, khoảng gần 70 nghìn, tức khoảng 67% người lao động đến từ nước khác ngoài Nhật. Ngành vận tải Nhật đang gặp nhiều khó khăn trong việc theo kịp tốc độ tăng trưởng ấn tượng của thương mại điện tử.
Lĩnh vực xây dựng Nhật, trong khi đó, vẫn mất đi 170 nghìn lao động dù số lượng lao động nước ngoài tăng thêm 28 nghìn người. Nhiều ngành khác như ngành giải trí cũng phải đối diện với tình trạng hàng chục nghìn người lao động bỏ nghề.
Theo tính toán của chuyên gia thuộc công ty chứng khoán BNP Paribas, ông Ryutaro Kono, ước tính có đến 210 nghìn người nước ngoài hiện đang lao động bất hợp pháp tại Nhật. Những con số đó có thể không được phản ánh trong thống kê của chính phủ. Ông cũng tin rằng việc đón nhận thêm nhiều lao động nước ngoài vào Nhật sẽ khiến mức lương nói chung tại Nhật sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên chính ôn Kono cũng khẳng định rằng việc có thêm nhiều lao động nước ngoài sẽ mang lại những lợi ích kinh tế không nhỏ. Nếu mỗi năm Nhật có thêm khoảng 100 nghìn lao động nước ngoài, GDP sẽ tăng trưởng thêm được 0,07%. Dựa theo tính toán của ông Kono, GDP sẽ tăng trưởng thêm 1% nếu xu thế tiếp nhận lao động nước ngoài tiếp diễn với tốc độ như hiện nay cho đến năm 2030.
Chắc chắn rằng nếu không đón nhận lao động nước ngoài, nước Nhật sẽ không thể có đủ người lao động. Từ năm 2000 đến năm 2016, số lượng đàn ông Nhật trong độ tuổi từ 15 đến 64 giảm 3,97 triệu. Cùng lúc đó, 2,93 triệu người già và khoảng 100 nghìn phụ nữ trong độ tuổi 15 đến 64 gia nhập thị trường lao động, vì vậy bù lại được khoảng 80% lượng lao động sụt giảm.
Thế nhưng Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã họi Nhật (NIPSCR) ước tính rằng Nhật có thể mất thêm 2,7 triệu lao động trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025. Những người già và phụ nữ không thể là nguồn bù đắp thiếu hụt lao động trong dài hạn.
Chỉ riêng trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe, nước Nhật sẽ thiếu khoảng hơn 1,5 triệu người lao động, thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 6 nghìn tỷ yên tương đương 54 tỷ USD, theo tính toán của chuyên gia Takuya Hoshino thuộc viện nghiên cứu Dai-ichi.
Lao động nước ngoài vào Nhật hiện nay vẫn đối diện với quá nhiều thách thức, đặc biệt nhóm tu nghiệp sinh và sinh viên. Số lượng các tu nghiệp sinh nước ngoài vào Nhật đã tăng khoảng 60% trong 4 năm gần đây lên mức 210 nghìn ở thời điểm mùa thu năm 2016.
Quy định của chính phủ Nhật hiện nay chỉ cho phép khoảng 5% vị trí trong công ty được phép tuyển thực tập sinh nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Nhật trong khi đó đã lạm dụng những quy định không rõ ràng liên quan đến việc phân định rõ ràng trách nhiệm của từng vị trí để ép tu nghiệp sinh làm việc trong điều kiện tồi tệ và mức lương thấp. (Bizlive)
----------------------------
Thặng dư thương mại Trung - Mỹ cao chưa từng thấy
Thặng dư thương mại năm 2017 của Trung Quốc với Mỹ đạt gần 276 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy - hãng tin Reuters dẫn số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 12/1 cho thấy.
Trước đó, kỷ lục cũ về thặng dư thương mại Trung - Mỹ được thiết lập vào năm 2015, ở mức 260,8 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là một vấn đề nhạy cảm chính trị trong quan hệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần phát tín hiệu sẽ có hành động cứng rắn đối với điều mà ông cho là chính sách thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc khiến Mỹ chịu thâm hụt khổng lồ.
Không chỉ có Mỹ mà nhiều quốc gia, khu vực khác trên thế giới cũng đang có mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Trung Quốc mở rộng hơn nữa cánh cửa thị trường cho các công ty Pháp.
Nếu tính bằng đồng USD, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,9% trong năm 2017, nhập khẩu tăng 15,9%. Cả năm, cán cân thương mại của nước này thặng dư 422,5 tỷ USD.
Những số liệu này cho thấy kinh tế Trung Quốc khép lại một năm khả quan, bất chấp những lo ngại trước đó. Sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã hỗ trợ nhiều cho kinh tế Trung Quốc, thông qua việc thúc đẩy nhu cầu đối với các hàng hóa và dịch vụ của nước này.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 11/1 cho biết kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2017, mức tăng cao hơn dự báo. Giới phân tích dự báo Bắc Kinh sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cho năm nay.
"Xuất khẩu của Trung Quốc có thể tiếp tục hưởng lợi từ sự phục hồi toàn cầu trong năm nay", chuyên gia kinh tế trưởng Ding Shuang của ngân hàng Standard Chartered ở Hồng Kông phát biểu. "Một sự bấp bênh lớn là khả năng xảy ra xung đột thương mại Trung-Mỹ".
Phát ngôn viên Huang Songping của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng lạc quan về triển vọng thương mại nước này trong năm 2018, nhưng nói rằng Trung Quốc khó giữ được tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai con số.
Cũng theo số liệu vừa được công bố, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã giảm 10,5% trong năm 2017 so với năm 2016.
Riêng trong tháng 12, mức giảm là 50,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên giảm 81,%, xuất khẩu giảm 23,4%.
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, sự suy giảm này phản ánh mối quan hệ đi xuống giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, trong bối cảnh Triều Tiên đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.(Vneconomy)
-----------------------
Hoa Kỳ kêu gọi chọn lựa Ấn Độ để thay thế thị trường Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ Kenneth Juster vạch ra đường lối chính trị cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ - định hướng lại mối quan tâm từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Ấn Độ liệu có thể thay thế được thị trường Trung Quốc trong mắt của các doanh nghiệp Mỹ. Ảnh minh họa AFP 2018/Dominique Faget
Khá nhiều công ty Mỹ đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, do đó họ buộc phải tìm kiếm những thị trường thay thế, — thông cáo báo chí Đại sứ quán Hoa Kỳ tại New Delhi trích dẫn lời tuyên bố của nhà ngoại giao Mỹ.
Đại sứ Kenneth Juster cho rằng, Ấn Độ có thể sử dụng cơ hội chiến lược này thông qua thương mại và đầu tư, để thay thế Trung Quốc và trở thành một trung tâm cho giới doanh nghiệp Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Một trong những nhiệm vụ của đại sứ là vận động, hỗ trợ lợi ích kinh doanh của nước mình ở nước sở tại. Trong khi đó, nỗ lực của ông Kenneth Juster đem Ấn Độ đối lập với Trung Quốc rõ ràng có nội dung chính trị.
Cụ thể là: sử dụng sự căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhằm thúc đẩy lợi ích kinh doanh của Mỹ trên thị trường Ấn Độ.
Thông điệp của đại sứ phù hợp với các mục tiêu mà Hoa Kỳ đặt ra trước các đối tác của mình trong "bộ tứ" Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Australia trong khi vạch ra chiến lược Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương.
Đây là việc hạn chế ảnh hưởng chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, kiềm chế Bắc Kinh trong những lĩnh vực khác nhau.
Tuyên bố của đại sứ Mỹ cũng là một bằng chứng gián tiếp thể hiện sự "yếu đuối" của người Mỹ trên thị trường Trung Quốc. Trong năm 2017 Hoa Kỳ thậm chí không thể tìm cách tiếp cận một trong những vấn đề cấp thiết do chính quyền Donald Trump đưa ra. Đây là việc giảm thâm hụt thương mại quá lớn với Trung Quốc. Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào thứ Sáu, ngày 12 tháng 1, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong năm 2017 đã lên mức kỷ lục — 8,6 %. Đây là 275,8 tỷ đô la. Dù kim ngạch xuất khẩu mặt hàng Mỹ sang Trung Quốc đã tăng 13,9% so với năm trước, nhưng vẫn duy trì được xu hướng chung.
Theo ý kiến của Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada Victor Supyan, trong tương lai gần Trung Quốc và Mỹ rất khó đạt được sự cân bằng trong cán cân thương mại song phương.
Xét theo mọi việc, điều đó giải thích tại sao đại sứ Hoa Kỳ phát tín hiệu cho giới kinh doanh Mỹ — để họ lựa chọn Ấn Độ làm thị trường thay thế Trung Quốc.
Chuyên gia Victor Supyan của Nga cho biết:
"Đến nay hai nước chưa thể đạt được sự cân bằng trong cán cân thương mại song phương, và nói chung, không có lý do nào để cho rằng điều này sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Mức thặng dư thương mại là quá lớn — gần 300 tỷ USD. Đây là khoản tiền rất lớn có chú ý đến tổng trị giá thương mại song phương là khoảng 600 tỷ đô la.
Có thể áp dụng những biện pháp nào để làm giảm thâm hụt? Ví dụ, nếu đồng NDT tăng mạnh thì sẽ hạn chế khối lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, dù Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc ngăn chặn các quy định của nhà nước về tỷ giá đồng Nhân dân tệ và làm cho nó thành đồng tiền tự do chuyển đổi, điều này không xảy ra.
Bắc Kinh điều chỉnh đồng nhân dân tệ để phục vụ lợi ích cua các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trên thực tế phục vụ lợi ích của người tiêu dùng Mỹ.
Hầu hết hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với sản phẩm tương tự sản xuất tại Mỹ. Do đó, không thể nói rằng thâm hụt thương mại chỉ gây ra các tác động tiêu cực đối với Hoa Kỳ.
Mặc dù Trump gọi tình trạng này là sự lệ thuộc vào Trung Quốc, là một rào cản đối với ngành sản xuất Mỹ, nhưng, có thể ghi nhận những kết quả kinh tế vĩ mô. Ví dụ, điều này kiềm chế lạm phát ở Mỹ".
Sản phẩm của nhiều công ty Mỹ đang hoạt động trên thị trường Trung Quốc được định hướng, trước hết, vào người tiêu dùng Mỹ. Chắc là, đại sứ Mỹ tại Ấn Độ không chú ý đến thực tế này, vì nếu biết về điều đó thì nên thận trọng hơn khi phát tín hiệu cho các công ty Mỹ lựa chọn Ấn Độ để thay thế thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, khi bình luận về lời tuyên bố của đại sứ Mỹ các nhà quan sát lưu ý rằng, thay vì làm trầm trọng thêm xung đột thương mạivới Trung Quốc, Hoa Kỳ nên chú ý đến các hợp đồng thương mại rất hấp dẫn tổng trị giá 250 tỷ USD đã được ký kết trong thời gian Tổng thống Donald Trump ở thăm Trung Quốc.
Chuyên gia Victor Supyan nhấn mạnh:
"Tức là, ông Trump hiểu rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai quốc gia là rất lớn và rất quan trọng, vì thế không nên làm trầm trọng thêm tình hình bằng những biện pháp khắc nghiệt.
Nếu bỏ qua khía cạnh chính trị trong tuyên bố của đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, thì phải nói rằng, về khả năng huy động vốn đầu tư và trình độ công nghệ thị trường Ấn Độ ngày nay vẫn còn thua kém đáng kể so với thị trường Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tạo ra những cơ hội thương mại và đầu tư lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, chỉ có những người ngây thơ mới có thể gọi Ấn Độ là một trung tâm thương mại và đầu tư dành cho các các công ty Mỹ và có thể thay thế thị trường Trung Quốc ".(Bizlive)