TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-01-2018

    Indonesia lên kế hoạch nhập khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam

    Ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita cho biết Chính phủ nước này quyết định nhập khẩu 500.000 tấn gạo bổ sung vào nguồn cung nội địa để kiềm chế giá gạo tăng.

    indonesia len ke hoach nhap khau gao chat luong cao cua viet nam

    Indonesia lên kế hoạch nhập khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam

    Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, số gạo nói trên dự kiến sẽ được nhập từ Việt Nam và Thái Lan và là loại gạo chất lượng cao để không làm ảnh hưởng tới nông dân và tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, vốn sản xuất loại gạo bình thường.

    Hiện dự trữ gạo của Indonesia ở mức 950.000 tấn, nhưng phần lớn là gạo chất lượng thấp (dùng để trợ cấp cho người nghèo), trong khi đó lượng gạo dự trữ cho mục đích thương mại chỉ là 11.000 tấn.

    Bộ trưởng Lukita cho biết thêm việc nhập khẩu gạo sẽ được tiến hành từ cuối tháng Một này cho đến khi thu hoạch mùa vụ tới vào khoảng tháng Hai và tháng Ba.

    Chính phủ Indonesia có kế hoạch bán số gạo nói trên với mức giá trung bình mà không tính đến giá nhập khẩu.

    Trước đó, Phó Tổng thống Jusuf Kalla cũng đã từng yêu cầu Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia BULOG cân nhắc việc nhập khẩu gạo để giảm giá gạo trong nước.

    Theo Trung tâm Thông tin giá lương thực chiến lược quốc gia Indonesia (PIHPSN), hiện nay giá gạo trung bình tại nước này đang ở mức 14.100 rupiah/kg (tương đương 1 USD/kg).

    Mức giá giữa các vùng khác nhau ở Indonesia có chênh lệch, Tây Papua có giá gạo cao nhất với 14.250 rupiah/kg và giá gạo thấp nhất là ở Tây Nusa Tanggara với mức hơn 9.700 rupiah/kg.(TTXVN)
    --------------------------------------

    Đồng euro về đỉnh 3 năm sau tiến triển chính trị ở Đức

    Đồng euro tăng giá so với các đồng tiền mạnh khác hôm 12/1 và lên đỉnh 3 năm so với đồng USD sau khi Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Đảng Dân chủ Xã hội đối lập đạt thỏa thuận khung để thành lập chính phủ liên minh.

    Đồng euro về đỉnh 3 năm sau tiến triển chính trị ở Đức

    Ảnh minh họa.

    Chỉ số ICE U.S. Dollar, so sánh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền mạnh khác (EUR, JPY, CAD, GBP, SEK, CHF), giảm 1% về 90,393 điểm. Tính cả tuần, chỉ số này giảm 1,1%. Đây là tuần giảm thứ tư liên tiếp và mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 tuần.

    Trong khi đó, chỉ số WSJ U.S. Dollar, đo lường sức mạnh đồng USD với 1 rổ gồm 16 đồng tiền khác, giảm 0,7% xuống 84,78 điểm. Tính cả tuần, chỉ số này giảm 1,1%.

    Đồng euro tăng vọt hơn 1% so với đồng bạc xanh từ 1,2034 USD cuối phiên thứ Năm tại thị trường New York lên mức 1,2195 USD – cao nhất kể từ cuối tháng 12/2014. Tính cả tuần, đồng tiền chung tăng giá 1,4% so với đồng USD.

    Đồng bảng Anh cũng lên mức cao nhất kể từ khi Anh bỏ phiếu chọn rời EU tháng 6/2016. Đồng bảng giao dịch ở mức 1,3733 USD cuối phiên thứ Sáu so với 1,3539 USD hôm thứ Năm. Tính cả tuần, đồng bảng tăng 1,2%.

    So với đồng yên Nhật, đồng USD tăng giá lên mức 111 yên so với 111,26 yên hôm thứ Năm. Tính cả tuần, đồng bạc xanh mất giá 1,8% so với đồng yên.

    Đồng euro tăng mạnh ít giờ sau khi Đảng CDU trung hữu của Thủ tướng Angela Merkel đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với đang trung tả SPD. Bà Merkel đã thắng cử trong cuộc bầu cử tháng 9 năm ngoái với mức thiểu số, nhưng kể từ đó vẫn chưa đạt được một liên minh cầm quyền.

    Đà tăng mạnh của đồng euro khiến chỉ số ICE USD giảm dù chỉ số này phục hồi đôi chút sau khi một số số liệu kinh tế Mỹ được công bố. Lạm phát cơ bản tăng 0,3% trong tháng 12. Tính cả năm, lạm phát Mỹ tăng 1,8% so với 1,7% trước đó. Ngoài ra, doanh số bán lẻ tăng 0,4% trong tháng 12, thấp hơn dự báo tăng 0,5% của MarketWatch.

    Giới phân tích cho rằng số liệu lạm phát sẽ là một dấu hiệu nữa để dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay vào tháng 3.

    Trong một diễn biến khác, các bộ trưởng tài chính của Tây Ban Nha và Hà Lan nhất trí ủng hộ một Brexit trong yên bình, và tin này đã giúp đồng bảng Anh tăng giá. Một cuộc rời bỏ EU trong yên bình đồng nghĩa Anh sẽ duy trì quan hệ mật thiết với đối tác thương mại lớn nhất của mình.(Bizlive)
    -------------------------

    Tái khởi động dự án lọc dầu Vũng Rô gần 3,2 tỷ USD

    Chiều 11/1, Cty TNHH Dầu khí Vũng Rô đã ký thỏa thuận hợp tác cùng Cty DenimoTech (Đan Mạch), để xây dựng nhà máy sản xuất chất kết dính bitum (nhựa chống thấm, nhựa đường) tại khu vực dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Nhà máy có công suất chế biến khoản 12.000 tấn ở giai đoạn 1 và tăng lên 30.000 tấn ở giai đoạn 2. Sản phẩm gốc bitum nhà máy làm ra ngoài phục vụ nhu cầu trong nước còn hướng tới xuất khẩu.

    Dự án này được triển khai hướng tới sẽ sử dụng các chế phẩm từ Nhà máy lọc dầu Vũng Rô để sản xuất bitum. Tuy nhiên, ông Rene Ziegler, Tổng Giám đốc Cty DenimoTech cho biết, trước mắt nhà máy sẽ nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm nhựa phục vụ thi công cầu đường. Theo ông Rene Ziegler, giai đoạn 1 của nhà máy dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào năm 2019; giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

    Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2013, với công suất 8 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư gần 3,18 tỷ USD.(Tienphong)
    --------------------------

    Mỹ có thể nâng thuế nhập khẩu thép và điều chỉnh hạn ngạch

    Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ năm cho biết đã hoàn thành công tác điều tra xem việc nhập khẩu một số sản phẩm thép có nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia hay không. Đồng thời, cơ quan này đã gửi bản kết luận tới Tổng thống Donald Trump.

    Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại cho biết trong 90 ngày tới, ông Trump có thể đưa ra bất cứ phán quyết nào đối với kết quả điều tra và rất có thể dẫn đến việc áp thuế chống bán phá giá diện rộng và điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu.

    Phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters cho biết ông Trump sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm thích hợp.

    Hồi tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ ban hành điều khoản 232 về việc nhập khẩu sắt, thép. Bộ trưởng Thương mại - Wilbur Ross ban đầu dự định công bố bản kiến nghị vào cuối tháng 6 song sau đó hoãn lại do trùng hợp với sự kiện hội nghị thượng đỉnh G20 và tọa đàm song phương Mỹ-Trung. Đến tháng 7, ông Trump cho biết quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi các vấn đề quan trong khác như cải cách thuế, chính sách chăm sóc sức khỏe được giải quyết.

    Năm 2016, lượng thép nhập khẩu của Mỹ giảm mạnh do nước này áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp giá đối với sản phẩm thép từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. Tuy nhiên đến năm 2017, thép nhập khẩu tăng 15,5%, theo Viện Sắt thép Mỹ.

    Hồi tháng 8, giám đốc từ 25 công ty thép của Mỹ trong đó có Nucor, U.S.Steel, ArcelorMittal và Commercial Metals đã gửi thư khiếu nại tới tổng thống Donald Trump và yêu cầu áp lệnh hạn chế nhập khẩu thép. Họ cho rằng thép nhập khẩu vào Mỹ gây ảnh hưởng tới tới ngành thép nội địa và an ninh quốc gia.

    Ông Trump cam kết sẽ có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ công nhân ngành thép trong nước, không để họ mất việc làm vì thép nhập khẩu. Tuy nhiên, đây lại là chủ đề gây tranh cãi giữa những nhà chức trách ủng hộ việc hạn chế nhập khẩu thép Trung Quốc và những người chuộng những chính sách thận trọng.

    Các nhà phê bình cho rằng nếu lấy lý do an ninh quốc gia để nâng thuế nhập khẩu thép có thể gây ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc.(NDH)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn